Inrasara: Một loại thơ đang ‘chết’, một loại thơ khác vừa ra đời

Tạp chí Tia sáng, 5-8-2012

1. Thơ đang đánh mất độc giả

Tại sao? T.W. Adorno: “Làm một bài thơ sau Auschwitz là điều dã man”. Dã man, – không sai. Khi Tòa Tháp Đôi vừa bị khủng bố đánh đổ, thiêu sống hàng ngàn con người ưu tú; khi liên tục vụ nổ bom tự sát giết chết hàng vạn sinh linh vô tội diễn ra mỗi ngày; khi trái đất đang bị khai thác và tàn phá đến cạn kiệt; khi bất công và tội ác đang bành trướng khắp nơi, ngày càng lồ lộ và trắng trợn hơn bao giờ… mà nhà thơ đóng cửa phòng văn để “làm vần” và “làm thơ thuần túy”, thì không khác gì đồng lõa với sự dã man.

Việt Nam giai đoạn qua, thơ dù ế đến đâu cũng là thể loại văn học luôn ở thế thượng phong. Sau thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa là thơ lãng mạn hậu thời, đồng hành với loại thơ sau là thơ tiền hiện đại. Thơ Việt nhộn nhịp và rộn ràng, nhưng nó vẫn thế, không có cuộc thay đổi lớn nào xảy ra, ở đó. Nghĩa là tuyệt đại đa số người làm thơ và thưởng thức thơ vẫn chịu sự phủ sóng của dòng “người làm vần” và “nhà thơ tiếp hiện”. Không gì hơn, không gì khác. Bộ phận thơ câu lạc bộ làm vần đã đành, ngay nhà thơ có vẻ chuyên nghiệp cũng “làm vần”:

Hội hoa chen chật người xem

Môi đào chúm đỏ môi em… chím hồng

Ngắm hoa ai nhớ người trồng

Nhìn em quên mất có chồng em bên!

(Trương Nam Hương “Viết giữa hội hoa”, Vanchuongviet.org, 2011)

Không làm vần thì “tiếp hiện”. Tiếp hiện Thơ Mới, Thơ Cách mạng, và khác… (Inrasara, “Hóa giải và hòa giải ba loại nhà thơ hôm nay”, tạp chí Sông Hương, 2010). Thơ Việt chỉ có thế thôi sao? Nếu cứ mãi giậm chân tại đó, thơ Việt đi về đâu? Câu hỏi đặt ra và nhận ngay câu trả lời: – Chỉ bằng cách cắt đứt với cuống rốn truyền thống thơ cũ, chôn sống Thơ Mới, mới hi vọng làm mới thơ. Thế là ngay từ những năm đầu thập niên 50 của thế kỉ XX, cuộc cách tân thơ theo hướng hiện đại chủ nghĩa được mở ra cấp kì. Bởi những con người tiên phong đầy tài năng. Nhân văn – Giai phẩm ở miền Bắc; ở Sài Gòn là nhóm Sáng tạo. Mở ra với bao thử nghiệm, nhưng chưa bay tới đâu, mà đã bị gẫy cánh khắp nơi. Bởi nhiều nguyên do khác nhau, trong đó nguyên do chính yếu là ở quan niệm về thơ. Quan niệm đầy trí tuệ đến khó hiểu, khiến thơ tối nghĩa và, độc giả khó tiếp nhận. Công cuộc cách tân thơ Việt luôn đụng phải bức tường định kiến cổ hủ về thơ và cả sự lười biếng của con người.

2. Thơ hiện đại gẫy cánh, không chỉ vì tối nghĩa và khó hiểu

Thế nhưng, cho dù chủ nghĩa hiện đại chưa có nhiều thành tựu tại Việt Nam, về thi pháp, nó đã làm nên một thay đổi lớn. Thơ hiện đại Việt khác hẳn với các loại thơ trước đó. Khác ở nhạc tính nội tại, hình ảnh phân mảnh chắp vá, và nhất là ngôn ngữ “thuần túy” để nói lên điều mới mẻ chưa thể gọi tên, nhằm phơi lộ đời sống phức tạp nội tâm con người, con người cá thể ở bề sâu, bề tối của vô thức và tiềm thức với những đè nén, ẩn ức, những thôi thúc còn chưa được khai phá.

Ở cuối đêm

em rũ tóc nói những lời mê sảng

những ám hiệu

của mặt biển đen không tình yêu tuyệt vọng

anh xé tóc em cùng những cánh lá chết

mùa thu

gây thương tích nơi cườm tay

anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc

(Thanh Tâm Tuyền, “Đêm”, Tôi không còn cô độc, NXB Người Việt, Sài Gòn, 1956)

 

Em đắp mặt anh mười ngón ta nhánh huệ

Anh biết anh đã trút linh hồn

Sống dậy từ đây đằng sau cái chết

Vốn công phạt tình yêu kết liễu kẻ cô đơn

 

Em vùi xác anh dưới lớp tro mùa thu

Khuôn mặt ủ ê em bật trận mưa dầm

Tẩm thịt xương anh lạnh lùng rã mục

Bùng nở loài nấm độc tên bi thương…

(Tô Thùy Yên, “Vie Posthume”)

 

Bão loạn. Lốc dù. Xanh mí. Cốc ré. Váy hè. Tiện nghi lạc-xon. Chất chồng trô trố. Môi ngang. Vô hồn. Khoảnh khoắc. Mi-ni mông lông. Cởi quần, chửi thề. Con gà quay con gà quay

Bão loạn. Múa vàng. Te tua. Nhừ giấc

Bão loạn. Rùng rùng. Sặc nước. Giạt tóc. Liên lục địa sầm. Tìm, chết, đi

Bão loạn. Dứt tung tay. Oc lói. Lơ láo tù về lạc thế kỷ. Sương đầm đẫm vóc miên mai

(Hoàng Hưng, “Đường phố 1”, Người đi tìm mặt, NXB Văn hóa Thông tin, H., 1994)

 

Hôm qua tôi ghé alfa

Alfa không có nhà

Ô gặp nhau rồi sao vẫn cứ li

Một nắm hột khuya rắc vào bếp lạ

Đời gì

Sao cứ đi đi, những cái va li cứ về Bến lạ!

(Đặng Đình Hưng, “Bến lạ”, Bến lạ (viết khoảng cuối những năm 1970 – theo Hoàng Hưng, NXB Văn Nghệ TPHCM, 1991)

Các đoạn thơ vừa trích dẫn là rất tiêu biểu cho thơ hiện đại Việt. So với các loại thơ trước đó, nó rất khác. Khác từ quan niệm dẫn đến khác ở thi pháp và thủ pháp. Tuyệt giao với thơ vần, bài thơ với câu thơ dài ngắn không đều, nhịp chỏi, vân vân… là những thứ hoàn toàn xa lạ với truyền thống đọc thơ của người Việt. Để cuối cùng, khác lớn và dễ nhận ra hơn cả chính là: tính khó hiểu của nó. Cho nên, hơn nửa thế kỉ đi qua, thơ hiện đại Việt vẫn là những gì khó tiếp nhận. Mà đâu chỉ với độc giả Việt. “Đặc tính của thơ hiện đại được bàn cãi nhiều nhất là tính khó hiểu tối nghĩa của nó”, ngay từ năm 1941, Delmore Schwartz đã nhận xét như thế. Bất kì bài thơ nào, tập thơ nào của tác giả nào, cứ là tối nghĩa với khó hiểu.

Từ [ca dao hay thơ vần] dễ hiểu bẻ ngoặt sang thơ “hiện đại” khó hiểu; từ thơ [tiếp hiện Thơ Mới] tương đối dễ hiểu, chưa chuẩn bị hành trang tối thiểu, nhà thơ đưa độc giả nhảy ngay sang đọc thứ thơ [siêu thực,…] bí bức tối nghĩa. Rồi tối nghĩa với khó hiểu kia vẫn đang được thế hệ sau đó “tiếp hiện” lại. Tiếp hiện sang tận thế kỉ XXI.

Ngày gác chân lên thành ghế,
Ngọ nguậy,
Nỗi nhàm chán
Bốc hơi
Trí nhớ ẩm ướt, trôi tuột.

Thấp thoáng những ngọn nến và bóng vách tường câm
Hắt lên tiếng thở dài, tôi
Gây gổ với định mệnh của chính mình
Vất đời đi hoang
Trí nhớ tôi thổ tả, lơ láo giọt nước mắt
Rơi xuống,
Cuộc sống nhục nhằn bẩn chật.

Ngày gõ tay lên dây đàn
Mời gọi
Những âm thanh rất cũ
Con phố xưa
Mùi cỏ dại,
Trí nhớ cong oằn, rớm máu.

(Khiêm Lê Trung, “Trong ngày tháng ấy”, Thơ tự do, NXB Trẻ, TPHCM, 1999)

Bỏ qua kẻ làm thơ tư tưởng còn mờ tối mà đã vội cho ra đời những bài thơ tối tăm, mù mịt; bỏ qua bao thái độ bắt chước, học đòi, làm dáng, giấu dốt các loại… mục đích không gì khác ngoài tỏ thế đứng cao hơn với độc giả phổ thông; thơ khó hiểu chính danh muốn thám hiểm vùng tối, khu vực hãy còn chưa được khai vỡ của tâm hồn con người, thử nghiệm khả tính mới của thi ca hãy còn chưa quen thuộc với đại đa số công chúng độc giả.

Vậy, thơ để làm gì? Thơ có phải là nghệ thuật quá sang cả, quá đặc biệt chỉ dành cho con người đặc tuyển, người viết cao ngạo và người đọc nghiêm nghị? Đây là câu hỏi cốt tủy của hậu hiện đại.

 3. Sau bao nỗi khó hiểu của hiện đại, hậu hiện đại làm gì?

Có thể nói, chữ DE giải minh giải tất cả khía cạnh của hậu hiện đại: trong sống, từ lối nghĩ cho đến ứng xử hay hành động; trong văn chương, từ thủ pháp cho đến giọng điệu… Các nhà thơ hậu hiện đại Việt quyết kéo thơ từ bàn thơ xuống với đời thường, đánh tan sự ngạo mạn “độc sáng” của chủ nghĩa hiện đại. Tất cả đều đã được nói rồi, nên – chả có gì gọi là độc sáng cả! Và thơ, chỉ là bộ môn nghệ thuật đứng ngang hàng với bộ môn nghệ thuật khác, xen lẫn cùng bao loại hàng tiêu dùng khác giữa cõi người, chứ không là sản phẩm đặc biệt gì; nó có thể tồn tại bằng nhiều dạng thức chứ không riêng gì trên trang báo hay tập sách; ngôn ngữ hay hình ảnh cũng thế, không có ngôn từ đầy thi tính hay hình ảnh cao sang như thứ đặc sản dành riêng cho thơ, mà tất cả đều bình đẳng dưới ánh mặt trời. Cả nhà thơ, là kẻ “chế tạo” ra thơ, cũng bình thường như mọi người giữa đời thường, chứ không là trích tiên, thiên tài hay kẻ sinh nhầm thế kỉ gì gì cả.

Đấy là quan điểm mới, lạ… và, cần thiết, như một phản ứng với sự “làm vần” dễ dãi, hay nỗi khó hiểu đầy ý đồ của các nhà thơ hôm nay. Giải tán sự tối nghĩa và khó hiểu của thơ “hiện đại” Việt, hậu hiện đại đã làm gì?

Mươi năm qua, tiếp nhận hậu hiện đại thế giới, các nhà thơ Việt Nam đã có những sáng tác khá đặc thù – đặc thù hậu hiện đại Việt Nam. Điểm qua vài thủ pháp chính.

Thơ thì phải có chất thơ, quan niệm cũ xưa là vậy, hậu hiện đại nghĩ khác. Lấy chất liệu từ báo chí, nhà thơ hậu hiện đại không ngại sử dụng văn phong báo chí để làm nên bài thơ. Lý Đợi đã làm thế qua bài thơ “Một nhà thơ bị đánh chết”. Bản chất của nhật báo là được đọc rồi quên. Một thông tin gây xúc động đến đâu, nó cũng bị bỏ qua để buổi sáng hôm sau tiếp nhận thông tin nóng hổi khác. Với “Một nhà thơ bị đánh chết”, Lý Đợi buộc độc giả đọc lại và suy ngẫm sự thể.

Về ngôn ngữ, tứ thơ đẹp đi liền ngôn từ đẹp để tạo nên bài thơ nên… thơ. Hậu hiện đại phi tâm hóa ngôn từ bằng cách cố tình sử dụng ngôn ngữ thông tục đến thô tục đậm đặc trong thơ, vô phân biệt ngôn từ sang trọng với thấp hèn, linh thánh với trần tục.

Không chỉ mỗi ngôn ngữ, nhà thơ hậu hiện đại không ngại sử dụng các chất liệu khác để làm thơ. Hàng loạt thơ cụ thể concrete poetry độc đáo của Lê Văn Tài đã làm được điều đó: màu sắc và hình khối lấn phần chữ, đưa thơ gần với họa. Ở phía khác, thơ hình họa pictographic poems hậu hiện đại như “Em đi qua đời tôi” của Ngu Yên, bài thơ chỉ có mỗi chữ NỮ được xếp hình đầy sáng tạo. Hay “Quà tặng của Quỷ sứ” của Trần Wũ Khang khác hẳn loại hình này thuở chủ nghĩa hiện đại (Apollinaire, Cunnings chẳng hạn). Nó hết là trò chơi thuần kĩ thuật, mà nội dung thơ cư trú ngay trong hình thức lạ của bài thơ.

“Tôi là cột điện” là bài thơ [trình diễn] thành công của Lê Anh Hoài. Cột điện trong đời sống ngày thường án ngữ tại các thành phố chịu đựng mênh mông nỗi đời và nỗi người. Hành động nghệ thuật của của Lê Anh Hoài mời gọi diễn giải mang tính xã hội và nghệ thuật, rộng và sâu.

Thơ hiện đại gắn liền với thể thơ tự do không vần nhịp chỏi, hậu hiện đại thì khác. Các nhà thơ hậu hiện đại có thể sử dụng ngay các thể thơ truyền thống, năm chữ hay tám chữ… để làm thơ. Như Nguyễn Thế Hoàng Linh đã làm.

Lâu nay thơ cứ kì khu, kì khu đến giả tạo. “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát dùng đúng sáu âm để cười vào thứ văn chương [cũng như tình cảm và lối hành xử] giả tạo đó. Như là một cách dùng độc trị độc, khiến người đọc tự phản tỉnh với nỗi giả tạo kia. Không dừng lại ở đó, khi lâu nay các nhà thơ hiện đại nghĩ thơ phải là độc sáng, làm ra cái gì chưa hề có trước đó, Bùi Chát nghĩ khác: mỗi sáng tác là mỗi vi phạm bản quyền. Nhà thơ này làm nguyên tập thơ nghĩa Xin lỗi chịu hổng nổi bằng cách nhại các bài thơ nổi tiếng khác.

Thơ tân hình thức sử dụng thi pháp đời thường, dùng ngôn từ trong đời sống thường nhật để kể các câu chuyện của người đời thường. Tất cả đều gần gũi và rất dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Thơ hậu hiện đại và tân hình thức Việt vô phân biệt đề tài cao cấp hay thấp cấp, ngôn ngữ thi tính hay ngôn từ bình dân, thi ảnh kì khu hay dung dị, thể thơ truyền thống hay “hiện đại”,… nhưng không vì thế mà thơ hậu hiện đại tự biến mình thành sản phẩm văn nghệ thứ cấp dành cho giới bình dân phổ thông.

Như vậy, thơ hậu hiện đại Việt có bài thơ hay câu thơ nào hay, đáng lưu danh hậu thế không? Nhà thơ hậu hiện đại không ý định làm thơ để lưu danh thiên cổ, họ bắt gặp một ý niệm và triển khai tối đa ý niệm tìm thấy. Như Lê Vĩnh Tài đã làm như thế với Thơ hỏi thơ (NXB Thanh Niên, 2008). Chớ mong tìm thấy câu, đoạn thơ “hay” ở đó. Hay của hậu hiện đại là hay của cả khối, của toàn cục.

Hỏi, hậu hiện đại có thể làm nên cuộc cách mạng văn học tại Việt Nam?

Sài Gòn, 4-2-2012

 

 

7 thoughts on “Inrasara: Một loại thơ đang ‘chết’, một loại thơ khác vừa ra đời

  1. Pingback: Tin thứ Ba, 21-08-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Inrasara: Một loại thơ đang ‘chết’, một loại thơ khác vừa ra đời « Vô Ngã

  3. Pingback: Tin thứ Ba, 21-08-2012 | Dahanhkhach's Blog

  4. Pingback: Điểm tin số 7 | THỜI SỰ VĂN HỌC

  5. Pingback: bahaidao2

  6. Pingback: Điểm tin số 7 | PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *