(Tham luận tại Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần 3/2011)
Nhắc đến Chăm, người ta thường nhớ ngay đến những ngọn tháp Chàm mọc lên đỏ rực, huyền thánh trên những quả đồi tươi xanh, lộng gió xuyên suốt miền Trung và Tây Nguyên hàng bao thế kỷ nay.
Nhắc đến Chăm, người ta cũng nhớ ngay đến những công trình nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, những công trình về văn hoá Chăm, lễ hội dân gian, âm nhạc truyền thống,… của các nhà nghiên cứu tên tuổi trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Nhắc đến Chăm, người ta cũng nhớ ngay đến một dân tộc đã trải qua một thời kỳ lịch sử đầy biến động, lúc rực rỡ hưng thịnh, khi suy vi cực kỳ. Nay dân tộc đó đang sinh sống hoà bình, mến khách trên dải đất hình chữ S hùng vĩ, thơ mộng cùng cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Và nhắc đến Chăm, những thế hệ người yêu thơ Việt, hẳn cũng còn nhớ đến tập thơ Điêu tàn của thi sĩ Chế Lan Viên, vào những thập niên đầu thế kỷ XX, thiên niên kỷ trước.
Và phải chăng chỉ có vậy? Phải chăng một dân tộc với nền văn minh chữ viết xuất hiện sớm vào loại tốp đầu khu vực Đông Nam Á, mà nền văn chương chẳng giới nào thèm đếm xỉa đến? Phải chăng lời tuyên bố của Paul Mus, nhà dân tộc học nổi tiếng thế giới người Pháp, giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX là sự thật? Ông ấy tuyên bố rằng: “Văn học Chăm chỉ có thể tóm gọn trong 20 trang giấy”, mà thôi.
Phải chăng Chăm là một dân tộc lại tiếp tục nghèo nàn về suy tư văn học đến vậy? Với vỏ bọc ngôn ngữ mới là tiếng Việt, tâm hồn Chăm bỗng bị mắc kẹt, tự ti bởi rào cản ấy trong sinh hoạt đời thường, tư duy và sáng tạo nghệ thuật như nhiều người khác tộc nào đó từng nói từng nghĩ ư?
Dân tộc Chăm đã mất mát nhiều, điều đó ai cũng biết. Những học giả, nhà nghiên cứu tùy lĩnh vực chuyên môn của mình, đã công bố nhiều công trình liên quan đến dân tộc ấy. Họ trở nên có danh tiếng lớn. Công sức họ bỏ ra, thành quả họ được nhận lại tương xứng. Nhưng thử hỏi, ai dám dũng cảm đến khờ khạo bỏ cả đời mình đi nghiên cứu một dân tộc, mà biết trước dân tộc đó chẳng có hấp lực gì, sự xúc động nào đáng kể.
Và Chăm là một dân tộc hội tụ đầy đủ những điều đáng kể. Di sản hôm qua, đời sống cộng đồng xen cư, cộng cư hôm nay, đều là những đối tượng đáng để thể hiện. Không chỉ trong những công trình khoa học chuyên nghành, có lúc khô khan, đơn điệu, mà loại hình thơ ca, cô đọng, dễ nhớ dễ thuộc cũng phải can dự vào. Không phải can dự cho có, mà can dự như những bông hoa đẹp, ai ngắm cũng trầm trồ, trong vườn hoa đa sắc đa thanh ấy.
Những cái tên như Trầm Ngọc Lan, Inrasara, Trà Vigia,… thế hệ đàn anh đã “dấn thân”, khai lộ con đường đi riêng. Và thế hệ kế tục như Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Chế Mỹ Lan, Bá Minh Trí, Thông Minh Diễm,… đã lần lượt xuất hiện. Mặc dù xuất hiện với tâm thế khác, không phải ngôn ngữ mẹ đẻ nhưng họ “mặn mòi” tâm hồn Chăm, thấm đẫm tinh thần minh triết Chăm.
Lời tuyên bố của Paul Mus ngày xưa, theo thời gian đã mất hoàn toàn giá trị. Công trình Văn học chăm, khái luận – văn tuyển của Inrasara ra đời năm 1994 đã vô tình hay cố ý xô ngã thảm hại lời tuyên bố có phần vội vã ấy.
Và với những tập thơ đã ấn hành vài năm trở lại đây của các tác giả trẻ Chăm, cũng đã phần nào chấm dứt tình trạng thương vay khóc mướn.
Từng ngóc ngách của đời sống, nơi họ đến, đi, trở về, được họ quến lại cảm xúc mình. Đặc sệt nồng độ, tươi rói hình ảnh, ngôn ngữ.
Ở nơi xó xỉnh nào đó, họ ở lại, dịu dàng tiếp biến ngữ cảnh hay cô đơn miệt mài định phận. Chẳng hề hấn gì, họ vẫn say sưa thắp sáng ngọn lửa thơ ca, ôm mang nó phiền muộn nhiệt tình trên mọi nẻo lãng du.
Chẳng hạn, khi đang trên đường từ Hà Nội thấm tràn cơn lạnh xuôi về phương Nam nắng gió rát rạt, nghe tin nước Nhật bị động đất sóng thần tàn phá, Đồng Chuông Tử đã bật “chốt cửa” lòng mặc những câu thơ trào ra cuồn cuộn, nghẹn ngào bên dòng Thu Bồn ở Hội An.
Có những lúc con rũ rượi một mình phía sau câu thơ vừa ngã rạp
ngôn ngữ nhỏ bé, hữu hạn, lạc lõng trợ duyên thâm trầm
tụ trên cánh đồng nắng như hạt muối buồn
Có những lúc con phụt khóc một mình phía trước màn hình
tin tức ngắn củn
xót tinh thể bụi
Mặt trời chợt lặn trên đất nước hằng mọc ánh sáng
Japan,11.3, cháy bùng ngọn sóng vỡ vạc bí bầu
trỗi thức lở lói
Japan, 11.3 thế giới nhận diện âm thanh gãy
đổ lênh láng mặt đất
Trang kế sẽ là thành phố trùm chăn ngủ
và gặt hái tâm hồn nhân loại ăn năn
Thượng Đế, cha vừa dựng lên xơ xác nỗi đục.
Yêu thương, quãng đại có là hư cấu?
Bài thơ này nằm trong tập thơ Giữa một thế giới vắng Thượng đế, tập thơ thứ ba sắp ra mắt của Đồng Chuông Tử.
Hay như Tuệ Nguyên phiêu lãng bốn mùa, thoắt Bắc thoắt Nam, thoắt miền Trung bão lũ thoắt Tây Nguyên xanh tươi, khí hậu mát mẻ. Anh có lần tâm sự là “đi để sống và tìm cảm giác sống”, còn trẻ không có nghĩa là vốn ít , thiếu năng lượng để nạp cho suy tư của mình. Trong bài thơ Như một nghịch lý”, Tuệ Nguyên viết rằng:
“Khi họ thấy tôi ngước mắt nhìn họ ngờ nghệch – họ đưa ánh mắt về phía tôi, như trấn an ngầm: Đối diện với sự thật như thế sẽ làm cho anh chẳng dễ chịu đâu!”
Với tập thơ mới nhất sắp xuất bản có tên gọi Mi và ngôn lời, nhà văn Nguyễn Đình Chính viết tựa rằng: “Thơ Tuệ Nguyên là những gam màu của lửa. Ai chưa hiểu, sẽ rất khó mà đồng cảm ngay được”.
Còn với Chế Mỹ Lan, nhà thơ nữ sinh năm 1975, hiện định cư ở Hoa Kỳ, trong tập thơ Em và màu mây qua tháp do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2008, thì thơ là những hoài niệm về xứ sở xa xôi, nhớ thương quá khứ dịu vợi, nhớ cả những màu mây ngũ sắc bất giác trôi qua đỉnh tháp quê mình. Chế Mỹ Lan tâm sự:
Màu mây trắng hay màu của nỗi nhớ
Tháp miệt mài đánh bạn với thời gian
Rừng không còn hoang, người vẫn biệt mù
Tháp đứng mãi cho đến ngày tận thế!
Một tác giả khác cùng sinh năm 1975 với Chế Mỹ Lan, là Jalau Anưk, anh là con trai đầu của thi sĩ quá cố Jalau, được độc giả biết đến với bài thơ Hạt sương của tôi, tham dự ở nhiều tuyển tập thơ cả nước. Bút danh Jalau Anưk là phiên âm La tinh từ tiếng Chăm, tiếng Việt có nghĩa là “Con của Jalau”. Anh là giáo viên tiếng Anh ở TP. HCM, thành viên biên tập đặc san Tagalau, tuyển tập sáng tác- sưu tầm- nghiên cứu Chăm do Inrasara sáng lập và chủ biên. Thơ Jalau Anưk, theo Inrasara nhận xét là “ngồn ngộn hiện thực, có không khí hậu hiện đại, nhưng vẫn nồng đậm bản sắc Chăm”. Trong bài thơ Dưới vòm trời là những mái nhà, anh thúc giục mời gọi những thân phận lam lũ, quanh quẩn làng quê:
…Đi đi em!
phía bên kia nông hoèn hoẽn sông quê là ùn ùn sóng bể
sau hoang hoải đêm dài là rực phố đông vui
phố cũng thích Xaranai
phố cũng say đắm lòng tháp cổ
phố cũng rộn ràng với Ginơng
phố cũng trải lòng với điệu múa Apsara
phố cũng hiểu Ariya
phố cũng sụt sùi nghe dalikal bà kể…
Với Bá Minh Trí, tác giả sinh năm 1979 tại Ninh Thuận từng đoạt giải thưởng thơ Bút Mới lần thứ 5 năm 2005, do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Hiện anh là giám đốc Công Ty TNHH Bình Minh, chuyên doanh về các mặt hàng nông sản tại Phan Rang. Anh tâm sự: “Làm doanh nhân là trách nhiệm với gia đình, vợ con, còn làm thơ là trách nhiệm của mình với cộng đồng”. Trong bài thơ Triết lý lá vàng, anh chiêm nghiệm cuộc đời, sau những tháng ngày xanh tươi, căng trào nhựa sống, bên cạnh đó không nguôi day dứt một hiện trạng “vàng vọt” tâm thức Chăm:
Cái cười ngoảnh lại và rớt quanh làng
Người đi
Câu hát dở dang, điệu bwei hrung* lỡ nhịp
Xalam xalam…
Từ bạt ngàn đồi núi
Từ hanh hao gió nổi
Bàn chân trần vất vả tuổi thơ
Trôi dạt
Núi có trơ và sông có bạt
Em quên bẵng và plei lạ lẫm
Vẫn mong một ngày về
Tạ ơn
Cái cười ngoảnh lại và rớt quanh làng
Không lời tụng ca rình rangcủa thầy paxeh
buồn vui bớ láng giềng
sao người còn múa hát
mai trở về
chắc vàng như lá cây
rơi
khi đã nhiệt tình xanh lặng lẽ.
Riêng Thông Minh Diễm, bút danh khác Diễm Sơn, tác giả sinh năm 1978 tại Bình Thuận. Học hết cấp ba, gia đình khó khăn, không có điều kiện học lên, anh thường trú quê nhà, tự học tiếng Chăm, mày mò nghiên cứu văn hóa mẹ đẻ, báo chí đăng rải rác ở tạp chí Dân tộc, Dân tộc và phát triển… Thơ anh chủ yếu xuất hiện ở đặc san Tagalau. Thơ anh không nhiều, nhưng bài nào cũng đặc sắc, tinh tế. Trong bài thơ Người xóm cũ, thể hiện quan sát đầy trách nhiệm và “lia” chiếc máy tâm hồn thi sĩ vào từng nhân vật, từng hiện tượng:
Người đàn bà đi ngược triền dốc
tay bưng li-i bám đầy bụi
bình thản người đàn bà cúi nhặt
phần thừa lại phân trâu sót khô
lấm lem đếm tuổi theo thời vụ
vừa lội qua một nhánh sông có bãi đá
lau lách mỗi ngày đời…
Xưa kia nơi đây có một con suối
urangcòn nghe ia ru
đó là tiếng thì thào của dòng nước…!
Người đàn bà khải ngộ
giữa bãi trắng lầm bầm lang kar
gỡ chiếc khăn mư-thâm
che dung nhan
che tì vết
ngồi nhớ
hồi dara…
Nhưng cánh cửa đền Ppo Dhat lúc nào cũng đóng
lỗi hẹn một mùaCabbur
cũng chưa thấy một nhà trùng tu nào ghé tới thăm
người đàn bà có một con đường quanh queo
bàn chân vu vơ hoài mơ thiên sứ
chị gái Apsara bay đi tự lúc nào?!
Nhìn thấy người đàn bà Xóm Cũ
đứng buồn.
Những gương mặt thơ trẻ Chăm vừa phác họa ở trên, chỉ là những dòng định danh lược thuật ngắn củn, chắc chắn còn thiếu sót. Dân tộc Chăm là dân tộc yêu văn chương. Tâm hồn Chăm là tâm hồn đầy tràn nghệ sĩ tính. Một vài cái tên được nêu lên, chắc chắn không thấm tháp vào đâu, so với nền văn chương nghệ thuật đã một thời rực rỡ. Nhưng họ, những cái tên vừa điểm danh ấy, cũng kịp tạo nên một diện mạo thơ, một dòng chảy lạ đậm đà bản sắc. Ô hay, với người làm công việc sáng tạo nói chung, đấy cũng là một sự tìm kiếm có khi vời vợi, nhọc nhoài.
Không những thế, với một tâm thế mới, cảm và nghĩ mới, họ đã thực sự kéo dài nền văn chương Chăm ra. Đồng thời hãnh tiến đóng góp vào nền văn chương Việt Nam, những câu thơ, những bài thơ, những tác phẩm thơ không trộn lẫn với ai.
Cuối cùng họ vẫn cứ là họ, những tâm hồn Chăm lung linh thơ ca và tháo vát với những “ngữ cảnh” trần gian này.
“Nhắc đến Chăm…”, ý này ông Inrasara viết nhiều rồi, viết quá nhiều lần rồi…
Câu này ông Inrasara cũng nói rồi: “Dân tộc Chăm là dân tộc yêu văn chương. Tâm hồn Chăm là tâm hồn đầy tràn nghệ sĩ tính.”
Câu này cũng vậy: “Lời tuyên bố của Paul Mus ngày xưa,…”
Hỏi chớ ĐCT lấy câu này ở đâu ra???
Tôi có viết còm lần trước khi còm ở bài “Về bút danh trên Inrasara.com” mà vài người nghĩ là chính của Inrasara, rằng có nhiều người ảnh hưởng nhà văn Inrasara. Tôi có thể dẫn ra 1 nhà văn người Kinh ảnh hưởng nặng Inrasara.
Nhưng trong còm này tôi không nói điều đó.
Bài này Đồng Chuông Tử chỉ “phác họa”, nên anh ta lấy lại ý của người khác là điều bình thường. Anh đọc nhà văn Inrasara nhiều, nên lấy ý của Inrasara cũng không đáng nói nữa (nếu có chú thích thì hay hơn).
Điều tôi muốn nói là điều này chứng tỏ Đồng Chuông Tử không phải Inrasara. Cũng như nhiều người viết ký tên khác ở web này (như nhà văn Inrasara dẫn chứng) chưa hẳn là Inrasara. Họ ảnh hưởng ít hay nhiều ý tưởng và văn phong Inrasara….
Tham luận trẻ viết được như ĐCT là khá rồi, tôi đọc vài tham luận trẻ khác rất yếu. Bì với nhà văn Inrasara đâu được… Nhiều nhà phê bình VN còn không bì được mà.
Hoan hô ĐCT. Cố lên…
Pingback: Tin thứ Hai, 05-03-2012 « BA SÀM
Cái tít bài chẳng thấy ổn chut nào:Thơ Việt hôm nay, dòng chảy từ các tác giả trẻ Chăm. Như vậy nếu không có các tác giả trẻ Chăm tạo một dòng chảy thì chẳng có thơ Việt hôm nay sao. Tôi kính trọng dân tộc Chăm, nhưng rỏ ràng, Văn học chăm, khái luận – văn tuyển của Inrasara nó chỉ là một mảng chấm phá hết sức nhỏ nhoi trong dòng chảy cuồn cuộn của văn hóa Việt, làm sao có thể giật tít kiểu như thế để tự sướng được.
ĐCT viết bài này kém, tôi thấy vậy. Anh ta giật tít như vậy cũng dở luôn.
Nhưng Vơ Hạnh đọc văn kiểu đó là có nhìn mà không có thấy!!!
ĐCT viết “Paul Mus tuyên bố rằng: “Văn học Chăm chỉ có thể tóm gọn trong 20 trang giấy”, có nghĩa là ông này xem thường văn học Chăm KHÔNG có gì đáng nói.
– Ông ta xem thường văn học Chăm mà KHÔNG so sánh nó với văn học trong văn hóa Việt.
ĐCT viết tiếp: “Công trình Văn học chăm, khái luận – văn tuyển của Inrasara ra đời năm 1994 đã vô tình hay cố ý xô ngã thảm hại lời tuyên bố có phần vội vã ấy”.
– Ý ĐCT nói là công trình của Inrasara đánh đổ ý kiến vội vã đó. Nghĩa là văn học Chăm cũng đáng kể chứ không phải không. Ở chỗ này ĐCT cũng không liên hệ gì đến văn học Việt hay văn hóa Việt.
Vơ Hạnh xem lại đi: nhìn mà không thấy là vậy.
Nhà thơ ĐCT không phải nhà nghiên cứu nên bạn trẻ này viết chưa đạt. Đáng lẽ không liên hệ xa đến tận văn học cổ Chăm như vậy thì hay hơn. Mà chỉ nói về sáng tác của thơ trẻ Chăm thôi.
Nhưng Vơ Hạnh viết còm như trên thì hơi cẩu thả, có khi người ta nghĩ bạn đọc này có tâm phân biệt.
Người ta đang nói chuyện văn chương chứ không nói rộng đến văn hóa. Tôi cũng không thấy nhà thơ (nhà nghiên cứu) Inrasara nói là văn học Chăm to lớn hơn văn học dân tộc nào ở đâu cả. Nó “chỉ là một mảng chấm phá hết sức nhỏ nhoi trong dòng chảy cuồn cuộn của văn hóa Việt”, như Vơ Hạnh nói.
Ở đâu đó, nhà thơ Inrasara khẳng định: người Chăm có chữ viết bản địa sớm nhất Đông Nam Á, cho nên văn học viết Chăm vẫn rất đáng kể. Anh ta đã làm được bộ Văn học Chăm khái luận văn tuyển 3 tập trên ngàn trang. Sau này anh ta cũng đã làm bộ Tủ sách văn học Chăm 10 tập trên 5.000 trang.
Vậy mà ông Paul Mus bảo là chỉ có thể tóm trong 20 trang sách.
Thơ Việt hôm nay, dòng chảy từ các tác giả trẻ Chăm […] Có gì sai ta? theo tôi, tác giả đang đưa ra một cái nhìn về các tác giả trẻ Chăm trong thơ Việt đó chứ. Có chi là sai?
Công bằng mà nói, thơ của các bạn trẻ Chăm rất hay.
(Có lẽ vì các bạn có quá nhiều những nỗi niềm mà không phải lúc nào cũng có thể giãi bày)
Mình thích đọc thơ các bạn.
Bài viết thì không có gì đặc sắc cả, nhưng tiêu đề thì hay chứ, sao lại bắt bẻ nhau nhỉ. Còn anh hay chị V Hạnh thì nói lạc đề và quá hỏng rồi… Nói như có thành kiến vậy.
Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ HAI 5-3-2012 « Ngoclinhvugia's Blog
Đọc cái bài này đọc đến đâu tui cũng cúi “chào cụ” Inrasara tới đó. Chả làm cho mấy đứa em đứa cháu chả lậm ban chả hết trọi trơn rồi còn gì!!!
Tội!
Pingback: Tin thứ Hai, 05-03-2012 | Dahanhkhach's Blog