Từ “cảm tình và cảm tính” đến phiếu trắng

Báo Tiền phong Chủ nhật, 8-1-2012

* Với nhà văn Sương Nguyệt Minh tại Hội trường HNV, photo Phong Lan.

Với đại bộ phận người làm văn học hôm nay, cánh cửa vào Hội Nhà văn Việt Nam vẫn có sức thu hút đáng kể. Hơn 300 ứng viên thơ trong Danh sách tỏ rõ điều đó. Người viết cần có tấm thẻ Hội Nhà văn cầm tay. Để tự tin hơn hay để kích thích mình cũng có, để khẳng định mình với người xung quanh cũng có, hay ở  một mức độ khiêm tốn hớn – chỉ để có cái gì đó gọi là kỉ niệm một đời văn.

Cho nên, dù tỉ lệ một chọi hai mươi và hơn nữa, người viết văn làm thơ qua mỗi năm vẫn cứ phấp phỏng ngóng chờ “mùa kết nạp hội viên mới”. Chờ – bởi dù tài năng văn chương bộc lộ ngay ở vài tác phẩm đầu tay cũng phải qua hai, ba năm thử thách; họa hoằn lắm mới xảy ra hiện tượng khuôn mặt vừa trình làng đã đút túi ngay tấm thẻ của Hội. Ở đó không ít trường hợp cửa Hội Nhà văn mãi im ỉm đóng – đến bảy năm, mười năm và hơn nữa, như quyết mài mòn sức kiên nhẫn của người viết.

Có kẻ giận lẩy, có người bỏ cuộc, cũng không ít trường hợp phó mặc.

Nhưng đại đa số đến hẹn lại lên – nghe ngóng và chờ đợi. Nhẫn nại chờ đợi.

 

Trong thời gian dài dằng dặc đó, không ít anh chị em tìm cách tiếp cận các Ủy viên Hội đồng. Qua thư từ hay cú phone làm quen, qua bằng hữu thân thiết giới thiệu. Gặp mặt mời nhau li cà phê, đãi nhau chầu bia, tặng nhau vài món quà mọn, hay giản đơn hơn – chỉ nhằm tương ngộ với nhân vật từng kiến kì thanh bất kiến kì hình để kí tặng sách “nhờ anh ngó qua”.

Cũng hay! Nhưng lắm lúc bất tiện, có khi bất tiện đến phiền phức.

 

Năm ngoái – 2010, lần đầu tiên dự cuộc bỏ phiếu xét kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, tôi đã lớ ngớ và lúng túng đến tội. 90% trong số ứng viên thơ kia tôi chưa hân hạnh đọc thơ họ. Vậy mà tôi vẫn cứ bỏ phiếu. Bỏ phiếu dựa trên bảng lí lịch văn học vừa sơ sài vừa thiếu cập nhật do Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cung cấp. Từ đó xét đoán của tôi không thể tránh khỏi dựa vào sự quen biết, xuất phát từ cảm tình và nhất là phó mặc cho cảm tính qua kí ức khá mơ hồ về các sáng tác của ứng viên kia, để quyết thuận hay không thuận. Nghĩa là đầy chủ quan.

Ngay sau đó, tôi đã “tự thức”! Và tỏ thái độ. Tôi thử đưa ra 4 tiêu chuẩn (tác phẩm, dư luận báo chí, giải thưởng các loại và thể loại bổ trợ) để “chấm điểm” ứng viên. Vẫn còn là chưa đủ. Dư luận báo chí hay giải thưởng các loại đầy tràn nỗi đời ngoài lề. Các Ủy viên vẫn có thể bị đánh lừa. Yếu tố cuối cùng phải là: tác phẩm. Với thơ, ít nhất là 10 bài do tác giả chọn. Đó chính là vật chứng đáng tin nhất. Chỉ trên cơ sở đó thôi, Ủy viên Hội đồng mới có thể cất cử lá phiếu của mình mà không phải áy náy. Và nhất là có trong tay vật chứng tối thiểu để có thể đứng ra bảo vệ cái lá phiếu kia, khi cần thiết.

Bài viết đăng hai kì liên tục trên Tiền phong Chủ nhật, tháng 3-2011 đã tạo nên dư luận đáng kể trên diễn đàn mạng.

Một năm đi qua, tất cả vẫn không chút chuyển động. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cứ trì trì lệ cũ: vẫn là Bảng danh sách sơ sài và thiếu cập nhật được gửi tới các Ủy viên Hội đồng. Ủy viên Hội đồng Thơ cứ nếp cũ mà bỏ phiếu, nghĩa là đầy cảm tình và cảm tính.

Một năm đi qua, qua tiếp cận và tiếp xúc, tôi có đọc thêm 5% tác phẩm của nhà thơ có tên trong Bảng Danh sách ứng viên. Ở đó, có vài tên tuổi xứng đáng. Tôi chợt nghĩ, biết đâu trong số 85% ứng viên còn lại – vì lòng tự trọng hay sĩ diện hoặc gì gì khác chưa tiếp cận tôi, do đó tôi hoàn toàn chưa cơ hội đọc họ – có vài tài năng. Vậy mà tôi cứ loại họ. Thẳng tay! Hỏi tôi có công bằng với đồng nghiệp không? – Tắc trách và bất công là điều hiển nhiên rồi! (Cũng có người cho rằng tài cao hay thấp hoặc vừa vừa thì lộ ra ngay thôi, cần chi phải “rốt ráo”. Cứ cho là vậy đi, nhưng ở đây, về mặt nguyên tắc [hay hình thức], ta vẫn chưa sòng phẳng).

Vậy là lần nữa tôi “cảm tình và cảm tính”. Hi vọng là lần cuối cùng. Bởi ngay từ năm sau, tôi sẽ bỏ phiếu trắng. Dù có phải bị cho là trốn trách nhiệm, nhưng cũng cần phải thế.

Theo tôi, để cho cuộc chơi tạm gọi công bằng và tránh điều tiếng, Ban Công tác Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cần làm sớm:

– Thông tin trên báo Văn nghệ yêu cầu mỗi ứng viên nộp: (1). Tiểu sử văn học (tên tác phẩm, giải thưởng các loại nếu có) và (2). 10 bài thơ tự chọn. Tất cả chỉ cần 4-7 tờ A4 là đủ. Photocopy làm 9 bản. Ứng viên nào không nộp thì coi như tự loại mình ra khỏi Danh sách.

– Sau đó, Ban Công tác Hội viên tập hợp đầy đủ “hồ sơ” gửi cho Ủy viên Hội đồng Thơ trước tháng 9 mỗi năm (năm sau chỉ cần bổ sung “hồ sơ” ứng viên mới). Tránh tình trạng các ứng viên trực tiếp gửi hồ sơ đến các Ủy viên Hội đồng.

– Thao tác cần thiết không kém là với website sẵn có, BBT có thể lập một cột riêng để đăng “hồ sơ” ứng viên. Cho rộng đường dư luận.

– Cuối cùng, Ủy viên chỉ cần dựa trên “hồ sơ” gốc đó (nếu có các tập thơ đọc tham khảo càng tốt) mà xét tuyển.

Xét, bỏ phiếu và trách nhiệm với chính lá phiếu của mình.

 

Sài Gòn, 3-1-2012

 

 

 

7 thoughts on “Từ “cảm tình và cảm tính” đến phiếu trắng

  1. Kể cả bỏ phiều trắng, cũng sẽ có người rồi cũng xem anh như là “kẻ phá bỉnh cuộc chơi”. Phiếu trắng đúng nghĩa là anh không tham gia “hội đồng chuột”. Vì HNV không phải là “hội nghề nghiệp” mà là “tổ chức chính trị – xã hội…”. Việc rút giải của Đình Kính năm nay không là “chính trị” ư? Anh làm gì trong vòng xoáy “lý tưởng” ấy với một lá phiếu trắng nhỏ nhoi của mình?

    Chữ t(r)in(h) còn một chút này…

  2. LVT chính xác!
    Nhà văn Inrasara viết trong “Ghi chép tháng 12”: “Tôi đã tính bỏ phiếu trắng ngay kì này, rồi xin “từ chức” Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ luôn. Ở Sài Gòn, hỏi Jaka, cháu nói: – Đúng lắm! Nhưng Cei không thể, vì Cei là Chăm. Nó sẽ tạo xì căng đan, việc đó không có thuận lợi cho cộng đồng mình lắm…”

    Nhà văn kể vài chuyện nhục quá. Tránh vỏ dưa đạp vỏ dừa. Không tránh không đạp, vậy thì ra sớm là hay nhất. Kệ nó. Cộng đồng Chăm cũng chả chú ý gì HNV đâu. Một lần cho xong, là xong.

  3. Nhà văn Inrasara là tâm hồn còn trong trắng hiếm có giữa đống bầy nhầy này. Không kể chuyện chính trị cũng biết là HNV không làm theo ý ông đâu. Ông bị văng ra là cái chắc. Biết ông đã biết, nhưng cũng chép tặng ông bài thơ này của CLV:

    BÁNH VẼ

    Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
    Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
    Cầm lên nhấm nháp.
    Chả là nếu anh từ chối
    Chúng sẽ bảo anh phá rối
    Ðêm vui
    Bảo anh không còn có khả năng nhai
    Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
    Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
    Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
    Như không có gì xảy ra hết
    Và những người khác thấy anh ngồi,
    Họ cũng ngồi thôi
    Nhai ngồm ngoàm…

  4. Em cá là thi sỹ Inrasara sẽ rời chức vụ này sớm thôi. Anh ta không đủ độ lỳ để trụ được. 24 ăn 1!

  5. -Đề xuất của anh Inrasara là cách khả dĩ nhất, khách quan hơn hẳn cách làm hiện nay. Rất ủng hộ anh.

  6. Có người nghĩ nhà văn Inrasara thỏa hiệp. Tôi phản đối ý kiến này. Anh sống trong bùn, anh đề nghị tiêu chuẩn làm sạch môi trường đó (môi trường nhỏ bé của Hội Nhà văn)> Ng ta không làm thì anh tự làm cho mình khỏi dơ, bằng cách bỏ phiếu trắng là OK.Tôi đồng ý trăm phần trăm.

  7. Cái cách nghĩ “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn…” có vẻ như hơi hơi… “chảnh”, e khó thực hiện được trong những tháng ngày này. Nếu ai không đồng ý thì tôi cũng thôi, ý tôi chỉ đến thế.

    Còn việc các ứng viên nộp “Tiểu sử văn học (tên tác phẩm, giải thưởng các loại nếu có) và (2). 10 bài thơ tự chọn. Tất cả chỉ cần 4-7 tờ A4 là đủ. Photocopy làm 9 bản…” thì cũng tốt, nhưng chắc chẳng cải thiện được tình hình đâu. Vì trong thời đại thông tin hiện nay, tôi thử chọn một Hội Viên mới, nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung (Vĩnh Phúc) vì ông là đồng hương với Chủ tịch Hội, thấy ngay:

    Tên thật: Nguyễn Ngọc Tung
    – Sinh ngày: 15/09/1950
    – Quê quán: xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
    – Nơi ở hiện nay: 28 phố Lê Duẩn, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
    – Trình độ chuyên môn: Kỹ sư xây dựng, cử nhân chính trị
    – Các chức vụ đã giữ: Phó giám đốc sở xây dựng Vĩnh Phúc, Phó bí thư Đảng ủy
    – Tặng thưởng: Huy chương vì sự nghiệp xây dựng, Huy chương vì sự nghiệp công đoàn.

    – Các tập thơ đã xuất bản:

    + “Ô cửa trăng lên”. NXB Hội nhà văn

    + “Khúc hát đôi bờ”. NXB Hội nhà văn

    Và chọn ngẫu nhiên một bài thơ của nhà thơ:

    “Ngày mai em đi lấy chồng
    Đôi quang ở lại gánh gồng nắng mưa
    Ngày mai em lên xe hoa
    Gàu giai gác lại, đò đưa gàu sòng
    Gối đôi chị tặng tơ lòng
    Em về nhà chồng êm ấm trúc mai
    Ngày vui pháp nổ đỏ trời
    Mà sao lòng chị bời bời gió mưa
    Ngày mai em lên xe hoa
    Ngày mai
    Chị lên xe hoa…”

    Với kiểu lục bát “Ra vẻ Nguyễn Bính mà vẫn không có vần này”, nếu foto 9 bản nộp lên thì anh Sara có ngăn được không vào Hội không? Hỏi, tức là trả lời vậy. Thật khó cho anh

    (Xin lỗi nếu như nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung này ở Vĩnh Phúc trùng tên và địa chỉ với nhà thơ Hội viên mới, cái này google thua)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *