* Nụ cười vào tương lai – Photo Inrajakha.
Tôi với TS Thành Đài là bạn đồng môn, cùng Trường Trung học Pô-Klong – Ninh Thuận cũ. Anh học sau tôi ba lớp. Khoảng năm 1987, anh được học bổng qua Ukraina du học lấy bằng Tiến sĩ Chính trị học. Chúng tôi quen nhưng không thân. Sau này, dù có trao đổi thư điện tử qua lại vài lần, nhưng do hoạt động ở lĩnh vực khác nhau, nên sau đó chúng tôi ít liên lạc.
Từ năm 2007, khi nhận thấy các “tranh luận” – qua thư điện tử của anh em Cham cả trong nước lẫn hải ngoại – chẳng những không giải quyết được vấn đề, mà nguy cơ làm cho xã hội Cham phân hóa thêm, tôi delete mọi email gửi “chung” ấy. Chỉ khi email do người thân tín gửi, tôi mới đọc. Đa phần trong đó, tôi hiếm khi trả lời, khi chuyện cũ được xới lên; cho dù chuyện đó có liên quan đến tôi hay bài viết tấn công trực tiếp cá nhân tôi, tôi vẫn giữ thái độ bàng quan.
Sau lần “Cải chính nhỏ với Ja Intan” là anh họ thân thiết của tôi (Inrasara.com, 15-8-2010), lần nữa “Về Danh sách vinh danh những đóa hoa Champa” của ca sĩ Chế Linh là người khá thâm tình với tôi, để giải thích lí do tôi không tham dự Hội nghị Bàn tròn do anh đề xuất (Inrasara.com, 15-12-2010), đây là lần thứ ba tôi minh định với bà con cùng anh chị em Cham vấn đề liên quan đến cộng đồng. Chỉ như một cung cấp tư liệu cần thiết, và nếu được, mọi người hiểu và cảm thông nhau ở mức độ nào đó có thể.
*
Về “Hội luận II” – theo thông tin qua thư điện tử – sẽ được tổ chức vào đầu tháng 9-2012, TS Thành Đài có gửi thư đến tôi cùng 97 địa chỉ email khác, xin trích hai đoạn:
TS Thành Đài viết:
“Vấn đề “cái gọi là không đoàn kết của dân tộc Chăm” xuất phát từ hai nhân vật Chăm mà ra với hệ lụy của nó: thứ nhất là Po Dharma với tinh thần dân tộc “đố kỵ và bệnh hoạn”, và nhân vật thứ hai là Phú Trạm (Inrasara) với tinh thần dân tộc “vô tư và lành mạnh”. Nhóm Po Dharma bao gồm các con đẻ của ông ta (IOC-Champa, hệ thống Champaka) thề sống chết với nhóm BBSSCC (Ban Biên soạn sách chữ Chăm) mà chủ yếu là vai trò và tầm ảnh hưởng của Inrasara, một nhân vật Chăm xuất chúng có thể đủ sức làm mù mờ danh giá Po Dharma vốn muốn trở nên nổi tiếng một mình”.
Sau đó TS Thành Đài trích đoạn bài viết của Ja Karo:
“Lĩnh vực chủ yếu của họ (Ban Biên soạn sách chữ Chăm) là văn hoá nghệ thuật chủ yếu diễn đàn ngôn ngữ, thơ văn phản ánh tâm tư, tình cảm qua ngòi bút nghệ thuật dưới sự kiểm soát nội dung bởi an ninh của Nhà nước Việt Nam [ám chỉ nhà thơ văn Phú Trạm]” (chữ trong ngoặc vuông in đậm là do TS Thành Đài thêm).
Có mấy điểm cần minh định như sau:
1. Po Dharma & Inrasara
Tôi cảm ơn TS Thành Đài về nhận định tốt anh dành cho cá nhân tôi, còn phần về Po Dharma (từ nay xin được viết tắt là PD), tôi không ý kiến. Dĩ nhiên trong các vấn đề xã hội, người viết có quyền đối chiếu so sánh sự kiện này với sự kiện khác, nhân vật này với nhân vật kia. Ở sự việc này, khi anh đặt tôi làm đối trọng với PD, thì vô hình trung, hố ngăn cách giữa tôi và PD càng bị đào sâu thêm, tôi nghĩ nó không có lợi cho cộng đồng. Bởi thực tình tôi rất ít quan tâm đến cá nhân PD và việc làm của ông ấy.
Dẫu sao, ở khía cạnh này tôi vẫn tôn trọng ý kiến của anh.
2. Inrasara và Ban Biên soạn sách chữ Chăm (BBS)
Tôi có thời gian bốn năm làm việc tại BBS (1982-1986). Công việc chính là kế toán, chuyên môn chỉ là phụ. Ở BBS, tôi không tham gia vào “chuẩn hóa” chữ Cham. Sau này, năm 1992, khi vào Đại học Tổng hợp TPHCM biên soạn Từ điển Chăm – Việt, theo thói quen, tôi vẫn sử dụng lối viết được dùng trong Từ điển G. Moussay. Thế nhưng, tôi tôn trọng và không chống lại “chuẩn hóa” của BBS, vì tôi đặt nặng TIẾNG NÓI hơn chữ viết. Có thể vài người không đồng ý với quan điểm và thái độ này, nhưng xin hãy tạm cho qua.
Sau khi tôi nghỉ việc ở BBS, lúc cần thiết, tôi vẫn hỗ trợ anh em tùy điều kiện và khả năng của mình. Còn phần việc ở Ban Thẩm định sách Giáo khoa dân tộc của Bộ, chuyên trách về sách tiếng Cham, tôi chỉ được mời đến để góp ý về kiến thức chính tả, ngữ pháp, và cách hành văn trên bản thảo có sẵn; ngoài ra không gì thêm. Ban này chỉ làm việc mang tính thời vụ.
“Vai trò” của tôi ở BBS là có, nhưng rất nhỏ. Còn “tầm ảnh hưởng” của nó ra sao thì tôi không biết được. Cho nên, khi TS Thành Đài cho PD là đối thủ “sống chết” với BBS, mà ở đó tôi như người có “vai trò và tầm ảnh hưởng” lớn, nên anh đặt tôi làm đối trọng PD. Làm như thế, tôi e là không chuẩn xác.
Sự “không chuẩn xác” này, theo tôi, là hệ quả của câu chuyện sau.
3. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban Biên soạn sách chữ Chăm (BBS)
Ja Karo viết: Lĩnh vực chủ yếu của BBS là “văn hoá nghệ thuật chủ yếu diễn đàn ngôn ngữ, thơ văn phản ánh tâm tư, tình cảm qua ngòi bút nghệ thuật”.
Đây là nhận định sai. Nhiệm vụ của BBS là soạn sách giáo khoa tiếng Cham cho học sinh Cham cấp tiểu học, theo dõi việc dạy và học. Họ không là “diễn đàn ngôn ngữ”. Trước 1982, vì nhu cầu soạn sách, họ có nghiên cứu ngôn ngữ, chủ yếu để viết tiếng Cham “chuẩn”. Từ thời Nguyễn Văn Tỷ làm Trưởng ban (1984), riêng lĩnh vực ngôn ngữ, họ không làm gì khác hơn. BBS càng không làm “văn hóa nghệ thuật,… thơ văn”. Thơ văn là thơ văn cho trẻ con, chỉ giới hạn trong phạm vi sách giáo khoa như đã nêu.
Chính vì nhấn mạnh vào nhiệm vụ của BBS chủ yếu là “văn hóa nghệ thuật,… thơ văn” trong bài viết của Ja Karo, cho nên TS Thành Đài mới suy diễn rằng Inrasara có “vai trò và tầm ảnh hưởng”, đơn giản vì tôi làm thơ văn. (Xin mở ngoặc ở đây: về chi tiết TS Thành Đài cho tác giả Ja Karo thuộc nhóm Champaka, hay là chính PD, đúng hay sai – tôi không ý kiến).
4. Về chuyện liên quan đến “an ninh Nhà nước Việt Nam”
Ja Karo viết: “Lĩnh vực chủ yếu của họ (BBS) là văn hoá nghệ thuật chủ yếu diễn đàn ngôn ngữ, thơ văn phản ánh tâm tư, tình cảm qua ngòi bút nghệ thuật dưới sự kiểm soát nội dung bởi an ninh của Nhà nước Việt Nam [ám chỉ nhà thơ văn Phú Trạm]” (chữ trong ngoặc vuông in đậm là do TS Thành Đài thêm).
Ở đây cả hai có nhầm lẫn:
– Ja Karo đề cập đến “an ninh của Nhà nước Việt Nam” “kiểm soát nội dung” BBS, theo tôi là hơi lệch. Bộ Giáo dục và Đào tạo mới là cơ quan chỉ đạo nội dung BBS, trực tiếp giám sát là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận.
– Việc TS Thành Đài cho là Ja Karo nhắc đến “an ninh Việt Nam” là “ám chỉ nhà thơ Phú Trạm” (tức Inrasara) chỉ là cách suy diễn. Ja Karo viết rất rõ, theo tôi – tác giả này không ám chỉ ai cả. Còn nếu ý Ja Karo đúng như TS Thành Đài suy diễn, thì rất sai với thực tế. Tại sao?
5. Cá nhân Inrasara: không bằng cấp, không địa vị xã hội, không tôn giáo (tôi chỉ thờ phượng Muk Kei Ông bà Tổ tiên như nhiều người Cham khác), không là cán bộ Nhà nước ăn lương, nhất là với Nhà nước Việt Nam hiện nay, tôi không là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tôi là trí thức độc lập và là nhà văn tự do.
Cho nên, 1. Tôi không có nhiệm vụ bảo vệ một cơ quan Nhà nước là BBSSCC, và 2. An ninh của Nhà nước Việt Nam không dại gì phân công tôi “kiểm soát” một cơ quan phụ trách giáo dục như BBS!
*
Hiện nay và tương lại gần, các vấn đề tôi quan tâm là:
– Thứ nhất, tiếng Cham hàng ngày đang bị suy thoái; tỉ lệ nói độn tiếng Việt ngày càng cao. Từ đó tôi có ý định [và đang tiến hành soạn] 5.000 từ vựng Việt – Cham thông dụng, dự kiến phát không hay bán rẻ cho bà con; tập cho bà con NÓI tiếng mẹ đẻ trở lại.
– Việc thứ hai là đi sâu vào lòng đời sống thực Cham. Môi trường nông thôn Cham bị phá vỡ, nam thanh niên tràn vào thành phố, người nữ bỏ làng đi làm các nghề phổ thông chịu bao nhiêu bất trắc khôn lường. Đời sống Cham xáo trộn, tinh thần con người đầy lo âu…
– Tìm hiểu chuyển biến về dự án Điện hạt nhân ở quê nhà bên cạnh tác động của dự án đến tâm lí và đời sống cộng đồng Cham. Mỗi ngày, tôi theo dõi thông tin về ĐHN trên khắp thế giới, đến nỗi tôi trở thành “chuyên gia về tình hình ĐHN cấp quốc tế” [có bạn nói đùa vậy] lúc nào không hay!
– Cuối cùng là viết tiểu thuyết về thảm trạng “quê hương tan rã” mà tôi đã dự cảm từ vài chục năm trước, đến nay đang diễn ra hiện tiền, như là cách ghi lại một mảnh kí ức cộng đồng.
Vậy thôi, tới đâu hay tới đó.
Do đó, dù tôi có theo dõi sinh hoạt của bà con Cham hải ngoại, cả sinh hoạt anh chị em Cham ở Sài Gòn; và dù có biết tạp chí hay website Cham đây đó đã viết gì, nhân vật này phản bác nhân vật kia ra sao, ông bạn nọ vừa ra cuốn sách nào đó… Tất cả tôi có biết, nhưng tôi không tham dự; tôi có mua, nhưng chỉ lướt qua mục lục, và cất để dành.
Từ năm 2007 (50 tuổi – tuổi “biết mệnh trời”, như Đức Khổng nói) tôi không lên tiếng chống bất cứ sinh thể Cham nào, cho dù người ấy có phản bác tôi bất công tới đâu đi nữa. Nếu thấy cần thiết, tôi có vài giải minh; không thì im lặng. Vì tôi có hướng đi khác. Ngay cả lĩnh vực thời gian gần đây tôi thích thú theo dõi là thơ Việt đương đại, tôi cũng đang nhạt dần. Để tập trung cho bốn quan tâm trên.
Vài dòng minh giải và tâm sự, rất mong mik wa adei xa-ai hiểu và tha thứ!
Cảm ơn TS Thành Đài, đwa karun grơp drei!
Tadhuw kajap karo thuk siam abih drei
Inrasara
Sài Gòn, 24-8-2012
_____
Phụ lục
Nguyên văn thư TS Thành Đài, 6:44PM, 23-8-2012
“Theo tôi, dân tộc Chăm (cả trong và ngoài Việt Nam), với cái nhìn trong tinh thần lạc quan, toàn cục và toàn diện của mình, thì dân tộc Chăm không có vấn đề trầm trọng, lôi thôi và hề hấn gì, họ vẫn luôn giữ tinh thần và tình cảm đoàn kết gắn bó nhau từ bấy lâu nay đấy chứ. Hơn nữa, họ vẫn luôn luôn tha thiết, quan tâm và xúc tiến đến sự duy trì, củng cố bản sắc, dân trí và đời sống dân tộc Chăm mình đấy chứ.
Qua lăng kính và suy xét của mình, tôi có thể nói rõ ra đây, vấn đề “cái gọi là không đoàn kết của dân tộc Chăm” xuất phát từ hai nhân vật Chăm mà ra với hệ lụy của nó: thứ nhất là Po Dharma với tinh thần dân tộc “đố kỵ và bệnh hoạn”, và nhân vật thứ hai là Phú Trạm (Inrasara) với tinh thần dân tộc “vô tư và lành mạnh”. Nhóm Po Dharma bao gồm các con đẻ của ông ta (IOC-Champa, hệ thống Champaka) thề sống chết với nhóm BBSSCC (Ban Biên soạn sách chữ Chăm) mà chủ yếu là vai trò và tầm ảnh hưởng của Inrasara, một nhân vật Chăm xuất chúng có thể đủ sức làm mù mờ danh giá Po Dharma vốn muốn trở nên nổi tiếng một mình.
“Dân tộc Chăm không đoàn kết” ư? Theo tôi là dân tộc Chăm không thể đoàn kết nổi với Po Dharma, với IOC-Champa và với hệ thống Champaka, chứ thực chất không phải là những người dân Chăm (tức các cộng đồng Chăm) không đoàn kết với nhau, như nhóm Po Dhrama thường hay ta thán và kêu ca.
Tôi không đồng tình với Po Dharma về quan điểm và hành xử cho dân tộc Chăm, chỉ vì lý do, ông ta luôn luôn lấy hằn thù cá nhân của chính mình vốn có từ lâu với chế độ cộng sản và chính quyền Việt Nam, để giải quyết vấn đề chung của toàn dân tộc Chăm. Tôi cho là rất nguy hại và đe dọa đến sự sống còn và tồn vong chung của dân tộc Chăm.”
Thành Đài
*
Đọc tham khảo thêm đoạn viết sau [của Ja Karo, Champaka.info]:
“Ban Biên soạn soạn chữ Chăm (BBSSCC) cũng có thể xếp vào cơ quan đại diện cho trí thức Chăm trong nước được nhà nước Việt nam trưng dụng. Ban này gồm những nhân vật Chăm có ảnh hưởng ở trong nước.
• Ưu điểm: BBSSCC có được nhiều quyền lợi và quyền lực từ Chính phủ Việt Nam qua các dự án, công trình về Chăm. Họ có công tham gia bảo tồn và phát triển văn hoá Chăm một cách chính thống và hợp pháp theo định hướng phát triển và chỉ đạo của Nhà nước Việt Nam. Lĩnh vực chủ yếu của họ là văn hoá nghệ thuật chủ yếu diễn đàn ngôn ngữ, thơ văn phản ánh tâm tư, tình cảm qua ngòi bút nghệ thuật dưới sự kiểm soát nội dung bởi an ninh của Nhà nước Việt Nam [ám chỉ nhà thơ văn Phú Trạm] (chữ trong ngoặc vuông và in đậm là do Thành Đài thêm vào).
(…) TS Thành Đài gửi hết bài của Ja Karo.
Pingback: Tin thứ Bảy, 25-08-2012 « BA SÀM
Pingback: Thứ bảy (25/08/2012) | Bồ câu đen
Ts.Thanhdai ca tụng Inrasara là người Chăm xuất chúng, nhiều người được ca ngợi sẽ mừng nhảy cẩng lên. Nhưng nhà thơ Inrasara khi thấy sự ca ngợi đó không có lợi cho cộng đồng, anh vẫn chỉnh lại Ts.Thanhdai. Anh đã chỉnh rất ư là văn minh. Đúng là một trí thức thứ thiệt.
Dầu sao tôi thấy Ts.Thanhdai nói đúng mấy điểm sau:
1/- Inrasara có ảnh hưởng lớn đến dân tộc Chăm, trong đó ảnh hưởng lớn đến Ban biên soạn chỉ là chuyện nhỏ. Anh Inrasara không nhận, không phải anh khiêm tốn, mà do anh thấy nói như Ts.Thanhdai là không có lợi. Thông minh!
2/- P Dharma gai nhà thơ Inrasara là thật. Gai là có lý, vì người biết chọn đối thủ có tầm mới là người thông minh. (Chỉ khi cố ý hại nhau mới dở). Nhà thơ Inrasara muốn nói tránh đi, nhưng trong thâm tâm anh vẫn công nhận Ts.Thanhdai nói đúng. Inrasara ít chú ý tới PD và việc làm của ông ta, là tôi thấy nhà thơ Inrasara nói thật.
Dẫu sao phải công nhận Ts.Thanhdai nói đúng. Nói THẬT quá nên không có lợi.
Còn nhà thơ Inrasara lái câu chuyện sang hướng khác là cực kỳ thông minh.
Nhà thơ Inrasara là người tốt, nói như Ts.Thanhdai là “vô tư và lành mạnh”.
Pingback: Tin thứ Bảy, 25-08-2012 | Dahanhkhach's Blog
À, tôi xin viết thêm 1 ý quan trọng.
Ts.Thanhdai suy diễn ý của Ja Karo về “an ninh Việt Nam” là rất sai. Tác giả không có ám chỉ gì đâu.
Hay lắm wa, cần có những minh định để đọc giả và những người trong mail list biết. Như thế sẽ giúp hiểu nhau hơn và để người khác hiểu mình hơn.
—
Những việc wa đang thực hiện là những việc thiết thực nhất cho cộng đồng hiện nay.
Bài này trang Anhbasam tô màu đỏ, tức là bài quan trọng. Tôi đọc, thấy nó quan trọng thật sự. Theo ý tôi, bài như thế này rất rất rất là cần thiết cho cộng đồng người Chăm ngày nay. Nhà thơ Inrasara ngại va chạm anh em Chăm nhưng tôi thấy cách hành văn của anh biểu hiện con người là rất có tâm. Nếu anh “minh định” với ai tôi tin là không ai giận anh cả. Ngay anh Thành Đài tôi cho là anh ta cũng không bao giờ phiền hà nhà thơ Inrasara, mà có khi còn cảm thông cho Inrasara nữa. Cách giải thích của anh rất dễ hiểu và dễ chấp nhận. Nhà thơ Inrasara tài năng và có ảnh hưởng lớn (không chỉ trong xã hội Chăm mà cả xã hội người Việt Nam) thì ai cũng công nhận, bên cạnh đó anh còn là người có tâm có tầm. Anh nên dùng tâm và tầm đó giải thích các khúc mắc về vấn đề xã hội Chăm, thì tôi nghĩ rất là có ích.
Vài lời tâm tình mong anh em hiểu.
Nhất trí cao với Tiến sĩ Thành Đài là Inrasara ảnh hưởng rộng lớn tới công đồng người Chăm. Trong văn học Việt Nam, có người đã không ngại ngần cho Inrasara là một trong ba nhân vật có ảnh hưởng hàng đầu. Tôi cũng nhất trí với tiến sĩ Thành Đài rằng Inrasara là nhân vật có tinh thần dân tộc lành mạnh.
Nhưng điều đáng quý nhứt nơi Inrasara theo cá nhân tôi là sự đi sâu và ưu tư cho cộng đồng.
Tiến sĩ Thành Đài suy diễn là một tác giả nào đó nói về chuyện “an ninh”, là đều có ý của anh ấy (Ý anh nói tại sao một người như Inrasara lại có người Chăm gán cho cái nhãn mác ấy).
Bác Inra nghĩ thế nào khi có người Chăm phê bình chê bai thơ bác? Thơ bác thuộc chuyên môn cao khó tiếp cận. Như cháu đây trình độ đại học hẳn hoi cũng cảm thấy rất khó. Hơi hoang mang, khi thấy có người không có tiếng tăm về văn học mà lên tiếng chê bai thơ bác. Cho nên cháu rất muốn bác Inra “giải minh” như bác thường dùng từ này. Làm sao giản dị dễ hiểu, như bài trên đây.
Kính bác
Cháu
Xin lỗi bạn S.A., bạn viết phản hồi ca ngợi nhà thơ Inrasara bên cạnh tấn công cá nhân Tiến sĩ Thành Đài, nên BBT cảm phiền bạn là KHÔNG duyệt được.
Pingback: Inrasara: Minh định về bức thư của Tiến sĩ Thành Đài | Gilaipraung
Tôi thường không tham gia vào những chuyện ngoài tầm tay mình. Nhưng bài “Minh định…” của SARA đọc hấp dẫn lắm, nên tôi cũng “phản hồi “đôi dòng. Sức hấp dẫn đó chính là sự điềm tĩnh đúng mực của nhà thơ khi bị tấn công. Trước cái to tát, động trời đầy hệ lụy (vòng nguyệt quế “xuất chúng”, vấn đề “an ninh”, “dân tộc Cham không đoàn kết”, đối trọng…), Nhà thơ đã “minh định” tự nhiên, chân thực, lôgic và ôn hòa. Có lẽ đó là một biểu hiện văn hóa ứng xử của dân tộc Cham! Tôi cảm thấy anh bận bịu với quá nhiều công việc. Thời gian vật chất dành cho thơ? Thế mà vẫn có thơ (nhất là thơ tình) hay. Chúc mừng INRASARA. Xin chúc nhà thơ và gia đình khỏe, hạnh phúc.
Quý mến. HQP.
Bác Hoài Quang Phương ở đâu mà hiểu bác Inra sâu sắc thế nhỉ? Bác Inra điềm tĩnh lạ thường, dù bị tấn công ác liệt tới đâu. Hay cho dẫu có ai ca ngợi tới đâu. Em nhớ là 7-8 kì bảo vệ Luận văn thạc sĩ về bác, nhưng bác chưa đến dự lần nào. Nhà thơ khác thì nở mũi khỏi nói…
Ts Po Dharma là nhà Khoa học rất nổi về Lịch sử Champa, được rất nhiều giới khoa học trong và ngoài người kính nể và người Chăm kính trọng ái mộ. Tuy nhiên ông là con người khá nóng nảy, không biết tiếp thu các ý kiến góp ý từ phía người đồng tộc. Cụ thể bài viết của ông Đạo Văn Chi có bài phân tích khá sâu sắc hơp tình hơp lí về Champakainfo và Ts Po Dharma hành động cũng như việc làm trong thời gian vừa qua. Sau đó vị Tiến sĩ Chăm này nhân danh BBT Champakainfo dành bốn trang giấy phản hồi cho bài viết Đạo Văn Chi với bao ngôn từ thô thiện hạ bệ anh Chi một cách vô ý thức. Qua đây người Chăm có hiểu hơn về Champakainfo và Po Dharma .