Inrasara: Văn xuôi dân tộc thiểu số, khác biệt từ vùng miền

Đã đăng tạp chí Văn nghệ Cao Bằng, Tết 2012

 

1. Đất nước mở cửa, ở các tỉnh Việt Bắc và Tây Bắc, song hành với thơ, văn xuôi các dân tộc thiểu số phát triển đều và rộng, với hàng loạt tác giả tên tuổi có mặt hầu như khắp các tỉnh phía Bắc: Mã A Lềnh (sinh 1943, Mông, Lào Cai), Ma Trường Nguyên (sinh 1944, Tày, Thái Nguyên), Cầm Hùng (sinh 1945, Thái, Sơn La), Sa Phong Ba (sinh 1948, Thái, Sơn La), Hoàng Hữu Sang (sinh 1950, Tày, Yên Bái), Nguyễn Minh Sơn (sinh 1951, Tày, Thái Nguyên), La Quán Miên (sinh 1951, Thái, Nghệ An), Đoàn Lư (sinh 1959, Tày, Cao Bằng)…

Sau mười lăm năm dọ dẫm, bước sang thế kỉ XXI, văn xuôi dân tộc thiểu số và miền núi khu vực này đã tiến những bước nhảy vọt, cả về chất lẫn lượng. Trước tiên, tiểu thuyết Cửa rừng của Hoàng Hữu Sang xuất hiện năm 2000; tiếp theo là Bùi Minh Chức (sinh 1950, Mường, Hòa Bình) với tập truyện ngắn Sự tích một câu nói (2001), Hà Lý (sinh 1956, Mường, Hòa Bình) với tập truyện ngắn Ngọt đắng vị Mường (2002), Kha Thị Thường (sinh 1979, Mường, Nghệ An) cùng tập truyện Lũ núi (2003), nhà văn trẻ Bùi Thị Như Lan (sinh 1967, Tày, Bắc Kạn) với tập truyện Tiếng chim kỷ giàng (2004), Sa Phong Ba in Chuyện ở chân núi Hồng Ngài (tập truyện ngắn, 2005), Hữu Tiến (sinh 1952, Tày, Cao bằng) sau tập truyện ngắn Cô gái nhặt bông gạo (2004) rồi tiểu thuyết Dòng đời (2007), Đoàn Ngọc Minh (sinh 1958, Tày, Cao Bằng) sau tập Núi Bó Phạ trở về (2003) là Gió xoáy (2004), Lang Quốc Khánh (sinh 1959, Thái, Nghệ An) với tập kí Những miền thương nhớ (2005),…,

 

Đoạt giải B Hội Nhà văn Việt Nam với tập truyện ngắn Hoàng hôn, nhà văn dân tộc Mường Hà Trung Nghĩa chuyển sang viết tiểu thuyết với hàng loạt tác phẩm ra đời: Lửa trong rừng sa mu, 1999, Gió bụi nhân gian, 2001, Bão từ hai phía, 2006… Khác với Hà Trung Nghĩa, cũng là dân tộc Mường, Hà Thị Cẩm Anh (sinh 1948, Mường, Thanh Hóa) chuyên trị truyện ngắn. Các truyện ngắn của nhà văn này vừa tinh tế vừa đầy trải nghiệm. Một năm sau khi đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn (2003-2004) báo Văn nghệ, chị cho xuất bản tập truyện ngắn Nước mắt của đá, 2005.

Được biết đến nhiều hơn cả là nhà văn Cao Duy Sơn (sinh 1956, Tày, Cao Bằng) sau tập truyện ngắn Những đám mây hình người (2002) là Ngôi nhà xưa bên suối (truyện ngắn, 2007) – tác phẩm đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008, sau đó là Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2009. Ngay năm sau, anh ra tiếp tập truyện ngắn Người chợ (2010). Cao Duy Sơn là nhà văn thành công ở cả hai mảng: truyện ngắn và tiểu thuyết. Nổi bật nhất ở thể loại này là Đàn trời (2006) nhận Giải thưởng Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, sau đó là Chòm ba nhà (2009).

Cũng không nên quên một nhà phê bình như Hoàng Quảng Uyên (sinh 1950, Nùng, Cao Bằng) hay nhà thơ như Y Phương (sinh 1948, Tày, Cao Bằng) đã kịp cho ra đời các tập văn xuối rất đáng đọc.

Cùng với những nỗ lực cách tân thơ ca qua các tên tuổi như Y Phương, Lò Ngân Sủn, Mai Liễu, Dương Thuấn,… văn xuôi các dân tộc thiểu số phía Bắc đã có chuyển biến lớn từ lối viết cổ truyền sang lối viết vận dụng nhiều yếu tố hiện đại, từ kể sang tả, từ khái quát bề mặt sang phân tích tâm lí chiều sâu, đa dạng và đa diện hơn.

 

2. Khác hẳn sự phát triển văn học của các dân tộc thiểu số ở phía Bắc, thể loại nổi trội nhất của các nhà văn sống ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, chính là văn xuôi.

Khởi đầu với Y Điêng (sinh năm 1928, Êđê, Phú Yên) với các tập truyện ngắn và kí: Đrai Hlinh đi về phía sáng (1985), Lửa trong tay chúng tôi (2005), Sông Hinh con sông quê hương (2005)… Truyện dài: Ba anh em (1996), Chuyện bên bờ sông Hinh (2001); qua Kim Nhất (sinh 1945, Bana, Đăk Lăk) đi suốt 12 tác phẩm từ tập truyện ngắn đầu tay Mụ Xoại (1994) cho đến tiểu thuyết Luật của rừng (2008), cũng là văn xuôi. Rồi Linh Nga Niêkđam (sinh 1948, Êđê, Đăk Lăk) sau khi làm nhiều “nhà” đã trở lại với văn chương, cũng viết văn xuôi nốt. Từ tập truyện ngắn: Con rắn màu xanh da trời (1997), Gió đỏ (2004) cho đến tập bút kí: Trăng Xí Thoại (1998), Đi tìm hồn chiêng (2003).

Không có một tác giả thơ nào, mãi cho đến khi các nhà thơ người dân tộc Chăm ở Nam Trung Bộ xuất hiện. Đó là điều rất lạ!

 

Văn xuôi ở khu vực này vẫn nằm trong dòng chảy chung của trào lưu hiện thực xã hội. Truyện ngắn hay tiểu thuyết như thể một thứ kí hay ghi chép nâng cấp, từ chuyện thực trong đời thực được nhà văn hư cấu thêm, sắp xếp chi có lớp lang để thành truyện. Câu chuyện dài với nhiều nhân vật thì thành truyện dài, dung lượng ít hơn thì là truyện ngắn. Thế thôi! Cho nên có cảm giác chung là đọc bút kí hay ghi chép của Y Điêng hay Linh Nga thì thích hơn các truyện dài/ ngắn của họ.

Thế hệ mới, Niê Thanh Mai (sinh 1980, Êđê, Đăk Lăk) xuất hiện qua ba tập truyện ngắn: Suối của rừng (2005), Về bên kia núi (2007), Ngày mai sáng rỡ ( 2010) dù có đôi nét hiện đại, cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Tác giả mãi mãi cứ sắm vai tác giả – thượng đế: nghe và thấy tất cả, hiểu tất cả, nói tất cả(1). Rất ít có nhân vật xưng tôi ở đó, nghĩa là đầy chủ quan và thiếu khuyết như một tác phẩm nghệ thuật hiện đại đòi hỏi.

“Tất cả” đây cũng chưa khai lộ được các tầng sâu văn hóa vùng miền với những nét đẹp từng được nhiều nhà nghiên cứu Tây phương cho là huyền bí đầy lôi cuốn của Tây Nguyên; cũng chưa phơi bày được hiện thực cuộc sống với những đảo lộn gần như toàn triệt của không gian văn hóa, môi trường tự nhiên hay đời sống tinh thần dẫn tới bao mất mát, thất thố, bất lực đang lồ lồ hằng ngày, trước mặt và xung quanh.

 

3. Các tác giả Chăm thì khác. Các tác giả chưa in tập như Trầm Ngọc Lan hay Jalau Anưk đã khác.

Trầm Ngọc Lan (sinh 1955, Ninh Thuận) xuất hiện cùng với đặc san Tagalau. Tài hoa cả trong thơ lẫn văn. Giọng văn anh qua truyện ngắn “Chân dung đồng một vụ” (Tagalau 1, 2000): tưng tửng mà lôi cuốn, có vẻ bất cần mà đẫm tình. Chỉ bằng vài nét phác sơ sài, vài đoạn đối thoại ngắn, vài quan sát như lối nhìn trẻ thơ, anh đã vẽ được chân dung của một làng quê Chăm vừa cũ vừa hiện đại, nửa như yên ắng nửa muốn làm sôi động giả tạo trong buổi giao thời nhưng cứ đặc chất Chăm. Đây là lối tiếp cận hiện thực khá hiện đại.

Còn Jalau Anưk (sinh 1975, Ninh Thuận) “cô đơn và những cảm xúc rối bù” (Inrasara.com) trước hiện thực cuộc sống Chăm với bao biến động bất khả đoán biết, qua loạt truyện ngắn “Trăn trối” (2004), “Mùa hạn” (2005), “Bông hồng khóc” (2010),…

Dù sao, hai tác giả này vẫn còn bám “truyền thống”, chưa có được lối thử nghiệm mới nào đáng kể. Đến Trà Vigia, văn xuôi của tác giả Chăm mới tìm được giọng đặc thù vùng miền.

 

Trà Vigia (sinh 1957, Ninh Thuận) vừa viết truyện ngắn, bút kí văn học vừa viết tiểu luận văn chương cổ điển Chăm. Sức tưởng tượng bay bổng, chi tiết ngồn ngộn nửa như lấy từ thực tế cuộc sống nửa như từ cõi mơ hồ nào đó, chúng cư trú trên lằn ranh giữa thực và mộng, lồng ghép, quấn quyện đến không biết đâu mà lần. Thế mà nó cứ thực, thực còn hơn hiện tiền xảy ra hàng ngày xung quanh ta. Qua tập truyện ngắn Chăm H’ri do NXB Văn hóa Dân tộc in năm 2008, Trà Vigia đã làm nên giọng văn riêng, cách kể chuyện đặc thù.

Lịch sử history là câu chuyện quá khứ được kể lại, bởi một hay một số kẻ đại diện cho cộng đồng nào đó. Dù là quá khứ của một dân tộc, một cộng đồng hay một cá nhân. Nó chỉ là hi[s-]story, như cách chơi chữ của một tác giả phương Tây. Quá khứ xa của dân tộc Chăm và quá khứ gần của đời sống Chăm cũng là một thực thể đã và đang được kể lại, qua truyền thuyết lịch sử, huyền sử hay bởi vài nhà sử học đầy khách quan. Phong phú, nhiều chiều, với nhiều khác biệt có khi rất trái ngược nhau. Trà Vigia cũng ý định kể lại câu chuyện Chăm theo kiểu của mình. Chuyện hiện tại. Đó là câu chuyện thường ngày mắt thấy tai nghe nhưng được anh liên tưởng đến tầng sâu văn hóa – lịch sử về vài hiện tượng trong đời sống tinh thần và tâm linh Chăm, được kể theo bút pháp khá cổ điển, đan xen hiện thực và huyền thoại, thực tế và tưởng tượng.

Chăm H’ri chỉ là con dã nhân đơn thuần hay là sinh vật dị kì biến thái từ biến cố của lịch sử Champa trong khúc gẫy gập của định mệnh, không biết. Raymond Federman: “Đối với tôi, những biến cố [của đời tôi hay của lịch sử] một khi đã đi vào ngôn ngữ, chúng trở thành sản phẩm tiểu thuyết”. Trà Vigia biến Chăm H’ri thành đề tài văn chương, phục vụ cho câu chuyện của anh. Bí ẩn hơn, đồng thời sát thực hơn. Chăm H’ri là một sản phẩm văn chương. Chăm H’ri không chỉ có mỗi huyền thoại Chăm H’ri, mà còn có mặt nhiều huyền thoại khác được bút lực của Trà Vigia đánh thức qua từng câu chuyện kể, hư hư thực thực, ở một xứ sở và từ một nền văn minh quen mà lạ.

 

Chuyển từ thể loại thơ, nghiên cứu và phê bình sang tiểu thuyết, Inrasara (sinh 1957, Ninh Thuận) cho ra đời hai tác phẩm dày dặn: Chân dung Cát (NXB Văn học và Cty Sách Nhã Nam, 2006) và Hàng mã kí ức (NXB Văn học và Cty Sách Phương Nam, 2011).

Đại tự sự (grands récits) hay tự sự chủ đạo (master narratives) là những chuyện kể (stories) mà một nền văn hóa hay một dân tộc tường thuật và tin vào. Nó tạo nên tâm thức cộng đồng và duy trì sức mạnh của một nền văn hóa hay một dân tộc. Thế nhưng, thời hậu hiện đại, con người đã nghĩ khác, đã tin/ không tin khác. Bất tín đại tự sự, họ tìm sự cứu chuộc ở tiểu tự sự (petits récits). Nghĩa là những chuyện kể mang tính cá nhân, địa phương, tạm bợ trong hoàn cảnh cụ thể; nó không đòi hỏi ở đó một chân lí phổ quát, ổn định và đòi hỏi tất cả mọi người tin vào nó.

Qua Chân dung CátHàng mã kí ức, Inrasara đã thử kể câu chuyện khác về Chăm, ở đó thừa tri thức về văn hóa xã hội Chăm đồng thời không thiếu chất khôi hài, giễu nhại.

 

4. Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng kể trong một cuộc họp với thổ dân da đỏ Canada, đại diện chính quyền tuyên bố vùng đất ở đó thuộc quyền sở hữu nhà nước. Vị trưởng lão hỏi: “Nếu đất đai là của quý ngài, thì quý ngài có câu chuyện nào kể lại cho chúng tôi nghe không?” – Không có! “Thế là vị này liền đọc một câu chuyện bằng thơ liên quan đến những sinh hoạt của người da đỏ hàng trăm năm trước, bằng tiếng địa phương, để chứng minh rằng vùng đất đó là của họ. Dù bằng chữ viết hay truyền miệng, những câu chuyện bao giờ cũng sống lâu hơn cả trong lòng chúng ta, lưu giữ ở đó ánh sáng của mặt trời đã tắt”.

Theo tinh thần câu chuyện trên, mức độ nào đó, các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam đã làm được phần việc của mình: kể câu chuyện về dân tộc mình, câu chuyện về mảnh đất mình đang sống đến với độc giả các nơi.

 

Sài Gòn, 20-11-2011.

_______________

 

* omniscient point of view: In Fiction, the point of view from which a godlike author, who can see, hear and know everything, tells the story (NTC’s Dictionary of Literary Terms).

 

5 thoughts on “Inrasara: Văn xuôi dân tộc thiểu số, khác biệt từ vùng miền

  1. Em chào nhà văn ạ
    Em là sinh viên khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Hiện tại em đang làm một đề tài về nhà văn Kha Thị Thường nhưng em không tìm được thông tin gì về nhà văn Kha Thị Thường. Mong nhà văn có thể giúp em biết thêm một vài thông tin được không ạ.
    Em xin chân thành cảm ơn.

    • Bạn hỏi anh chị em văn nghệ ở phía Bắc nhé. Hay hỏi Hội DTTS ở Hanoi cũng được. Mến.

  2. Undeniably believe that which you stated. Your favorite reason appeared to be on the web the simplest thing to be aware of.
    I say to you, I definitely get annoyed while people think
    about worries that they just don’t know about. You managed to hit the
    nail upon the top and also degined out the whole thing without having side
    effect , people coul take a signal. Will likely be back to get more.

    Thanks

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *