(Chủ đề Bất an Dự án Nhà máy Điện hạt nhân – Ninh Thuận)
(Inrasara trả lời bạn đọc xung quanh ĐHN)
* Quê hương thanh bình – Photo Inrajaya.
Trung tuần tháng 5 vừa qua, về quê, tôi có dịp tiếp cận với anh chị em trí thức Chăm, ở Hamu Tanran, Caklaing và PRTC, tuổi trên dưới 30. Các bạn đã thẳng thắn đặt câu hỏi với tôi xung quanh vấn đề ĐHN, và tôi đã trả lời, thẳng không kém. Sau đó, qua trao đổi trên website Inrasara.com về sự kiện này, tôi nhận được nhiều câu hỏi khác. Sau đây là phần ghi lại phản hồi, và trả lời tiếp các thắc mắc chưa kịp giải tỏa. Cả cho tôi và cho các bạn.
Sau trả lời này, Inrasara.com tạm ngưng kì hai chuyên đề ĐHN.
1. Chính phủ không nghe dân đâu… (3 ý kiến)
– Đây là lối nghĩ tiêu cực. Từ phía Chính phủ mà nhìn, nó còn bị xem là suy nghĩ “lệch lạc” nữa: Ai dám nói Chính phủ tôi mà không lắng nghe dân? Nhưng tạm để yên câu hỏi này ở đó. Theo tôi, Chính phủ nào dù độc đoán tới đâu, ít nhiều vẫn nghe dân, nếu dân biết kêu, và kêu đúng. Nếu chưa nghe, thì trí thức cố nói sao cho Chính phủ nghe, buộc Chính phủ phải nghe.
2. Có nói cũng vô ích thôi… (nhiều ý kiến)
– Không vô ích đâu, diễn biến vài sự cố khắp đất nước thời gian gần đây chứng minh điều đó. Lại tạm cho khía cạnh này vào ngoặc, ở đây ta nhấn vào sinh phận trí thức. Sinh phận của trí thức là nói. Vô ích cũng nói. Nguy hiểm đến sinh mệnh hay tính mệnh, cũng nói. Ngay số đầu năm 2006, trên tạp chí Văn hóa Dân tộc, tôi viết:
“Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Kinh đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững chính sách dân tộc của Đảng. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn là mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng”.
Đoạn văn được nhiều báo và tác giả trích dẫn. Đó là cán bộ. Còn trí thức, trách nhiệm với cộng đồng, họ PHẢI nói.
3. Inrasara phản đối ĐHN, chỉ nói miệng thôi, sao không làm đi! (2 ý kiến)
– Xét về sinh phận của trí thức, nói và làm đồng nghĩa. Nói tức là làm.
4. Nhưng “làm” kia có mạng lại hiệu quả gì cụ thể không? (1 ý kiến)
– Hiệu quả của hành động trí thức khác xa hiệu quả của nhà hoạt động xã hội. Riêng bản thân tôi, hãy để cho mọi người nhận định. Cũng xin miễn ý kiến, ở đây.
5. Có độc giả người Kinh phê bình trí thức Chăm “đóng” với thế giới ngoài Chăm. Có phải vậy không? Xin nhà thơ cho biết ý kiến của mình. Riêng nhà thơ thì thế nào? (1 ý kiến)
– Đóng – có lẽ đúng. 20 năm trước, tôi cũng đã đề cập khía cạnh này. Người Chăm cần mở và nhập cuộc với thế giới bên ngoài hơn nữa.
Cá nhân tôi, ở thế giới “ngoài Chăm”, tôi đã kí tên về vấn đề Trường Sa – Hoàng Sa (2007), về vụ Bát Nhã (Lâm Đồng), về Dự án Boxit, về ĐHN. Tôi không kí “theo” mà chỉ nháy chuột chấp nhận khi tôi hiểu rõ vấn đề. Và tôi kí ngay, không chút chần chừ. Riêng dự án Boxit, sau này ông bạn cho biết là không có tên tôi trong danh sách, tôi không hiểu vì sao có trục trặc đó (tôi không theo dõi danh sách sau khi kí). Còn nhiều sự vụ khác, dù nhận được thư, tôi đã cho qua, đơn giản bởi tôi không nắm được vấn đề.
Kí tên vào bản kiến nghị hay kháng thư không có gì nghiêm trọng cả, nó chỉ góp thêm một tiếng nói giúp bộ phận lập chính sách xem xét lại việc làm của mình.
6. Có ý kiến cho là nhà thơ Inrasara có “đồng ý” hay “đứng sau lưng” tên tuổi khác để phê phán trí thức Chăm không phản đối ĐHN là hèn nhát hay trốn tránh trách nhiệm, có đúng thế không? (2 ý kiến)
– Đây là suy diễn từ bài viết của một tác giả khác. Trong cộng đồng Chăm, ít nhất phải đến 5 ngàn người được xem thuộc giới học thức, chỉ kể người đã qua Đại học hay trên Đại học. Trong số này theo chỗ tôi biết, không quá 20 người (đứng tên thật, bằng chữ kí, bằng bài viết hay “phản hồi”,…) đã tỏ thái độ phản đối ĐHN. Nghĩa là còn 4.980 người chưa có thái độ. Chỉ có điên mới đi chê cả bộ phận rộng lớn này “hèn nhát hay trốn tránh trách nhiệm” cộng đồng. Trong đó không ít người là anh chị em tôi, bạn bè tôi, thầy dạy tôi… Còn nếu muốn phê bình ai đó, tôi trực tiếp với họ, chứ không cần qua trung gian bất cứ ai cả.
7. Xin hỏi thật, nhà thơ hãy nói thật suy nghĩ của mình về bộ phận trí thức còn lại này… (1 ý kiến)
– Trí thức là kẻ tự đặt trách nhiệm xã hội lên vai mình, không ai mang chúng từ ngoài đặt lên vai họ mà nói: đây là trách nhiệm của ông/ bà.
Việt Nam chưa có văn hóa từ chức. Ở Nhật Bản, thuộc cấp làm sai, bộ trưởng từ chức ngay; sóng thần gây thảm họa hạt nhận, thủ tướng giải quyết xong – từ chức; thậm chí như Hàn Quốc, chỉ vì bị nghi ngờ nhận hối lộ, cựu tổng thống Roh Moo-huyn đã phải nhảy xuống hẻm núi gần nhà tự tử. Việt Nam chưa có văn hóa đó. Văn hóa kí kháng thư cũng vậy: nó chỉ mới manh nha trong thời gian gần đây. Xin dẫn ra đoạn này:
“Sau hai tuần kể từ ngày 14.2.2012, Kiến nghị khẩn cấp của công dân Việt Nam về vụ Tiên Lãng nhận được 1361 chữ kí, thu thập trên blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.
Gần như cùng thời gian đó, từ ngày 7.2.2012, Thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang và đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam nhận được 124898 chữ kí, thu thập trên website của Tòa Bạch ốc Hoa Kỳ, lúc tôi viết những dòng này.
Khoảng cách giữa hai con số này càng nổi bật, nếu đem tỉ lệ 1361 trên 90 triệu người Việt trong nước, chưa kể người Việt ở nước ngoài, đặt cạnh tỉ lệ 124898 trên vỏn vẹn 2 triệu người Việt tại Mỹ”.
Qua so sánh của nhà văn Phạm Thị Hoài, ta đủ hiểu vấn đề. Cho nên, có khờ mới đi trách móc cô bác, anh chị em Chăm mình.
8. Đội ngũ trí thức Chăm có nhiều mâu thuẫn. Các chuyện nhỏ thì vậy, chứ vấn đề lớn ảnh hưởng đến tính mạng cả cộng đồng như ĐHN thì sao? (3 ý kiến)
Inrasara: Người Chăm chưa hình thành đội ngũ trí thức, dù ở đó nhiều người có học, không ít anh chị đạt học vị cao. Nhà nghiên cứu, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ… đều có. Quan điểm về học thuật khác nhau xảy ra tranh cãi – có; cá tính khác nhau dẫn tới sự không đồng thuận – cũng có; nhưng tôi chưa thấy xảy ra sự phân rã. Dẫu sao qua thăm dò cá nhân, về vấn đề ĐHN, những người có học trong cộng đồng Chăm khá đồng thuận: tôi chưa thấy ai nhất trí công khai với Dự án này.
9. Ngoài 4 người Chăm có tên trong “Kháng thư”, còn lại chỉ có Inrasara, Trà Vigia và Đồng Chuông Tử có bài về ĐHN. Thế tại sao phản ứng chuyện nhạy cảm này đa phần là nhà thơ? (1 ý kiến)
– Phân biệt như thế có nên không? Bởi bạn đã hỏi, nên hãy thử xét xem, và cũng nên coi đây chỉ là ý kiến tham khảo: Nhà thơ nhạy cảm với sinh phận con người hơn, với ít so đo tính toán cho bản thân mình hơn, có lẽ thế. Cũng không lấy gì làm chắc lắm. Đó chỉ do tôi liên hệ chuyện cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, thi sĩ trẻ ở Nga, Pháp tự tử và điên chiếm tỉ lệ cao vượt trong giới văn nghệ sĩ.
10. Nhà thơ nhận định sao về các bài viết này? (1 ý kiến)
– Trà Vigia kêu cứu khi thấy nỗi bất an ĐHN lan rộng, kêu cứu cả trong mơ. Đồng Chuông Tử thì cảnh báo với giọng điệu mỉa mai chua chát. Riêng tôi, viết và trả lời phỏng vấn không với tư cách nhà thơ, mà là một nhà nghiên cứu và chủ trang web. Thứ nhất, tạo diễn đàn cho độc giả quan tâm thảo luận và, thứ hai, cung cấp thông tin. 3 điểm tôi muốn nhấn là:
– Đây là vùng đất cư trú lâu đời của tộc người Chăm: hơn 2 ngàn năm,
– Cộng đồng Chăm tập trung nhiều và dày nhất: chiếm gần nửa dân số Chăm trên toàn quốc, và
– Là vùng đất tâm linh có trên trăm địa điểm tôn giáo tín ngưỡng đang được cộng đồng thờ phượng mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày…
11. Về chuyện Đại biểu Quốc hội người Chăm, giới trí thức Chăm và cá nhân nhà thơ nghĩ thế nào? Có động thái nào cụ thể không? (nhiều ý kiến)
– Hãy để mỗi cử tri Chăm đặt câu hỏi với Đại biểu của mình. Các vị nhân sĩ trí thức cũng có câu hỏi riêng, tùy thế đứng của họ. Cá nhân tôi, tôi hiểu vị thế của chị ấy, tôi chỉ yêu cầu vị này cho biết thái độ của mình vớí ĐHN, trước Quốc hội và trước cử tri. Thế thôi, cũng đủ rồi.
12. Nhà thơ có hi vọng gì vào sự thay đổi của Dự án ĐHN không? (2 ý kiến)
– Có. Qua phân tích của chuyên gia thiện chí trên khắp thế giới, qua phản ứng của giới trí thức, qua “điềm báo rất rõ ràng” (chữ của Gs. Nguyễn Minh Thuyết) từ thảm họa gần nhất ở nước ngoài, và qua lộ trình thực tế trong nước, Dự án đã có vài thay đổi. Thông tin mới nhất – Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân cho biết Dự án phải hoãn lại vài năm (vnExpress, 13-4-2012). Vài năm, cũng có thể là chục năm. Biết đâu tới lúc đó, Việt Nam đã tìm được nguồn năng lượng thay thế: hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn, và nhất là – an toàn hơn.
Chờ vậy.
Sài Gòn, 26-5-2012
Pingback: Tin thứ Ba, 29-05-2012 « BA SÀM
Pingback: Trí thức Chăm và ĐHN «
Inrasara trả lời:
“Người Chăm chưa hình thành đội ngũ trí thức, dù ở đó nhiều người có học, không ít anh chị đạt học vị cao. Nhà nghiên cứu, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ… đều có. Quan điểm về học thuật khác nhau xảy ra tranh cãi – có; cá tính khác nhau dẫn tới sự không đồng thuận – cũng có; nhưng tôi chưa thấy xảy ra sự phân rã. Dẫu sao qua thăm dò cá nhân, về vấn đề ĐHN, những người có học trong cộng đồng Chăm khá đồng thuận: tôi chưa thấy ai nhất trí công khai với Dự án này“.
Nhà thơ Inrasara nói đâu trúng đó: vừa trúng vừa khôn ngoan.
Sao lại trách ông nói này nọ về trí thức Chăm nhỉ?
Đồng ý với Thiên Sầu, ký tên vào Kháng thư thì chẳng có gì ghê gớm cả. Inrasara đã viết:
Kí tên vào bản kiến nghị hay kháng thư không có gì nghiêm trọng cả, nó chỉ góp thêm một tiếng nói giúp bộ phận lập chính sách xem xét lại việc làm của mình.
người Chăm còn quê mùa, nên cứ cho nó phản động lắm, nên họ sợ.
theo tôi, không nên sợ gì cả, rồi biết đâu đó các bạn cán bộ công nhân viên giảng viên còn có thưởng cuối năm.
Pingback: Tin thứ Ba, 29-05-2012 | Dahanhkhach's Blog
Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Ba, 29-05-2012 « doithoaionline
Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn trả lời bạn đọc phản hồi, có đoạn:
“Người Chăm có tồn tại và đất Ninh Thuận có phồn vinh không là do cách hành xử của người Kinh và cách phấn đấu của người Chăm mà thôi. Ở đời, luật rừng là mạnh được yếu thua, mong rằng ở thế kỷ 21 ta sẽ hành xử văn minh hơn với dân tộc Chăm một thời hùng tráng, cũng như ta muốn Trung Quốc hành xử văn minh hơn với ta.”
Không phải vô cớ mà 1 chuyên gia hàng đầu người Việt đang sống tại Hoa Kỳ gọi ông Inrasara là “đại lão trí tuệ”.
Tôi đọc Inrasara 2 năm nay, tôi cứ tưởng ông ít nhất cũng 70 tuổi. Ai ngờ khi đọc nhạc sĩ Tô Hải (86 tuổi) viết ông Inrasara 58 tuổi, tôi mới ngạc nhiên mà tìm đọc tiểu sử ông. Quả ông còn trẻ hơn nhiều, chỉ có 55 tuổi.
55 tuổi mà có các công trình lớn như thế, có cách suy nghĩ đạt đạo như thế phải tôn là bậc đại lão trí tuệ thì không sai.
Nếu có trí thức Chăm nào đi ghen với Inrasara là tội cho người Chăm lắm.
Nể phục!
Nhà thơ Inrasara cứ nết hiền khô vậy thôi mà.
Anh nhớ ở Phú yên vừa rồi, tôi có chê anh sao trả lời BBC về vấn đề lớn vậy mà anh cứ hiền khô thế? Anh cười cười. Sau đó anh trả lời độc giả Inrasara.com cũng lành như vậy. Hôm nay cũng cứ hiền lành như thế.
Câu nữa tôi hỏi anh:
– Sau khi tiếp xúc anh 15′, người ta thường nhận xét thế nào về anh?
– Không hiểu câu hỏi của bạn…
– Có lẽ rất nhiều người sẽ nói: Tưởng ông Inrasara khó gần lắm, khệnh khạng hay quan cách lắm, ai dè ổng cũng vui vẻ dễ gần gụi ra phết.
– À, cũng không ít người cho là thế, như bạn vậy.
Nhưng, ĐHN thì phải khác chứ, phải không anh????
Bạn của anh.
Pingback: 85.Inrasara và Điện hạt nhân « Blog Điện Hạt Nhân