Tạp chí Thơ 5-2012
* Thi sĩ Ngô Thị Hạnh (thứ 3 từ phải sang) tại Bàn tròn Văn chương 2007.
Trong tiến trình của thơ Việt đương đại, thơ của người làm thơ nữ thập niên qua đã làm cuộc nhập thế đầy tự tin. Nó là một phần không thể thiếu, khi thơ và người làm thơ ý thức góp phần mình vào việc giải trung tâm các sự thể trong cuộc sống hướng văn chương phát triển theo hướng dân chủ. Trong đó, sự phi tâm hóa giới là một yếu tố cực kì quan trọng.
Nhưng khác với các bạn thơ cùng thế hệ ở miền Bắc: đằm tính, đĩnh đạc và cân đối ngay khi vừa xuất hiện thì thơ nữ ở miền Nam hoàn toàn khác. Nó chông chênh hơn, nên nguy cơ thất bại lớn hơn. Họ, hoặc từ phá cách lội ngược về phía ổn định; hoặc từ mực tím, áo trắng lớn dần lên để chín tới trên hành trình suy tư và viết.
Nếu Chiêu Anh Nguyễn thuộc dạng thứ nhất thì Ngô Thị Hạnh và Trương Gia Hòa đích thị là đại biểu thuộc xu hướng sau.
* Thi sĩ Chiêu Anh Nguyễn.
Không cố làm ra vẻ hiện đại, Ngô Thị Hạnh khởi đầu từ tiếp nhận truyền thống, có thể nói một truyền thống rất xa nữa, để đưa thơ phát triển dần lên theo xu hướng hiện đại. Từ Vang vọng đến Rơi ngược ghi nhận rất rõ bước đi đó. Nhưng như thế thì ta vẫn còn đặt nặng vào thủ pháp, dường như là điều thi sĩ này ít quan tâm. Thơ Ngô Thị Hạnh thiên về tình cảm, viết như trải lòng mình ra trang giấy. Sau Rơi ngược (2006), tập thơ Nắng từ những dấu chân (Thanh niên, 2010) động cập đến rất nhiều mảnh của đời sống thường nhật. Buồn hay vui, cả những lúc thất vọng nhất, Ngô Thị Hạnh tìm đến thơ, xem thơ như cái phao để bấu víu, sau đó thơ trở thành tặng vật để người thơ này mang ra chia sẻ, tìm đồng cảm cùng mọi người.
Mất hút nỗi đau, riêng mình sâu thẳm
Tôi thấy tôi trong khắp kiếp nhân sinh
Nắng chứa chan Sài Gòn nhật thực
Tôi khát thương yêu dịu ngọt
cỏ hoang tàn…
Khởi đi từ truyền thống để dần dần rời xa truyền thống. Như khởi từ thuở Mực tím, Áo trắng tràn giấc mộng đẹp và thơ, họ rồi cũng lớn lên và giáp mặt cuộc đời với bao hố hang của nỗi người. Hoa và cỏ dẫu hoang tàn, nhưng Ngô Thị Hạnh vẫn khao khát yêu thương. Yêu mình, yêu người và yêu thơ.
Trương Gia Hòa cũng nằm chung dòng ấy.
Mẹ và ba, ông và những bậc thang kí ức, anh và Đà Lạt, Đà Lạt của những rặng thông ngút ngàn và Đà Lạt thơ, trẻ mồ côi và tấm ảnh người cha lắp ghép, cuộc tình và hương bưởi… Tất cả tạo nên không gian thơ Trương Gia Hòa cảm giác êm mượt, dịu ngọt. rất đắm. Ở đó ắp đầy kỉ niệm đẹp và buồn. đẹp mà buồn.
Nhưng giữa khí quyển thơ tưởng như êm dịu ấy, lắng kĩ, ta nghe – không chỉ sóng sánh thôi mà còn là – những cuộn sóng, trận bão ngầm, sẵn sàng làm nổ tung tất cả. khi: anh đã đi ra ngoài những vòng nước của em.
Và:
lọt qua kẽ tay
tôi muốn nhoài người ra biển lớn
tìm mình.
Trương Gia Hòa có tìm mình được không, chẳng biết. hi vọng rằng, đó không phải là cơn bão bọt mặt li bia cạn hay đáy đời hẹp, nổi lên rồi trôi tuột không để lại dấu vết, mà là bão báo hiệu sóng lớn. Bão thật sự là bão động thi ca.
* Thi sĩ Đoàn Quỳnh Như.
Đoàn Quỳnh Như thì hơi khác.
Hành trình yêu của Đoàn Quỳnh Như đưa người đọc giáp mặt ngày lạ lẫm.
Những ngày rộp, ngày trút đổ, ngày căng rỗng, ngày rỗng thênh, ngày nguyên sơ, ngày rộc, ngày hớn hở, ngày chảy tan, ngày nấc nghẹn, ngày không mưa không nắng, ác mộng ngày, ngày màu đêm,…
Tất cả là ngày trí nhớ mất tích.
Trí nhớ mất tích xô Hành trình yêu rớt vào vô cùng đêm với muôn trạng thái. Những đêm sâu, đêm lang thang, đêm sầm, đêm thao thức, đêm tàn, đêm rỗng lạnh, đêm tươi nguyên, đêm hỏi, đêm mông lung, đêm loang, đêm dậy mùi, đêm căng cứng, đêm không yêu gối chăn, đêm ôm đêm,…
Đêm của ngực đêm, tóc đêm, môi đêm, nước mắt đêm, tôi nằm giữa đêm – đen.
Nơi thẳm sâu đêm và ngày ấy, những thân măng, tóc xõa, bờ eo cong, ngực căng, ngực khuôn tròn, vai nhon, vú mộng, vòng tay rỗng, thể thân mụ mị,… đắm chìm, dập dềnh trong liên khúc hôn rộn ràng, ngửi, liếm láp, trớn mơn, lần mò, lùng sục, sục sạo, mớm nhau, ngửa ngực, bật nút, hụt chăn, tình nóng chảy,…
Bao nhiêu là danh từ, động từ, hình dung từ diễn tả hành cử yêu làm ngập lụt Hành trình. Để cuối rốt, nó quăng quật thể thân, nung nấu trái tim em. Tim rầu rầu, tim đau, tim thoi thóp, tim lăn lóc, tim động đậy, tim nóng chảy, tim vụn vỡ,… Em rơi về một em rỗng bơ vơ, thét gào, chảy tan,…
Hiếm thi sĩ nào ý thức và nói về tình yêu/ tình dục trắng, thẳng, lồ lộ như thế. Chỉ bằng những từ và cụm từ. Nhưng vô ích, nếu thơ không khám phá được gì thêm, ngoài nó.
Đoàn Quỳnh Như, qua “hành trình yêu”, mơ hồ nhận ra khoái lạc và đau khổ, hạnh phúc và bất hạnh cư trú sát sườn. Một ranh giới bấp bênh, mong manh, dễ đổ. Nó đột ngột hoán vị đến kẻ trong cuộc không kịp xoay trở.
sấm nổ rền
giật mình co rúm
ánh sáng tắt vụt
bóng tối ghé chơi
hạnh phúc
bất hạnh
Biết ra sao, ngày sau. Tháng sau. Năm sau. Hay chỉ trong một sát-na, nửa liếc nhìn. Một khóe của đôi mắt huyền kia, ngón của bàn tay búp măng này, bắp vế của cặp giò thon thả ấy bị thương tật. Khi lưng ong này chớm còng, ngực săn đây sắp kì lép kẹp. Biết ra sao, tình anh?
Bởi, có ai nghĩ sợi tóc làm nên mái tóc mây kia, sợi tóc anh đã từng âu yếm, hay trước nữa, anh bao ngại ngần trong toan tính vuốt ve nó; nhưng khi nó vừa rời khỏi mái tóc người anh đang yêu thôi, anh đã xử sự vô tình với nó thế nào!?
Là thế chông chênh giữa tình thương và tình ghét, trơn trợt của tim yêu, vô thường của cuộc thế, mỏng manh của nỗi người.
Chỉ với hình tượng một sợi tóc rụng thôi, thơ ca cũng đã nói được nhiều.
* Hai nữ thi sĩ Trương Gia Hòa và Nguyệt Phạm giao lưu với độc giả tại Đại học Đồng Tháp – 2011.
Nhìn toàn cảnh sinh hoạt thơ nữ Sài Gòn không chỉ chuyển động giữa hai dòng đó, mà lắm lúc chệch hẳn ra khỏi quỹ đạo như lập trình sẵn. Chiêu Anh Nguyễn là một.
Vỉa hè gần như là thuộc tính của văn nghệ Sài Gòn. Từ thuở văn nghệ miền Nam. Bùi Giáng hay Nguyễn Đức Sơn thì đã đành rồi, ngay Phạm Công Thiện “sang trọng” là thế, chất vỉa hè vẫn cứ đậm đặc. Thuộc tính, và đã trở thành truyền thống. Cả sau Bảy lăm, khi giới cầm bút luôn bám vào tòa soạn báo chí hay làm việc trong các cơ quan Nhà nước có dính dáng đến chữ nghĩa, truyền thống vỉa hè của Sài Gòn vẫn tồn tại. Truyền thống này càng phát triển mạnh mẽ sau mở cửa, khi dân viết lách các nơi đổ dồn vào thành phố.
Mà chất vỉa hè luôn gắn liền với cà phê – cà phê vỉa hè. Cùng quán cóc các loại.
Các quán có khi cố định, nhưng thường thì chúng dịch chuyển sau thời gian chấp chứa dân vỉa hè. Khi cánh văn nghệ Sài Gòn chán (cái bản mặt ông chủ quạo quá mức). Khi có sự cố quán bị dẹp tiệm (qua chương trình làm sạch đẹp đường phố chẳng hạn). Khi quán lên đời (sang quá, chả đúng phong cách bụi của vỉa hè).
Bởi vỉa hè cần “chiếc ghế dựa xanh nham nhở”, “cả vết nâu trầm loang trên mặt bàn”… mới ra chất vỉa hè.
Hoặc khi quán có nhiều tai mắt học đòi làm dân vỉa hè ghé giải khát. Vân vân chuyện. Nhưng rồi bao giờ vẫn có tụ điểm vỉa hè khác nổi lên, quy tụ dân vỉa hè và giới giang hồ [vặt và xịn].
Tùy tiện và tùy nghi, “không cần do dự”.
Trước, sau và cả trong giờ hành chánh, anh em tranh thủ tạt qua gặp mặt tán gẫu. Có thi sĩ chẳng việc gì làm, đến ngồi lì cả buổi sáng, ngồi lấn cả buổi chiều. Nhà văn đi xe ngang, nổi hứng, ghé. Bâng quơ vô định, chỉ “để tạm chấm dứt một buổi sáng”. Vậy thôi, chẳng gì cụ thể cả.
Gọng kính oval cầm lên đặt xuống
Buổi sáng tắm nắng cho vết son tưởng tượng
Tô bằng phản chiếu tròng kính lấp loá
Hơi nước bốc lên từ buổi trưa dưới giàn hoa giấy
Không còn thời gian chờ đợi
Có thể
Nụ cười sẽ ẩn hiện đâu đó
Sau vệt nắng kéo chiếc bóng dựng đứng vuông góc
Em đứng lên quay lưng
Tạm chấm dứt một buổi sáng với mild seven và ly café đắng
Giết thời gian ư? – Không. Lấy tin cho bài báo sáng mai ư? – Chưa hẳn. Khỏa lấp khoảng trống trong tâm hồn ư? – Có thể lắm.
Chúng ta
Đến và đi
Chặng đường không bao giờ kết thúc
Có khi chỉ cần thấy mặt nhau, dù không để làm gì – cũng đủ. Một giải tỏa bức xúc, vài tâm tình lẻ, ít cãi cọ vụn, rỉ tai mấy tin sốt dẻo vừa lỏm được… mọi mọi thứ thứ chuyện đời và chuyện chữ xảy ra, ở đó.
Nhưng dường tất cả đều gặp nhau ở tâm trạng chờ đợi. Chờ đợi một khuôn mặt văn nghệ lạ lẫm nào đó xuất hiện, một giọng thơ mới lạ từ góc khuất đời nào đó cất tiếng, một tập sách in photocopy bất chợt của ai đó ra mắt gây xôn xao. Chờ đợi một “nụ cười sẽ ẩn hiện đâu đó”, một sự kiện nào đó. Để “giải phóng cho câu chuyện dài bất tận” này.
Nhưng không. Nó sẽ không chấm dứt. Không bao giờ.
Tất tần tật câu chuyện vu vơ đó, tâm trạng lê thê mù mịt kia, hành vi và cử chỉ vô cớ này, cùng sự chờ đợi làm thành “Có những buổi sáng”. Thơ từ/ qua/ cho vỉa hè – giản đơn mà đặc sắc. Như chưa từng có thơ nào như thế, về vỉa hè.
Chiêu Anh Nguyễn sinh ra, lớn lên và sống tại Sài Gòn, có việc làm ổn định ở đất Sài Gòn. Và như một thi sĩ Sài Gòn chính hiệu, Chiêu cũng rất vỉa hè.
Sài Gòn, 1-2012
Pingback: Tin thứ Hai, 18-06-2012 « BA SÀM
Ô, sao mà nhiều em xinh đẹp thế! Không làm thơ hay mới lạ, phải không Sara của tui???? Phân tách thế này thì miễn chê, nếu đào sâu hơn càng có giá.
Ngay câu đầu tiên độc giả đã thấy nhà thơ kiêm nhà phê bình Inrasara khái quát được vấn đề, một lối khái quát rất sáng tạo. Đến phần kết, khi anh đề cập thuộc tính vỉa hè của văn nghệ Sài Gòn, phải công nhận đây là phát hiện thú vị. Ai cũng thấy, nhưng chính Inrasara đã nói lên ý tưởng này. Và đã chứng minh bằng sáng tác của nữ nghệ sỹ Sài Gòn chính hiệu.
Viết ngắn mà nêu được nhiều vấn đề. Tính khái quát mạnh. Nhiều nhà thơ xịn ở Sài Gòn rất không thích bám vào nhà nước, dù là nhà nước nào. Như văn nghệ sĩ tự do đúng nghĩa. Đồng ý với thái độ trí thức của nhà thơ người dân tộc Chàm Inrasara. Như vậy mới đảm bảo tự do tư tưởng. Nếu văn nghệ sĩ mà anh cứ bám vào nhà nước ăn lương, hỏi anh có dám tự do phát biểu. Anh không nói theo hót nịnh là còn may đời anh!!