Ghi chép tháng 11-2011: Hội VHNT DTTS Tổng kết, Về quê…

29-11-2011, thêm chuyến bay ra Hà Nội.

Họp Ban Chấp hành Hội VHNT các DTTSVN. Tổng kết năm và phát giải thưởng, 1-12.2011. Thâm niên 15 năm Hội viên, đây là lần đầu tiên tôi dự Lễ Phát thưởng hằng năm của Hội. Trăm người về dự, nhất là anh chị em Hội viên các Hội ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Có dịp gặp mặt hàn huyên, cũng vui. Ăn ở tại Nhà khách Dân tộc.

* Nguyễn Phạm Hùng, Inrasara, Huệ Chi và Vũ Thanh tại nhà Nguyễn Phạm Hùng.

Tối 30-11, Trần Ngọc Vương chạy xe máy qua đèo sang nhà anh cơm tối. Anh tặng cuốn Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ, NXB Tri thức mới in năm 2011. Cuốn sách dày dặn, nhiều tri thức bổ ích.

Chiều 1-12, Nguyễn Phạm Hùng mời qua nhà anh ở khu vực Mĩ Đình. Tiến sĩ Nguyễn Phạm Hùng từng viết “Văn học Champa ở đâu?” đăng trên Tagalau 8, gây nên sự kiện cộm. Anh có lối nhìn khác về văn học sử Việt Nam: tính toàn vẹn của nền văn học Việt Nam đa sắc tộc. Lát sau, giáo sư Huệ Chi – nhà sáng lập và điều hành website Bauxit – tới chơi. Vũ Thanh nữa. Vợ anh Hùng đãi mọi người món gà chọi, lạ và hấp dẫn.

Giáo sư Huệ Chi gây ấn tượng mạnh với tôi về tham luận ở Hội thảo Lí luận – Phê bình Văn học tại Đồ Sơn năm 2006. Biết nhau và đọc nhau đã lâu, mãi hôm nay anh em mới được gặp mặt. Hiện tại ở Việt Nam, tìm được con người trí thức nhiệt tình với đất nước như ông là điều hiếm. Hiếm, bởi đó là thứ nhiệt tình vô vị lợi. Và hết mình. Không ít người cho là ngây thơ. Thì họ ở cõi miền thực dụng mà nhìn ông.

– Nghe nói Sara tính bỏ hẳn nghiên cứu văn hóa dân tộc, sao lại vậy nhỉ? – Ông hỏi.

– Dạ, chỉ về quê thôi,… Tôi nói chống chế. Không ngờ “Ghi chép” của tôi trên mạng cá nhân lại đến được tai ông.

– Tưởng Sara bỏ thật. Chăm có được trăm người như Sara thì hay biết bao… – Ông nói.

– Ồ, cả nước Việt Nam còn chưa có trăm người, huống chi Chăm bé tí… – Anh Hùng cười, đùa.

 

Vũ Xuân Tửu phone cho biết bài viết của anh “Kí ức vụn” về Hàng mã kí ức đã được cho lên Trannhuong.com, 1-12-2011. Nhà văn này cho đó là cuốn tiểu thuyết hấp dẫn. Cũng tùy cách nhìn, bạn văn hiểu nhau thế thì hay.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hẹn cơm trưa cùng với Tuyết Nga và Đặng Huy Giang, nói về báo Nghệ thuật mới sắp ra. Ý tưởng hay, Thiều lại là người nhiệt tình với văn chương, còn công việc có thành hay không còn tùy… trời. Sắp về, Văn Giá rủ lên Lào Cai nói chuyện về văn học cho anh chị em Hội VHNT Tỉnh. Kẹt quá, xin kiếu.

Lại thêm hai cuộc phỏng vấn. Lần trước ra Hà Nội, Mặc Lâm Đài RFA phone hẹn phỏng vấn về hậu hiện đại, nhân sự kiện Cà phê thứ Bảy vừa qua. Tôi khất: “Về Sài Gòn đã nhé, mình đi xa ít khi dùng đến internet, bạn à”. Bài “Thực tiễn sáng tác hậu hiện đại ở Việt Nam” được phát tối thứ Bảy, ngày 3-12-2011 sau đó. Sắp rời Hà Nội, Hoàng Thi bên báo Thời nay rủ cà phê làm cuộc phỏng vấn ngắn về Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani tại quê. Nhà Trưng bày này coi mòi hấp dẫn báo chí – làm giữa cộng đồng và cho cộng đồng mà! Xong, 11 giờ trưa, thay vì qua Hội đồng Thơ đang họp phiên cuối bỏ phiếu cho Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2011, tôi chỉ gửi thư cho anh chị em, nhờ thi sĩ trẻ này đèo qua nhà hàng, nơi Chủ tịch Hội Nhà văn hẹn.

*Tại Trường cao đẳng PTTH khu vực II, 9-12-2011.

Biết Hữu Thỉnh từ Trại Sáng tác Đải Lải Hè 1996, sau đó hai năm – vào Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng tôi chưa một lần cà phê hay chung bàn đối ẩm với anh. Tính tôi vốn thế, ít thân mật với quan lớn. Một lần – năm 2007 có lẽ, anh hẹn tôi ghé văn phòng anh ở Hội Nhà văn “chỉ nói chuyện về thơ, riêng tôi với Sara thôi nhé”; nhưng chỉ qua 15 phút, đã có mươi cuộc điện thoại gọi đến, khách khứa ra vào thì năm lần sáu lượt, sao mà thư thả đầu óc cho thơ ca cơ chứ.

– Thôi hẹn anh khi khác vậy, tôi nói, bắt tay anh, về.

Lần nữa, anh mời tôi ghé nhà ông dùng cơm tối.

– 8 giờ, mình đợi Sara ở nhà. – Anh nói.

– Nhưng 9 giờ thì Sara ngủ rồi,…

Đây đích thị cuộc gặp song đối. Anh giải thích về việc tiểu luận của tôi ít được đăng ở tạp chí thuộc Hội, – “đó chỉ là hiểu lầm”, anh nói. Ạnh nhận sai sót về vụ Văn phòng Hội không mời tôi dự Hội thảo thơ Miền Trung ở Thanh Hóa vừa qua. Anh đính chính mấy ngộ nhận về Sara và hậu hiện đại:

– Mùa Hè năm sau, Hội Nhà văn sẽ mở Hội thảo về hậu hiện đại. Tại Tam Đảo hay Sapa. Sara sẽ là người thuyết trình chính. – Anh nói.

– Dành cho mọi người khoảng thời gian như nhau thôi, anh à…

– Không, Inrasara phải là người thuyết trình chính tại hội thảo đó…

– Dạ, cũng được. Không vấn đề gì cả… Sao phải ngại hậu hiện đại kia chứ!

 

Festival Thơ thế giới tại Ấn Độ diễn ra từ 6 đến ngày 8-1-2012. Tôi nhận lời với Sharma từ hai tháng trước, đã gửi cho ông 4 bài thơ tiếng Anh với thông tin cần thiết. Nhưng rồi nghe bất tiện quá – đành thôi, thư xin lỗi ông. Ra Hà Nội, hôm gặp Hữu Thỉnh, anh nói:

– Sara sẽ làm trưởng đoàn dẫn ba nhà thơ khác cùng đi. Festival vào tháng Hai – anh thêm.

Tôi hơi bất ngờ: – Dạ, thưa anh. – Tôi nói.

Về đến Sài Gòn, nghĩ lại, tôi lần nữa thư cho ông Sharma xin lỗi. Và phone nhờ anh Hữu Thỉnh điền nhà thơ khác.

– Mấy dịp tốt vậy mà anh cứ bỏ qua, thời cơ làm sao trở lại… Bà Hani rầy tôi. Vợ mà!

Thật lòng, tôi không hào hứng lắm. Vả lại, chưa chuẩn bị gì cả. Tập thơ The Purification Festival in April in hồi đi nhận Giải thưởng ASEAN đã hết nhẵn từ lâu, chưa định tái bản. Tác phẩm về văn hóa Chăm bằng tiếng Anh đã sẵn, cũng chưa in. Lẽ nào đi chân không lại về tay không?

 

Tối 9-12-2011, chạy xe qua Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình khu vực II giao lưu với non trăm sinh viên. Hơn hai mươi máy ảnh bấm lia lịa. Chả thua kém siêu sao ca nhạc phân tấc! Bao nhiêu câu hỏi đặt ra với nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, nhà phê bình văn học Việt Nam Inrasara. Về đời tư, về cách làm việc và làm ăn, về thơ, phê bình văn học Việt Nam và nghiên cứu văn hóa Chăm… Mênh mông câu hỏi dồn dập. Cuộc nói chuyện thoải mái, đầm ấm và sôi động. Thêm tiết mục độc vũ Chăm của Kiều Vân nữa, xôm hết biết.

Khác hẳn không khí Kỉ niệm 30 Thành lập Hội Nhà văn TPHCM, sáng ngày 15-12-2011. Tẻ ơi là tẻ!

 

Thu Hà mời cả nhà qua Mũi Né tham quan Khu Resort của chị ở Hòn Rơm bàn về dự án Không gian văn hóa Chăm tại đây. Bạn thơ Văn Cát Tiên rủ rê tôi về miền Trung thư giãn một chuyến. Sao không kết hợp nhỉ?

Ừa. mai đã về rồi…

Sài Gòn, 16-12-2011

 

3 thoughts on “Ghi chép tháng 11-2011: Hội VHNT DTTS Tổng kết, Về quê…

  1. Em có học ở thầy Hùng và thầy Vương. Rất trí thức và uyên bác, có tư chất đúng nghĩa trí thức. 2 tp mới xuất bản của hai thầy rất xuất sắc. Cảm ơn nhà thơ Inrasara.
    Em cũng có gặp giáo sư Huệ Chi. Nhà thơ viết:
    “Hiện tại ở Việt Nam, tìm được con người trí thức nhiệt tình với đất nước như ông là điều hiếm. Hiếm, bởi đó là thứ nhiệt tình vô vị lợi. Và hết mình. Không ít người cho là ngây thơ. Thì họ ở cõi miền thực dụng mà nhìn ông”.

    Đúng là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.

  2. Nhà thơ Inrasara giao lưu thì hấp dẫn muôn năm, khỏi cần nói. Nhà thơ lại ăn ảnh nữa chớ!
    Nhưng tui đồng ý với bà xã anh ấy là: sao lại từ chối đi Ấn độ nhỉ?
    Chúc nhà thơ tỉnh ngộ.

  3. Hôm giao lưu xong thì em về, nghe mấy bạn nói nhà thơ có ở lại tặng chữ ký, tiếc quá. Hôm nào nhà thơ ký tặng em nhé. Em có mua tác phẩm tiểu thuyết của nhà thơ. Em có số cellphone của nhà thơ rồi.
    Chúc nhà thơ Noel vui vẻ trẻ trung.
    M

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *