Từ ý thức-thơ đến hành động-thơ, từ cựa quậy đập phá đến tìm đường, hay nói như Nguyễn Thị Hoàng Bắc: từ “Chúng tôi vì đàn ông” đến nổi loạn cướp ngọn cờ “Tuyên dương”để rốt cục bình tĩnh miệt mài đi tìm và tìm thấy vị thế cùng giọng điệu mình, là một hành trình dài, gian nan và bất trắc. Như thể từ một biện chứng đời chuyển sang biện chứng thơ. Trên con đường khổ ải đó, không ít chị em đã thất bại, ngã lòng, chiêu hồi làm thứ “Em vẫn thuộc sự sống của anh, trọn vẹn” (Vi Thùy Linh) an phận đầy tòng thuộc. Còn nhìn chung, có nhiều dấu hiệu đáng mừng. Tin lành khắp nơi bay đến.
…
Thế giới hôm nay cung cấp cho nữ giới bao nhiêu là tấm gương chói lòa, với đủ đầy phương tiện hiện đại. Họ ý thức sâu thẳm và mãnh liệt rằng mình là một nửa nhân loại. Chính họ đã và đang góp phần tạo nên lịch sử thế giới. Chứ không bị đẩy ra bên mép rìa xã hội hay đứng ngoài lề văn học như đã từng nữa.
Trong văn học nghệ thuật, chủ nghĩa hậu hiện đại chủ trương giải-khu biệt hoá (de-differentiation) và phi tâm hoá (de-centring), dẫu trung tâm đó đó là Âu Mỹ nay hay Trung Hoa xưa; ở đây là vị thế đàn ông trong văn hóa phụ hệ, đã tạo đà cho nhà văn nữ tự tin dấn tới. Không còn thái độ xốc nổi con nít thuở tiền-hậu hiện đại: phủ định, phản kháng và hô hào nổi loạn (tôi gọi đó là thứ thơ-nói to, thơ-la làng) – cần, nhưng không đủ, mà là: nhắm tới việc cắt đuôi suffix “nữ” trong chính sáng tác phẩm của mình.
Từ chối giọng điệu cải lương yểu điệu thục nữ, hết còn căng thẳng bật máu với cánh đàn ông, với truyền thống, cũng không thèm đóng thùng trịnh trọng mô phạm dạy đời (Lê Thị Thấm Vân), biết cười người (Phan Huyền Thư) và nhất là biết cười mình (Nguyễn Thị Hoàng Bắc), nhà thơ nữ hôm nay đang vượt thoát khỏi mặc cảm thân phận, khỏi trở lực nếp nhà đầy quy ước gò bó của ngôn ngữ Việt, sẵn sàng vươn đến nơi chốn sự sự vô ngại trong cõi sáng tạo.
Inrasara, Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố nữ”