Trong tác phẩm văn học, ngôn ngữ văn học là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn. “Vấn đề ngôn ngữ trong thơ ca của từng tác giả rõ ràng lại phụ thuộc vào phong cách sáng tạo và bút pháp độc đáo riêng của từng nhà thơ”[1;372]. Nó biểu hiện đầy đủ những mặt mạnh, mặt hạn chế tương ứng với từng phong cách sáng tạo. Trong bài này, tôi chỉ tìm hiểu đặc sắc trong ngôn ngữ thơ Inrasara – một đại diện tiêu biểu của giới sáng tác thơ Chăm thời kì mới.
1. Vẻ đẹp sang trọng, truyền thống lại vừa đời thường, thông tục
Cũng như nhiều nhà thơ dân tộc thiểu số khác, Inrasara sáng tác bằng tiếng Việt (tiếng Kinh). Tuy nhiên, đó không phải là rào cản cho chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Inrasara sử dụng tiếng Việt điêu luyện như tiếng Chăm (thậm chí còn điêu luyện hơn tiếng Chăm). Đó là một thứ tiếng Việt phong phú, giàu biểu cảm, uyển chuyển tới mức tài hoa. Nhưng cũng là một thứ tiếng Việt mang đậm sắc thái Chăm. Nghĩa là Inrasara chỉ mượn tiếng Việt để truyền tải thế giới Chăm, tâm hồn – cách cảm, cách nghĩ – Chăm. Đó chính là lí do mà Inrasara là một trong số ít những nhà thơ dân tộc vẫn giữ được bản sắc, nghĩa là không bị Việt hóa. Mặt khác, những biểu hiện cụ thể cho thấy ngôn ngữ thơ Inrasara thường tồn tại ở dạng đối lập:
Ngôn ngữ thơ Inrasara vừa đẹp, sang trọng, truyền thống lại vừa đời thường, thông tục. Biểu hiện trái ngược này thường xuất hiện đồng thời trong cùng một bài thơ nhất là những trường ca như trường ca Quê hương. Cách sử dụng ngôn ngữ như vậy dễ tạo ra mạch thơ nói về sự trôi chảy từ quá khứ đến hiện tại. Ngôn ngữ trang trọng khi nói về thời gian, quê hương, đất nước, người thân…
Ngủ quên trong kiếp đá
Bàn tay nghệ sĩ hoài thai
Trăm năm làm một thuở
Nỗi mơ nung nấu ngàn đời chưa nguôi.
Cựa mình ra lòng đá
Nụ cười phiêu lãng trên môi
Mang hình hài vũ nữ
Qua miền cuộc lữ rong chơi đất trần
Mai trở về cõi đá
Đường cong diễm ảo khơi vơi
Sát-na thành thường trụ
Cho nhân gian nửa đất trời nhớ thương.
(“Apsara, Vũ nữ Chàm”)
Những từ Hán Việt: nghệ sĩ, hoài thai, phiêu lãng, hình hài vũ nữ, lữ, diễm ảo, nhân gian; cách nói cũ mòn: kiếp đá, hoài thai, sát-na, trăm năm – ngàn đời (đối lập giữa kiếp người và vũ trụ)… vừa gợi không khí cổ xưa của xứ Chăm lại vừa gợi tâm trạng hỗn mang của lòng người trước sự vô tận của vũ trụ, đời người. Bài thơ có chất thơ Mới hồi đầu thế kỉ XX.
Nhưng ngôn ngữ thơ Inrasara chủ yếu rất gần với ngôn ngữ đời thường với những từ thuần Việt có sức gợi (sức biểu cảm) lớn.
Một ánh nhìn của cha
nửa nụ cười của mẹ
và hai bàn tay diệu vợi của em
giữa mênh mông màu nắng quê hương
hỏi tôi còn tìm thiên đường đâu nữa?
(“Ngụ ngôn của Đất”)
2. Ngôn ngữ giàu tính tạo hình và biểu cảm (qua việc sử dụng nhiều biện pháp tu từ)
Nét đặc sắc trong thơ Inrasara là rất giàu hình ảnh và rất giàu cảm xúc.
Nghệ thuật so sánh được Inrasara vận dụng thường xuyên và rất linh hoạt và đa dạng. Những hình ảnh được dùng để so sánh rất mới lạ, nhất là với người Kinh.
a. Em như con ma hổng chân – chập chờn, nhẹ bổng
(Trường ca “Quê hương”)
b. Bóng của tháp như dòng sông ma
trườn qua đêm tối những triều đại
(“Tháp Chàm muôn mặt”)
c. Chỉ có anh đứng khóc
dũng cảm và cô độc [như] một kì quan.
(“Khởi động của khởi động”)
Đặc biệt, Inrasara kế thừa nghệ thuật so sánh kép trong văn chương Chăm, mà một thời Chế Lan Viên đã sử dụng.
d.Tháp Xah Inư sống đời độc thân
có lứa có bạn là Tháp Đôi
lũng Mĩ Sơn tháp ở đại gia đình
làm tam nhân hành thì Ba Tháp
đủ đầy cả thôi mà cứ muốn thất truyền
Như giấc mộng như lóa mắt
tháp có mặt
như chớp xé như âm vang
(“Tháp Chàm muôn mặt”).
Nghệ thuật nhân hóa làm cho các đối tượng được nói đến trong thơ Inrasara, dù không phải con người, luôn ở trạng thái hành động và suy tư.
a. Sớm hơn. Nắng đã khởi động
nắng cưỡi lên chiếc roi mây vũ sư Ka-ing
đánh thức trống baranưng còn nằm phủ bụi trên sà nhà
lay dậy tiếng gáy cặp gà trống đêm cuối cùng chờ hiến tế
(“Lễ Tẩy trần tháng Tư”)
Nhưng có lẽ hình ảnh được nhân hóa đa dạng và phong phú nhất chính là tháp Chàm:
b.Tháp Xah Inư sống đời độc thân
có lứa có bạn là Tháp Đôi
lũng Mĩ Sơn tháp ở đại gia đình
làm tam nhân hành thì Ba Tháp
đủ đầy cả thôi mà cứ muốn thất truyền.
Đôi khi tháp nhớ nàng Apsara
tháp mong thần Shiva thăm hỏi
họ phố cả rồi
tháp thì ở lại.
(“Tháp Chàm muôn mặt”)
Những hình ảnh ẩn dụ xuất hiện trong thơ với mật độ rất dày. Ẩn dụ ngay từ những nhan đề thơ: “Tháp nắng”, “Tháp Chàm muôn mặt”, “Màu cứu độ”, “Những ngày rỗng”… đến những hình tượng lặp đi lặp lại trong thơ ông: ngôi nhà, mặt đất, con đường, cánh đồng, những ngày rỗng… Trong đó, hình tượng tháp Chàm được gửi gắm toàn bộ thế giới tâm hồn, tâm linh, là những chiêm nghiệm về xưa và nay của thi nhân. Ngôi nhà là nơi che chở, nơi lưu giữ những giá trị của cuộc đời. Con đường không chỉ là lối đi giữa trần gian mà còn là lối đi được khai mở bằng ý tưởng và nối dài thêm bằng sức sáng tạo. Còn những ngày rỗng lại là lời lại là lời nhắc nhở về nguồn gốc, sự tỉnh ngộ trước cơn lốc thời gian, là tiếng lòng đồng tạo.
Nghệ thuật hoán dụ cũng được sử dụng rất tinh tế.
a. Tôi không cùng
hai mươi năm canh tác miền tha hương
trở lại quê nhà, mùa đã vãn
Đàn trâu tuổi thơ đi vắng
(“Sông Lu và tôi”)
Hình ảnh “đàn trâu tuổi thơ” thay cho những kỉ niệm đẹp của thời thanh xuân đã qua với một niềm tiếc nuối khôn nguôi của nhân vật trữ tình.
b. Là già cỗi
Khi trái tim đã khép kín
Khi linh hồn thôi tuôn trào
Khi hoài vọng hết bay cao
Khi đôi chân mãi lê trong đầm lầy kí ức
(“Đoản thi thứ nhất dành cho con”)
Những hình ảnh trái tim, linh hồn, hoài vọng, đôi chân… là những mảnh ghép của hình hài một nhân vật trữ tình luôn đầy suy tư, trăn trở.
Nghệ thuật đối lập cũng được sử dụng khá phổ biến trong sáng tác Inrasara. Thơ ông có nét phân mảng giữa hiện tại và quá khứ. Qua đó, có lúc nhân vật trữ tình ít nhiều bộc lộ nỗi niềm hoài cổ.
Mưa xối xả trên đồi tháp cổ
Mưa nay có vọng tiếng mưa xưa
(“Mưa”)
Cũng có khi là những suy tư về nhân tình thế thái.
Có niềm hân hoan lớn lao
Trong nỗi khổ đau sâu thẳm
Có cái ngu xuẩn tầm phào
Trong thứ lạc quan nông cạn.
(“Đoản thi thứ hai dành cho con”)
Đặc biệt, nghệ thuật trùng điệp (điệp từ, điệp ngữ liên tiếp) tạo nên một hệ thống hình ảnh trùng điệp cùng với những lớp cảm xúc gối lên nhau hết lớp này đến lớp khác. Những bài thơ dài như “Quê hương”, “Lễ Tẩy trần tháng Tư”, “Những ngày rỗng”, “Ngụ ngôn của đất”, “Con đường”… mang hơi thở sử thi phần nhiều là nhờ nghệ thuật sử dụng phép trùng điệp.
a. Con không thể chọn làm đứa con tổng thống Pháp hay cháu đích tôn quốc vương Brunei
con không thể chọn ra đời ở Thái Lan hay Mĩ quốc
… Vui sướng chúng ta bị lịch sử bỏ quên
vui sướng chúng ta sống sót
vui sướng chúng ta còn tay bắt, môi hôn cùng những chiều nâng cốc.
(“Ẩn Ngữ Pauh Catwai”)
b. … vũ điệu của buổi tiệc cuối cùng.
Giây cuối cùng của ngày cuối cùng
Của tháng cuối cùng của thế kỉ cuối cùng
Cái nháy mắt cuối cùng. Tiếng mấp máy môi cuối cùng
Ngoảnh lại cuối cùng. Buồn cuối cùng
Phụt tắt cuối cùng
Tro bụi cuối cùng
Gió gượng thổi ngọn gió cuối cùng.
(“Hành hương về bên kia đêm tối”)
Tóm lại, ngôn ngữ thơ Inrasara vừa đẹp, sang trọng, truyền thống lại vừa đời thường, thông tục, cũng rất giàu tính tạo hình và tính biểu cảm nhờ sử dụng phong phú đa dạng các biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ, trùng điệp…). “Tiếng Việt của anh đạt đến mức điêu luyện. Đấy là thứ tiếng Việt phong phú, giàu biểu cảm, được sử dụng uyển chuyển đến mức tài hoa” [2].
___________
[1].Hà Minh Đức (1998), Thơ và mấy vấn đề trong thơ hiện đại, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[2].Nguyễn Thị Minh Thái (1999), Lời bình “Con đường lửa thiêng”- Tuyển tập Văn học Dân tộc và Miền núi.