Hai con người, hai con đường – một đích đến

Từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 10 năm 2011, tại buổi Hội thảo Xây dựng phần mềm chữ Nôm, chữ Thái, chữ Chăm do Trung tâm Công nghệ Thông tin Thừa Thiên Huế tổ chức tại số 06 Lê Lợi, thành phố Huế, người ta thấy xuất hiện hai khuôn mặt đặc biệt: tác giả hệ thống phần mềm và website chữ Chăm – Phan Anh Dũng và khách mời đến từ thành phố Phan Rang – Tháp Chàm: Phú Tuệ Năng (Inrajaka).

Ngay sáng hôm sau, ngày 16-10-2011, tại trụ sở Huesoft, số 6 Lê Lợi – thành phố Huế, Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (nomfoundation.org) đã trao giải thưởng Balaban 2011 cho Phan Anh Dũng, chuyên viên Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Giải thưởng mang tên John Balaban – nhà thơ và giáo sư Anh văn tại Đại học North Carolina State University – do quỹ Vietnamese American Scholarship Fund tài trợ, là giải thưởng thường niên của Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm dành cho các cá nhân hoặc nhóm nghiên cứu có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy sự nghiệp bảo tồn và truyền bá di sản chữ Nôm.

 

Phan Anh Dũng là người đã sáng tạo ra gói phần mềm Việt – Hán – Nôm giúp nhập các ký tự chữ Nôm trên máy tính. Anh còn là người có đóng góp lớn trong việc phát triển Từ điển tra cứu trực tuyến Hán – Nôm – Việt, Từ điển Hán – Nôm trên PDA (thiết bị cầm tay), website hỗ trợ chữ Thái, Chăm…

 

Đậy là lần đầu tiên, hệ thống phần mềm và website hỗ trợ chữ Thái và chữ Chăm tại Việt Nam khá hoàn chỉnh được lập nên. Riêng chữ Chăm, phiên bản mới của phần mềm và website chữ Chăm đã hoàn thành với đầy đủ các chức năng, gồm: bộ phông chữ Chăm Unicode, bộ gõ chữ Chăm trên Windows và trên Linux và website về chữ Chăm . Sắp tới bộ Từ điển trực tuyến chữ Chăm cũng sẽ được triển khai. Tại hội thảo, các “học viên” được Phan Anh Dũng và cộng sự hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm và website chữ Chăm nhằm phục vụ công tác giảng dạy, học tập chữ Chăm ở các địa phương.

 

Phan Anh Dũng đã từng đoạt nhiều giải thưởng về sáng tạo Kĩ thuật và Khoa học công nghệ cấp Quốc gia; năm 2011, Giải Balaban được trao cho anh là một quyết định đúng đắn và rất kịp thời, như là một khích lệ xứng đáng dành cho các nỗ lực không biết mệt mỏi của đứa con đất Cảng (Anh Dũng sinh năm 1958 tại Hải Phòng) đang sinh sống tại cố đô Huế này.

Công trình của anh có giá trị lớn về mặt khoa học lẫn lĩnh vực văn hóa – xã hội. Sau người Kinh và người Tày, Thái là dân tộc có số dân đông thứ ba ở Việt Nam. Riêng người Chăm bên cạnh việc dựng nên nền văn minh rự rỡ một thời, dân tộc này còn có chữ viết bản địa sớm nhất đông Nam Á (thế kỉ thứ IV – bia Đông Yên Châu). Sau nhiều biến đổi và phát triển qua các thời kì lịch sử, chữ Chăm trở thành akhar thrah đang được dạy trong các trường tiểu học có con em người Chăm theo học từ sau khi đất nước thống nhất. Văn hóa internet phát triển, nhu cầu sáng tác, nghiên cứu, đọc và trao đổi bằng chữ Chăm được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Cho nên việc ứng dụng công trình của Phan Anh Dũng vào công cuộc giảng dạy và học tập tiếng và chữ dân tộc mang tính thực tiễn cao.

 

Nếu Phan Anh Dũng nghiên cứu ứng dụng phát triển ngôn ngữ qua chữ viết, thì Inrajaka đi theo hướng khác: hỗ trợ thế hệ trẻ của cộng đồng Chăm bảo tồn và phát triển tiếng nói.

Tốt nghiệp Khoa Thái Lan học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, thế nhưng chàng trai trẻ người Chăm sinh năm 1984 này không theo chuyên ngành nghiên cứu văn hóa – ngôn ngữ Thái Lan, mà dấn mình vào hoạt động cộng đồng. Ngay từ năm thứ ba ngồi giảng đường – năm 2004, Jaka (tên thường gọi của Tuệ Năng) đã lập nên website Gilaipraung.com cho sinh viên và thanh niên Chăm các nơi sinh hoạt, trao đổi học tập và nghiên cứu văn hóa dân tộc.

Từng tham gia các khóa dạy tiếng và chữ Chăm cho sinh viên Chăm tại TP Hồ Chí Minh, Jaka – qua tiếp nhận bộ phong chữ Chăm của Từ điển Chăm – Việt (NXB Khoa học Xã hội, 1995) – nghiên cứu lập nên bộ phông chữ Chăm mới, khoa học và tiện dụng hơn.

Từ năm 2005, Jaka lập nên Trại Hè cho sinh viên Chăm tại TP Hồ Chí Minh về quê sinh hoạt và thâm nhập cộng đồng, làm những việc công ích cho cộng đồng. Nhận thấy tiếng mẹ đẻ đang bị lai tạp nhiều, Jaka mở ra phong trào nói tiếng Chăm cho các sinh viên và thanh niên đồng tộc. Để việc truyền bá được hiệu quả hơn, Jaka còn sáng tác hài kịch bằng tiếng Chăm trình diễn trên các sân khấu, từ nhà quê cho đến thành phố.

 

Tháng 4-2010, Jaka tham dự Hội nghị quốc tế với chủ đề “Sự đa dạng văn hóa” trong chương trình JENESYS East Asia Future Leader Programme tại năm thành phố Nhật Bản. Tháng 5-2010 Jaka tiếp tục đại diện của Việt Nam tham gia chương trình “Mang lại sự thay đổi cho xã hội” (The 33rd Initiatives of Change International Conference 2010) của IOFC – Nhật Bản suốt ba tháng.

 

Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Phan Anh Dũng và Phú Tuệ Năng: hai con người của hai tộc người khác nhau từ hai vùng đất thuộc hai thế hệ khác nhau nhưng lại gặp nhau ở một ý hướng: phục hồi và phát triển tiếng nói và chữ viết của dân tộc trong cộng đồng đa dân tộc Việt Nam.

Hai con người này lần đầu gặp nhau tại Hội thảo, nhưng chắc chắn họ sẽ còn gặp nhau dài lâu trên con đường chông gai nhiều thử thách nhưng đầy sự trân trọng của hoạt động khoa học và xã hội.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *