Ghi chép tháng 1-2012: Trái tim sa ngã từ bao giờ?

+ Cùng MC xinh đẹp tại buổi gặp mặt – Tây Ninh. “Cười với Sara tươi lên đi, cho đời chuyển động xíu”!

1. Ở “Ghi chép” đầu tháng, tôi viết: “Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương sắp tới, tôi được bố trí đọc thơ tại Văn Miếu, chắc không đi được”. Rồi, cũng không đi được. Không lấy chút cảm hứng nào để đi. Nhưng viện cớ nào đây? “May” quá, Ban Tổ chức không mua vé trước cho tôi. Ba lần trước ra Bắc họp hành, Hội Nhà văn đặt vé đi-về ít nhất cũng một tuần trước đó, nay thì không.

Sáng 2-2 là khai mạc tại Hạ Long rồi. Chiều ngày 1-2, bạn thơ vong niên phone tới tấp hỏi, tôi bảo không thu xếp đi được. Rồi đích thân chủ tịch Hữu Thỉnh phone, tôi nói lí do không đi được, anh bảo:

–  Sara mua vé ra ngay chiều nay đi cho kịp khai mạc. Ban Tổ chức chỉ đặt vé trước cho khách nước ngoài thôi, khách mời trong nước tự lo, Hội sẽ thanh toán sau. Sara ra ngay nhé…

Tôi ậm ừ cho qua. Chiều 2-2, anh lại phone hỏi thăm và giục:

– Không thể thiếu Sara được. Sara mua ghế VIP giúp cho tôi, rồi lên taxi đi thẳng Hạ Long luôn, để mai kịp phát biểu.

Tôi nói: – Dạ. Nhưng kì này Sara nhiều trục trặc quá, hay anh miễn cho Sara đi…

– Không thể, không thể thiếu…

Tôi tin nhà thơ Hữu Thỉnh thật lòng. Nhưng lòng tôi đã quyết rồi.

+ Nữ họa sĩ  đã lên dáng Sara như thế đấy!

2. Yut Cẩn từ Mỹ bay về Sài Gòn, phone:

– Cẩn đây, chiều gặp nhau đi…

– Ừa, chắc chắn rồi. Nhưng để mình xem lại nhé…

– Mình mời thêm vài anh ở Sài Gòn nữa…

Tôi chưng hửng. Tôi thì ngán đến tận cổ anh em Chăm từ bốn, năm người trở lên gặp mặt. Bởi, thế nào cũng bàn chuyện “xã hội”. Nhưng làm sao thoái thác bạn hiền từng sướng khổ có nhau đây? Suy đi tính lại, suýt nữa tôi quyết định bay ra… Hạ Long, để trốn.

– Nguyên chiều nay mình chờ vé đi Festival thơ châu Á gấp, bạn à… Họ đang chờ… Phải thứ Ba tuần sau mới về. – Tôi nhắn tin cho bạn vậy.

Tôi nghĩ, sao bạn không ghé nhà mình nhỉ? Sáu năm rồi là gì? Ghé nhà ăn với nhau bữa cơm đạm bạc, anh em hàn huyên không đậm tình hơn sao? Buồn.

Cuối rốt, tôi không đi đâu cả mà lên… Tây Ninh.

+ Tại nhà Thầy Cường.

3. Ghé nhà Khaly Chàm rồi qua thẳng Hội VHNT Tây Ninh trụ sở ở một góc nhỏ Tòa thánh. Đơn giản, ấm cúng và thân tình. Tây Ninh là vậy. Năm 2010, tôi đã lên đây vào Ngày Thơ Việt Nam, năm ngoái đi huyện Krong Pak – Dak Lak với Lê Vĩnh Tài và Đinh Thị Như Thúy, Ngày Thơ năm nay lại lên Tây Ninh với Khaly Chàm, Quốc Việt, Trần Nhã My… Tôi nói đùa mọi người đó là cách “giải trung tâm” của quan thơ hậu hiện đại, thật ra chỉ là để chạy trốn không khí tranh giành xô bồ nơi đô thị lớn.

Sáng, lãnh đạo Tỉnh gặp gỡ thân mật văn nghệ sĩ. Lãnh đạo: Trẻ, biết văn nghệ và chân tình. Chiều, Hội thảo thơ đương đại. Tôi lại là chủ xị. Tôi dành 15 phút khái quát như là cách thông tin về tình hình thơ Việt đương đại và gợi ý cho mọi người phát biểu. Không khí sôi động lên, anh chị em văn nghệ tỉnh biết tranh luận với phản biện đáo để. Vài người hơi ngại cho vị khách quý. Tôi nói:

– Tôi đến không phải như kẻ biết nhiều, mang kiến thức đến truyền đạt cho các bạn, mà đặt vấn đề mới để cùng trao đổi, hoặc xới lại vấn đề cũ theo cách nhìn mới… Tôi nói cũng không phải để các bạn đồng ý nữa…

Đêm Thơ tỉnh lẻ mà đầy chuyên nghiệp: nhẹ nhàng, chất lượng và vui.

Thầy Cường hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh mời mươi người thân qua nhà uống rượu tối. Tôi bị mời riêng từng văn nghệ sĩ địa phương đến hơn mười chung rượu Tây nặng đô. Nổi hứng, tôi đọc “Tam tấu Inrasara” để gọi là xướng họa với 3 nữ ca sĩ trẻ của Tỉnh được mời hát chay đãi khách.

Về, thì khách sạn Nhà nước đã đóng cổng, thế là Khaly Chàm đèo tôi qua nhà anh ngủ qua đêm.

Sáng 7-2, hẹn Hồng Minh Đài Truyền hình Tây Ninh nói chuyện. Năm ngoái cô nàng phỏng vấn tôi “Inrasara: Tôi là kẻ cá biệt” in 2 trang báo to đùng. Hôm nay, không phỏng vấn mà nói chuyện. Tiễn tôi ra bến xe, bạn bảo: – Sara như kẻ truyền ngọn lửa hứng khởi đến mọi người qua mỗi câu nói, giọng điệu…

Mọi người thì nghĩ vậy, tôi thì buồn.

+ Nhà thơ trẻ Trần Nhã My tạo dáng trong Ngày Thơ.

4. Buồn.

Lâu rồi, tôi hết biết buồn cho mình. Tuổi hai mươi, tôi đã buồn cho mình một lần. Buồn não nề, buồn đến tê liệt, buồn kéo dài và buồn muốn chết. Sau đó, tôi không một lần biết buồn cho mình nữa. Buồn là buồn cho “khách thể”, những khách thể khác nhau.

Tôi còn buồn là tôi còn sống

Tôi còn viết là tôi còn yêu

Tôi hết yêu là tôi đã chết.

 

Đoạn thơ trong Lễ tẩy trần tháng Tư trích in trên danh thiếp, khi mang đi in, Jaya in sai một từ (Tôi còn sống là tôi còn yêu), tôi đã phải in lại. Một chữ thôi, nhưng nó sai tinh thần đoạn thơ. Tháng trước, nổi hứng Jaya hỏi:

– Cei là nhà thơ mà trông chả giống nhà thơ tí nào cả…

– Là sao?

– Sinh hoạt, ăn ngủ đúng giờ nè, ít màu mè với lè phè nè, không ăn nói tinh tướng như mấy văn nghệ sĩ khác mà Jaya biết… Jaya không rõ nữa, chỉ biết cei không giống nhiều nhà thơ khác thôi.

 

Hôm nay buồn trở lại. Cho mình. Buồn bao la, sâu thẳm, không biết từ đâu – như con nước lũ tràn vào tim. Trái tim con người yếu đuối, tôi biết, và đã trui nó qua lò luyện tội cuộc đời. Hôm nay nó bị xáo động, trôi nổi, nung chảy. Trái tim mình sa ngã từ bao giờ?

 

5. Cuối tháng 1-2012, anh Ysa từ Mỹ thư về. Hiểu biết, cảm thông và tràn yêu thương. Anh như anh Hàm Bộ xưa, khiêm cung và ít lời. Tôi thì mênh mông cái sai, nhưng anh đều hiểu và chia sẻ. Anh đã “đi xa” rồi. Nay tôi có được Ysa. Gặp được vài tâm hồn đẹp như thế cũng đủ làm cháy lên nắng ấm giữa đêm đông cuộc người này.

Dẫu sao, Sara đã từng có vài may mắn – như thế, trong đời.

 

 

Sài Gòn, 9-2-2012

 

22 thoughts on “Ghi chép tháng 1-2012: Trái tim sa ngã từ bao giờ?

  1. Anh Sara không đi Liên hoan thơ châu Á, trước đó anh Sara không đi Festival thơ thế giới (thế giới chứ không phải quốc tế, vì quốc tế chỉ cần 10 nước cũng là quốc tế), cho nên việc anh không dự Kate hay Rija Nugar của sinh viên và Hội đồng hương Chăm ở Sg không có gì ngạc nhiên cả.
    Chuyện Festival Thơ thế giới cả đời người ta muốn đi không được mà anh từ chối đủ biết. Hay Liên hoan Thơ châu Á bao nhiêu nhà thơ VN thèm đi mà không được.
    Theo tôi anh muốn ĐỦ CÔ ĐƠN CHO SÁNG TẠO, như tên tiểu luận rất hấp dẫn của anh.

  2. Anh Sara viết là:
    “Gặp được vài tâm hồn đẹp như thế cũng đủ làm cháy lên nắng ấm giữa đêm đông cuộc người này.
    Dẫu sao, Sara cũng có vài may mắn – như thế, trong đời.”

    Trước đó tôi nhớ anh viết: “Tôi là người may mắn”.
    Ghi chép này có vẻ buồn, nhưng anh Sara luôn luôn biết kết luận rất độc đáo và có hướng sáng về chiều tương lai.

  3. Nhà thơ Inrasara không giống như rất nhiều nhà thơ VN hiện tại.

    Nhà văn Ng Huy Thiệp nói: Nhà thơ VN ngày nay đại đa số là dốt nát, chập cheng, chỉ in ra vài tập thơ vớ vẩn rồi kêu nhau là nhà thơ. Rất đáng xấu hổ. Thêm cách ăn mặc nhếch nhác lôi thôi, nói năng tinh tướng trên trời… Mình thì chẳng ra gì nhưng ra vẻ khinh đời ngạo mạn. Nhà văn Ng Huy Thiệp nói rất đáng, thế là ông bị cả khối nhà thơ xúm vào đánh ông ta.
    Tôi thấy vài “nhà thơ” trẻ Chăm cũng ăn mặc lôi thôi, ăn nói hồ đồ, và tệ hơn là hay đi mượn tiền các nhà khác mà KHÔNG trả. Không biết xấu hổ bản thân chứ đừng nói giữ danh giá dân tộc mình. Xin nhà thơ Inrasara đừng bỏ đoạn này, vì nói là nói góp ý cho nhau.

    Riêng Inrasara còn là nhà nghiên cứu, dịch thuật, nhà phê bình nổi tiếng. Nên anh khác là phải.

  4. Giọng kể thành thật. Tôi thích bài này.
    “Tiễn tôi ra bến xe, bạn bảo: – Sara như kẻ truyền ngọn lửa hứng khởi đến mọi người qua mỗi câu nói, giọng điệu…
    Nhưng tôi thi buồn”

    Nhà thơ Inrasara đã truyền lửa cho rất nhiều người. Dân văn nghệ sĩ hay cánh trẻ Chăm.

  5. Sao nhà văn Inrasara không huỵch toẹt luôn đi nhỉ. Đi thì nói đi, không đi thì nói không đi. Còn quanh co vòng vo tam quốc. Mình mệt, thiên hạ cũng mệt. Tính toán đi tính toán lại, chán chết bỏ!
    À, mà cũng thông cảm cho ông, thương ông nữa: Làm người thì khó, làm chó thì dễ.

  6. Lúng túng của Sara trong các công việc là do Sara nghĩ rằng rồi đây sẽ phải thay đổi. Có một chút buồn cho việc mình sắp sửa phải khác. Người đọc cảm thấy vậy. Ai chia sẻ thì như chút nắng ấm thêm vui, không cũng chả sao. Ý kiến của Trần Sáng làm người đọc sững sờ. Thậm chí ngạc nhiên không biết Trần Sáng có thông tin gì về Sara mà hạ xuống câu: “À, mà cũng thông cảm cho ông, thương ông nữa: Làm người thì khó, làm chó thì dễ….”

    Còn buồn hơn cả Sara

  7. Tôi biết ông Trần Sáng hay lên mạng này phát biểu nói to, nói nhấn mạnh để gây chú ý. Nhưng khi ông nói câu mà như anh Lê Vĩnh Tài trích dẫn thì tôi thấy ông quá lố. Ông ám chỉ ai tôi không biết, nhưng nói vậy mà không nói rõ ràng thì rất không hay.
    Bác Inra là bậc trí giả cao thâm nói có suy nghĩ, làm có suy nghĩ cẩn thận. Còn làm cái rẹt thì dễ lắm, đổ bể hết mà cuối cùng chẳng được khỉ mốc gì đâu, ông TS à.
    Xin lỗi nhé!

  8. Đọc các bạn, tôi thấy hơi buồn… cười. (Riêng nhà thơ LVT thì tôi buồn mà không cười, vì tôi nghĩ anh rất thông minh. Thông minh mới có thơ hay chớ lị). Nhưng dẫu sao đi nữa tôi cũng thấy mình có lỗi, vì không rành mạch.
    Ý tôi chỉ muốn nói, anh Inrasara không cần phải tính đi toán lại như thế. Tầm như nhà thơ Inrasara, làm cái loáng là xong. HNV cần anh chứ đâu anh cần cái Hội này. Họ đẩy anh lên chức danh đó, tưởng dễ xơi, nhưng anh đã 2 lần chơi lại rất đáo để (trên Tiền Phong chớ có đùa).
    Tôi nói: Sao không đáo để luôn đi cho trót!!!

    Ý sau là như vầy:
    – Chơi dứt điểm như tui đề nghị thì hơi bị… dễ (làm “chó”), kiếm cách chơi theo kiểu con người (để làm NGƯỜI) mới khó. Nhà thơ Inrasara đã loay hoay, nên tôi nói thông cảm với nhà thơ Inrasara là vậy.
    – Ý cuối: Nói thương ông là vì vài bạn thơ trong cái Hội Nhà văn quý mến anh đẩy anh vào thế khó, làm anh lưỡng lự mãi, rất kẹt. Như vậy không đáng thương sao???

  9. Trần Sáng nói vậy thì chữ “chó” rõ ràng rồi. Sara “mắc kẹt” vậy cũng đành là lỗi do anh, thôi thì dùng chữ “đáng thương” như Trần Sáng cũng được. Trần Sáng đúng ý anh không? Quyết đi, Sara

  10. LeVinhTai bảo “quyết đi” là hơi lệch tinh thần “phản hồi”. Chủ trang Web kiêm tác giả bài viết thì càng không được nói “tiếng nói cuối cùng”. Hãy để mở ngỏ cho mọi bình luận, dzậy mới dân chủ hậu hiện đại.
    Theo ý tôi, “đáng thương” là khá chuẩn!
    Đwa karun các bạn.

  11. Đang thương thì khá chuẩn, nhưng đáng ghét vì cứ lòng vòng. hềhề
    Thôi, quên bớt đi, Sara. Lâu nay anh lười viết đó. “Quyết đi” là để nhẹ (hay nặng) lòng hơn, để viết.

  12. Các anh ơi! Em nghĩ là nhà thơ Sara đã quyết rồi đó chứ, chỉ là cân nhắc thời gian và… tư thế (đi) mà thôi. (ÔI, em nghĩ thế có đúng không nhỉ, hi)
    Chúc Inrasara.com cuối tuần nhiều”còm” vui, em thấy mỗi người đều yêu nhà thơ Sara (theo cách của mình)

  13. Bác Inra lúc nào cũng có người đẹp xung quanh, sướng quá hỉ!!! Từ đó có khối cảm hứng để sáng tạo, chớ nói cô đơn.
    Nhưng cháu chỉ thèm nhìn mấy đứa cháu gái của bác post lên Kate năm ngoái thôi, để cháu có cảm hứng mà học. Sau Tết học oải quá bác ơi.

  14. “Tôi thì ngán đến tận cổ anh em Chăm từ bốn, năm người trở lên gặp mặt. Bởi, thế nào cũng bàn chuyện “xã hội”.”

    Viết câu này tôi biết anh Inra làm mất lòng vài người, nhưng nó rất trúng.

    Tôi nhớ một đoạn trong truyện ngắn “Bay đi những cơn mưa” của Inra đăng năm 1996:
    “Nếu nói về khoản uống thì chúng ta có thể thua một, hai dân tộc nào đó trên thế giới. Còn lên kế hoạch trên bàn nhậu, phải công nhận chúng ta Ghi-nét!”

    Bây giờ không chỉ lên kế hoạch mà còn… nhiều chuyện khác nữa. Nói ra thêm buồn lòng. Inra tránh là phải.

  15. Có lẽ bạn Lưu Văn và Sara đoán sai sự việc chăng?
    Theo tôi có thể bạn Cẩn về VN không được lâu và vì ai cũng là bạn thân, nên nếu được họp mặt cùng một lúc như thế thì vui và đầy đủ biết bao? Rồi thì còn phải đi chào họ Nội, họ Ngoại nhà mình, họ hàng nhà vợ, và những chuyện mà mình đã dự định làm trước khi về VN nửa chứ? Đó là tôi lấy kinh nghiệm bản thân tôi ra để nói.
    Còn chuyện bàn bạc, ở trên bàn nhậu hay ngoài bàn nhậu là chuyện thường tình của dân nhậu và dân ăn ko ngồi rồi. Ko phải chỉ riêng Chăm mà dân tộc nào cũng thế. Tuy nhiên nếu thích thì ta ngồi lại lâu hơn, còn ko thích thì tới gặp bạn cũ, tay bắt mặt mừng, nói với nhau vài câu, dặn bạn nếu có rảnh đến nhà mình chơi, rồi kiếu từ. Chuyện đơn giản! Đâu cần phải suy nghĩ, viết lách chi cho nhọc óc. Lại chưa kể có khi còn làm buồn lòng bạn mình vì những giòng tâm sự vớ vẩn đó.
    Tôi biết Sara sẽ ko giận tôi vì những lời nầy vì nó là sự thật. Người ở VN có cả đống giờ mỗi ngày, trong khi Việt kiều ý thức (ko phải dân ăn chơi) vê VN thì lên chương trình từng ngày từng giờ để ko lảng phí những ngày giờ vàng ngọc đó.
    Chung qui chỉ hiểu lẩm nhau mà thôi. Vài hàng cho Yut drei.
    YC

  16. Thưa anh YC.
    Tôi rất hiểu tình thế của Chăm kiều về nước, nhất là khi anh ta lâu lâu mới về.
    Việc tôi nhắc đến câu của 1 nhân vật trong truyện ngắn cũ của nhà văn Inrasara là để liên hệ, chớ tôi không đồng hóa câu của một nhân vật với ý tưởng của tác giả là anh Inrasara. Câu nói của 1 nhân vật không đại diện cho ý tưởng của nhân vật, nếu vậy thì nhiều nhân vật xấu tốt khác nhau trong tiểu thuyết, lẽ nào chúng đại diện cho tác giả hết cả sao?

    Liên hệ 2 câu trên với nhau ý tôi muốn nói điều là nhà văn như Inrasara nên tập trung vào công việc VIẾT, chứ không nên ham mấy chuyện bên ngoài như quan hệ hay bàn luận. Rất mất thời gian và mất lòng nữa.
    Tôi đồng ý với Inrasara là lí do đó.
    Anh hiểu cho. Cảm ơn anh.

  17. Anh YC và các bạn đọc thân mến
    Tôi thói quen ghi nhật kí từ năm đầu cấp Trung học. Ghi vậy thôi, chứ không ý định làm gì cả. Thế mà sau này, các tập này đã giúp tôi rất nhiều trong việc viết về xã hội Chăm và nhất là viết tiểu thuyết. Tôi có đưa chi tiết này vào Chân dung Cát, dưới hình thức khác.
    “Nhật kí” có 2 điều đáng nói:
    1. Tôi dám ghi thật và chi tiết cả những điều không thể nói ra ngoài công chúng.
    2. Cái lỗi của nó là tôi còn viết văn chương quá.

    Từ khi có inrasara.com, phần vì lười phần vì nghĩ internet tiện hơn trong lưu trữ tư liệu, tôi quyết định viết “Ghi chép”. Mục đích chính:
    – Ghi các sự cố hay sự kiện cộng đồng Chăm và văn học (VN) và cá nhân tôi mà tôi cho là đáng nhớ hơn cả. Ngoài trừ chuyện quá riêng tư, tất cả đều được thể hiện trong Ghi chép.
    – Điều quan trọng hơn là: tôi cố gắng ghi thành thật nhất (không giấu giếm, không quanh co) tình cảm và suy nghĩ của tôi về các sự kiện và sự việc NGAY THỜI ĐIỂM đó. Để kiểm tra chính con người tôi.

    Nên có thể xem “Ghi chép” đứng giữa Bút kí và Nhật kí. Dĩ nhiên THỜI ĐIỂM ĐÓ, tôi có thể nhận định sai hay có tình cảm lệch. Khi ấy, rất mong quý độc giả và các bạn nói lại.
    Đwa karun!

  18. Mỹ nữ ép sát như thế này làm sao “Đủ cô đơn . . . cho sáng tạo” đây anh Sara. Phải chăng trái tim Sara đang chùng xuống, nên ngày càng “sa ngã” chăng? Lên dây cót thêm anh nhé. Để có nhiều bài viết hay hơn nữa, dạo này anh viết nhiều bài nghe buồn buồn quá. Chúc anh năm 2012 nhiều tài lộc và thành công. (Một chút đùa cùng nhà thơ cho bớt mây đen).
    Po Yang jah jing ka Sara ralo. (Người không biết viết tiếng Chăm)

  19. Anh Nhóc Chăm nói vui lắm. Nhưng em thì luôn ủng hộ chú Sara.
    Em đọc thấy bác YC hơi trách chú Sara là có vẻ oan. Chú Sara và chú Cẩn còn hơn cả bạn thân nữa, em biết là họ thân từ còn nhỏ, rôi lên Đại học, sau đó chú Cẩn ở tù, làm tại Ban Biên soạn Chăm sau đó ở Đại học, rồi chú Cẩn qua Hoa Kì vẫn thân…
    Thôi em hổng dám kể nữa đâu. Bà con nào hiểu sao là tùy. Em thì luôn yêu chú Sara.

  20. Nghe nói Khaly Chàm là ng Chăm Châu Đốc về sống tại SG đi kinh tế mới rồi ở Tây Ninh Luôn. Nghe nói anh kể như thế. Nhưng có ng lại bảo anh nói dzậy chớ không phải dzậy. Bác Sara có thể xác minh không? Năm trước bác kể đã ngủ ở nhà nhà thơ này, năm nay cũng thế. Chắc phải thân lắm. Riêng cháu nghĩ đó là đúng. Bởi ai thèm đi nhận mình là Chăm, nếu không phải Chăm. Ông còn xác minh qua bút danh mà…

  21. Salam mikwa adei xa-ai,
    Các bạn trao đổi rất hay. Cobewe đúng, QuangCan rất thân với Inra còn hơn anh em nữa… Dù không tham anh em ruột ở Ninh Thuận được nhưng vẫn có lịch thăm nhà Inrasara, nhưng tiếc không thực hiện được. Mình hoàn toàn hạnh phúc với chuyến đi nầy. Rất muốn lâu hơn nữa nhưng không thể. Mình bàn chuyện Cham là để tìm ra giải pháp khả thi. Không bàn thì làm sao mình biết là còn vài người thích nói tiếng Việt với nhau trong nhà, rằng tiếng Cham đang dần bị quên lãng (chết đi), rằng những Hồ Trung Tú là người đồng tộc với mình, cần nhận lại anh em… Nhiều và rất nhiều thực trạng, cần có cách nhìn đúng để có ứng xử đúng, đem lại kết quả tốt đẹp cho Cham và đất nước mình đang sinh sống. Đwa karun abih yut, adei xa-ai weh rawang drei, di dwa wan mưnhum pak Cây Si, song sa wan hoak pak Bê Vàng, Nguyễn Trọng Tuyển. Dwa karun abih yut ngak ka harei rawang sang dre ralô ghơh, lageh thor.
    Payua ranam tal abih drei,
    CQ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *