Jaya Bahasa: Vương quốc Champa: Địa dư, dân cư và lịch sử

Điểm luận – Bản dịch tiếng Việt do IOC ấn hành tại Hoa Kỳ, 2011

 

Champa là một quốc gia cổ đại bước vào thời kì xây dựng nhà nước độc lập tự chủ sớm ở Đông Nam Á từ thế kỉ thứ II công nguyên. Quá trình phát triển của nhà nước Champa đã để lại nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần quý giá. Tuy nhiên, lịch sử của Champa chỉ được phản ánh trong các bộ quốc sử các nước láng giềng như Trung Quốc và Việt Nam, Cambodia khi có phái đoàn triều cống sang thăm viếng, dịp ban hành sắc phong vương hay có xung đột về chính trị và quân sự. Hoặc được tìm thấy trong các ghi chép của các nhà du hành, phái đoàn truyền bá tôn giáo, lời kể của các thương nhân.

Sau thế kỉ XV, những tư liệu bằng chữ Hán và chữ Chăm-Akhar Thrah đã giúp cho nhà khoa học hiểu biết được vai trò và vị trí quan trọng của vương triều Panduranga ở khu vực miền Nam Champa trong tiến trình lịch sử. Mãi cho đến giữa thế kỉ XIX và nửa đầu thế kỉ XX, những hiểu biết về vương quốc Champa mới được soi sáng qua những đợt khai quật khảo cổ học, dịch thuật các ghi chép trên bia kí còn xót lại ở Việt Nam. Ngày nay, đi dọc khắp miền Trung Việt Nam có thể chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc, điêu khắc trên các đền tháp thuộc nền văn minh Champa. Đặc biệt, ở hai trung tâm tôn giáo-chính trị, thánh địa Mỹ Sơn và thánh địa Cát Tiên.

Kế thừa thành tựu nghiên cứu về Champa học, nhà sử học Pièrre Bernard Lafont đã tái dựng lại lịch sử vương quốc Champa mang tựa đề Le Champa: Gesographie-Population-Histoire (2007) do nhà xuất bản Les Indes Savantes phát hành ở Pháp. Nhận thức được giá trị của tác phẩm trên tổ chức IOC (International Office of Champa) có trụ sở ở Hoa Kỳ đã cho tiến hành chuyển ngữ sang tiếng Việt mang tên Vương quốc Champa: Địa dư, dân cư và lịch sử gồm có 236 trang và phát hành vào năm 2011 dưới sự bảo trợ của Hội đồng Phát triển Văn hóa-Xã hội Champa (The Council for the Social-Cultural Development of Champa). Trong bài điểm luận này, chỉ đưa ra ý kiến nhận định về giá trị nội dung và tính khoa học của tác phẩm trên các lĩnh vực địa dư, dân cư và lịch sử.

1. Địa dư

Lãnh thổ của vương quốc Champa là đề tài tranh cãi khá lâu dài với nhiều giả thuyết được đưa ra. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, các nhà khoa học tạm chấp nhận cương vực của Champa trải dọc suốt miền Trung Việt Nam ngày nay từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận dựa trên cơ sở sự có mặt của di vật thuộc nền văn minh Champa và địa bàn cư trú của người Chăm. Nhờ những khám phá mới về khảo cổ học đã góp phần bổ sung cho tư liệu sử học và những tiến bộ trong nghiên cứu khoa học lịch sử, GS.TS. Pièrre Bernard Lafont đã đưa ra nhận thức khác về địa giới của Champa. Tác giả đã chứng minh rằng “Lãnh thổ Champa chẳng những nằm trên miền Duyên hải ở phía Đông mà còn bao gồm (…) khu vực Tây Nguyên của Trường Sơn  nằm ở phía Tây, có độ dốc chạy thoai thoải cho đến sông Cửu Long (Mé Kong)” (tr.27). Có nghĩa là lãnh thổ truyền thống của vương quốc Champa bắt đầu từ dãy Hoành Sơn đến Đông Nam bộ bao gồm cả vùng biển Đông rộng lớn và vùng đất Trường Sơn Tây Nguyên.

Trong phần địa dư (địa lí), Pièrre Bernard Lafont tập trung trình bày và miêu tả đặc điểm địa lí, hệ thống sông ngòi và khí hậu có tính đặc trưng khu biệt của từng vùng địa lí. Tác giả đã phân chia địa lí Champa ra làm 2 vùng cơ bản là vùng Duyên hải của Champa và vùng Cao nguyên của Champa (tức là các tỉnh Tây Nguyên bây giờ). Ở mỗi vùng địa lí, có vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển riêng với các sản vật địa phương phong phú và đa dạng. Vì vậy, mà Champa  đã phát triển mạnh về hoạt động nông nghiệp và hàng hải, đã cung ứng cho thị trường quốc tế nhiều sản vật nông-lâm-hải sản của địa phương khai thác được.Và cũng chính đặc điểm vị trí địa lí bị ngắt quãng, cách trở  bởi những địa hình núi, đèo, thung lũng làm trở ngại cho việc phát triển dân số của Champa. Chính vì thế, mỗi khi xảy ra xung đột, chiến tranh, áp lực về dân số của Đại Việt là khó khăn lớn nhất mà Champa phải đối mặt.

2. Dân cư

Như nhận định về cương vực của Champa ở phần địa dư. Vì vậy, dân cư của vương quốc Champa không chỉ có duy nhất tộc người Chăm mà còn bao gồm các tộc người sinh sống ở Trường Sơn Tây Nguyên. Ở mỗi thời kì lịch sử, các tộc người ở trên Tây Nguyên có sự đóng góp rất quan trọng trong việc kiến thiết và bảo vệ nền độc lập của Champa trước những cuộc tấn công quân sự từ phương Bắc và quốc đảo.

Trong phần dân cư, Pièrre Bernard Lafont tập trung trình bày và phân tích về nguồn gốc của cư dân Champa, ngôn ngữ, dân số, những ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ, tổ chức xã hội, tín ngưỡng, văn hóa, tổ chức chính trị, kinh tế, nghệ thuật.

Với văn phong diễn đạt trong sáng, mạch lạc và logic, nhiều luận cứ khoa học dựa trên bia kí và văn bản viết mà tác giả lựa chọn để sử dụng đã khơi gợi nhiều vấn đề phức tạp về văn hóa-xã hội Champa từ ngày lập quốc đến nửa đầu thế kỉ XIX. Mặc dù, tác giả chưa phân tích sâu và chưa lí giải nhiều về các hiện tượng văn hóa-xã hội người Chăm đương thời. Nhưng với phương pháp trình bày theo diễn trình lịch sử cũng giúp giải mã được những bí ẩn trong văn hóa Chăm thời kì chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ và hậu Hindu giáo. Tác giả, cũng đã làm sáng tỏ những lớp chồng chất của văn hóa bản địa và vị trí của nó trong cơ cấu tổ chức triều đình và dân gian.

 3. Lịch sử

Việc phân kỳ lịch sử Champa là điều mà những nhà khoa học lịch sử đang quan tâm nhiều. Theo học thuyết về hình thái kinh tế-xã hội, thì thật khó mà xếp Champa thuộc giai đoạn nào. Phải chăng trình độ phát triển của Champa là nét tiêu biểu của phương thức sản xuất châu Á điển hình ở phương Đông !

Trong phần lịch sử, Pièrre Bernard Lafont đã tiến hành chia lịch sử Champa ra làm 3 thời kỳ chính: Thời kì Ấn Độ hóa (được tính từ khi lập quốc đến năm 1471), thời kì bản địa (1471-1832) thời kỳ sau ngày sụp đổ (1832-thế kỉ XX). Như vậy, cách phân kỳ lịch sử này hoàn toàn không dựa trên hình thái kinh tế-xã hội mà căn cứ vào đặc điểm phát triển của lịch sử và văn hóa của Champa. Tác giả, đã chọn mốc thời gian có tính chất tác động quyết định đến tiến trình lịch sử để phân kỳ. Dựa vào đó, tác giả cố gắng làm sáng tỏ quá trình phát triển của lịch sử vương quốc Champa qua từng giai đoạn. Đặc biệt, làm nổi bật lên đặc trưng của các phong trào yêu nước đấu tranh của nhân dân Champa để bảo vệ nền độc lập tự chủ và  quyền cai quản lãnh thổ truyền thống.

Kết luận

Tác phẩm “Vương quốc Champa: địa dư, dân cư và lịch sử” là công trình thứ 3 trên thế giới viết về lịch sử Champa được xuất bản chính thức bằng tiếng Việt mang tính khoa học về nội dung và hình thức trình bày. Trong công trình khảo cứu lịch sử, văn hóa vương quốc Champa này, GS.TS. Pièrre Bernard Lafont đã đưa ra những nhận thức mới về các vấn đề văn hóa-xã hội Champa. Giá trị lớn nhất của tác phẩm là tác giả đã trình bày các vấn đề lịch sử một cách khách quan và khoa học dựa trên cơ sở lí luận chặt chẽ với dẫn chứng thuyết phục mà không cần bình luận, diễn giải lịch sử theo tình cảm, thiên kiến cá nhân. Tìm về lịch sử của một dân tộc là đang tắm gội suối nguồn các giá trị tinh hoa văn hóa của nó. Như vậy, thông qua công trình của mình Pièrre Bernard Lafont đã phản biện nhiều giả thuyết và những nhận thức chưa chuẩn xác về lịch sử Champa. Qua đó, cung cấp thêm tư liệu và nhận định mới khoa học hơn về các vấn đề lịch sử, văn hóa và tổ chức xã hội của Champa./.

One thought on “Jaya Bahasa: Vương quốc Champa: Địa dư, dân cư và lịch sử

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *