Khủng hoảng tinh thần đe dọa ném hắn vào vực thẳm của bất an và bất lực, nguy cơ đẩy hắn tiêu tán vào thế giới người ta. “Những ngày rỗng” (Lễ Tẩy trần tháng Tư) bám riết và bủa vây hắn, tư bề. Khủng hoảng kéo lê thê suốt thời trẻ – tuổi tìm học. Suy tư trên bình diện lịch sử Tính thể, đó là nỗi thiếu Quê hương nơi tâm hồn con người.
Hắn trôi dật dờ vô định. “Không có quê hương trong thời gian” – nói như Rilke. Cho đến một ngày kia, sau mười lăm năm tha hương lưu lạc “tìm học”, từ cơn mơ ngủ quen thuộc kéo dài, hắn kinh hoàng vùng thức giấc: quê hương như vừa ẩn hiện phía bên kia khói sương chiều.
Hắn đi trở về với cuộc sống, với cõi người. Hắn nhìn thế giới hoàn toàn bằng con mắt khác: thấy núi là núi, sông là sông. Cuộc sống với hắn đáng sống làm sao, những khuôn mặt người đáng yêu làm sao, các công việc dẫu bé con cũng rất đáng gánh vác. Hắn không muốn buông xuôi, bỏ cuộc nữa. Cuộc sống vô nghĩa ư? Hắn không phải làm cho nó trở thành ý nghĩa, bằng cách đổ đầy tràn ý nghĩa vào đó mà là, cư lưu vào trong chính nỗi vô nghĩa đó! Qua đó, hắn nghe nhẹ hều vài thành tích bé con hư phù hắn từng giành được nơi cõi người quá phù du này. Con người không hiện hữu trong CÓ, mà là ở LÀ. Ý hướng chiếm đoạt càng cao, sở hữu – tiền của, địa vị, bằng cấp, chức tước – càng nhiều thì con người ngày càng xa rời bản thể mình như một sinh thể bần hàn trong tính thể của nó. Hơn thế, chính nỗi phong nhiêu của CÓ khiến con người tự đánh lừa, làm nguy cơ khuất lấp ý thức tự phản tỉnh. Hiểm họa lớn hơn, khi con người đòi muốn CÓ quê hương, muốn sở hữu chân lí, thứ quê hương/ chân lí như một đồng hóa chủ thể với tư tưởng biểu tượng, chỉ là hình ảnh phóng rọi của cái Tôi, không hơn kém gang tấc. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay cuồng tín ý thức hệ có đất nảy mầm và khuếch trương thế lực. Bạo động bá vai thù hận phát sinh và bành trướng đến vô cùng.
Inrasara, Hàng mã kí ức, 2011