Ghi chép tháng 11-2011: Về quê & Hội thảo Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam

* Sau bài viết này, tôi ra Bắc, Inrasara.com tạm nghỉ một tuần. Kính báo!

 

Trưa 5-11-2011, xong Cà phê thứ Bảy, lên xe ôm ra bến về quê…

Qua Thuận Nam, mưa mù trời đất. Chưa trăm cây số mà đến ba cuộc đụng xe. Đường sá với thói quen đi xe ở Việt Nam, ngán hết cỡ!

 

* Ảnh Huyền Minh.

1. Vấn đề Muk Rija họ Gađak lại rộ lên mấy nỗi phiền toái mới. Mươi năm trước, em Chàm – nghe chồng – nhất mực không nhận lên “bà Rija”, Họ Anak bị đẩy vào thế kẹt, phải tôn em Những. Thế là năm này sang năm khác, chồng em Chàm bị muk kei hành lên hành xuống bệnh ê hề do có mấy phát biểu “mất lòng” muk kei, gia đình em cũng chịu mấy bề cơ khổ. Ở phía kia, em Những hai trận thập tử nhất sinh, phải lên xe cấp cứu hụ còi vào tận Sài Gòn chạy chữa. Rồi bao vụ khác nữa. Cuối cùng mấy chú thím kéo nhau qua làng Tabơng xem Thầy. Thầy phán phải thay Muk Rija ngay, bởi bà Nội di chúc miệng chọn “con Chàm”, không thể khác.

Nghĩa là lần nữa, ciet prauk chuyển từ nhà Mẹ sang nhà dì Bề. Khổ thế!

Thế hệ trẻ định làm căng. Bởi chính hai “Thầy cao đạo” với chủ Họ đã nằn nì mẹ, mẹ nhỏ nhẹ em Những, em mới chịu. Nay quyết thay đổi, rồi nhỡ mai có người trong Họ đổ bệnh lại đi xem bói, Thầy phán khác thì tính sao đây? Hoặc nếu em Chàm có mệnh hệ, hỏi ciet prauk có phải qua tay em Những lượt nữa không? Em Những dễ tính, thầy Tránh chồng em gái cũng thế. Nhưng hỏi dễ hoài hoài thì có dễ nổi không?

– Chuyện trong Họ không nên dùng lí với nhau, anh em à, – tôi nói. Vấn đề là em Chàm và em Những có chịu halar “trao đổi” không? Nữa, khi các chú các thím đã tin, thì mình cần giải quyết trên tinh thần nỗi “tin” ấy, mà không thể khác. Phong tục tập quán không thể ngày một ngày hai mà thay đổi cái rụp…

Anh em đã tạm tin “nghe” tôi. Nhưng khi Họ họp toàn thể, chuyện sẽ tiến triển ra sao chưa biết được.

Vụ Muk Rija Họ Likuk cũng đang gây cấn, Đồng ý tôn cháu Diễn lên, chuyển ciet prauk từ nhà dì Mến qua cho Diễn. Tôi vào Sài Gòn trước, Hani ở lại cùng dự lễ. Dẫu sao, qua 3 đêm Dayơp, cũng êm thấm.

* Ảnh Huyền Minh.

2. 6-11-2011: Đại diện nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn ghé Caklaing thăm Tủ sách INRA tại Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani. Thường thì thiên hạ khuynh hướng lập nhà trưng bày hay tủ sách ở các trung tâm văn hóa lớn hoặc các khu du lịch, riêng Inrasara chơi trò cá biệt: Dựng lên giữa cộng đồng và phục vụ miễn phí cho cộng đồng. Cần có chính sách tôn vinh nó, bằng cách tặng giải thưởng hay hỗ trợ gì đó. Nên, các anh bỏ công vượt hơn ba trăm cây số đến tham quan.

Năm ngoái, bên Tỉnh cũng đã có ý như thế, nhưng công cuộc vẫn chưa tới đâu, dù đề cương đã nộp lên hơn năm trước. Tôi nghĩ bên Văn hóa Sài Gòn sẽ làm được, bởi họ đã từng. Sau chuyện bao đồng với chụp ảnh, các anh cho xe xuống thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.

Tôi đèo Hani qua nhà chị Mận ở Padra cơm chiều và ngủ lại nhà chị. Chị có quá nhiều tâm sự đau buồn về vấn đề Chăm, vấn đề tín đồ đạo Tin Lành trong cộng đồng Chăm, và bao nỗi khác nữa. Tôi im lặng lắng nghe, ghi nhận và cảm thông. Chị đã từng cô đơn, nay càng cô đơn biết bao! Tối hôm sau, tôi ghé bác sĩ Truyền lai rai với chú Dương Tấn Thi từ Pháp sang. Chú thích tôi và hay nhắc đến tôi, Truyền nói. Trưa ghé Phan Rang ăn mừng Phú lập công ty mới.

Vào vội Sài Gòn giải quyết bao công việc vặt của văn chương chữ nghĩa và sự đời.

 

3. Sáng 16-11-2011 bay ra Hà Nội, lên Vĩnh Yên, ngủ lại đó. 17-11 từ Vĩnh Yên về Hà Nội đi xe Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam lên Lạng Sơn. Hội thảo kỉ niệm 20 năm thành lập Hội: Văn học Dân tộc Thiểu số Việt Nam với sự nghiệp đổi mới và phát triển.

Ngồi Chủ tịch Đoàn có: Nhạc sĩ Chủ tịch Hội Nông Quốc Bình, nhà văn Cao Duy Sơn, Inrasara và nhà văn Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNTVN Đỗ Kim Cuông.

Ở đây, tôi không “đọc” tham luận, mà chỉ phát biểu đúng 10 phút:

Nếu hậu hiện đại chỉ có giới trí thức, thậm chí trí thức bậc cao tiếp nhận được, thì toàn cầu hóa ảnh hưởng đến tận sinh phận nhỏ bé nhất cư trú vùng miền xó xỉnh nhất của thế giới.

 Thế giới mở, các nền văn hóa đang cố gắng biểu dương bản sắc của mình. Nói cách cụ thể hơn, họ đến Việt Nam để KHOE những cái độc đáo của dân tộc mình. Viện Goethe của Đức, Trung tâm Văn hóa Pháp, Hội đồng Anh, rồi cả Nhật Bản và Hàn Quốc… đều tìm cách và có cách khoe mình. Vậy chúng ta có cái gì để khoe?

Nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam làm gì và có cái gì để khoe với Việt Nam và thế giới?

Riêng lĩnh vực văn học, hôm nay tôi muốn khoe thành tích của Chăm đến với quý vị. Không kể tác phẩm đơn lẻ của các tác giả, người Chăm có 3 điều đáng khoe:

 1. Bộ Văn học Chăm khái luận. Thời thực dân Pháp, người Pháp chỉ làm được cho Chăm về kiến trúc và điêu khắc, phần nào đó – ngôn ngữ. Ngoài hai thứ đó ra, không gì khác. Riêng văn chương, hoàn toàn trắng, trắng đến nỗi một nhà xã hội học thời danh đã kêu rằng văn chương Chăm không có gì đáng nói cả. Bộ Văn học Chăm ra đời đã khẳng định vị thế của văn chương Chăm giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 2. Đặc san Tagalau hành trình qua 12 kì, qua đó giới thiệu 200 khuôn mặt mới đến với công chúng cả nước. Qua gợi hứng và kích thích từ đặc san này, nhiều tác giả trẻ Chăm mạnh dạn xuất hiện. Và khi đã nhập cuộc, họ hết mình trong tâm thế mở. Nói như tổng thống hàn Quốc, thế hệ trẻ Chăm không sợ mất bản sắc, mà chỉ sợ đánh mất cơ hội thưởng ngoạn cái gì tốt đẹp nhất đến từ bên ngoài.

 3. Mở – nhập cuộc, nhưng nếu chúng ta không trở về, chúng ta dễ đánh mất chính mình lúc nào không hay.  Các lớp dạy chữ Chăm rải rác được mở đây đó giữa cộng đồng do các trí thức nông thôn. Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani – trong đó có Tủ sách cho cộng đồng – cũng có mặt đầy khiêm tốn giúp thế hệ trẻ Chăm phần nào đó biết tổ tiên đã làm được gì, và đã có gì.

 Tôi hi vọng nhà văn thuộc cộng đồng tộc người trên đất nước Việt Nam sẽ có các công trình riêng của dân tộc mình, để cạnh tranh sòng phẳng và lành mạnh với các dân tộc anh em khác. Và khi khoảng mươi dân tộc thiểu số đã làm được, tạp chí Văn hóa Dân tộc có cơ may cạnh tranh sòng phẳng với tạp chí Nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Cùng cách thế, tạp chí Nhà văn khả năng cạnh tranh với thế giới, phô bày và khoe những gì đẹp nhất của văn chương Việt Nam đến với cộng đồng nhân loại.

Chỉ như thế, chúng ta mới tồn tại như là tồn tại. Sẵn sàng mở cửa để hội nhập thế giới mà không sợ tự đánh mất mình.

*

Nhiều vị đến bắt tay: thế mới ra tham luận, đúng chất Inrasara!

Đang tiệc chiều dở chừng do UBNG thành phố chiêu đãi, nhà văn dân tộc Tày Nguyễn Minh Sơn ghé bàn tôi rằng có phu nhân vị Tướng và 3 cô giáo dạy văn Cao đẳng hâm mộ Sara mời Sara cơm chiều và… đọc thơ. Tôi quay sang hỏi ý kiến anh chị em, và họ đồng thanh: – Sara đi là cái chắc rồi!

Thế là… đi. Vừa lai rai vừa vui vẻ đọc thơ hầu quý thầy cô nhân ngày 20-11.

Sáng 19-11, xuống Hà Nội. Xe chết máy dọc đường, muộn mất 4 tiếng đồng hồ.

Vài ứng viên thơ của Hội Nhà văn tìm cách tiếp cận. Hơi bị phiền.

Hẹn Shine cà phê nói chuyện về lịch sử Champa và Chăm, vỡ được nhiều điều. Gặp anh Phát (giảng viên cũ của Lưu Văn Đảo) và Thế Anh đang chuẩn bị làm Thạc sĩ về văn chương Chăm. Trương Đăng Dung đèo qua cà phê chuyện bao đồng về thơ với nỗi trí thức Việt hiện tại – thú vị. Cơm trưa với Nhã Thuyên, Đoan Trang, Nguyễn Quang Hưng… rồi lên máy bay về lại Sài Gòn – xế chiều ngày 22-11-2011.

 

Sài Gòn, 23-11-2011

 

3 thoughts on “Ghi chép tháng 11-2011: Về quê & Hội thảo Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam

  1. Inrasara viết:
    Thế giới mở, các nền văn hóa đang cố gắng biểu dương bản sắc của mình. Nói cách cụ thể hơn, họ đến Việt Nam để KHOE những cái độc đáo của dân tộc mình. Viện Goethe của Đức, Trung tâm Văn hóa Pháp, Hội đồng Anh, rồi cả Nhật Bản và Hàn Quốc… đều tìm cách và có cách khoe mình. Vậy chúng ta có cái gì để khoe?
    Nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam làm gì và có cái gì để khoe với Việt Nam và thế giới?

    Rất cụ thể và quyết liệt!

  2. Cháu vừa đọc bản chú sửa. Sửa như thế này thì đọc coi bộ thuận hơn. Không thì người ta nói chú cứ hay ca ngợi dân tộc mình, rồi khoe mình.
    Chú Sara dùng chữ KHOE hay lắm.
    Kính chú.

  3. KanKun likuw salam wa Inra,
    Biak xanac jac akhar “KHOE”. Wa Inra sử dụng từ Khoe rất tài, khong có gì là “khoe” cả, mà nhiệm vụ phải “khoe” cho được. TUYỆT CHIÊU.

    Ayut klak,

    KK

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *