Thuman gọi đó là sợ hãi siêu hình: sợ không để lại dấu vết nào cả khi bị quét văng khỏi mặt đất.
Nhưng Jaklan chả có lấy một gờram mỡ trông rộng, Thuman phán tiếp: Như các vua Champa mà tên tuổi khắc trên bia tháp chỉ còn là những les ruines kia đã không trông rộng. Dấu vết nào bất kì luôn gắn với nền tảng rộng lớn hơn, chắc chắn hơn để mà tồn tại thời hạn khả thể trong cái vũ trụ mênh mông bất khả tư nghì kia. Đằng này các Indra, Jaya, Simhavarman, vân vân Varman, từ thứ nhất đến vô cực (ví mà lịch sử cúi xuống chiếu cố) chỉ chăm lo cho vụ khắc tên mình lên bia đá đem gắn chặt vào cái tháp (dẫu khá chắc chắn) được xây từ bòn rút của cải dân mà chả tẻo teo quan tâm đến cần thiết làm sao cho dân được no ấm trước tiên, đất nước được tồn tại sau đó, như là nền tảng của nền tảng là tháp kia tồn tại cho dấu vết là tên tuổi nhỏ bé khốn khổ của mình được ăn theo mà đọng lại.
Còn Jaklan?
Hắn làm khoa học, ba chân tám cẳng chạy vạy ngược xuôi cho dấu vết mình được các chuyên gia tận thế giới nào xa xôi xoa đầu có nhiều cố gắng cứ như thế như thế thì rất tốt em ơi mà không hiểu rằng nếu phó mặc quần chúng gần gụi mãi bị mù và tái mù thì có khác gì thả cho đầu của sợi dây kia bị sút hay đứt đuôi con thằn lằn, hỏi còn gì cho cái tên tuổi Jaklan-dân Chakleng-sinh Đinh Dậu bám lấy mà kí sinh, dẫu ở bề đồng đại hay lịch đại?
Inrasara, Chân dung Cát, 2006