(về Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani tại Caklaing – Ninh Thuận)
Liêu Thái thực hiện
Bài phỏng vấn được thực hiện ở thời điểm nóng, tiếc rằng nó không xuất hiện kịp thời vụ. Nay, được phép của nhà văn Liêu Thái, Inrasara.com xin đăng lên để làm tư liệu tham khảo.
Inrasara
*
Nếu nhà máy điện hạt nhân bị sự cố, việc đầu tiên anh làm là gì?
– Sự cố? Xì, nổ hay gì khác nữa, tôi không biết được. Chắc tôi sẽ phản ứng như mọi người thôi. Di tản. Không trước hay sau, không nhanh hay chậm. Còn nếu thấy chẳng có gì nguy hiểm lắm, tôi sẽ ở lại với làng mình, bà con mình.
Khi anh xây dựng Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani tại quê, dự án nhà máy ĐHN đã có chưa?
– Ý tưởng làm nhà trưng bày đã hình thành từ hơn 20 năm trước, trước cả thời điểm tôi vào Sài Gòn. Do chưa có điều kiện, nên nó mãi bị hoãn. Đến lúc sắp triển khai Dự án Nhà máy ĐHN, tôi càng quyết tâm hơn. Bởi tôi nghĩ, nó cần thiết hơn bao giờ hết. Đa số người Cham kiêu hãnh về nền văn hóa tổ tiên, nhưng hơi mơ hồ. Nhà Trưng bày Inrahani mang tham vọng khiêm tốn là giúp họ hiểu biết khái quát họ từ đâu, đang ở đâu, để xác định được mình sẽ đi đến đâu, trên nền tảng vốn văn hóa truyền thống lượm nhặt gom góp và hệ thống được. Từ đó, cho dù điều gì xảy ra bất kì, NGƯỜI CHAM SẼ Ở LẠI với mảnh đất, như là nhà mình.
Khái niệm bảo tồn theo định nghĩa của anh? Và Nhà Trưng bày Văn hóa Inrahani có phải là một “đối trọng” của những dự án mà nguy cơ của nó khi xảy ra sự cố thì có thể biến một vùng rộng lớn trở thành vùng đất chết? Anh đã có giải pháp nào cho Nhà Trưng bày sau khi nhà máy ĐHN hoạt động?
– Bảo tồn những gì ông bà để lại là cần thiết, để con cháu và các thế hệ sau biết được công sức và sự sáng tạo của những thế hệ trước đó. Mênh mông di sản giá trị của Champa không thể thu gom vào một nhà trưng bày. Với điều kiện hạn chế của mình, tôi chỉ muốn và chỉ khả năng lưu lại những gì có thể và thật cần thiết. Hơn nữa, tôi không xem bản sắc là cái gì đóng cứng mà là một sự thể động, và luôn nhìn nó với tâm thế mở. Bởi những gì sáng tạo hôm nay, nếu hay và đẹp, thì sẽ là bản sắc của ngày mai.
Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani không là đối trọng của bất cứ cái gì cả, dù sức tàn phá và hủy diệt của các đối tượng kia có khủng khiếp tới đâu đi nữa. Điện hạt nhân không là ngoại lệ. Điện hạt nhân hủy hoại tất cả, cả đồi tháp Po Klaung Girai, Po Rome, nguy cơ biến cả vùng đất nơi có cả trăm ngàn cư dân Cham cứ trú thành miền đất chết, nói chi Nhà Trưng bày nhỏ bé này. Dẫu sao, còn sống là còn hi vọng… Nhà Trưng bày Văn hóa Inrahani đóng góp phần nhỏ vào niềm hi vọng chung đó.
Là một trí thức Cham và cũng là chủ bút của một đặc san, liệu anh đã tập hợp được một đội ngũ trí thức Cham đủ để cùng anh nói lên tiếng nói của cộng đồng Cham?
– Nhà văn đại diện cho cá nhân mình thôi, mà không [dám] đại diện cho bất kì ai. Tagalau là tuyển tập sáng tác – sưu tầm – ,nghiên cứu văn hóa Cham, mà không là tạp chí. Tôi trách nhiệm gom bài, biên tập và xin giấy phép in. Mỗi số cần đến giấy phép riêng, là vậy. Tôi không ý định cũng như không khả năng tập hợp lực lượng trí thức Cham. Dĩ nhiên với tư cách một trí thức ít nhiều được dư luận ngoài Cham biết đến, bà con, anh chị em cũng có gửi gắm tâm tư và kì vọng ít nhiều nơi tôi để nói lên tiếng nói của cộng đồng. Phần nào tôi đã làm được trách nhiệm đó, ở website Inrasara.com do tôi chủ trì từ 5 năm qua, về nhiều vấn đề văn hóa xã hội khác nhau. Mới nhất là về nỗi bất an lan rộng trong cộng đồng Cham về Dự án Nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận.
Liệu có vấn đề nào tế nhị và khó xử với anh, khiến anh phải đắn đo suy nghĩ, cân nhắc giữa những tưởng thưởng cá nhân anh từ phía nhà nước với những thiệt thòi đã nhiễm tận căn tính của cộng đồng Cham?
– Hơn mươi năm qua, tôi nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, về sáng tác cũng như nghiên cứu. Tôi thấy chúng không làm trở ngại nào bất kì đến tiếng nói trí thức của tôi. Nên nhớ, tôi không gửi tác phẩm dự thi ở bất kì đâu. Cuốn sách tôi viết, được xuất bản, cá nhân hay cơ quan giới thiệu và nhận được giải thưởng. Đơn giản vậy thôi, tôi nghĩ không ai mắc nợ ai cả. Còn vai trò của tôi ở Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam (Trưởng Ban Lí luận Phê bình) hay ở Hội Nhà văn Việt Nam (Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ) chỉ phụ trách chuyên môn, và nhất là – hoàn toàn không lương bổng.
Tôi đặt mình ở phía ngoại vi, nơi mà tiếng nói yếu ớt của cộng đồng đó chưa được lắng nghe đúng mức, để nói lên tiếng nói của họ. Ở đây là người Cham, một dân tộc thiểu số đã đóng góp rất nhiều cho đất nước Việt Nam ở hôm qua, nhưng hôm nay, khi Chính phủ lên Dự án ảnh hưởng toàn diện đến đời sống của họ, họ lại không được hỏi ý kiến. Thế thôi, không có gì phải đắn đo cân nhắc, nói chi chuyện khó xử.
Thánh địa Mỹ Sơn, Phật viện Đồng Dương, tháp Chiên Đàn, tháp Bằng An, tháp Núi Thành, đó là dấu tích của một thời Champa rực rỡ, uyên áo, thiêng liêng… Anh có suy nghĩ gì khi đến viếng những nơi này?
– Kính phục và trân trọng. Dẫu sao tôi nghĩ tổ tiên Cham “ham chơi” và ham sáng tạo, đã thiếu cân đối trong điều tiết tài lực. Thơ Inrasara:
Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui
Chịu chơi cả trong đau khổ.
Anh vui lòng diễn giải rộng về Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani, về sứ mệnh của nó cũng như của anh và dự đoán tương lai của cộng đồng? Thái độ phản ứng của cộng đồng trước dự án vừa nêu?
– Caklaing là làng dệt thổ cẩm nổi tiếng của người Cham. Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani ở trung tâm làng. Bạn thấy đó, đất nước mở cửa, bảo tàng tư nhân mọc lên khá nhiều, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn hay tại các khu du lịch. Nhà Trưng bày này thì khác, được dựng lên giữa cộng đồng và cho cộng đồng.
Với khuôn viên 400m2, Nhà Trưng bày được phân làm 4 gian gần bằng nhau. Gian trước trưng bày các bản sao nghệ thuật các bức tượng cổ bằng chất liệu sa thạch, tủ sách cố Cham và tác phẩm của tôi, nhạc cụ, các bản đồ chỉ dẫn “khu di tích Champa” và “khu dân cư Cham”… Gian kế tiếp án ngữ chiếc xe trâu cổ, là một trong ba chiếc còn lại tại Việt Nam. Xung quanh xe trâu và quanh ba bức tường là các nông ngư cụ, đồ dùng hàng ngày, dụng cụ đánh bắt, gốm Cham,… Gian thứ ba ưu tiên cho dụng cụ dệt và các sản phẩm thổ cẩm, y trang phục Cham cổ và hiện đại. Cuối cùng là gian dành cho Tủ sách INRA với 5.000 đầu sách các loại.
Đừng nói sứ mệnh gì cho to tát, điều khác biệt chính là tính phục vụ cộng đồng của nó. Nhà Trưng bày Văn hóa Inrahani mong cung cấp cho người Cham và người quan tâm đến dân tộc Cham kiến thức căn bản và khái quát về văn hóa văn minh Champa xưa và đời sống Chăm hiện nay, bằng hiện vật thực, hiện vật sao chép, hình ảnh, sơ đồ và sách báo… Đến gian thứ tư – Tủ sách INRA – gian tôi cho là quan trọng nhất, “sống” nhất, hướng về tương lai – do thiếu tiền mà chịu dang dở, cho nên tôi chưa có ý định quảng bá nó. Nhưng dù sao bà con Cham và du khách cũng đã biết đến nó, đến với nó với một sự ưu ái riêng.
Tuy Hòa, 17-4-2012
Pingback: Tin thứ Năm, 21-06-2012 « BA SÀM
Càng đọc trang Inrasana.com này, tôi càng thêm kính trọng và quí mến dân tộc Chăm, văn hóa Chăm.
Thật là tuyệt, một nền “văn hóa đùa vui – chịu chơi cả trong đau khổ!”.
Thật là tuyệt, “cho dù xảy ra điều gì bất kỳ, NGƯỜI CHĂM SẼ Ở LẠI với mảnh đất, như là nhà của mình” – như là nơi “đặt cục gạch” của mình!
Thật là tuyệt, người “níu dân tộc mình ở lại với đất” bằng cách trung kiên bền bỉ – và khiêm tốn – thắp sáng lên niềm hy vọng giữa đồng bào mình!
Xin kính chúc “niềm hy vọng Champa” bừng cháy mãnh liệt hơn nữa, bừng cháy mãi!
Xúc động vô cùng bác Inra ơi!
Cháu chưa bao giờ bị xúc động như vầy đâu. Bác nói và bác làm. Bác nói nhỏ nhẹ, đĩnh đạc, và bác làm một cách khiêm tốn. Không đao to búa lớn mà hiệu quả thì khỏi chê. Người ngoài nhìn vào việc bác làm, lời bác nói mà tôn trọng và yêu quý dân tộc Cham hơn.
Kính chúc bác sức khỏe và thật nhiều may mắn.
Chúc gian thứ 4 Nhà trưng bày mau hoàn thành.
Cháu Klủn.
Ôi, các bà con anh em ơi!
Hãy làm đi và đừng nói nhiều. Làm như ông Inrasara, khiêm tốn được cụ thể:
Nhà Trưng bày Inrahani mang tham vọng khiêm tốn là giúp họ hiểu biết khái quát họ từ đâu, đang ở đâu, để xác định được mình sẽ đi đến đâu, trên nền tảng vốn văn hóa truyền thống lượm nhặt gom góp và hệ thống được. Từ đó, cho dù điều gì xảy ra bất kì, NGƯỜI CHAM SẼ Ở LẠI với mảnh đất, như là nhà mình.
Nhưng hãy làm theo KHẢ NĂNG CỦA MÌNH.
Tôi vừa đọc thấy đoạn văn này do nhà thơ, nhà phê bình bình người Việt ở Canada – Đỗ Quyên – viết trên web Hội nhà văn VN. Xin chép lại cho các bạn đọc để biết:
“Theo nhịp tăng không thể ngưng của kỷ nguyên toàn cầu hóa và sức sống kiên tâm để sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt, dòng văn học chính thống Việt Nam trong các thập niên gần đây ngày càng tăng sức thuyết phục chính đáng và tự nhiên bởi chính những tác phẩm và tác giả của mình, chứ không bị ảnh hưởng từ những gì ngoài tác phẩm và tác giả. Tại thời điểm này, nhìn từ “khu vực ngoại vi”, ở ba phạm vi văn học, ba vị thế nghề nghiệp, ba xuất xứ vùng miền và nhân thân, văn học Việt “khu vực trung tâm” đang có ba vị đại biểu về tài năng văn chương, ảnh hưởng nghề nghiệp và phong cách văn sĩ: Đó là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà nghiên cứu – phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà thơ Inrasara“.
Tại sao anh Sara cứ níu kéo anak Cam ở lại. Theo tôi, chúng ta càng níu kéo lại làm cho con người ta bớt đi tính chiến đấu. Thế giới đang toàn cầu hóa – thế giới phẳng, ở đâu cũng là quê hương, miễn ở đó chúng ta không đánh mất đi bản sắc tộc người mình.
Nói ít mong mọi người hiểu nhiều, và mọi người nên xây dựng viễn cảnh cho riêng cá nhân, gia đình và dòng họ mình.
“Tại sao anh Sara cứ níu kéo anak Cam ở lại“?, – đây là câu hỏi độc, và cực kì quan trọng.
Theo tôi, trả lời được câu hỏi này là giải quyết được vấn đề Cham trong lịch sử cận và hiện đại.
Tôi rất sợ mình lạc hâu (55 tuổi rồi còn gì!), các bạn trẻ nào có thể trả lời thay Sara không?
Xin cảm ơn Amaklinh.
Trong hai ngày 26-27.6, hội thảo về Văn minh Chăm, mối liên hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ được tổ chức tại TP.Đà Nẵng với sự tham gia của các học giả, các chuyên gia về văn hóa Chăm của Ấn Độ và Việt Nam.
Đây là hoạt động nhân sự kiện kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược” giữa Ấn Độ và Việt Nam. Hội thảo giúp khám phá, nghiên cứu nhiều khía cạnh khác nhau trong mối giao lưu văn hóa đa chiều Việt Nam – Ấn Độ, chia sẻ những kinh nghiệm về bảo tồn, tu bổ, quản lý khu di sản Mỹ Sơn (Quảng Nam) và nhiều di sản khác tại Ấn Độ và Đông Nam Á.
Dịp này, chính phủ Ấn Độ đã quyết định hỗ trợ Việt Nam khoản tài trợ không hoàn lại tương đương 3 triệu USD nhằm bảo tồn, tu bổ di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Dự án này sẽ do Viện Nghiên cứu khảo cổ Ấn Độ (ASI), đơn vị vốn có nhiều kinh nghiệm trong tu bổ Angkor Wat, Ta Prohm (Campuchia) và Wat Phu (Lào) thực hiện.
Vũ Phương Thảo tại “http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120626/an-do-tai-tro-3-trieu-usd-de-bao-ton-va-tu-bo-my-son.aspx”
Không biết có “chuyên gia về văn hóa Chăm của Ấn Độ và Việt Nam” nào của người Chăm được mời tham gia hội thảo này không nhỉ? Hay lại chỉ toàn người ngoại đạo giỏi kiếm tiền dự án?
@saai Jalau anưk: Hội thảo này chỉ có Gru Phần đến dự và hình như cũng có mời a Món. Nhưng trước đó một tuần a Món đã đến dự hội nghị quốc tế “Những nghiên cứu mới của Champa” tại Pháp nên không tham gia được.
http://dantri.com.vn/c23/s23-611556/van-minh-cham-moi-lien-he-giua-viet-nam-va-an-do.htm
http://blog.yahoo.com/_ERLB54TPBRH3MZCNV25M3HDCZM/articles/262416/index
Ranam
“Chuyên gia về văn hóa Chăm của Ấn Độ và Việt Nam” . Chăm chúng ta cũng có chuyên gia tài giỏi về văn hóa Chăm. Như: Thơ văn thì có hai vị đức cao vọng trọng là Cei Sara và Trà Viya; Về Phật giáo thì có Tiến sĩ Thông Thông Khánh; Về phong tục tập quán và lễ hội thì có Tiến Sĩ Trương Văn Món; Về lịch sử thì có PGS. TS Po Dharma bên Viện Viễn Đông Bác cổ ở Pháp; về Nhân chủng học và dân tộc học thì có PGS. Thành Phần, Tiến Sĩ Phú Văn Hận…
Còn chuyên gia về trùng tu hay tu bổ di tích văn hóa Chăm thì hiện giờ Chăm vẫn chưa có ai cả. Ngay cả Việt Nam cũng chưa chắc có hẳn chuyên gia hàng đầu về công tác trùng tu các khu di tích đền tháp Champa.
Kết quả của các lần trùng tu đền tháp Champa, theo quan sát của bản thân thì có thể tóm gọn trong một câu: ” NẤM LANG BEN PHỦ LÊN NGƯỜI MỘT CÔ GÁI ĐẸP”.
Nhìn vào phản hồi của các yut Cam, Amaklinh cũng cảm nhận được sự u sầu của một kiếp tộc người người tài năng trong quá khứ – xây và trùng tu biết bao nhiêu đền tháp đến hậu duệ urang Campa lại không tìm đâu một người chuyên môn về trùng tu kalan bimong Campa, thật đáng buồn. Chúng ta cứ hoài niệm về dĩ vãng huy hoàng (vàng son) mà quên đi thực tế hiện nay cộng đồng Chăm đi về đâu? và đâu là con đường urang Campa cần đi tới? nghĩ lại thật buồn cho rup drei, biết làm gì đây… đâu là jalan urang Campa nao tal trong xu thế toàn cầu hóa này. Mong dom yut Cam saong dom sa-ai Cam langyah ka dom danak Cam drei thau? Ndua karun ralo…
Bác JaDar có lẽ không chú ý, cho nên bác có vài điểm nhầm:
– Phú Văn Hẳn, chứ không phải HẬN. Bác này bên ngôn ngữ học cơ.
– Trượng Văn Món, chứ không phải TRƯƠNG. Nếu bác này viết là TRƯƠNG, thì có lẽ do ngày xưa bác ấy chối mình là Chăm cho nên “dùng dao lam cạo” dấu (.) nặng đi. Vì Chăm mình không có họ TRƯƠNG.
– Trượng Văn Món Thạc sĩ, chứ không phải Tiến sĩ.
– PGS Thành Phần cần thêm học vị Tiến sĩ, để giống như Po Dharma.
Xin lỗi nhé.
(“dùng dao lam cạo” là cách nói của Inrasara trong tác phẩm “Chân dung Cát”, tôi tạm xài lại. Cách nay 20 năm, nhiều bác Chăm mình làm như thế. Hán, thành Hàn. Đàng thành Đặng, Trượng thành Trương… cho nó mất dấu vết Chăm đi, cho nó oai. Tội nghiệp!!!!!). Lại xin lỗi tiếp.