Từ điển Aymonier: Yaung: mendiant – người ăn mày, ăn mày.
Từ điển Moussay: – yaung: chực; ví dụ minh họa: nau yaung: đi ăn nhờ; yaung bbơng: ăn chực; yaung đih: ngủ nhờ.
Từ điển Đại học cũng ghi nghĩa tương tự.
Tất cả ngữ nghĩa ghi trong Từ điển trên đều không sai. Dĩ nhiên yêu cầu Từ điển mở rộng nghĩa là điều vô lí. Công tác này dành cho các loại Từ điển văn hóa.
Hôm nay ta thử đi vào nghĩa mở rộng của YAUNG.
1. Urang nau jalan waih yaung đih sang ra krưn
Người đi đường ghé ngủ nhờ nhà quen.
Hiểu một phía: ngủ nhờ. Người đi đường lỡ đường, không có chỗ để nghỉ, qua ghé nhà người quen hay không quen ngủ nhờ. Nhìn một phía, ta thấy chỉ có người ngủ nhờ thì được, còn lại, chủ gia thì mất hay không được gì. Có vậy đâu! Thử liên hệ với một tục ngữ Chăm:
Twai tamư paga yuw ba mưda tamư sang
Khách ghé nhà như mang giàu có vào nhà
thì câu trên được cả hai. Có khi người cho còn được nhiều hơn người nhận nữa.
2. Rinaih nau yaung abu đam: Trẻ con đi ăn nhờ chè đám.
Nau yaung hlaung: đi phụ giê lúa, hay đi giê lúa nhờ.
Ở 2 ví dụ này, nghĩa “nhờ” từ hai phía lộ rõ hơn. Phần chè đám mà không có trẻ ăn thì coi như của đổ. Trẻ cần ăn, mà gia chủ cũng cần có người ăn.
Người nghèo không có ruộng đi qua nhà người có ruộng phụ giúp giê lúa, sau đó được chủ ruộng cho ít thóc đội về, cho bao nhiêu tùy lòng. Cả hai đều được việc.
Xem kĩ hai câu minh họa này, dường như phía đi yaung được nhiều hơn.
3. Đồng dao Kadha rinaih dauh Chăm có câu:
… Yaung palei Hamu Crauk… Ăn chực là làng Bàu Trúc…
Lẽ nào cả làng này đều đi ăn chực, ăn mày, hay sống chuyên nhờ vả? Hiểu vậy thì khó ăn khó nói với làng Bàu Trúc đấy! Trong cuốn Văn học Chăm khái luận (1994), tôi dịch câu này là: Giúp đám là làng Bàu Trúc.
Nghĩa là người đi yaung mất nhiều hơn được. Bỏ công cả ngày để có hai bữa ăn thì được gì chứ! Mà có phải ai cũng đi yaung được đâu. Phải là kẻ rành các lệ tục của phong tục tập quán dân tộc mới có khả năng độc đáo ấy.
4. Và cuối cùng, cũng không nên quên, khi trong làng hay làng bên có lễ hay đám rija hay đam, anh chị em Chăm nổi hứng rủ nhau đi yaung, như góp phần làm cho lễ hay đám đó thêm vui, xôm tụ.
Qua vài ví dụ minh họa sơ bộ như thế, ta thấy hàm nghĩa văn hóa của từ YAUNG rất rộng. Rộng và có nét đặc trưng của nó.
Bài này viết hay quá, phân tách kỹ lưỡng mà ai cũng hiểu được. Nhà thơ cần có nhiều bài phân tách hay như bài này để mọi người đọc.
Cảm ơn