báo Nhân dân cuối tuần, 8-1-2012
1. Ngay từ những năm sau thế chiến thứ hai, thơ là thể loại văn chương luôn bị đặt trong tình trạng dự báo tuyệt chủng. Câu nói nổi tiếng của T.W. Adorno: “Làm một bài thơ sau Auschwitz là điều dã man” vang lên như một ám ảnh. Nhưng hơn nửa thế kỉ qua, thơ cứ sống, và sống khỏe nữa. Rồi khi văn hóa nghe nhìn phát triển lấn át văn hóa đọc, lần nữa các nhà tiên tri [giả] chộp cơ hội, lớn tiếng tuyên bố tiếng chuông đưa tang thi ca đang được đánh tới hồi cuối.
Cũng phải thôi. Có bài thơ nào trong vài chục năm qua gây chấn động dư luận bằng cái chết của công nương Diana? Chưa nói sự chênh lệch cả vực thẳm tỉ lệ người đọc Y. Bonnefoy với các fan mê cái chân trái đầy ma thuật của Maradona! Tiếp, Internet xuất hiện làm thay đổi cả hệ thống thẩm mĩ văn chương, từ cách viết đến cách tiếp nhận, in ấn lẫn phát hành, liên tục đặt thơ trước một thử thách mới! Năng khiếu nghệ thuật của cá thể cũng chịu sự thách thức dễ gây chán nản cho những đầu óc ngoan cố nhất: Qua lập trình phức tạp, máy vi tính có thể soạn nhạc, làm được cả thơ, hơn thế – chưa hẳn là thơ tồi! Vậy mà thơ cứ sống nhăn!
Sống nhăn để… ế. Không ít người than thế. Ế, nhưng khắp nơi người ta cứ làm thơ, đọc và bình thơ. Thơ vẫn tồn tại mọi nơi, cả trong sách giáo khoa, bình và giảng trong… nhà trường.
Thử nhìn thơ ở góc độ này.
2. Học sinh Tiểu học có thích thơ viết cho học sinh trong sách giáo khoa không? Kinh nghiệm của tôi trả lời là: – không. Ngược lại, tôi thuộc nằm lòng tất cả câu ca dao được in cuối sách Tập làm văn lớp Ba. Các câu ca dao đơn lẻ, tôi ráp chúng lại thành vần, và học thuộc. Còn các bài thơ trong sách giáo khoa mang tính “dạy dỗ”, thầy dò, trò cố học thuộc. Thuộc để trả bài, rồi quên. Cho nên chớ nghĩ là học sinh không khả năng tiếp thu được loại thơ cao hơn lứa tuổi. Biết đâu thơ được viết phục vụ cho chính lứa tuổi mình, nếu không có gì đặc sắc, chẳng những không đánh thức được cảm thức dù mơ hồ về cái đẹp của văn chương nơi tuổi thiếu niên, mà nguy cơ gây tác dụng ngược. Và cho dẫu thầy cô có gắng gượng diễn giải cái hay của nó, bài thơ trung bình kia vẫn tạo nên cảm giác trống vắng, qua đó khiến các em ghét thơ.
Lên Trung học, thơ lứa chúng tôi ham thích và chuyền tay nhau đọc lúc này cũng không phải là thơ trong sách giáo khoa, mà là thơ khác. Loại thơ bị ghét nhất giai đoạn này là Đường luật. Lê Thánh Tông chẳng hạn. Vậy mà học sinh phải học thuộc. Trong khi đại đa số chỉ có thể yêu được Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến và nhất là phú của Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ. Còn thì họ tìm đến các tập thơ của tác giả đương đại: Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, hay Bùi Giáng đọc chả hiểu ông nói gì nhưng vẫn cứ thích… Đơn giản: Các nhà thơ này đang dùng ngôn từ đương đại, thơ mang hơi thở cuộc sống, tâm cảm đương đại. Và nhất là cánh trẻ tự nguyện đến với nó.
Một nhà thơ Tây phương nhận định rất đích đáng rằng, do tuổi trẻ bị buộc học Shakespeare quá nhiều đâm ra lớn lên ông ghét và thậm chí sợ tác phẩm của đại thi hào này. Mãi khi thành nhà thơ chuyên nghiệp, ông mới chậm rãi đọc lại Shakespeare, và học được nhiều điều từ ông ta.
Khổ vậy đó! Chúng ta cứ nghĩ nhét được đầu óc bọn trẻ nhiều kiến thức văn học dân tộc càng nhiều càng tốt, để khi chính thiện chí này đã phản tác dụng.
Câu chuyện nói lên điều gì? Rằng không thể đòi hỏi thầy cô giáo – cả thầy cô dạy văn – yêu thơ, và truyền đạt tình yêu này đến học sinh mình đứng lớp mỗi ngày. Tình yêu thơ được gợi hứng là từ nguồn khác. Các nguồn này đa phần nằm ngoài phạm vi sách giáo khoa. Qua tác phẩm thơ hay chọn lọc, qua giao lưu với các nhà thơ danh tiếng, qua sinh hoạt thi viết thơ đăng báo tường, qua khuyến khích học sinh dự cuộc thi sáng tác ngoài xã hội…
3. Làm sinh viên, có thể nói ít ai còn muốn đọc thơ trong sách giáo khoa nữa. Đây là tuổi tìm tòi khai phá. Nếu có ít vốn sinh ngữ, và tình yêu thơ còn tồn đọng – dĩ nhiên, họ tìm đến thơ Pháp, thơ Anh Mỹ… Đọc nguyên bản. Để học, bắt chước để tìm cách vượt, hay có không ít trường hợp là chỉ và để… khoe mẽ.
Nhưng Đại học chúng ta hôm nay thì sao? Câu trả lời thật lòng nhất là: – Rất lạc hậu.
Sinh viên khoa Văn chương, ngay cả sinh viên ở Khoa Sáng tác, Lí luận – Phê bình Văn học thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng ít có dịp tiếp cận đúng mực với các trào lưu văn học nghệ thuật của các nền văn học tiên tiến đương đại trên thế giới. Bao nhiêu trào lưu ở ngoài kia, chúng hình thành, phát triển và tàn lụi rồi lại tiếp tục hình thành cái mới khác, phong phú, đa dạng và vô cùng lí thú. Ta thì cứ là không hay không biết. Tác phẩm của bao nhiêu tác giả lớn được dịch tùy hứng, như thể trò xóc dĩa rủi may. Tùy thuộc hoàn toàn vào cảm hứng của người dịch, và nhất là của thị trường.
Không biết thiên hạ đi đến những đâu, nên ta cứ tâm lí ếch ngồi góc ao nhà. Không có những gợi ý để biết thì không thể trông mong ở kích thích và tìm tòi sáng tạo. Mệnh đề quen thuộc: “học tập và rút tỉa tinh hoa văn học thế giới” là khẩu hiệu sáo rỗng, không hơn kém phân tấc. Không tìm hiểu (học) đến nơi đến chốn một trào lưu nào đó, nhất là không thử nghiệm (tập) nó nhiều lần – thử nghiệm từ kẻ sáng tạo, nhà phê bình cho đến người đọc -, thì làm sao có thể nói đến rút tỉa tinh hoa?
Sinh viên quay lưng lại với văn chương là chuyện không thể tránh.
4. Lối thoát nào cho thơ hôm nay?
Thơ cần có cách tồn tại khác. Thời thế thay đổi, thơ thay đổi đã đành; khoa học kĩ thuật thay đổi, thơ cũng phải thay đổi. Không thể cứ mãi in thành sách rồi nằm ngửa đọc. Thơ có thể xuất hiện nhiều hơn trên màn hình vi tính, rất hiện đại. Cũng có thể quay trở lại theo cách nó từng có mặt ở buổi sơ khai, như nhiều nhà thơ phương Tây hiện nay đang làm: đọc thơ rong.
Có thể đọc thơ đính kèm người mẫu thời trang trình diễn model mới nhất, cũng có thể xướng thơ trên đường phố, trong quán giải khát bình dân; thơ trên sân khấu nông thôn hay thơ ở Hội trường hội thảo khoa học; thơ dán trong toilet công cộng, trên xe buýt, thơ báo tường và cả thơ giấy gói bánh mì,… Một sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Duy vài năm cuối thế kỉ là chuyện rất đáng học tập: Trong các buổi triển lãm thơ, thơ anh được viết trên bao tải, chiếu cói, rổ rá, mành tre,… gây tiếng vang đến Vietnam Airlines đã tài trợ cho anh cả chuyến bay ra thủ đô với lỉnh kỉnh nồi niêu thúng mủng! Sau đó là Lịch thơ, cũng thành công đáo để.
Thế nào cũng được miễn là nó phải thay đổi cách tồn tại. Để mà tồn tại.
Đây đó đã có nhiều tin lành. Khắp nơi đều thấy các dấu hiệu hồi sinh của thơ: Chợ thơ ở Saint-Sulpice sôi động chưa từng có; các Tòa nhà Thi ca Maison de la Poésie được dựng lên khắp nước Pháp; các liên hoan Mùa xuân của thi nhân luôn luôn thành công; các site dành cho thơ ngày một nhiều trên Internet.
Ở Mỹ có khoảng 6000 nhà thơ hoạt động khắp nước trong đó hơn 1000 người đang giảng dạy các lớp, khóa sáng tác tại những đại học. Hơn 2000 nhà xuất bản với báo chí định kì chuyên về thơ. Hàng trăm giải thơ thường niên cho đến các loại giải từ tổ chức văn hóa hay Đại học… Rồi là câu lạc bộ, thơ trên đài phát thanh, truyền hình…
Và, Việt Namcũng đã qua Ngày Thơ.
Mặc cho bao nhiêu dự báo về ngày cáo chung của thơ, Thơ mãi sống! Vậy, Thơ với Nhà trường thì thế nào?…