(chủ đề Bất an Dự án Nhà máy Điện hạt nhân – Ninh Thuận)
Dân tôc Chăm là một dân tộc bản địa lâu đời, đã từng là chủ nhân của một vương quốc Champa hùng mạnh trong lịch sử. Theo thời gian, vương quốc Champa dưới hành trình Nam Tiến của Đại Việt, để rồi hôm nay chỉ còn đọng lại trong cộng đồng dân tộc Chăm những kí ức tang thương và những mảnh vỡ của văn minh dân tộc rải rác từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Đồng Nai đó là những thánh địa như Mỹ Sơn, Cát Tiên, Kalan Po Nagar, tháp Po Klaong Giray, Po Romé,… và hệ thống tín ngưỡng dân tộc đồ sộ đang trong tình trạng hấp hối dưới ảnh hưởng của dòng văn hóa ngoại lai. Tất cả hệ thống tâm linh tín ngưỡng, văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Chăm hôm nay đang trong đà suy thoái và có nguy cơ biến mất. Vì sao? Đó là câu hỏi mà trí thức Chăm, nhà nghiên cứu dân tộc học, nhà khoa học,.. cần tìm ra giải đáp và giải pháp. Để góp phần trả lời câu hỏi này, tôi xin mạn phép nêu ra đề tài Trí thức Chăm và Sự phản biện xã hội như một hồi chuông thức tỉnh trong giới trí thức Chăm đang ngủ quên trong tiền tài và danh phận, để nhận thức trách nhiệm của mình thế nào đối với sự tồn vong của một nền văn minh dân tộc Chăm, thế nào đối với sự tiến bộ của cộng đồng dân tộc Chăm và thế nào đối với tương lai dân tộc Chăm sẽ bị đồng hóa và mất gốc ?
Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu thế nào là Phản biện xã hội? Phản biện xã hội, một hoạt động diễn ra thường ngày trong cuộc sống quanh ta. Để hiểu được nguyên nghĩa của sự phản biện xã hội, chúng ta cần hiểu phản biện là gì? Phản biện có thể được hiểu là sự biện luận theo hướng ngược lại, tức bằng những chứng cứ, luận điểm của mình phản biện lại một vấn đề xã hội/ chính trị đối với một chính sách, chủ trương hay dự án xã hội, mà những vấn đề này, liên quan đến lợi ích của một quốc gia, dân tộc.
Qua đó, chúng ta thấy phản biện xã hội là một phản biện mang tính xã hội, một điều kiện tất yếu để thúc đẩy sự tiến bộ của một xã hội loài người. Đó là sự tranh luận phản biện một vấn đề nào đó liên quan đến hoạt động của xã hội bằng những luận điểm có phân tích/ biện chứng một cách chặt chẽ và logic. Nó không chỉ là biện luận mà bao hàm cả phản biện luận, không chỉ là bác bỏ,phủ định mà gồm cả bổ sung và làm rõ một vấn đề ở một góc độ đa chiều, hiển nhiên phản biện không thể đánh đồng với bài xích, phản bác hay phản động. Qua cách hiểu trên, chúng ta thấy rằng phản biện xã hội là sự biện luận, đánh giá, thẩm định của lực lượng xã hội đối với những chủ trương, chính sách, dự án xã hội,…liên quan đến quyền lợi và đời sống của các thành viên trong xã hội. Vậy, phản biện xã hội là tiếng nói nhận thức của xã hội, lực lượng xã hội.
Trong một xã hội, bao giờ cũng tồn tại nhiều nhóm có lợi ích khác nhau. Những nhóm lợi ích này, dưới sự ràng buộc của pháp luật hình thành nên một xã hội có tổ chức. Tuy nhiên, không phải tất cả sự ràng buộc về pháp luật đều mang đến sự thuận lợi trong tiến trình xây dựng một xã hội theo ý muốn. Để xã hội ngày một văn minh tiến bộ, điều không thể thiếu đó là quá trình phản biện xã hội của lực lượng xã hội, mà trong đó giới trí thức là một lực lượng khá quan trọng. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ cao quí của trí thức, như là tiếng nói nhận thức xã hội của giới trí thức đối với tiến trình phát triển xã hội.
Vấn đề phản biện xã hội và trách nhiệm của đội ngũ trí thức đối với tiến trình phát triển xã hội cũng không ngoại lệ đối với cộng đồng dân tộc Chăm. Tức, xã hội Chăm cũng cần có sự phản biện xã hội kịp thời, đội ngũ trí thức Chăm cũng cần xác định trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.
Điều tôi muốn nói ở đây, rằng trong cộng đồng dân tộc Chăm, trí thức Chăm đã có tiếng nói nhận thức xã hội, tức có những phản biện xã hội nhất định để góp phần gióng lên tiếng nói của đồng tộc về những vấn đề xã hội liên quan đến quyền lợi, đời sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân tộc của cộng đồng dân tộc Chăm hay chưa? Để tìm câu trả lời, chúng ta xin liên hệ đến ví dụ dưới đây.
Một ví dụ cụ thể để nói về vấn đề phản biện xã hội, đó là giới trí thức Chăm đã, đang và sẽ nói lên tiếng nói của mình như thế nào về dự án Nhà máy điện hạt nhân sẽ khởi công xây dựng năm 2014 tại tỉnh Ninh Thuận, nơi có nhiều đồng bào Chăm sinh sống. Thế, trí thức Chăm có ai quan tâm và có lên tiếng về ảnh hưởng của Điện hạt nhân (ĐHN) lên cộng đồng Chăm (có cả ảnh hưởng cả cộng đồng người Kinh tại Ninh Thuận) hay chưa ? Xin thưa rằng, chỉ Inrasara là tri thức Chăm đầu tiên gióng lên hồi chuông về bất an Điện hạt nhân đối với cộng đồng dân tộc Chăm diễn đàn thế giới (BBC). Tiếp theo là những bài viết cá nhân ông và Trà Vigia (một tri thức Chăm) đăng trên web www.inrasara.com xoay quanh đề tài này. Còn lại, vẫn chưa thấy động tĩnh gì của đội ngũ trí thức Chăm (trong nước) – Xót thay cho đồng tộc.
Qua đó, chúng ta thấy đội ngũ trí thức Chăm vẫn chưa có tiếng nói nhận thức xã hội nhất định đối với các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội – văn hóa cộng đồng dân tộc mình. Tức, trí thức Chăm vẫn còn đang mải mê vùi mặt vùi mũi của mình trong tiền tài/ danh phận và gia đình. Trách nhiệm đối với cộng đồng còn quá ích kỷ. Là trí thức (không riêng gì trí thức Chăm), cần phải biết rằng mình phải có trách nhiệm trả nợ xã hội, vì đội ngũ trí thức là những người mắc nợ xã hội hơn ai hết.
Nếu chúng ta cứ mãi sống cho chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ mà quên đi những người đồng tộc lam lũ bán mặt cho đất bán lung cho trời, những đôi chân trần cố bám víu trên mảnh đồi trọc tìm kế sinh nhai thì quả thật không gì hèn nhát bằng. Họ là những nông dân chất phát thật thà, cuộc sống chỉ quanh mảnh đất/ thửa ruộng, thiếu báo chí/ sách vở, nguồn giải trí một chiều duy nhất là Tivi thì làm sao họ nhận thức được thế nào là sự phản biện xã hội để họ cần lên tiếng cho quyền lợi của mình, như ĐHN chẳng hạn. Trí thức lúc này chính là những người anh cả, đại diện cho cộng đồng nói lên nguyện vọng cũng như phản biện một chủ trương, chính sách nào đó liên quan đến đời sống, xã hội cũng như văn hóa tín ngưỡng của dân tộc.
Một xã hội, muốn phát triển vững bền thì tất yếu phải cần nhiều sự phản biện xã hội. Nếu chúng ta mặc nhiên cho mọi hành động được tiến hành thì xã hội đó sớm muộn cũng sẽ đi đến sự tụt hậu và có khi xảy ra sự mâu thuẫn giữa những nhóm lợi ích khác nhau. Phản biện là hình thức khắc phục hữu hiệu nhất sự mâu thuẫn xã hội. Vì trước khi xảy ra mâu thuẫn, nếu có phản biện thì mâu thuẫn sẽ được giải quyết thông qua các thảo luận để đi đến những kết quả tốt đẹp.
Phản biện xã hội một cụm từ nghe có vẻ hiện đại nhưng thật ra từ xa xưa, loài người đã biết phản biện xã hội, cháy nhà hàng xóm mà bình chân như vại, thấy cái ác mà không lên tiếng thì chẳng khác nào sống theo quan điểm sống chết mặc bây, ông đây lo cho cái bụng của ông đã, thừa cơ hội cho cái ác lên ngôi. Đó là thái độ thờ ơ với xã hội, một kiểu trí thức nửa mùa và hèn nhát.
Một điều cần nói ở đây, rằng sản phẩm của trí thức không phải là những món hàng vât chất, những bản thiết kế, những công trình đồ sộ,… mà sản phẩm trí thức bao gồm cả sự phản biện xã hội. Đối với vấn đề về ĐHN ảnh hưởng đến dân tộc Chăm, nhà thơ Đồng Chuông Tử có nêu lên một giải pháp là bức thư và những chữ kí phản đối, đó cũng là một phản biện xã hội. Cứ cho rằng, không dám lên tiếng và chỉ im lặng vì sợ ảnh hưởng đến bản thân và gia đình đó là một suy nghĩ lạc hậu, vô trách nhiệm. Nhà thơ Inrasara cũng nói về sự trưng cầu dân ý trong vấn đề ĐHN trong cuộc phỏng vấn với BBC, thiết nghĩ trưng cầu dân ý cũng là một phản biện xã hội nhưng ở mức độ thấp hơn ở đó người dân chỉ biết gật và lắc, tức đồng ý và không đồng ý. Mà gật và lắc đều diễn ra trong im lặng. Tức ở đó, phản biện chưa được thực hiện.
Cuối cùng, điều tôi muốn nói đến ở đây. Rằng, là trí thức – mỗi chúng ta phải có trách nhiệm nhất định với đồng tộc và xã hội. Chúng ta được sinh ra chỉ một lần và được chết đi chỉ một lần, nếu chết đi mà mang tiếng là một tri thức vô trách nhiệm với xã hội thì còn gì nhục nhã cho bằng khi về với tổ tiên. Đừng để ông bà tổ tiên nói rằng, trí thức gì chứ các anh vừa dốt lại vừa nhát!
Baigaor, harei 21 bilan 3 thun 2012.
Tài liệu tham khảo
1. Nhận thức về Phản biện xã hội ( ThS. Vũ Thị Như Hoa. Khoa Chính trị học, Học viện Chính trị – Hành chính khu vực 1).
2. Inrasara trả lời phỏng vấn BBC về điện hạt nhân ( www.inrasara.com ).
3. Trang web http://vi.wikipedia.org.
4. Phản biện xã hội, Tài liệu trên Interet.
Đừng trách trí thức!
Tôi trích bài viết của GS Nguyễn Ngọc Lanh trên Vietnamnet
“Số từ ngữ gốc Hán chiếm quá nửa hoặc 2/3 kho từ vựng của ta, Dưới thời phong kiến điều này dễ hiểu. Nhưng thời Pháp thuộc, các từ gốc Âu vẫn cứ phải qua sách báo chữ Hán để nhập nội, nói lên ảnh hưởng quá sâu của văn hoá Trung Hoa. Nguyên tử, vi trùng, dân chủ, tự do… dù viết bằng quốc ngữ vẫn được khuân về từ sách chữ Hán.
Duy “trí thức” là ngoại lệ. Nó do ông cha ta tạo ra để chuyển nghĩa “intellectuel” (Pháp),
“Intellectuel” ra đời trong cuộc tranh luận sôi sục khiến xã hội Pháp bị chia thành hai phe đối lập, kéo dài suốt mấy năm liền.
Tuy nhiên, “trí thức” được xã hội chấp nhận không phải do học vị cao hoặc chức danh lớn của người sáng tạo ra nó. Nó sống khoẻ là nhờ bầu không khí dân chủ và tự do tiếp sinh lực cho nó. Vẫn biết, trước Zola từng có những người “có học” không khuất phục trước uy vũ; nhưng khi đó hàm lượng dân chủ và tự do trong xã hội chưa đạt mức để lớp “trí thức” ra đời.
Mọi chế độ độc tài từ thời phong kiến tới hiện nay đều sợ, nghi kỵ, ghét và kỳ thị trí thức, nhưng lại rất biết vuốt ve một số người “có học” tận tuỵ phục vụ và tâng bốc chính quyền. Mầm trí thức vừa nhú. lập tức bị hai chiếc còng trói cả chân lẫn tay, bất nhúc nhích.
Mà lực lượng chỉ trích [trí thức] lại là đa số người “có học”. Họ càng lợi thế khi dẫn dắt dư luận của một khối dân chúng khổng lồ.
“Người có học” là từ được số đông dân chúng sử dụng từ rất lâu nay – để chỉ lớp người có trình độ học vấn cao hơn hẳn mặt bằng chung. Nhưng nghe có vẻ bình dân quá. Ít oai. Đúng dịp, xuất hiện “trí thức”, nghe oai hơn hẳn, thay thế cho “người có học” – do vậy được số đông “người có học” sử dụng. Nó vào cả những từ điển phổ thông. Nghĩa gốc của “trí thức” đã bị ngôn ngữ số đông làm thay đổi đi. Trải nửa thế kỷ, nhiều người từ khi biết chữ đã được dạy trí thức đồng nghĩa “có học”.
Tuy nhiên, khi bàn về chức năng, sứ mệnh và phẩm chất cao cả ở một số người “có học” – khác với số đông, chúng ta lại phải tìm về nghĩa ban đầu của từ trí thức.”
Cho nên đừng trách trí thức Chăm! Họ là người có học chớ phải trí thức đâu mà trách!!!!
“Trí thức Chăm vẫn còn đang mải mê vùi mặt vùi mũi của mình trong tiền tài/ danh phận và gia đình. Trách nhiệm đối với cộng đồng còn quá ích kỷ. Là trí thức cần phải biết rằng mình phải có trách nhiệm trả nợ xã hội, vì đội ngũ trí thức là những người mắc nợ xã hội hơn ai hết.”
“Trí thức gì các anh vừa dốt vừa nhát”
JP chưởi đau nhẻ!
Nhưng theo tôi biết, trí thức là kẻ TỰ mắc nợ, TỰ mình mang nợ, chứ không phải ai mang nợ đặt lên vai mình cả đâu.
Vậy “trí thức” là ai, người Chăm có học đều là “trí thức” Chăm sao. Nhà thơ Sara là một trí thức lớn của dân tộc Chăm hiện hay trên lĩnh vực văn hóa, văn học, thơ… Chăm nhưng thật tế Sara chưa tốt nghiệp đại học. Vậy trí thức là ai? có ai khái niệm được “trí thức”???
Trí thức Chăm? anh là ai? Paka Jatrang đã gặp và nói chuyện chân thành với những người được coi là: “vẫn còn đang mải mê vùi mặt vùi mũi của mình trong tiền tài/ danh phận và gia đình” này chưa????. Tôi hiểu JP đang nói ai? Tôi không nằm trong số này, chỉ là để góp tiếng nói về một tư tưởng hơi bị lệch của JP mà thôi. Tôi biết JP, em còn quá trẻ, chửa trưởng thành trong tư tưởng để có thể viết một cách chín chắn. Trí thức Chăm như “đứa con mồ côi không nguôi nhớ về tình mẹ”, ở họ luôn đau đáu về những gì họ thuộc về. Họ không bao giờ là “các anh vừa dốt vừa nhát” mà họ là những con người uyển chuyển, khôn khéo và mưu trí… vì họ biết họ là ai? họ đang ở đâu? làm gì? Và chính vì thế mà JP khó thấy được hành động của họ. Có những ngọn lửa vẫn âm thầm cháy sưởi ấm cho đêm đông, có những dòng nước vẫn ngày đêm bào mòn đá tảng. Thế nên, “Trí thức Chăm vẫn còn đang mải mê vùi mặt vùi mũi của mình trong tiền tài/ danh phận và gia đình. Trách nhiệm đối với cộng đồng còn quá ích kỷ”, “Trí thức gì các anh vừa dốt vừa nhát” – có đau quá không Paka Jatrang? Có là gáu nước lạnh tạt vào mặt trí thuc Cham chăng? Ở tâm thế và địa vị Sara, lên tiếng là điều dễ hiểu và hợp lí, điều đó thật đáng hoan nghênh. Chữ ký cũng chỉ là giải pháp, còn nhiều giải pháp nữa, hãy cùng đưa giải pháp, hãy kêu gọi, đừng tạt nước lạnh vào nhau nhé. JP ơi, hãy dấn thân và trải nghiệm để trưởng thành hơn em nhé. Đừng là tri thuc “thừa lý thuyết, thiếu trải nghiệm” nhé.
Em là hạt nhân tốt của cộng đồng, hãy cố gắng, chúc em khỏe và thành công.
Theo tôi nhà văn Inrasara đã nói rồi, không nên ca ngợi Inrasara nhiều; mà cũng chớ phê phán các “trí thức” Chăm khác. Như vậy vô hình trung làm hại cho nhà văn chúng ta, mà các anh chị khác cũng tự ái.
PJ viết không phải không có chỗ đúng. Đáng khen hơn là bạn trẻ này có thiện chí.
Nhưng đừng phê phán, biết đâu anh chị đó đang chuẩn bị lên tiếng và có kế hoạch nào đó giúp đỡ đồng bào Chăm (hay cả người Việt nữa) tránh khỏi nạn hạt nhân này.