Chay Dalim: Vài lời chân tình gửi Cei Sara cùng các bạn còm

Quả thât tôi theo dõi mấy ngày nay về vụ của Chay Mala, kì thật  Chay có khối óc thật đa dạng và nhanh nhẹn, Chay Mala có lắm trò để chọc cười thiên hạ và chọt thiên hạ. Các truyên của Chay Mala có chỗ tôi đồng ý, có nơi tôi không, hãy để cho người khác bàn. Nay tôi chỉ xin nói về vấn đề xung quanh ĐHN.

Về vấn đề điện hạt nhân, có lẽ ai cũng biết người nông dân Chăm mình chẳng ai hiểu và màn đến cái lò hạt nhân yêu thương ấy bởi sau một ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” họ về cần cái thời gian nghỉ ngơi để ngày mai còn phải đi bán sức lao động của họ tiếp, lấy đâu cái thời gian để ngâm cứu báo chí hay cái truyền hình. Nhiều cán bộ Đảng viên ở nông thôn họ còn không hiểu cái tác hại của lò hạt nhân yêu thương ấy thì lấy đâu mà nông dân họ biết cho thấu.

Cuộc sống thì mỗi người mỗi vẻ mỗi cách sống. Có người họ sống thẳng lưng có người họ sống cong lưng, bởi đằng sau họ còn biết bao thứ để lo toan, nào là mẹ già, con côi… đang phải chờ từng miếng cơm, tấm áo của họ. Trí thức (có học) cũng thế, nông dân cũng chẳng khác gì… Bởi sau cái chiến tranh chết chóc và mất mát sau mấy thế kỉ họ chẳng còn gì, họ chỉ mong mỏi một cuộc sống yên bình không phải cho họ mà cho những đứa con sắp chào đời của họ, cho những cha già sắp phải nhập Kut để về với tổ tông dòng họ, hay cho mẹ già sắp phải về với vĩnh hằng với những nụ cười trên môi đầy mãn nguyện.

Về các bạn còm trên web Cei Sara cũng vậy. Các bạn chê trách họ, không phải là không có điểm đúng. Có thể các bạn là người thấp cổ bé họng, các bạn không có tiếng nói, các bạn trông chờ trí thức, vậy mà họ im lặng. Buồn chớ! Như tôi đã nói, mỗi người có bổn phận của mình. Còn những bạn có lời lẽ nặng nề, xin các bạn xem lại mình trước khi chê trách người khác thì hay hơn.

“Thư phản đối” kêu gọi thu thập chữ kí trên mạng đến nay đã có được chẳn 500 chữ kí. Riêng người Kinh Ninh Thuận có 2 người. Chăm có 4 người. Ngoài các anh đứng tên thật hay bút danh quen thuộc phản đối ĐHN trên web Cei Sara ra, tôi không nhìn thấy tên của các bạn từng viết còm phản đối ĐHN trên web này trong “Thư”. Kí tên thôi mà, đâu cần phải là trí thức. Theo thống kê của Cei Sara, 50 người phản đối ĐHN trên web này, nếu tính cả tên người thật (như nêu trên) và người đã kí vào Thư phản đối…, mới có trên dưới 20 người. Vậy 30 người nữa đi đâu? Vậy mà các bạn chê trí thức Chăm! Khó hiểu lắm, tôi không dám nói “ném đá giấu tay”, mà rất khó hiểu!!!

Thật là khó hiểu cho Chăm tại sao cứ phải chê trách nhau trong khi chính bản thân chúng ta chưa làm điều gì tốt đẹp cho cộng đồng Chăm chúng ta. Cei Sara cũng đã từng có câu “không ai có thể hát thay chúng ta”. Mỗi người chúng ta nên làm dù là thật ít, một điều gì đó tốt đẹp cho cộng đồng chúng ta điều đó có thể tốt hơn so với chúng ta đem nhau ra để chê trách, bình luận. Tôi cũng đã làm và đang làm nhưng trong thầm lặng cho palei tôi và cho bạn trẻ xung quanh tôi.

Và tóm lại mỗi người đều có cách nhìn nhận cuộc sống, sự đời theo cách riêng của họ tùy thuộc vào trình độ nhận thức của họ với nông dân thì đơn giản, chân chất và mộc mạc với những người có học thì sâu xa bí hiểm thế thôi, với lá thư thu thập chữ kí tôi cũng đắn đo cũng suy nghĩ, ngay ngày đầu đọc được lá thư ấy tôi đã định gởi mail để kí (với tên thật) nhưng nghĩ đến cha già mẹ khó lại thôi, còng lưng mấy năm trời nay vay mai trả để nuôi tôi ăn học và cái câu “mày cố gắng học cho ra trường rồi mày muốn làm gì thì làm, đem cái bằng về cho tao đã”, đã làm tôi ám ảnh mãi nên quyết định thôi không kí, cố gắng cho ba mẹ vui lòng cái đã, thử hỏi các chú các bác có phải ai cũng mong muốn cho con mình thành tài, thành đạt không, Chăm mình luôn luôn là thế mà, vì đang là năm cuối của quãng đời sinh viên biết đâu vì việc ấy họ đuổi học tôi thì sao, nếu vậy có ai gởi lời hỏi thăm an ủi tôi không, tôi chắc một điều là không.

Tạm viết mấy lời chân tình mộc mạc thế thôi.

Chúc Cei Sara sức khỏe và thành công.

Chúc mọi người mọi điều tốt lành.

10 thoughts on “Chay Dalim: Vài lời chân tình gửi Cei Sara cùng các bạn còm

  1. Tuyệt cú mèo! Tôi kí tên Trần Sáng đánh giá bài này cực kì cao! Chay Dalim viết:

    “… đã làm tôi ám ảnh mãi nên quyết định thôi không kí, cố gắng cho ba mẹ vui lòng cái đã, thử hỏi các chú các bác có phải ai cũng mong muốn cho con mình thành tài, thành đạt không, Chăm mình luôn luôn là thế mà, vì đang là năm cuối của quãng đời sinh viên biết đâu vì việc ấy họ đuổi học tôi thì sao, nếu vậy có ai gởi lời hỏi thăm an ủi tôi không, tôi chắc một điều là không.”

    Tôi chưa thấy ai thành thật như bạn trẻ này (trẻ, vì kêu Inrasara là Chay mà). Đây mới là Chăm xịn, Chăm trăm phần trăm. Thành thật một cách dũng cảm. Tôi đọc mà cười suốt. Anh chàng không giả vờ dũng cảm, không giấu giếm cái nhát của mình. Hoan hô chú em!
    Cậu Trần Sáng hi vọng nhiều ở con người Chăm như thế này, tương lai.

    PS: Cũng không quên hoan hô Inrasara đã đăng bài này. Tôi chưa bao giờ ưa ông Sara, nhưng đến nước này không khéo tôi thành FAN ông mất!!!

  2. Kính thưa mọi người trong diễn đàn inrasara.com, đặc biệt là Chay Dalim, cùng với BBT Web.
    Tôi cũng là một khách quen – chủ yếu ghé thăm và đọc các bài viết của mọi người đăng tại đây. Hôm nay, tình cờ bắt gặp bài viết của Chay Dalim khiến tôi không thể làm công việc hằng ngày là ghé thăm và đọc nữa. Tôi thấy sự “an phận thụ thưởng” của Chay Dalim trong bài viết này và chắc chắn còn có người suy nghĩ như vậy, nên tôi cũng xin mạo muội lên tiếng chút đỉnh.
    Tôi biết rằng, lịch sử hơn 17 thế kỷ tồn tại của vương quốc Champa cũng giống như các quốc gia khác ở khu vực Viễn Đông nói riêng và thế giới nói chung cũng trải qua những thời kỳ huy hoàng và tang tóc. Champa cũng không tránh khỏi những dòng chảy nghiệt ngã của lịch sử. Nhưng tiếc thay, lịch sử là không thể thay đổi. Chúng ta chấp nhận lịch sử chứ không phải chấp nhận cách người khác điều khiển hay dạy dỗ chúng ta.
    Xin điểm lại một số đoạn trong bài viết của Chay Dalim:

    1. “Cuộc sống thì mỗi người mỗi vẻ mỗi cách sống. Có người họ sống thẳng lưng có người họ sống cong lưng, bởi đằng sau họ còn biết bao thứ để lo toan, nào là mẹ già, con côi… đang phải chờ từng miếng cơm, tấm áo của họ. Trí thức (có học) cũng thế, nông dân cũng chẳng khác gì… Bởi sau cái chiến tranh chết chóc và mất mát sau mấy thế kỉ họ chẳng còn gì, họ chỉ mong mỏi một cuộc sống yên bình không phải cho họ mà cho những đứa con sắp chào đời của họ, cho những cha già sắp phải nhập Kut để về với tổ tông dòng họ, hay cho mẹ già sắp phải về với vĩnh hằng với những nụ cười trên môi đầy mãn nguyện”.
    – Đúng! Cuộc sống thì mỗi người mỗi vẻ mỗi cách sống, nhưng liệu chúng ta có nghĩ rằng, chúng ta phải sống như thế nào để không cảm thấy có lỗi với linh hồn của tổ tiên, với thế hệ con cháu sau này hay không? Chẳng lẽ, phải chờ cho tới lúc khi những đứa con hỏi bạn rằng: “Thưa cha, thưa mẹ! Tại sao lúc trước cha mẹ không phản đối việc xây dựng ĐHN ở quê hương chúng ta, chẳng lẽ lúc cha mẹ còn đi học cha mẹ không tiếp xúc với internet hay cha mẹ không hiểu gì về tác hại của ĐHN?” Lúc đó chắc sẽ phải té ngửa hay sao!
    Là một bậc làm cha làm mẹ, ai chẳng muốn con mình có một cuộc sống sung túc và yên bình. Là một người con, ai chẳng muốn đền đáp công lao sinh thành, nuôi dưỡng của kẻ làm cha làm mẹ. Nhưng không chắc không có những bậc cha mẹ muốn con mình có trách nhiệm với dân tộc hơn là có hiếu.

    2. “Về các bạn còm trên web Cei Sara cũng vậy. Các bạn chê trách họ, không phải là không có điểm đúng. Có thể các bạn là người thấp cổ bé họng, các bạn không có tiếng nói, các bạn trông chờ trí thức, vậy mà họ im lặng. Buồn chớ! Như tôi đã nói, mỗi người có bổn phận của mình. Còn những bạn có lời lẽ nặng nề, xin các bạn xem lại mình trước khi chê trách người khác thì hay hơn”.
    – Chê/ Trách cũng chính là một khía cạnh của phản biện xã hội. Về trình độ hiểu biết, học vấn chắc chắn có người giỏi người yếu, nhưng tinh thần và ý thức dân tộc chắc chắn không thua kém gì nhau!
    Cei Sara cũng đã từng có câu “không ai có thể hát thay chúng ta” Đúng vậy! Không ai có thể hát thay chúng ta, và chúng ta chính là người có tiếng nói lớn nhất tại nơi mà chúng ta đang sống. Vậy, im lặng có đồng nghĩa với chấp nhận số phận?
    Nói tới người nông dân. Chay Dalim nói không sai, họ đúng là phải quanh năm còng lưng làm ruộng, họ làm gì có thời gian để có thể đọc báo hay xem tin tức thời sự. Họ làm gì có khả năng tiếp cận những vẫn đê nóng hổi của dân tộc hay rộng hơn là thế giới như thế hệ tri thức trẻ chúng ta (ở đây tôi đề cập tới sinh viên). Họ hoàn toàn mù tịt! Vậy làm sao họ biết để mà có thể cất lên tiếng nói của mình. Còn chúng ta – đại diện cho một tầng lớp tri thức trẻ và tiềm năng của dân tộc. Sao không dùng những kiến thức hiểu biết của mình đi giảng giải cho những người nông dân đó nghe và hiểu. Chắc chắn có người chịu khó lắng nghe và những người thờ ơ. Chay Dalim cũng làm được điều đó.
    Tôi còn nhớ câu nói của một danh nhân chính trị: “Kẻ ác không đáng sợ bằng những việc chúng làm, mà cái đáng sợ nhất là sự thờ ơ của kẻ thiện” Chúng ta thờ ơ với những gì xảy ra xung quanh chúng ta. Phải chăng chúng ta là kẻ thiện?
    Có một câu nói của Napoleon Bonaparte mà tôi rất tâm đắc: “Mất tài sản là không mất gì cả, mất danh dự là mất một nửa, mất can đảm là mất tất cả”.
    Mong rằng mỗi bản thân chúng ta, hãy luôn nhắc nhở với bản thân về trách nhiệm dân tộc và hãy từ bỏ ý nghĩ “an phận thụ thường”.
    Lời cuối, mong Cei Sara cho đăng dòng comment này.
    Xin cảm ơn Cei rất nhiều!

  3. Chay Dalim có bài “Chay Dalim: Vài lời chân tình gửi Cei Sara cùng các bạn còm”. Vậy tôi sẽ đạo văn lại tên gọi bài viết của Chay để đặt tên cho comment của tôi là :
    JaDar:
    Vài lời chân tình gửi đến Chay Dalim và các bạn có cùng suy nghĩ với Chay.

  4. Ưu điểm của bài Chay Dalim là: dễ thương, thành thật
    Nhưng,… nếu ai cũng có suy nghĩ dễ thương kiểu này thì… TIÊU!
    Còn nếu ai cũng vỗ tay như bác Trần Sáng thì tiêu… nhanh hơn!!!
    ICN

  5. Chay Trần Sáng nói cũng đúng đấy nhỉ, đó đích thị là Chăm trăm phần trăm ở cái sự thật thà kèm một ít nhút nhát. Còn những người khác không phải là Chăm bởi họ chỉ dám hô hào, dám bốc phét không dám thể hiện rõ cái quan điểm của mình, chỉ dám “ném đá giấu tay”, tranh luận thì rất sôi nổi nhưng khi làm việc thật thì chẳng ai dám. Chăm được 4 người là Cei Sara, Inrajaya, Trương Đăng Ái và Ysa Cossiem (USA) còn một số bạn còm khác thường mạnh miệng tuyên bố ta đây là Chăm, đích thị là Chăm…. có thấy cái tên nào trong danh sách đâu nhỉ. Một số vị ở Mỹ, ở Tây sao họ không kí nhỉ? Họ có sống vật vờ ở VN đâu, hay họ bảo chuyện này quá nhỏ bé với họ. Khi tranh luận về văn hóa, về ngôn ngữ Chăm họ hăng hái và xông xáo thế nhỉ. Tôi có đọc một bài của TS. Phùng Liên Đoàn – nhà khoa học nguyên tử thứ thiệt gốc Việt, ông gọi Inrasara là một “ĐẠI LÃO TRÍ TUỆ” và mong được làm quen với anh…! Thế là, đồng cảm với Inrasara, ông đã rút ruột, gan, tim, óc của mình để viết một bức thư cho Sứ Quán Việt Nam tại Mỹ, yêu cầu chuyển cho chính phủ VN, ông trình bầy những bất lợi, rủi ro, tốn kém, lỗ nặng ra sao về cuộc phiêu lưu hạt nhân này, một lần nữa mong sao “Nhà nước Ta” đừng để bọn Mafia kinh tế nước ngoài qua mặt…

    Mong rằng nhiều Chăm thứ thiệt dám nói dám làm như Chay Sara, đừng như Chay Dalim thật thà đến nỗi không dám nhận mình là Chăm.

  6. Mỗi chúng ta Chăm hay Việt cần sự an bình. Từ khi Chăm mất nước, người Chăm đã sống rất hòa bình với người Kinh, có xảy ra vài xung đột nhỏ, và thiệt thòi (tù tội, chết…) về phía người Chăm là chính. Nhưng nhìn chung hai dân tộc yêu thương hòa đồng với nhau. Thanh niên hai dân tộc cũng đã yêu nhau và lấy nhau nhiều. Chúng ta cần hòa bình để còn đối phó với giặc ngoại xâm. Vậy mà hôm nay người Chăm ĐƯỢC bất an vì lò hạt nhân. Lỗi tại ai?
    Nhà nước có nên xem lại không?

  7. Chiêm Nữ hiểu lầm tôi.
    1. Tôi hoan hô nhà thơ Inrasara vì đã dám đăng bài “không phản đối ĐHN” của Chay Dalim, trong khi nhà thơ là người phản đối. Nghĩa là nhà thơ này công bằng với mọi người, sẵn sàng cho đối thoại nhiều chiều. Không tốt sao?
    2. Tôi thích Chay Dalim ở 1 điểm là thật lòng: mình không ký, mình dám nhận, và cho biết lý do. Thành thật như vậy không hay sao?
    Chỉ người biết mình nhát, dám nhận mình nhát, sau này mới dũng cảm.
    Chỉ 2 điểm đó thôi. Đừng nói lạc qua chuyện khác.

  8. Bài viết và comment của Chay Dalim thật sự làm tôi thức tỉnh nhiều điều, lâu nay chúng ta chỉ biết hô hào, lớn tiếng ko dám làm, ko dám thể hiện. Bài viết cũng có cái hay và không hay của nó.

    1. Cái ko hay của bài viết là thể hiện sự nhu nhược, vô dụng ko dám làm khi vận mệnh (văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán….) dân tộc sắp phải tiêu tan.

    2. Cái hay của bài viết và comment là chỉ rõ đại đa số bộ phận những người có học Chăm chỉ dám lớn tiếng hô hào phản đối nhưng chẳng ai dám ký tên vào bản kiến nghị. Theo ước tính của web Inrasara là 5000 người đã qua bậc ĐH và trên ĐH, nếu tính cả SV thì hơn gấp đôi nhưng chỉ có 20 người kiến nghị phản đối còn lại 4980 ko dám lên tiếng, đó là một thực trạng đáng buồn. Mọi người nên xem lại cả SV lẫn các bậc đã được học hay nói gọn là có học (chưa là trí thức chân chính vì ko dám hi sinh cho vận mệnh dân tộc như Inrasara hay nhiều trí thức dân tộc Kinh).
    Tôi cũng xin được ký tên phản đối ko biết có còn cơ hội.

  9. Việc ký vào bản kiến nghị phản đối chẳng có gì là ghê gớm, nếu ko muốn nói đó là một điều rất đỗi bình thường, cực kỳ bình thường.
    Chúng ta cũng cần gì để các vị đại biểu đọc những bài viết, cũng chẳng cần chính phủ phải đọc, vì chắc chắn những chữ ký kia không dành cho họ. Ở đây là dành cho chính phủ Nhật. Chính phủ Nhật dẫu sao cũng có nhân bản hơn. Họ không nên vô nhân đạo khi chỉ vì lợi nhuận mà lại xuất khẩu thứ chết người sang nước khác.
    Có lần, tôi đã gửi những đường link cho thấy báo chí Nhật Bản và cả giới trí thức Nhật Bản rất quan tâm đến việc phản đối xây dựng điện hạt nhân, trong đó có nói đến rất nhiều về bản phản đối thông qua chữ ký, tôi đã gửi link cho một số người quan tâm đọc. Nó cho thấy rằng, ko phải chúng ta đơn độc, mà bên cạnh chúng ta còn có những con người văn minh. Họ ko phải là những kẻ hèn nhát, nhu nhược hay thất học hoặc vô nhân đạo.
    Sống là chọn, chính chúng ta đang chọn cách sống bạc nhược. Chính chúng ta đang chọn cách sống an phận. Chính chúng ta đã đánh đổi tương lai của các thế hệ sau để hòng mong được sự bình yên trongg hiện tại. Nhưng, nếu nhìn xa hơn, chúng ta đang đánh mất tất cả.
    Tôi ko hy vọng sẽ có nhiều người ký vào thư phản đối trên, vì trong nhiều năm tìm hiểu về Chăm, tôi hiểu được phần nào Chăm. Nhưng con số người ký vào thư phản đối làm tôi bàng hoàng đến sửng sốt.
    Tôi thấy cực kỳ nguy hiểm khi có những con người như Chay Dalim-tác giả bài viết trên đang cố truyền bá thói an phận, tính bạc nhược và sự hèn nhát của mình đến với nhiều người. Tôi ko dám kêu gọi những người ở đây đứng thẳng lên để dành lại một miếng đất cắm dùi cho hậu thế, hay giữ lại cái Kut cho tổ tiên, nhưng tôi chỉ mong nếu có cúi khom người thì cũng nên nhìn mắt về phía trước.
    Người nông dân tần tảo, họ có thể ngu muội ko nhận ra được những hiểm nguy tiềm ẩn đằng sau dự án 10 tỷ dollars, vì họ đâu được học hành, đâu được lên internet để tìm hiểu về những hiểm nguy đó. Nhưng khổ nổi là, ngay những kẻ biết đọc, biết viết, biết lên Internet như Chay Dalim lại chẳng thể nói cho những người nông dân ít học kia hiểu được sự nguy hại. Mỗi người có một chức phận, vậy thì chức phận, trách nhiệm của những kẻ có học như Chay Dalim ở đâu khi tác giả ko truyền tải được cho những người nông dân ít học hiểu được tác hại ghê gớm từ điện hạt nhân? Người nông dân đã hoàn thành trách nhiệm của họ khi cung cấp cho Chay Dalim miếng cơm ăn hằng ngày rồi mà?

  10. Pingback: Vài lời chân tình «

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *