Thơ: mã giải cho vấn đề bản sắc, tự do và toàn cầu hóa

Ngô Hương Giang thực hiện

Tạp chí Nhà văn, số 3-2012

 

Theo anh, anh đánh giá thế nào về vấn đề bản sắc thơ và bản sắc thơ Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa?

Inrasara: Toàn cầu hóa là một hiện thực diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, từ hai thập kỉ qua. Thế giới đã trở thành một làng, làng toàn cầu global village. Về mặt kinh tế – chính trị – xã hội, toàn cầu hóa khả tính nhuộm nhân loại thành một màu đồng nhất. Thế nhưng trên bình diện văn hóa, toàn cầu hóa làm cho nhân loại trên khắp thế giới trở nên giống nhau hay khác nhau hơn? – là câu hỏi thường được đặt ra trong các cuộc trao đổi về toàn cầu hóa văn hóa (Manfred B. Steger, 2009). Bình diện nhỏ hẹp hơn, văn học chẳng hạn, hay cụ thể hơn: thơ, toàn cầu hóa có là một thứ hợp lưu văn học để dẫn đến sự giống nhau của tất cả các nền thơ ca không? – Chắc chắn là không rồi. Tinh thần dân tộc và địa phương tính của loài người, sức đề kháng của các nền văn hóa cùng lợi ích cục bộ, vân vân… sẽ bảo lưu sự khác biệt/ tạo nên những sự khác biệt mới. Xu hướng tách và nhập xảy ra đồng thời ở các dòng lưu chuyển của tư tưởng và văn hóa thế giới. Văn học không là ngoại lệ. Còn hơn thế, văn học – nhất là thơ – sở hữu vũ khí riêng là ngôn ngữ mà không bộ môn nào có được.

Tôi ủng hộ toàn cầu hóa, càng ủng hộ hơn phong trào hậu hiện đại. Bởi nếu toàn cầu hóa cung cấp phương tiện, thì hậu hiện đại trang bị tinh thần và thủ pháp cho sáng tạo văn học phát triển. Nhất là nền văn học Việt Nam mang sẵn trong mình tính hậu hiện đại, hội đủ các yếu tố và “hoàn cảnh” hậu hiện đại, nhưng đã bị trì níu quá lâu trong đại tự sự, cụ thể hơn – trong một thứ “bản sắc” đóng.

 

Anh đánh giá thế nào về vấn đề nhân bản hiện đại và nhân bản hiện đại trong thơ?

Inrasara: Bạn nói nhân bản hiện đại Modern Humanism, tôi không rõ lắm hàm nghĩa của thuật ngữ bạn ám chỉ. Bởi chủ nghĩa nhân bản nào bất kì đều đặt trên nền tảng quan niệm chủ quan về “con người”, lấy “nhân” làm trung tâm từ đó đưa ra hướng giải quyết đầy tính “nhân bản” các vấn đề của/ liên quan đến con người. Mà mỗi hiểu biết, mỗi quan điểm về con người đều đặt trên một diễn ngôn discourse về con người. Tùy hiểu biết, hậu cảnh văn hóa, thế đứng và lợi ích, môi trường xã hội quy định mà ta có mỗi chủ nghĩa nhân bản khác nhau, đa phần là đối kháng hay phản bác nhau – kể cả chủ nghĩa nhân bản hiện đại.

[Chủ nghĩa] nhân bản trong thơ cũng thế. Tùy diễn ngôn mà người ta định nghĩa thơ, qua đó định tính cho thơ. Thơ chở đạo, nhà thơ phục vụ chính trị, thơ tái tạo hiện thực, cho đến thơ phụng sự ngôn ngữ… cùng bao nhiêu lối nói “thơ là… thơ là…” khác, tất cả góp phần mình vào làm giàu sang dòng sông thi ca nhân loại. Lạ là chính sự giàu sang phong nhiêu này khiến con người ảo tưởng mình đang ngày càng tiến gần tới sở hữu toàn diện bản lai diện mục thi ca. Thế nhưng, sự thể vừa lộ bày đồng lúc che khuất tính thể của thơ như là thơ. Chúng mang nguy cơ đẩy thơ tan loãng trong vô số quan điểm đầy cảm tính/ lí tính về thơ. Dù mỗi diễn ngôn đều có thể huênh hoang chỉ có loại thơ ấy phụng sự con người chính đáng nhất, nghĩa là nó có tính nhân bản cao nhất.

Sự khao khát và nỗ lực trên không gì hơn tố giác rằng con người chưa đi vào trong lòng thơ. Họ vẫn mon men hàng rào thơ để tìm hiểu thơ, nghĩa là vẫn còn tiếp cận thơ rất “siêu hình học” – hiểu theo nghĩa Heidegger. Cơn khát thèm còn đẩy ta xa biệt khỏi tính thể của thơ hơn nữa. Từ đó con người mãi làm kẻ lang thang vô gia cư với cõi miền ta gọi là thơ.

Nhìn một cách tinh yếu, thơ Việt đương đại cũng chịu chung định mệnh với các diễn ngôn xảy ra trên thế giới, nghĩa là đầy tính “siêu hình học” – cho dù chưa bao giờ ta đi cho rốt ráo một diễn ngôn nào bất kì.

 

Mối quan hệ giữa thơ ca và vấn đề tự do của con người cần được nhìn nhận như thế nào?

Inrasara: Lối nói ‘vô gia cư’ ở trên không phải là sự tình cờ của ngôn ngữ biểu hiện, mà là một hé mở cho con người nhìn thấy hiện trạng của định mệnh mình. Rằng con người chưa cư trú trên mặt đất như là ở nhà, đang hiện trạng mất Quê hương Homelessness (Heidegger). Chữ “cư lưu đầy thi tính” là của Hoelderlin:

Ful of merit, yet poetically

man dwells on this earth

Giàu sang trong công danh sự nghiệp,

nhưng on người cư lưu đầy thi tính, trên mặt đất này.

Con người thi sĩ trước hết cần được tìm thấy chốn cư lưu đúng nghĩa, sau đó mới nói đến sáng tạo. Tôi sinh ra ở đây, “đựng khối thịt da” của sự phối hợp của ba mẹ tôi này, sống trong đất nước này, bị tác động bởi môi trường tư nhiên và xã hội này, đã tiếp nhận nền giáo dục này, chịu sự giáo huấn của tôn giáo hay ý hệ chính trị này, từng “vay – trả” bao nhiêu lợi lộc từ mấy thế hệ người thân này,… nghĩa là tôi luôn bị quy định, bị đóng vào thế giới có sẵn. Tôi “bị quăng ném ra ở đó”, không thể chối. Vậy, làm sao có thể tự do khỏi mấy nỗi kia mà không phải “vượt biên”? Một cách quyết liệt hơn: Làm sao có thể “trú” mà vẫn “vô sở trú”?

Đầy thi tính là “giải” tất cả mọi diễn ngôn xưa nay về thơ. “Giải” không phải là “hủy”, mà là hiểu và, để cho nó như là thế. Cư lưu trên mặt đất đầy thi tính như là ở nhà, để sống và viết như hoa hồng nở bởi vì hoa hồng nở. Cho nên mọi định tính, định hướng hay cấm cản thơ dưới bất kì hình thức hay cấp độ nào đều là phản thơ, là phi tự do. Bởi thơ là tự do là sáng tạo. Chỉ có tự do, thi sĩ mới mới có thể đưa ngôn ngữ thi ca nhập cuộc chịu chơi, trò chơi của chính sinh mệnh mình và lớn hơn – Trò chơi của thế giới Le Jeu du Monde.

 

Theo anh, Thơ Việt (gồm nhà thơ và nền thơ ca Việt Nam) cần phải làm gì để vượt qua lằn ranh toàn cầu hóa về thông tin?

Inrasara: Toàn cầu hóa là một cơ hội. Cho mỗi cá nhân nhà thơ và mỗi nền thơ. Xin mượn lại hình ảnh từ một tiểu luận trước đây của tôi: Một nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới mà không từ chối đi vào làng vùng sâu vùng xa điều tra nạn mất cắp gà để giúp chính quyền địa phương giải trừ bớt tệ nạn xã hội. Hắn ý thức môi trường trái đất bị phá hủy, nhưng hắn “không” phải đi lo cho cả thế giới, mà khiêm cung trồng cái cây trong khuôn viên nhà mình và khuyên bà con không phá rừng làm rẫy.

Suy tư toàn cầu, hành động địa phương cục bộ là vậy.

Khi tôi nhận biết ra tôi là Chăm sinh ra tại Caklaing trong đất nước Việt Nam sống bập bênh giữa hai thế kỉ XX và XXI, tôi chấp nhận định phận tôi, từ đó tôi dự phóng và hành động trong chân trời khả thể. Tôi nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ Chăm, sáng tác thơ tiếng Việt và tiếng Chăm, phê bình trong nỗ lực khai mở vùng đất cho nhiều trào lưu thơ ca cùng tồn tại, phát triển công bằng và lành mạnh. Dù vô nghĩa, và vô ích – trong vô cùng tháng năm giữa mênh mông vũ trụ này. Thức nhận như thế, tôi vẫn nỗ lực hết mình. Nỗ lực và hết mình mà không để cho bị cầm tù trong thế giới vây quanh. Nói cùng thể cách: Hành động trong chân trời khả thể thì cách biệt cả vực thẳm với “hoạt động trong điều kiện và hoàn cảnh cho phép”. Nghĩa là tự do khỏi mọi giới hạn. Là thi sĩ có nghĩa là không Chăm không Kinh, không là Việt Nam không là quốc tế. Hắn khiêm cung trong định phận của mình, cư trú tại nhà nhưng hắn có cả thế giới trong mình.

Tôi là ai? Tôi biết gì? Tôi làm được gì? Không gì cả! Nhưng tôi vẫn phải hành động trong chân trời khả thể của định mệnh vô nghĩa mình xẹt qua lâu dài thời gian, nơi vùng đất tôi sinh ra và sống. Tôi thường trực tự thức sự thể. Tự thức, tôi hết bám vào các công trình hay sự nghiệp, học vị hay chức vị, quốc gia hay quốc tế, ý thức hệ tôn giáo hay chính trị, ranh giới địa lí hay biên giới tinh thần, thôi còn đồng hóa tôi với chúng. Đồng hóa không mục đích gì hơn làm trương nở tối đa cái tôi với tính cách là chủ thể tính. Cái tôi này xung đột với [những] cái tôi khác gây bạo động và đau khổ. Tự thức, tôi hành động và tự do như là một cư lưu đầy thơ mộng.

Hành động trong chân trời khả thể và tự do chính là cư lưu thơ mộng.

Chỉ khi nào một nhà thơ Việt hiểu được bản sắc thơ Việt và, để cho nó như là thế, thì hắn mới có thể có những ngày rỗng để học mưgru (tiếng Chăm mưgru gồm: (tiền tố có nghĩa “mang chứa”) + gru (thầy, sư): “có khả tính làm thầy”). Và chỉ khi nào hắn tìm học như là học (truyện cổ Chăm: “Đi tìm học bán vợ”; truyền thống đào tạo nhà thơ ở Ấn Độ – xem thêm Nguyễn Hưng Quốc, 2000), hắn mới có khả tính sáng tạo. Cuối cùng khi hắn làm cuộc trở về cư trú trên mặt đất như là ở nhà, hắn mới có thể nói đến chuyện làm thơ.

 

Sài Gòn, 11-2-2012

One thought on “Thơ: mã giải cho vấn đề bản sắc, tự do và toàn cầu hóa

  1. Bác INRA viết:
    Một nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới mà không từ chối đi vào làng vùng sâu vùng xa điều tra nạn mất cắp gà để giúp chính quyền địa phương giải trừ bớt tệ nạn xã hội. Hắn ý thức môi trường trái đất bị phá hủy, nhưng hắn “không” phải đi lo cho cả thế giới, mà khiêm cung trồng cái cây trong khuôn viên nhà mình và khuyên bà con không phá rừng làm rẫy.”

    Hay lắm bác INRA ơi. Bác nói điều khó hiểu nhứt bằng điều dễ hiểu nhứt.
    Vậy là HHĐ liên quan đến Chăm mình rồi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *