Phong trào Thơ Mới và phong trào thơ hậu hiện đại ở Việt Nam

CÀ PHÊ THỨ BẢY

 9 giờ, 5-11-2011, tại 37 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 – TP Hồ Chí Minh

 

CÀ PHÊ VĂN HỌC đặc biệt với chủ đề:

Phong trào Thơ mới 1936-1939 và phong trào Thơ Hậu Hiện Đại ở Việt Nam

tại Salon Văn hóa của Quán.

Diễn giả: Nhà thơ Inrasara, Nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu, nhà thơ Lý Đợi.

Chủ trì: TS Văn học Nguyễn Thị Từ Huy.

* Thường thì đi nói chuyện hay hội thảo, tôi luôn có tham luận. Nhưng khi đăng đàn, tôi phát biểu khác đi, hoàn toàn ngẫu hứng – tùy tình hình: lượng người nghe, thành phần, thời gian…

Thực tế – phần Inrasara thuyết trình (10 phút)

 1. Lướt qua các cuộc cách mạng thơ Việt

Một cuộc cách mạng văn chương cần hội đủ bốn yếu tố. Trước hết, họ là người viết cùng thời, cùng quan điểm sáng tạo có khả năng dựng nên một trường thơ (như Trường Thơ Loạn đất Bình Định thời Tiền chiến); thứ hai: chính họ phải lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của nhóm, của phong trào mình; thứ ba là nhóm thơ ấy có được diễn đàn độc lập; cuối cùng: cần có một lớp độc giả được chuẩn bị tinh thần và tri thức để sẵn sàng đón nhận tác phẩm của họ.

Xét cả bốn yếu tố, nền thi ca ViệtNamhôm nay đang thiếu, thiếu lớn!

Giai đoạn qua, thơ Việt luôn nhận được cơ hội đáng kể.

Trước tiên là Thơ Mới. Đó là thế hệ thơ sở hữu lứa tài năng đặc biệt. Họ cùng sáng tác theo một hệ mĩ học:  Lãng mạn và  Hiện thực, Tượng trưng. Các sáng tác này được đăng tải thoải mái trên các báo chí  thời chế độ thực dân Pháp mà không bị ngăn trở bởi phép tắc ngẫu hứng qua cầu nào! Có nhóm còn lập được cả diễn đàn của mình nữa: Ngày nay của Tự lực Văn đoàn chẳng hạn. Và, yếu tố cần thiết cuối cùng tạo nên thành công lớn của Thơ Mới là: độc giả. Người đọc tương lai của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu,… đã được làm quen với các tên tuổi như Lamartine, Musset, Vigny, Rimbaud, Charles Baudelaire, Hugo,… ngay từ thuở ngồi ghế trung học.  Cho nên Thơ Mới, dù bị các cụ đồ Nho phản đối kịch liệt lúc mới xuất hiện, nó vẫn làm nên cuộc cách mạng lớn trong thơ Việt.

Thứ hai là thơ Cách mạng giai đoạn chiến tranh và sau đó là hậu duệ của nó với những thành tựu oanh liệt trong trào lưu sáng tác mang tính sử thi (1975-1985,…) thể hiện qua các trường ca đặc sắc. Điều kiện cần và đủ của cuộc cách mạng thơ này thì miễn bàn rồi. Có khác chăng là các nhà thơ Cách mạng đã tạo lập nên một hệ thống lí thuyết riêng, và tất cả đều sáng tác dưới ngọn cờ đó, khá nhất quán.

Tiếp theo là nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn. Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Quách Thoại, Duy Thanh,… tài năng có thừa, biết lập ngôn; tạp chí Sáng tạo là diễn đàn độc lập; và, họ có độc giả tiềm tàng nhất định. Dẫu chỉ tồn tại thời gian khá ngắn, nhưng chính nhóm Sáng Tạo bẻ gẫy hệ thống thi pháp từng thống ngự thơ Việt trước đó, nhất là thi pháp Thơ Mới. Cuộc cách mạng đó đã mở ra khả tính mênh mông cho phát triển thơ Việt.

2. Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần

Thử đặt nhóm Sáng Tạo bên cạnh nhóm Nhân văn – Giai phẩm để làm một đối sánh nhỏ. Xuất hiện trong cùng thời đoạn lịch sử, cũng mang ở tự thân khả tính cách mạng nhưng Nhân văn – Giai phẩm đã thất bại, bởi hoàn cảnh lịch sử đặc thù. Mãi gần ba mươi năm sau khi đất nước mở cửa, các sáng tác của các nhà thơ thuộc nhóm thơ này cấp tập ra đời, dẫu rất độc đáo nhưng lại bị chìm khuất bởi luồng khí của thế hệ đổi mới, trẻ hơn rất nhiều. Thời điểm này, các thi tài xưa ấy cũng đã ở bên kia sườn dốc của tuổi sáng tạo. Như vậy, cuộc cách mạng thơ Việt đã bỏ qua cả thế hệ thơ trong số phận kì lạ của mình!

Cho đến đầu thế kỉ XXI, tân hình thức Việt ra đời ở Hoa Kì, truyền bá sang ViệtNamvà được các thi sĩ không chính lưu ở Sài Gòn nhiệt liệt hưởng ứng, nhưng nó vẫn không tạo được thay đổi đáng kể nào, bởi vài lí do khác nữa.

3. Hậu hiện đại không thể làm nên cuộc cách mạng?

Tình trạng thơ hôm nay, tạm chia ra ba bộ phận khác nhau (hãy loại bỏ tâm phân biệt trong thao tác phân loại này):

Người làm vần phục vụ đại chúng, gồm các nhà thơ phường xã, câu lạc bộ thơ hưu trí, thơ báo tường… Bộ phận này ưa chuộng thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ nhớ và dễ lưu truyền.

Nhà thơ tiếp hiện có vẻ “hiện đại” hơn. Họ biết “tiếp hiện” (tiếp nhận và thể hiện, chữ dùng của Nhất Hạnh) các thành tựu gần, sáng tác vừa với tầm mong đợi horizon of expectations của đại đa số độc giả “cao cấp” đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương thành tựu hôm qua của thế hệ trước đó hoặc của chính mình.

Nhà thơ sáng tạo là kẻ luôn trên đường phiêu lưu khai phá, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả từng yêu mến họ, kiếm tìm bộ phận độc giả mới, khác. Bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mĩ học sáng tạo. Sáng tác hậu hiện đại Việt Nam thuộc dòng này.

Nhưng nó có thể làm nên cuộc cách mạng?

 Nó vẫn không! Bởi hậu hiện đại chỉ mới nhận được 3 yếu tố cho cuộc cách mạng thơ.

Hậu hiện đại tập hợp được cả lực lượng sáng tác tài năng thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau; thứ hai, họ biết lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của nhóm, của phong trào mình (như tạp chí Thơ ở Mỹ đã làm, như nhóm Mở Miệng); diễn đàn độc lập họ có: tạp chí Thơ, các website văn chương,…; cuối cùng, họ có độc giả.

Thế nhưng hai yếu tố cuối, họ chỉ có được mỗi thứ một nửa! Diễn đàn, các phương tiện thông tin chính thống dị ứng với văn chương hậu hiện đại đủ loại, nhất là hậu hiện đại Việt Nam. Còn độc giả tương lai của họ không được chuẩn bị tri thức tối thiểu từ nhà trường (khác với thời Thơ Mới), bởi hậu hiện đại không được phổ biến trong trường học. Riêng độc giả cao cấp (nhà phê bình) hoặc làm ngơ hoặc chống đối hậu hiện đại ra mặt.

Thì làm sao hậu hiện đại có thể làm nên cuộc cách mạng văn học tại Việt Nam?

 

Biết thêm:

Hoài Thanh – Hoài Chân và Thi nhân Việt Nam 1932-1941

Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942

– 4.000 người có thơ đăng báo – 45 người được tuyển trong TNVN.

– Đọc 10.000 bài – 167 bài được tuyển.

– Xuân Diệu nhiều nhất: 15 bài – ít nhất: 1 bài.

– Có vài cây bút còn rất mờ nhạt được chọn: Nguyễn Đình Thư (5 bài), Thu Hồng (3 bài), Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền… Còn Bích Khê chỉ được chọn 2 bài.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *