Inrasara: Sử thi làm giàu nền văn học đa dân tộc Việt Nam

* tạp chí Tia sáng, 20-8-2012, web Hội Nhà văn TPHCM

* Nụ cười Cham thế hệ mới – Photo Inrajakha.

1. Truyền thống văn học người Kinh thiếu sử thi, đó là sự thiếu khuyết của một nền văn học lớn. Bù lại, các dân tộc thiểu số anh em khác trên đất nước đa dân tộc Việt Nam, thể loại văn học dài hơi này thì vô số. Dẫu sao, đó chỉ là sử thi truyền miệng mới được các học giả người Pháp, sau đó là người Việt tiến hành sưu tầm, ấn hành và nghiên cứu trong thời gian trên dưới trăm năm nay. Riêng người Chăm thì khác. Dân tộc có nền văn minh phát triển sớm và khá cao này đã có sử thi được văn bản hóa từ đầu thế kỉ thứ XVII.

Ngay từ cuối thế kỷ thứ IV, chữ Chăm cổ khắc trên bia Đông Yên Châu (Trà Kiệu) được ghi nhận là thứ chữ địa phương xuất hiện sớm nhất ở Đông Nam Á. Đó là loại chữ được vay mượn từ miền Nam Ấn Độ, qua các quá trình cải biến, trở thành chữ thông dụng akhar thrah ngày nay. Chính bằng loại chữ này ở các văn bản chép tay, người ta tìm thấy trường ca, truyền thuyết, thần thoại, ca dao… hay các bài viết về phong tục, tôn giáo, về giáo huấn v.v… Và đặc biệt là sử thi. Nghĩa là cả một kho tư liệu văn học quý giá.

 

2. Sử thi Chăm

Giữa các thuật ngữ văn học thường được dùng trong văn bản Chăm như: ariya trường ca, dulikal truyện cổ, damnưy tụng ca, kabbon gia huấn ca…, thể loại akayet được coi là sử thi. Trong đó ba tác phẩm bằng thơ được phổ biến rộng rãi trong quần chúng Chăm: Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra, Akayet Um Mưrup.

Akayet Dewa Mưno gồm 480 câu thơ theo thể ariya Chăm, xuất hiện ở Champa vào đầu thế kỷ XVII. Câu chuyện được ghi nhận là có nhiều nét giống Hikayat Dewa Mandu của Mã Lai. Akayet Inra Patra cũng vậy, cốt truyện giống Hikayat Indra Putera của Mã Lai, được sáng tác khoảng đầu thế kỷ XVII, gồm 580 câu ariya. Đây là sáng tác thuộc mô tip người tráng sĩ (đại diện cho phái thiện), sau khi vượt qua bao chướng ngại, bằng tài năng và đức độ của mình, đã chiến thắng lực lượng đại diện cho bên ác, mang lại an bình cho xứ sở, hạnh phúc cho nhân dân. Akayet Um Mưrup dài 240 câu và là một sáng tác trực tiếp của người Chăm, mô tả sự xung đột giữa hoàng tử Um Mưrup và triều đình vua cha, cuộc chiến tranh tương tàn giữa quân đội triều đình và lực lượng mới là Hồi giáo. Cuối cùng là cái chết của tráng sĩ này, người định mang giáo lý Islam truyền bá vào vương quốc Bà-la-môn giáo.

Ngoài ra người Chăm còn có hai akayet bằng văn xuôi là Akayet Inra Sri BakanAkayet Pram Dit Pram Lak có nguồn gốc từ sử thi Ramayana của Ấn Độ.

Nhìn chung, sử thi là một trong những dòng văn học viết quan trọng của dân tộc Chăm. Qua các akayet này, thể thơ ariya lục bát Chăm phát triển hoàn chỉnh và tồn tại đến ngày nay.

 

3. Vấn đề thuật ngữ

Akayet được tác giả Từ điển Chăm – Pháp (1906) là E. Aymonier và A. Cabaton dịch là commencement (sự bắt đầu), còn G. Moussay trong Từ điển Chàm – Việt – Pháp (1971) dịch là “tác phẩm bằng thơ” (oeuvre poétique). Sau này ông dịch lại là sử thi, như ông đã gọi Akayet Dewa Mưno là sử thi (L’épopée Dewa Mano). Sở dĩ Aymonier nhầm lẫn như thế, bởi ở mỗi thi phẩm này đều “bắt đầu” bằng từ akayet. Còn lối dịch của G. Moussay vào năm 1971 thì chưa tinh xác. Bởi một ariya (trường ca) hay damnưy (tụng ca) Chăm cũng là một “tác phẩm bằng thơ”. Dịch akayet épopée (sử thi, anh hùng ca, tráng ca) thì ổn hơn cả.

Gần đây, một thể loại văn chương của các dân tộc Êđê, Bana, Giarai, Raglai… được các nhà nghiên cứu gọi là sử thi. Tiếng bản ngữ là: Khan, Hơmon, Hơri, Jukar. Đây là các dân tộc thiểu số cư trú ở Tây Nguyên có quan hệ mật thiết với vương quốc Champa cổ, cả về ngôn ngữ lẫn giao tiếp cộng đồng. Các “thuật ngữ” văn học này đều có liên quan với tiếng Chăm. Khan trong tiếng Chăm là akhan hay khan nghĩa là “kể”; hơmon tiếng Chăm: mưmaun (đọc là mưmon) có nghĩa “nói thầm”; jukar tiếng Chăm: dulikal có nghĩa “truyện cổ”; còn hơri, tiếng Chăm: hari có nghĩa “ngâm đọc”.

 

Sở dĩ các dân tộc này vẫn còn giữ chất truyền khẩu của sử thi bởi vì họ chưa có văn tự ghi chép thành văn bản như người Chăm. Do đó, sử thi họ “thuần chất” hơn, mang tính kể (khan), ngâm (hari) nhiều hơn đọc (pwơc). Người Chăm Hroi ở Bình Định, Phú Yên không dùng chữ Chăm truyền thống akhar thrah để chép văn bản văn chương, cho nên sử thi của họ vẫn còn mang đậm chất dân gian, là vậy.

Dân tộc Chăm vùng xuôi và khu vực Pangdurangga (Ninh Thuận, Bình Thuận) ngược lại, vẫn còn truyền dạy akhar thrah. Họ ý thức dùng văn tự này chép truyện thành văn bản. Như bản Akayet Dewa Mưno chính là văn bản chuyển thể từ dulikal (truyện cổ) thành sử thi. Bước ngoặt đó thể hiện ngay ở câu đầu của sử thi nổi tiếng này:

      Dulikal Dewa Mưno twơk twei ariya.

      Truyện (cổ) Dewa Mưno được sáng tác (chuyển) theo thể thơ

Trước khi có sử thi thành văn, Dewa Mưno được kể như truyện cổ tích. Sự thể này có thể thấy ở hai sử thi khác. Một văn bản lưu trữ tại Pháp có tên Pram Dit Pram Lak mà G. Moussay cho là sử thi (akayet) thì người Chăm ở Phan Rang vẫn còn gọi là truyện cổ (dalikal). Văn bản thể hiện nó bằng văn xuôi. Điều cần lưu ý thêm là Sử thi Đăm Xăn của Êđê rất giống Dalikal Dơm Sơng (hay Dơm Sen) đọc là “Dăm Xăng” của người Chăm ở cốt lõi nhưng cách kể hay thể hiện thì hoàn toàn khác, đến nỗi Dơm Sơng của người Chăm nay chỉ được coi như một truyện cổ rất ngắn, dấu ấn cũng khá mờ nhạt trong tâm thức cộng đồng. Trong khi nó lại là niềm hãnh diện lớn của dân tộc Êđê.

 

4. Cái đẹp của sử thi

Sử thi các dân tộc thiểu số Việt Nam là kho tàng văn học vô giá. Bên cạnh đựng chứa văn hóa dân gian các dân tộc với những bản sắc độc đáo và vô cùng phong phú, hay bộc lộ nếp nghĩ cách nói đậm chất dân tộc, sử thi còn sáng lên những áng văn chương với nhiều cái đẹp đến bất ngờ. Ở sử thi Chăm do được văn bản hóa, nên tác phẩm mang dấu ấn cá nhân rõ rệt. Người ta có thể đọc thấy những đoạn văn hay. Ví như khi người anh ruột là Xamưlaik bị sát hại bởi chính bàn tay chồng mình trong trận chiến cuối cùng, công chúa Xapatan đã khóc:

Dom nan Xapatan Diwi

Cauk xơp nhu hari grơp nưgar jang paxơng

Ia di kraung đwơc mưng ngauk mai tơl

Camauh patri cauk nan ia dawing đwơc o truh

Thế rồi công chúa Xapatan khóc

Tiếng khóc thảm thiết, cả xứ sở động lòng

Và dòng sông

Từ trên cao chảy lại

Nước cuộn xoáy mãi không nỡ trôi đi

(Inrasara, Văn học Chăm khái luận, NXB Tri thức, 2011).

Với đoạn thơ như đoạn thơ trên, người đọc có thể đọc bằng mắt và thưởng thức một mình, như thưởng lãm một tác phẩm văn học viết. Ngược lại, do hầu hết sử thi Tây Nguyên thuộc thể loại văn học dân gian, nó phải sống trong không gian văn hóa sử thi đúng nghĩa.

Nhà nghiên cứu Sabatier trong bài giới thiệu sử thi Đăm Xăn đã thuật lại ý kiến của các già làng người Êđê: “Tôi hỏi các già làng: “Vậy Khan là cái gì?”. Một người trả lời: “Khan ư? Không có cái gì đẹp hơn thế. Khi trong nhà có một người kể khan, lúc mặt trời lặn chúng ta thấy người trong nhà chăm chú bất động như thế nào thì chúng ta lại thấy họ bất động y nguyên như thế cho đến lúc mặt trời mọc (việc kể khan diễn ra qua đêm đến sáng). Khi trong nhà có người kể khan, đàn bà thôi kêu la, trẻ con ngừng khóc, không hề ai ngủ, không ai nói chuyện, tất cả mọi người đều lắng nghe” (Phan Đăng Nhật, Nghiên cứu sử thi Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, 2001).

 

Văn hóa người Chăm chưa trải qua kĩ thuật in ấn, còn sử thi các dân tộc thiểu số Tây Nguyên – bởi là văn học dân gian, nên việc thất tán và thất truyền là khó tránh. Nhất là khi không gian văn hóa sử thi bị phá vỡ, người chép sách [trong cộng đồng Chăm] ngày càng giảm, già làng và nghệ nhân kể [hát] sử thi [ở Tây Nguyên] ngày càng luống tuổi, thì nguy cơ thất thuyền càng lớn hơn, nhanh hơn. Sử thi đã và đang kêu cứu!

Từ đầu thế kỉ XXI, sử thi Tây Nguyên được lên đề án sưu tầm, dịch thuật và phân loại ở tầm quốc gia. Sau 10 năm miệt mài, 62 tập với 60.000 trang in song ngữ tiếng Việt và tiếng dân tộc do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và các tỉnh Tây Nguyên được ấn hành, là một khối lượng đồ sộ và có thể được coi là kỉ lục. Việc các nhà nghiên cứu đề xuất UNESCO đưa sử thi Tây Nguyên vào danh mục văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại, là cần thiết. Bởi, có thể nói không quá rằng, sử thi là niềm hãnh diện không chỉ riêng người Tây Nguyên, mà còn là niềm hãnh diện chung của nền văn học đa dân tộc Việt Nam.

 

Sài Gòn, 17-7-2012

2 thoughts on “Inrasara: Sử thi làm giàu nền văn học đa dân tộc Việt Nam

  1. Bài viết ngắn này rất là cần. Mới đây TS. Phạm Vĩnh Cư viết trên web của Hội nhà văn:
    “Trong các dân tộc thiểu số của chúng ta mới có hai dân tộc có chữ viết từ xưa là Thái với Tày, trong đó chỉ có dân tộc Tày là có văn học thành văn”.
    Nhà thơ viết phản biện lại là rất tốt. Cảm ơn anh.

  2. Thưa anh/chị Quyên
    Cei Sara viết bài này không phải để phản biện lại Pham Vĩnh Cư đâu, mà là để khẳng định chuyện khác. Thế nhưng trong bài tình cờ nổi lên 3 điều bác lại ý kiến của dịch giả lão thành này:
    – người Chăm có chữ địa phương xuất hiện sớm nhất ở Đông Nam Á
    – dân tộc Chăm có văn học viết rất sớm
    – các cây bút Chăm hiện nay viết cả tiếng Chăm và tiếng Việt
    Nếu các trí thức Chăm đừng lo cãi vã, bôi bác nhau mà cứ lo viết bài như cei Sara thì tôi nghĩ là có ích hơn, qua đó khẳng định bản sắc và bản lĩnh dân tộc Chăm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *