Báo Bình Thuận, 27-7-2012
Sự phân biệt chính thống với phi chính thống, trung tâm với ngoại vi trong văn học nghệ thuật ở đâu cũng có. Đó là tâm lí chung của con người. Việt Nam không là biệt lệ. Thế nhưng không ở đâu có sự phân biệt đặc thù như Việt Nam với quan niệm đã thành thông lệ rằng chỉ gọi là nhà thơ, nhà văn khi người sáng tác là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Còn lại thì không. Trớ trêu không kém là có sự phân cấp nhà văn trung ương/ địa phương. Sự thực có phải thế không? Có phải cứ sống tại đia phương là không thể có sáng tác hay, cứ bám trụ quê nhà là tiếng tăm bị hạn chế? Hãy nhìn sang Đak Lak, ở đó Lê Vĩnh Tài và Đinh Thị Như Thúy đang là hai nhà thơ tài năng được cả nước biết đến. Hay hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư ở đất Cà Mau xa xôi. Hoặc An Giang với mươi khuôn mặt thơ văn thuộc ba thế hệ kế tiếp nhau làm rạng danh văn đàn. Khía cạnh khác, có phải tạp chí văn nghệ địa phương là mãi chịu phận đìu hiu hay ế ẩm? Thế Sông Hương, Cửa Việt… thì sao?
Thực tế đó, ngoảnh lại đội ngũ văn học tỉnh Bình Thuận mà chạnh lòng. Đặt bên cạnh một tỉnh vừa tách ra [từ nó] là Ninh Thuận, Bình Thuận cũng chẳng thấy sáng sủa hơn. Ở đây, đâu là nhà văn, nhà thơ được độc giả cả nước biết đến? Lê Nguyên Ngữ (sinh 1949), nhà văn cho ra đời đều đặn các sáng tác văn xuôi, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001, là một; tiếp đến là Nguyễn Hiệp (sinh 1964), cây bút văn xuôi sung sức hơn cả, thì mãi mươi năm sau (2010) mới được vào Hội. Trước đó, Đỗ Quang Vinh (sinh 1960) làm thơ, sau khi được kết nạp năm 2002, thì hoàn toàn hút bóng. Lỗi tại đâu?
May, cả ba cây bút này vẫn còn bám trụ ở quê hương.
Ninh Thuận thì khác. Có mỗi Inrasara (sinh 1957) vừa là làm thơ, viết văn, vừa đảm nhận luôn phê bình văn học, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng Inrasara là cây bút đã là dân Sài Gòn trước khi vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998.
Đó là những “nhà” chính thống, ba người đã ngồi vào ngôi nhà Hội Nhà văn Việt Nam, các cây bút còn lại thì sao? Bình Thuận thế hệ trước có Đoàn Vũ, Võ Thị Hồng Tơ (thơ), thế hệ tiếp nối có Minh Quang, Hồ Việt Khuê, La Văn Tuân (sinh 1975)… và ai nữa? Rất ít người có tiếng nói vang xa ra ngoài phạm vi tỉnh. Đồng Chuông Tử (dân tộc Chăm, sinh 1980), được biết đến qua tập thơ Mùi thơm của im lặng vào chung khảo Giải thưởng thơ Bách Việt năm 2009, nhưng nhà thơ trẻ này đã theo vợ về Ninh Thuận rồi, và hiện vẫn không nơi chốn cư trú cố định.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao một vùng đất mênh mông với tiềm năng kinh tế lớn hàng đầu, miền đất từng sản sinh không ít văn nghệ sĩ sáng giá (Nguyễn Bắc Sơn là điển hình) với các phong trào văn nghệ một thời sôi động, nay lại im ắng đến kì lạ như vậy? Trong khi đến năm 2011, Giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh đã được trao lần thứ IV.
Đặt cạnh Ninh Thuận, là vùng đất kém xa Bình Thuận về nhiều mặt, và dù đây là vùng trắng của Hội Nhà văn Việt Nam, một tỉnh còn chưa có Giải thưởng Văn nghệ, Hội Văn học Nghệ thuật hãy còn chưa có… văn phòng riêng; vậy mà tại miền đất gió như phan[g] và nắng như rang này – chưa kể Bùi Đức Tú (tức Tú Nhật – sinh 1961), Nguyên Vi (sinh 1960) vẫn sáng tác đều đặn -, thời gian qua đã sản sinh hàng loạt cây bút trẻ sáng giá, được cả nước biết đến.
Thục Linh (sinh 1983) ra mắt tập thơ đầu tayvào năm cuối cấp Trung học, giọng thơ êm mượt đạt chuẩn “cổ điển” khá cao, hứa hẹn khả năng thơ đáng mong đợi. Trước đó Nguyễn Vĩnh Nguyên (sinh 1979) là nhà báo sắc sảo đồng thời là một cây thơ chịu tìm tòi trong cách thể hiện; đặc biệt anh đang là tác giả truyện ngắn có nhiều khai phá độc đáo. Lê Hưng Tiến (sinh 1981) là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ khá trẻ, chỉ cần qua hai tập thơ xuất bản, đã khẳng định tên tuổi trên thi đàn. Cuối cùng là Lưu Mêlan (sinh 1989) được coi như một hiện tượng văn chương mạng trong ba năm qua với mấy trăm bài thơ xuất hiện liên tục, lôi kéo sự chú ý của công chúng văn học trong lẫn ngoài nước.
Nữa, đâu là bản sắc “dân tộc” của Bình Thuân? Hầu như chưa có khuôn mặt văn nghệ dân tộc thiểu số nào đáng kể, ở đây; ngoài Đồng Chuông Tử, như trên đã đề cập. Trong lúc thập niên qua, Ninh Thuận thực sự có chuyển biến mạnh.
Từ khi đặc san Tagalau – tuyển tập sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu Chăm ra đời vào mùa Katê năm 2000, non mươi khuôn mặt mới xuất hiện và khẳng định mình. Trầm Ngọc Lan (sinh 1955) là một trong vài cây bút chính của Tagalau, tài hoa cả trong thơ lẫn văn. Trà Vigia (hay Yamy sinh 1957) sáng tác đa dạng hơn cả. Anh vừa làm thơ, viết truyện ngắn, bút kí văn học vừa viết tiểu luận văn chương, nhất là văn chương cổ điển Chăm. Trà Ma Hani (sinh 1948) có tập thơ Em, hoa xương rồng và nắng, đoạt Giải B trong cuộc thi thơ hai năm 2001-2002 của Nhà xuất bản Kim Đồng, là một giọng thơ viết cho thiếu nhi đáng ghi nhận. Thế hệ mới có Jalau Anưk (sinh 1975), nhất là Tuệ Nguyên với năm tập thơ xuất bản liên tục, cả trên mạng, giấy in lẫn photocopy. Cùng với Đồng Chuông Tử, cây bút trẻ này cũng vào chung khảo Giải thưởng Thơ Bách Việt năm 2009 bằng tập thơ Những giấc mơ đa chiều.
Vậy đâu là nguyên nhân làm nên độ chênh đó? Ninh Thuận, sự xuất hiện của đặc san Tagalau do nhà thơ Inrasara xuất thân tỉnh nhà chủ biên chỉ là một lẽ; bởi đặc san này đâu chỉ dành riêng cho các cây bút người Chăm Ninh Thuận! Đây là câu hỏi cấp thiết đang đợi câu trả lời.
*
Mặc cảm sắc tộc, tỉnh lẻ, chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là thừa. Quyết định sự lớn/ bé của nghệ thuật là ở tài năng và sự dấn thân hết mình cho nghệ thuật. Nó lệ thuộc rất ít hoặc không lệ thuộc gì cả vào các phạm trù ngoài rìa. Một cây bút bản lĩnh ý thức mãnh liệt ranh giới khu biệt giữa sự tự do sáng tạo của nghệ sĩ và trách nhiệm công dân, cá nhân và cộng đồng, chất dân tộc và tính hiện đại,… Hắn ý thức, và hắn rũ bỏ mọi mặc cảm để dấn mình vào cõi bấp bênh của con đường sáng tạo.
Khi Trường thơ loạn manh nha ở đất Bình Định thời Tiền chiến, có ai dám nghĩ rằng nửa thế kỷ sau chính phong trào thơ ở đất nghèo này đã khẳng định vị trí cao vượt của mình trong nền thơ Việt Nam. Thế hỏi tại sao chúng ta – văn nghệ sĩ Bình Thuận – không có quyền tham vọng?
Trước những năm 2000, Thông Minh Hiền là cây bút trẻ khá triển vọng ở BT. Cùng trang lứa với tôi, bạn đã có thơ đăng rải rác hầu khắp các Tạp chí Văn nghệ trong và ngoài tỉnh khi đó, còn ngồi trên ghế phổ thông. Sáng tác của Hiền “sở trường” về mảng lục bát. Bài thơ “Ngõ Trầu” nó còn gây ấn tượng trong tôi. Đặc biệt, chính “Ngõ Trầu” từng được nhạc sĩ Thế Hiển “nhắm” và phổ làm thành ca khúc cùng tên. Đâu đó, ít nhiều các ca sĩ cũng thể hiện bài hát này. Tuy nhiên, “đất không lành…”, chim khó mà đẩu được!
Cám ơn nhà văn Inrasara đã khái quát “Toàn cảnh” Văn học BT hôm nay.