Sài Gòn, 5-3-2012.
Bạn đọc thân mến!
Vừa qua có vài câu hỏi rời ở nhiều thời điểm khác nhau liên quan đến Tagalau. Nay, tôi xin trình bày một lần luôn thể, về quan điểm chọn bài đăng Tagalau, để ta hiểu và cùng làm việc.
1. Về đối tượng phục vụ và người viết Chăm
Đối tượng chính là người đọc Chăm phổ thông, sau đó mới là giới nghiên cứu. Trên cơ sở đó, BBT chọn bài. Nếu chỉ phục vụ giới sau, e Tagalau không còn ai đọc, người mua chỉ để làm cảnh. Hệ quả thế nào bạn biết rồi.
Về người viết. Đa phần là Chăm, kiến thức vẫn còn hạn chế, hạn chế cả cách diễn đạt. Khi họ nhiệt tình với Tagalau mà ta cứ từ chối bài của họ, chắc không còn ai cộng tác nữa; từ đó họ quay lưng với Tagalau. Còn nếu BBT cứ “làm lại”, biên tập mãi thì e rằng nó sẽ thành “tác phẩm” của Ban biên tập mất thôi.
2. Cách xếp bài:
– Các cây bút trẻ ở mục Thơ văn trẻ, vì là trẻ và mới nên cần đăng để khuyến khích. Mở rộng người viết và người đọc.
– Phần bài viết không chuyên sâu, BBT xếp vào mục Cảm nhận văn hóa Chăm. Mục này quan trọng ở hai điểm: Chăm nghĩ gì về mình, về xã hội Chăm; phổ biến kiến thức về văn hóa Chăm mà giới bình dân chưa biết, nó có thể cũ với các nhà nghiên cứu nhưng mới với đại đa số người đọc. Ngoài ra nó còn có lợi là in được nhiều tác giả không chuyên mới. Thế nhưng chính nó làm khó dễ BBT, nếu quá tay thì mất lòng, còn giữ lại thì vừa chiếm nhiều trang, vừa thông tin thừa. Phải làm việc vài lần với tác giả mới tạm ổn. Yêu cầu cao hơn ở chú bác là không thể, và BBT chỉ xếp các bài này vào cảm nhận, chứ không là nghiên cứu.
– Nghiên cứu, theo tôi, mỗi tập có được ba bài là tốt rồi. Đăng nhiều bài nghiên cứu chiều sâu quá, đặc san trở thành nặng nề. Bởi Tagalau bao gồm: sáng tác (quan trọng hơn), sưu tầm, nghiên cứu.
– Truyện ngắn & Thơ, đây là phần Tagalau ít lo nhất. Bởi, ngoài thế hệ 5X có cả trăm bài chưa công bố, Tagalau đang “sở hữu” mươi khuôn mặt trẻ là cộng tác viên khá sáng giá. Đây là các cây bút có khả năng đi rất xa! Thơ cũng nên có lối viết mới bên cạnh thi pháp cũ.
3. Về khác
– Về bài Inrasara. Tâm lí chung của chủ biên là đăng ít bài của mình càng tốt, ưu tiên cho bài hay, sau đó là của tác giả mới. Bởi chỉ như thế tạp chí hay đặc san mới tồn tại lâu dài, mở rộng phạm vi người đọc. Cá nhân tôi luôn sẵn sàng tư thế lắp đầy khoảng trống Tagalau, ở mọi nơi mọi lúc. Nghĩa là mục nào còn thiếu hay yếu, tôi mới đưa bài mình lắp ghép vào để cân đối.
– Về tác giả Kinh hay dân tộc khác, được họ tham dự là vui rồi. Dĩ nhiên cố gắng có bài nội dung Chăm, và đọc được. Yêu cầu họ viết hay về Chăm là rất khó.
– Về chuyển giao Tagalau. Ngay từ Tagalau 7, tôi đã nhiều lần thông tin gợi ý về chuyển giao thế hệ để nắm Tagalau. Vừa đồng trách nhiệm vừa tạo khí thế mới mẻ, trẻ trung. Nhưng hai năm, rồi ba năm đi qua, chẳng có ai xung phong nắm cây gậy do Inrasara hay Trà Vigia trao. Cả khi đã có Ban Tagalau Trẻ, Tagalau vẫn cứ nhà Inrasara mà ở lại. Các bạn vẫn còn chưa chủ động đưa một vai ra đỡ đần gánh vác.
Bao giờ?….
Đôi điều giải minh như vậy, mong hiểu nhau và hiểu Tagalau.
Thân mến
Inrasara