Inrasara thuyết trình ở Diễn đàn Talk&Think

* Inrasara tại Hội đồng Anh.

Người Chăm đóng góp gì vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam? 

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những đề tài được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua, bởi nó quyết định sự tồn tại của dân tộc đó trong bức tranh văn hóa thế giới. Văn hóa truyền thống của người Việt là nền văn hóa đa dân tộc mà trong đó, văn hóa – văn minh Chăm là một trong những mảng màu chủ đạo nổi bật nhất.

“Tôi đến từ miền đất quen mà lạ, ở đó đang tồn tại một nền văn hóa khá khác lạ. Nền văn hóa khác lạ của dân tộc có một lịch sử bi thương. Dân tộc đó ngày nay đang sống khiêm cung tại hơn mười tỉnh thành trên đất nước Việt Nam. Sau 200 năm bị bỏ quên, nền văn hóa văn minh của dân tộc ấy tưởng đã bị thời gian vùi lấp hay bị chìm khuất dưới đêm mờ lịch sử, nhưng không – nó vẫn còn đó. Nó có mặt, và đợi những bước chân thiện chí đến đánh thức. Đã có nhiều bàn chân như thế dọ dẫm bước tới, hơn thế kỉ qua. Để nền văn hóa kia ngày càng lộ hiện dần khuôn mặt khác lạ độc đáo của nó. Chính các khác lạ như thế làm nên sự phong phú đa dạng của nền văn hóa.”.

Đó là những chia sẻ của nhà nghiên cứu Inrasara – vị khách mời số tháng 6/2012 (khu vực TP. HCM) của Diễn đàn Talk&Think – Chia sẻ và Suy ngẫm do Trường PACE, Viện IRED, Dự án IPL và Dự án Sách Hay đồng phối hợp tổ chức.

Người Chăm đã đóng góp gì cho đất nước Việt Nam, hôm nay và ngày mai? Đó là Ngôn ngữ – cái khác biệt rõ nhất giữa Chăm và Việt, mà cái cốt tủy làm nên sự khác biệt lớn chính là văn minh: Ấn Độ (Chăm) – Trung Hoa (Việt Nam); đó là một nền kiến trúc kì vĩ, một nền điêu khắc đặc sắc; đó là truyền thống ca-múa-nhạc dân tộc, các lễ hội dân gian, dệt thổ cẩm hay chế tác gốm và Văn chương. Và còn nhiều mảnh vụn khác nữa.

Với chủ đề Người Chăm đóng góp gì vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam? và dưới sự chủ trì và thuyết trình của nhà nghiên cứu Inrasara – một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Chăm – Diễn đàn Talk&Think kỳ này sẽ tập trung giới thiệu những mảnh vụn của nền văn hóa văn minh phong nhiêu đang bị lãng quên kia. Với những mảng màu văn hóa, chương trình hy vọng góp phần làm sống dậy, như là một cách bảo tồn bản sắc một dân tộc, góp phần vào đa dạng hóa nền văn hóa Việt Nam, và rộng hơn – văn hóa nhân loại.

Thông tin về chương trình cụ thể như sau:

  • Chủ đề: Người Chăm đóng góp gì vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam?
  • ·        Diễn giả: Nhà nghiên cứu Inrasara
  • ·        Thời gian: 8h30 – 11h30, thứ Năm, ngày 28/6/2012
  • ·        Địa điểm: Tòa nhà PACE – 341 Nguyễn Trãi, Quận 1, TP. HCM
  • ·        Phí tham dự: Miễn phí tham dự
  • .  Đăng kí trước ngày 23-6-2012    

 Đôi nét về Diễn giả:

Inrasara tên thật là Phú Trạm, sinh 1957 tại làng Chăm Caklaing, tỉnh Ninh Thuận. Hiện sống tại TP. HCM. Các tác phẩm đáng chú ý: Tháp nắng (thơ, 1996); Lễ Tẩy trần tháng Tư (thơ, 2002); Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức (thơ, 2006); Chân dung Cát (tiểu thuyết, 2006); Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo (tiểu luận văn chương, 2006), Song thoại với cái mới (tiểu luận văn chương, 2008); Hàng mã ký ức (tiểu thuyết, 2011)… Ngoài ra ông còn xuất bản hơn 10 công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm. Ông đã đầu tư xây dựng một Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani tại quê ông, và chủ biên đặc san Tagalau, Sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1997 & 2003), Giải thưởng Văn học ASEAN (2005), Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (2009). Hiện Inrasara là Phó Chủ tịch Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam.

2 thoughts on “Inrasara thuyết trình ở Diễn đàn Talk&Think

  1. Đề tài thuyết trình hay đây!
    Dù ghét ông Inrasara, nhưng phải cực kỳ khen ông Inrasara, web cá nhân mà 5 năm liên tù tì mỗi ngày đều có vài bài mới. Đó nói về sức viết của ông và sức thu hút của mạng này.

  2. Sara à. Thời gian vừa rồi em bân nhiều việc nên ít có thời gian theo dõi Inrasara.com, hôm nay vào nhiều thông tin mới quá. chúc mừng những thành công mới của Sara. có một chút thắc mắc trong cuốn tiểu thuyết của Sara, em sẽ mail lại, mong sự giúp đỡ của Sara

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *