Bá Minh Truyền: Tổng luận về nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội và giáo dục người Chăm ở Việt Nam

Bút danh khác: Jaya Bahasa, hiện sống ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.

Đã đăng Tagalau 12

Tóm tắt

 

Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, lịch sử vương quốc Champa đã thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, công bố thành sách, tạp chí. Sau năm 1975, xuất hiện các tác giả Việt Nam, không dừng lại ở việc tìm tòi, bổ sung thêm tư liệu mà còn khám phá ra cái mới như lắp vào khoảng thiếu sót của các nhà nghiên cứu tiên phong chưa làm được. Những công trình về sau đã đi vào từng mảng, lĩnh vực thuộc đời sống, văn hóa, xã hội, lễ hội đến sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt, số lượng tác giả là người Chăm cũng gia tăng ngày càng đông đảo trong đội ngũ các nhà khoa học, để trình bày về các vấn đề liên quan đến tộc người Chăm trên cơ sở khai thác văn bản viết Akhar thrah đang lưu trữ ở trong gia đình và làng quê Chăm.

 

1. Nghiên cứu của các tác giả nước ngoài

Trước hết, là những ghi chép về Champa trong lịch sử Trung Quốc được tìm thấy trong bộ sử Hán thư, Lương sử, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử… Các nhà nghiên cứu đều dựa vào những nguồn sử liệu này để dựng lại lịch sử Lâm Ấp-Hoàn Vương-Chiêm Thành. Những tư liệu của Trung Quốc viết về phong tục tập quán của người Chăm xưa không có tính hệ thống, rời rạc và sơ sài, nhiều khi thiếu chính xác. Ma Touan Lin (Mã Đoàn Lâm), một sử gia Trung Quốc thế kỉ XIII có ghi: “Dân cư xây tường nhà bằng gạch, bao bọc bằng một lớp vôi. Nhà cửa đều có sân gọi là Kalan. Cửa ra vào thường hướng về phía Bắc, đôi khi hướng về phía Đông-Tây, không có quy luật nhất định nào cả”  (Phan Quốc Anh, 2006, tr.17). Nhưng thực tế, người Chăm không làm nhà hay đền tháp quay về hướng Bắc hay hướng Tây. Vì hướng Bắc là hướng của ma quỷ, hướng Tây là hướng “chết”. Với cách nhìn bằng con mắt “Thiên triều” của một nước lớn của các triều đại Trung Hoa, lấy mình làm “Trung tâm”, nhìn bốn phía đều là chư hầu “mọi rợ”: Đông di, Tây nhung, Nam man, Bắc địch. Những sử gia Trung Hoa ghi lại những tư liệu không chính xác đối với những nước phải hàng năm tiến cống Thiên triều là chuyện bình thường. Tuy nhiên, những ghi chép  đó giúp cho nhà nghiên cứu có được sự hiểu biết căn bản về Champa. Khẳng định được có một vương quốc Champa xuất hiện sớm nhất ở khu vực Đông Nam Á vào cuối thế kỉ thứ II.

Kế đến là những nghiên cứu, khảo sát thực địa của người Pháp. Tư liệu cổ nhất của người Châu Âu viết về người Chăm có lẽ là của một người gốc Italia tên là Marco Polo. Ông làm quan dưới triều đại Mông-Nguyên của Hốt Tất Liệt. Năm 1298, sau một lần được cử đi làm sứ giả ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Champa, ông đã ghi chép khá tỉ mỉ về người Chăm và đời sống của họ trong cuốn Lelivre de Marco Polo (cuốn sách của Marco Polo) (Phan Quốc Anh, 2006, tr.18). Vào thế kỉ XIV,  một số linh mục đi truyền giáo đã đến Champa. Linh mục Odoric de Pordennone có ghi chép về phong tục, tập quán của người Chăm trong cuốn sách Những cuộc viễn du sang châu Á xuất bản tại Paris.

Từ thế kỉ XIX đến thế kỉ XX, hàng loạt các công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm của người Pháp được công bố như công trình của J. Crawford, A. Bastian, E. Aymonier, H. Parmentier, E.M. Durand, L. Finot, A. Cabaton, G.L. Maspéro, v.v… (Phan Quốc Anh, 2006, tr. 19).

Những công trình của người Pháp tập trung nhiều vào lĩnh vực ngôn ngữ, văn bia, khảo cổ học, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đền tháp, lịch sử, bang giao, đến tín ngưỡng, tôn giáo. Nhìn chung, chủ yếu là văn hóa vật chất chưa chú ý đúng mức đến đời sống xã hội người Chăm trong lịch sử. Nhưng đó là những công trình kinh điển, chuẩn mực chúng ta mang tính khoa học cao giúp hiểu biết về người Chăm. Tiếc rằng, những nghiên cứu của người Pháp về đề tài lịch sử, văn hóa Chăm bị đứt đoạn khá dài do tình trình trạng chiến tranh ở Việt Nam trong khoảng thời gian 20 năm (1954-1975).

 

2. Nghiên cứu của các tác giả Việt Nam

Những tư liệu lịch sử của Việt Nam liên quan đến Chiêm Thành có thể tìm thấy trong Đại Nam nhất thống chí, Đại Việt sử ký toàn thư và một số sử liệu của các triều đại Việt Nam từ Lý-Trần đến triều Nguyễn. Nhưng những sử liệu nói trên chủ yếu nói về việc triều cống, giao tranh, hòa hiếu  (Phan Quốc Anh, 2006, tr.18). Mặc dù vậy, đó là những ghi chép thành văn chính thống rất quan trọng để đối chiếu với ghi chép trên văn bia của Champa.

Từ năm 1955-1975, các tác giả Nghiêm Thẩm, Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Bạt Tụy, Thái Văn Kiểm, v.v… (Phan Quốc Anh, 2006, tr. 25) công bố nhiều bài viết có giá trị về văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng và tôn giáo Chăm. Tiêu biểu như Nguyễn Khắc Ngữ với Mẫu hệ Chàm (1967), Nguyễn Văn Luận với Người Chàm Hồi giáo miền Tây Nam phần (1974). Phan Lạc Tuyên đã bảo vệ luận án tiến sĩ về văn hóa Chăm có tên Việt Nam và Champa sự phát triển lịch sử của mối tương quan giữa hai nền văn minh tại Ba Lan. Tác giả Nguyễn Đình Toàn với chuyên khảo Giang sơn Việt Nam có giá trị nghiên cứu về địa văn hóa vùng đồng bào Chăm đang sinh sống: Non nước Phú Yên (1966), Non nước Khánh Hòa (1969), Non nước Ninh Thuận (1974). Trong đó, có một số trang viết về người Chăm và văn hóa Chăm (Phan Quốc Anh, 2006, tr.27).

Sau năm 1975, nghiên cứu về người Chăm được các nhà khoa học Việt Nam chú ý nhiều thêm. Tác phẩm Những vấn đề dân tộc học miền Nam Việt Nam (1978) do Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, là sự tiếp xúc đầu tiên của các nhà khoa học xã hội Việt Nam với văn hóa Chăm, đây là công trình khảo sát dân tộc học có giá trị với sức mạnh tổng hợp của nhiều chuyên ngành khác nhau mà khi nghiên cứu về văn hóa Chăm không thể bỏ qua (Phan Quốc Anh, 2006, tr.29).

Công trình Người Chăm Thuận Hải (1989) quy tụ 10 nhà khoa học thực hiện đã nêu lên một số vấn đề cơ bản về kinh tế nông nghiệp, ngành nghề thủ công, dân số, tổ chức  xã hội truyền thống, hôn nhân gia đình, tín ngưỡng tôn giáo và những bước hòa nhập của người Chăm trên con đường xây dựng xã hội Xã hội chủ nghĩa. Đây là công trình khảo sát có tính chất tổng hợp về đời sống vật chất lẫn tinh thần của người Chăm.

Hai năm sau đó, công trình Văn hóa Chăm (1991) nghiên cứu toàn diện hơn về hoạt động của người Chăm ở Việt Nam. Mặc dù, các tác giả chưa phân tích sâu và làm nổi bật về ý nghĩa các giá trị văn hóa. Nhưng việc mô tả, giới thiệu các lĩnh vực thuộc đời sống xã hội và văn hóa Chăm là cần thiết. Đặc biệt, là làm rõ nguồn gốc của người Chăm. Công trình Giáo dục ngôn ngữ và sự phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số phía Nam (1993) đã đặt ra vấn đề giáo dục tiếng dân tộc thiểu số thực trạng và giải pháp. Trong đó có bài viết Vấn đề chữ viết Chăm hiện nay  của Phú Văn Hẳn (nhiều tác giả, 1993, tr. 115).

Tác giả Ngô Văn Doanh có cuốn sách Văn hóa Chămpa (1994), Lễ hội Rija Nưgar của người Chăm (1998), Thánh địa Mỹ Sơn (2003), Lễ hội chuyển mùa của người Chăm (2006), Tháp Bà Thiên Ya Na hành trình của một nữ thần (2009) và có nhiều bài viết khác đăng trên tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Những tác phẩm kể trên đã trình bày và phân tích nhiều lễ hội văn hóa do người Chăm tiến hành hàng năm theo định kì.

Trong cuốn sách Cơ sở văn hóa Việt Nam (1999) của Trần Ngọc Thêm có phần khảo cứu chuyên biệt về văn hóa Chăm, tác giả nói về nhữnh ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ ở người Chăm. Cùng chủ đề này, Phan Lạc Tuyên với công trình Nghiên cứu và điền dã (2007) đã khái quát về phong tục, nghệ thuật và những lễ hội truyền thống của người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Riêng lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến như Nguyễn Mạnh Cường và Nguyễn Minh Ngọc với công trình Người Chăm những nghiên cứu bước đầu (2003) nội dung chính là nói về người Chăm Hồi giáo ở Việt Nam (Sakaya, 2010, tr.29).

Phan Quốc Anh với Nghi lễ vòng đời người của người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận (2006). Hoàng Minh Đô chủ biên tác phẩm Tín ngưỡng, tôn giáo trong cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận (2006) chứa đựng nhiều tư liệu về chính sách của Đảng – Nhà nước và số liệu báo cáo về tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm. Qua đó, đưa ra các kiến nghị về chính sách tôn giáo đối với người Chăm (Sakaya, 2010, tr. 163).

Nguyễn Hồng Dương chủ biên công trình Một số vấn đề cơ bản về tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào Chăm ở hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận hiện nay (2007). Đồng tác giả Ngô Thị Chính – Tạ Long với cuốn sách Ảnh hưởng của các yếu tố tộc người tới phát triển kinh tế-xã hội của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận (2007) đã phân tích bốn yếu tố có ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội Chăm. Đó là: Yếu tố tộc người đến sự phát triển kinh tế, yếu tố tộc người tác động đến sự vận động và biến đổi của xã hội Chăm, yếu tố tôn giáo và các yếu tố chi phối quan hệ cộng đồng tộc người Chăm. Đây là công trình khảo sát thực tiễn, phân tích bằng số liệu mới làm rõ những đặc trưng văn hóa Chăm.

Trần Quốc Vượng chủ biên cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam (2008) đã dành một phần nói về không gian vùng văn hóa Trung Bộ, chủ yếu đề cập về không gian văn hóa Chăm ở khu vực này. Cuối cùng, là Trương Sỹ Hùng với tác phẩm Tôn giáo trong đời sống văn hóa Đông Nam Á (2010), phân tích yếu tố Ấn Độ giáo và Hồi giáo trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo Chăm. Từ đó, làm nổi bật lên đặc điểm, vai trò trong sáng tác văn chương của người Chăm  trong tác phẩm Deva Mưnô, Inra Patra, Ariya Cam – Bini, v.v…

Trong tác phẩm Lịch sử Việt Nam (2004) tác giả Huỳnh Công Bá đã dành hai chương để trình bày về quá trình giành độc lập của Champa, phân tích những đặc điểm cơ bản về thể chế chính trị, đời sống văn hóa, xã hội. Đặc biệt nhấn mạnh vào quá trình hội nhập của người Chăm vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Cùng chủ đề lịch sử Nguyễn Quang Ngọc chủ biên tác phẩm Tiến trình lịch sử Việt Nam (2007) trình bày về những ảnh hưởng của văn hóa Champa trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Lý-Trần. Tác giả Lương Ninh với công trình Lịch sử vương quốc Champa (2004), tác phẩm này được phát triển từ giáo trình dạy đại học dùng cho sinh viên chuyên ngành lịch sử Việt Nam. Lương Ninh chủ biên cuốn sách Lịch sử Đông Nam Á (2008), sau khi đưa ra cách phân kỳ của lịch sử Champa, phân tích đặc điểm của từng giai đoạn lịch sử rồi đi tới kết luận về nguyên nhân biến mất của vương quốc Champa là do địa bàn vương quốc Champa-miền Trung Việt Nam ngày nay, miền duyên hải hẹp quay ra biển Đông đã là mở cửa để tiếp xúc và xây dựng cơ sở kinh tế, xã hội ban đầu cho sự thành lập một vương quốc cổ. Những điều kiện đó cũng có thể tìm thấy ở nhiều nơi khác trong vùng Đông Nam Á nhưng sự ra đời sớm của một Nhà nước lại do hoàn cảnh chính trị và văn hóa đặc biệt bấy giờ tạo nên. Song chính cái địa bàn hẹp ấy lại là những khó khăn, trở ngại lớn cho sự phát triển tiếp tục về sau. Cho nên, trình độ sản xuất và đời sống kinh tế của vương quốc Champa lúc đầu là tiên tiến nhưng lại chìm đắm rất lâu trong một tình trạng tương đối thấp. Và vương quốc này cũng không sao vượt qua được  cái khoảng dân số cần thiết để tự nó có thể đứng được trong bối cảnh của nó. Trong khi đó, chính trị nội bộ của vương quốc cổ Champa  là tình trạng chia rẽ, tản quyền đã làm cho vương quốc tự suy yếu đi rất nhiều. Rồi đến những quan hệ đối ngoại lại cũng có ý nghĩa như một nhân tố quyết định đến vận mệnh của nó (Lương Ninh, 2008, tr. 166). Điều đó, làm cho vương quốc Champa trượt dốc dẫn đến phá vỡ sự tồn tại với tư cách là một quốc gia độc lập.

Đề cập trực tiếp đến lĩnh vực giáo dục, tác giả Đỗ Văn Tú với công trình Vấn đề giáo dục sinh viên-học sinh các Sắc tộc (1973) (các tộc người thiểu số – tác giả chú thích), trình bày về giáo dục vùng dân tộc thiểu số từ năm 1964-1973, khái quát vấn đề học bổng, tình trạng nuôi ăn sinh viên-học sinh sắc tộc trong Ký túc xá. Đặc biệt làm sáng tỏ chương trình dạy tiếng dân tộc, đào tạo giáo viên là người dân tộc, đặt ra nhiệm vụ của học sinh-sinh viên  trong việc xây dựng đất nước trong tương lai (Đỗ Văn Tú, 1973, tr. 51).

Trong công trình Phát triển giáo dục vùng dân tộc Khmer Nam Bộ (2003) do tập thể tác giả thực hiện đã đưa ra thực trạng vấn đề giáo dục ở vùng dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long như vấn đề tổ chức, chỉ đạo, quản lý, chất lượng giáo dục, sách giáo trình, việc dạy song ngữ đến thực trạng kinh tế và đời sống vật chất. Kết quả nghiên cứu này là những gợi ý quan trọng để vận dụng kinh nghiệm vào nghiên cứu vùng Chăm và khu vực khác trên phạm vi cả nước.

Tiếp đó, Đinh Lê Thư chủ biên công trình Vấn đề giáo dục vùng đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long (2005). Tập trung giới thiệu toàn diện về vấn đề giáo dục, trình bày thực trạng và giải pháp để đưa giáo dục vùng dân tộc Khmer phát triển đi lên kịp với nhịp độ của cả nước. Đặc biệt, là vấn đề giáo dục mầm non và phổ thông vùng dân tộc Khmer.

Tác phẩm Khoa học giáo dục đi tìm diện mạo mới (2006) của tập thể tác giả công bố trên tạp chí Tia sáng được Nhà xuất bản Trẻ tập hợp lại và cho xuất bản. Nội dung chính của tác phẩm là đặt lại lý thuyết, triết lý cho giáo dục Việt Nam trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm làm giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, thấy rõ những tồn tại của nền giáo dục Việt Nam cần sớm có đổi mới (nhiều tác giả, 2006, tr.9).

Tác giả J. Donald Walters với công trình Giáo dục vì cuộc sống Education for life (2008), trình bày về lý thuyết về giáo dục, cung cấp cho các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ và những công dân liên quan đến giáo dục ở khắp mọi nơi những kỹ thuật nhằm biến đổi giáo dục thành một quá trình toàn vẹn-một quá trình giúp ta hài hòa kiến thức sách vở với những kinh nghiệm trực tiếp từ cuộc sống (J. Donald Walter, 2009, tr. 5).

Tác giả Tsunesaburo Makiguchi có công trình Giáo dục vì cuộc sống sáng tạo Education for creative living (2009), trình bày suy nghĩ về mục đích trong giáo dục (Tsunesaburo Makiguchi, 2009, tr.34). Từ thực tế kinh nghiệm giáo dục Nhật Bản trong buổi giao thời mâu thuẫn giữa giáo dục truyền thống và giáo dục hiện đại để đưa đất nước phát triển nhanh. Đây là những kinh nghiệm lớn về tư duy giáo dục mà Việt Nam cần học hỏi ở các nước láng giềng.

Cuối cùng, Phan Thành Long chủ biên công trình Lí luận giáo dục (2010), nội dung chính của cuốn sách trình bày về quá trình giáo dục, nguyên tắc giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Đây là vấn đề có tính chất lí luận mà khi nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục không thể bỏ qua.

 

3. Nghiên cứu của các tác giả người Chăm

Trước năm 1975, đầu tiên là công trình Dân tộc Chàm lược sử (1965) của hai tác giả Dohamide và Dorohiêm do Hiệp hội Chàm Hồi giáo xuất bản tại Sài Gòn. Đây là công trình khảo cứu lịch sử dân tộc Chăm bằng tiếng Việt đầu tiên ở Việt Nam mang tính khái quát và hệ thống, trình bày về các triều đại vương quốc Champa. Đặc biệt, đã cho đăng lại nguyên văn biên niên sử các triều vua Panduranga được dịch từ văn bản Chăm Akhar thrah. Tác phẩm Bangsa Champa tìm về với một cội nguồn cách xa (2004), kể lại những hiểu biết của tác giả về người Chăm Islam ở miền Nam. Ngoài ra, hai tác trên còn có nhiều bài viết giá trị khác về lễ hội, tôn giáo người Chăm miền Nam đăng trên tạp chí Bách khoa.

Kế tiếp, Trung tâm Văn hóa Chàm Phan Rang được thành lập vào năm 1968, do G. Moussay điều hành và quản lý, đứng ra quy tụ các nhân sĩ, trí thức Chăm như  ông Lâm Gia Tịnh, Thiên Sanh Cảnh, Nại Thành Bô, Lưu Quý Tân, Đàng Năng Phương, Trượng Văn Tốn, Lưu Quang Sang, v.v… thực hiện công tác sưu tầm văn bản chữ Chăm công bố thành sách các tác phẩm văn chương và xuất bản Từ điển Chàm Việt Pháp. Cũng trong năm này, Hiệu trưởng Trường Trung học An Phước (về sau đổi tên Trường Trung học Pô Klong) là thầy Thành Phú Bá cho ra mắt một đặc san Ước vọng tập hợp nhiều bài viết văn, thơ của học sinh. Bên cạnh đó, có đăng những bài diễn văn của thầy Hiệu trưởng qua các thời kỳ, trong đó, cho biết tình hình hoạt động, phát triển của Nhà trường và những bài khảo cứu của tri thức Chăm đương thời tham gia cộng tác.

Đến năm 1972, ông Thiên Sanh Cảnh đứng đầu cơ quan Hội đồng Phát triển Sắc tộc tỉnh Ninh Thuận đã mời ông Đàng Cải, Nại Thành Viết, Nại Mú, v.v… sáng lập một tạp chí mang tên Nội san Panrang, xuất bản được 8 số (số 9 đang biên tập bài vở chuẩn bị in) đến tháng 4 năm 1975 thì đình bản. Nội san Panrang đã công bố nhiều bài viết khảo cứu về văn học cổ điển Chăm, những bài viết về khoa học thường thức, nhất là đề tài văn hóa, lịch pháp, phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội người Chăm.

Những nghiên cứu của người Chăm trong giai đoạn này chưa có nhiều công trình đồ sộ, phân tích sâu mang tính hệ thống, đa phần là các bài viết còn nặng về miêu tả, tường thuật lại những hiện tượng văn hóa thông qua điền dã và quan sát trực tiếp được.

Sau năm 1975, trước hết là luận án phó tiến sĩ của Thành Phần mang tên Hệ thống nhà cửa của người Chăm ở Việt Nam (1990) được bảo vệ thành công ở Liên Xô, Danh mục thư tịch Chăm ở Việt Nam (2007), giới thiệu về những văn bản chữ Chăm mà tiến sĩ Thành Phần sưu tầm được.

Kế đến, xuất hiện nhiều tác giả người Chăm, tiêu biểu như Inrasara (Phú Trạm) với các công trình nghiên cứu, sưu tầm và dịch thuật về văn học Chăm như Văn học Chăm I (1994), Văn học Chăm II (1996), Văn học dân gian Chăm tục ngữ và câu đố (1995), Từ điển Chăm Việt (viết chung, 1995), Từ điển Việt – Chăm (viết chung, 1996), Các vấn đề văn hóa xã hội Chăm (1999), Văn hóa – Xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại (2003), Tự học tiếng Chăm (2003), Từ điển Chăm Việt dùng trong nhà trường (viết chung, 2004), Trường ca Chăm Ariya (2006) đã phục dựng toàn bộ diện mạo văn học Chăm bao gồm cả văn học dân gian và văn học viết.

Kế nữa, Bố Xuân Hổ với công trình Truyền thuyết các tháp Chăm (1995) do Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận và NXB Văn hóa Dân tộc xuất bản gồm 94 trang song ngữ Anh – Việt (Sakaya, 2010, tr. 51), tác giả đã liệt kê hệ thống các đền tháp Champa cùng với lời kể về các kỹ thuật xây dựng công trình kiến trúc đền tháp. Năm 1996, luận án phó tiến sĩ mang tên Gia đình và hôn nhân của người Chăm ở Việt Nam được Bá Trung Phụ bảo vệ thành công, sau đó luận án được phát triển viết thành sách.

Năm 1999, một tạp chí khoa học có tên Champaka do Hassan Po Klaun, Po Dharma, Dương Tấn Thi sáng lập, chuyên nghiên cứu lịch sử và nền văn minh Champa (Studies on the History and civilization of Champa) công bố nhiều bài viết khoa học về lịch sử và văn hóa Champa, hiện nay đã công bố được 10 cuốn sách (năm 2010) có giá trị tham khảo khi muốn biết về lịch sử, văn hóa Champa. Cũng trong năm 1999, Hội Bảo tồn Văn hóa Champa ở Hoa Kỳ do Đặng Chánh Anh làm chủ tịch cho ấn hành Đặc san Vijaya ra được 5 số (năm 2010), công bố nhiều bài nghiên cứu liên quan đến lịch sử, văn hóa Champa, những bài viết cảm nhận về đời sống người Chăm ở nước ngoài, nhất là quá trình hoạt động của Hội bảo tồn văn hóa Champa.

Năm 2000, Inrasara cùng với Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan, Nguyễn Văn Tỷ sáng lập đặc san Tagalau Tuyển tập sáng tác sưu tầm nghiên cứu Chăm đã ấn hành được 11 số (năm 2010). Tuy không phải là tạp chí khảo luận chuyên sâu, nhưng Tagalau có nhiều bài viết giá trị về văn hóa Chăm. Đặc biệt là lĩnh vực văn chương, Tagalau đã công bố và phân tích các tác phẩm kinh điển trong kho tàng văn học Chăm cổ điển. Trung tâm Văn hóa Chăm Ninh Thuận cũng cho ra đời tác phẩm Truyện cổ dân gian Chăm (2000) do Trương Hiến Mai, Nguyễn Thị Bạch Cúc, Sử Văn Ngọc, Trương Tốn biên soạn, dịch, tuyển chọn.

Sự xuất hiện tác giả trẻ Sakaya với các công trình khảo cứu về văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo và các ngành nghề truyền thống của người Chăm như Nghề gốm cổ truyền của người Chăm (2001), Lễ hội người Chăm (2003), Luật tục người Chăm và Raglai (2003) do Phan Đăng Nhật làm chủ biên, Văn hóa Chăm nghiên cứu và phê bình, tập 1 (2010) và nhiều bài viết khoa học khác đăng trên các tạp chí chuyên ngành.

Năm 2005, Phú Văn Hẳn chủ biên công trình Đời sống văn hóa và xã hội người Chăm thành phố Hồ Chí Minh đã khái quát những hoạt động đời sống và sinh hoạt tôn giáo cũng như những tồn tại, khó khăn mà người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt.

Riêng lãnh vực du lịch, Đàng Năng Hòa đã bảo vệ thành công luận văn cao học ở Philippine với đề tài The Impact of tourism on people’s heritage-Acase study of the Cham in Vietnam (Sự tác động của du lịch trong di sản văn hóa con người – Nghiên cứu trường hợp của người Chăm ở Việt Nam).

Cuối cùng, Nguyễn Văn Tỷ với tác phẩm Giáo dục toàn diện vì sự phát triển xã hội (2005), Đời sống văn hóa và xã hội người Chăm Việt Nam (2010). Tác giả đã đặt ra nhiều vấn đề về giáo dục và văn hóa Chăm, bộc lộ nhiều tình cảm, sự trăn trở làm sao để người Chăm có thể dứt bỏ những tập tục xa xưa không phù hợp với hoàn cảnh sống mới, làm thế nào để sớm đưa người Chăm hòa nhập vào nhịp sống của xã hội văn minh.

 

4. Nghiên cứu về Trường Trung học An Phước và Pô Klong

Từ Trường Trung học An Phước đến Trường Trung học Pô Klong tới Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Ninh Thuận, là chặng đường phát triển  của  quá trình  giáo dục và đào tạo học sinh người Chăm. Nên đã được nhiều nhà quản lí giáo dục và nhà khoa học nghiên cứu đến. Có thể kể  một số bài viết và công trình nghiên cứu đã được công bố sau:

Paul Nưr, Sơ lược về chính sách thượng vụ trong lịch sử Việt Nam, Phủ đặc ủy Thượng vụ xuất bản, Sài Gòn, năm 1966. Tác giả đã nhận định, qua nhiều phương thức đấu tranh, người dân tộc thiểu số đã có được trường học dành riêng cho tộc người thiểu số, mà sự ra đời Trường Trung học Pô Klong là một ví dụ điển hình.

Thành Phú Bá, Bài diễn văn đọc tổng kết cuối năm học 1967-1968, sau đó được đăng lại nguyên văn trong Ước vọng số 1-1968, đã nêu khái quát về lịch sử Nhà trường, trình bày những thay đổi về tổ chức, quản lí, nề nếp, kỉ cương trường lớp, nêu lên những thử thách và nỗ lực mà thầy và trò đã vượt qua. Bài viết Thư gửi sinh viên, học sinh Chàm đăng trên tập san Ước vọng số 2-1971, trình bày về sự cần thiết có một tập san để tạo sân chơi cho học sinh tập viết lách, phát huy năng khiếu văn chương, hay  bày tỏ suy nghĩ. Trong bức thư tác giả có nói về tình hình  gia tăng học sinh Chăm tại các trường công lập và đối với học sinh tộc người thiểu số thì được Ty Phát triển Sắc tộc lo chỗ ở nội trú, kinh phí do Bộ Phát triển Sắc tộc cấp để xây dựng Ký túc xá.

Lưu Quang Sang, Bài diễn văn đọc tổng kết cuối năm học 1970-1971, Ước vọng số 3-1971 đăng lại nguyên văn, đã cho biết về sự liên hệ của Nhà trường với các cơ quan chuyên trách nhằm vận động kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất. Đặc biệt, Nhà trường kết hợp với Hội phụ huynh học sinh tổ chức đêm Văn nghệ lưu động qua các làng Chăm để gây quỹ xây dựng thêm phòng học mới.

Nguyễn Văn Tỷ, Ước vọng số 4-1972, nêu lên những khó khăn của Trường Trung học Pô Klong. Nhưng Ban Giám hiệu vẫn tổ chức giảng dạy, văn nghệ, thể thao, du ngoại, cắm trại cho học sinh đều đặn. Tác giả đánh giá cao về tinh thần tự giác học tập và giữ gìn kỷ luật của học sinh. Ước vọng số 5-1973, đã phân tích về ảnh hưởng của chiến tranh Việt Nam đến tâm lí học sinh, một số học sinh không còn tha thiết với việc học tập, sinh ra chán nản, công tác quản lí sinh hoạt của học sinh khá vất vả, thêm vào đó trình độ học sinh lại không đồng đều.

Lưu Văn Hân, Trần Minh Quốc chỉ đạo biên soạn Toàn cảnh giáo dục Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2000. Đã giới thiệu sơ lược về Trường Trung học Phổ thông Dân Tộc nội trú tỉnh Ninh Thuận, nêu khái quát về chức năng hoạt động của nhà trường, điểm qua một số thành tích dạy học và các hoạt động ngoại khóa, đồng thời cho biết phương hướng nhiệm vụ của Nhà trường trong những năm tiếp theo của thế kỉ XXI.

Nguyễn Đức Toàn (Luận án tiến sĩ Lịch sử), Ảnh hưởng tôn giáo đối với tín ngưỡng của người Chăm ở Việt Nam, TP Hồ Chí Minh, năm 2002. Luận án đã thống kê tình hình đi học và học vấn của người Chăm từ 5 tuổi trở lên tính đến năm 1999.

Báo Thị Hoa, qua bài Sự hình thành Trường Trung học An Phước, đã soi dưới góc nhìn khác về lịch sử phát triển của Trường từ năm 1965-1975 Tác giả đã nhận định rằng, hơn 10 năm đầu phát triển của Nhà trường là nỗ lực xây dựng của trí thức người Chăm để con em có nơi học tập  (Abd. Karim-Báo Thị Hoa, 2007, tr.37). Ngoài ra còn nhiều bài viết nghiên cứu khác liên quan đến tộc người thiểu số và lịch sử phát triển của Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Ninh Thuận.

 

Tóm lại, các công trình nghiên cứu về lịch sử và nền văn minh Champa được xuất bản thành sách, báo và tạp chí rất đa dạng và phong phú, được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu  nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác nhau. Nhưng chưa có công trình khảo cứu nào đề cập đến vấn đề giáo dục của người Chăm trong lịch sử  mang tính chất hệ thống và đầy đủ. Ngay cả, hình thức học tập và sinh hoạt nội trú của học sinh người Chăm nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung hiện nay cũng chưa có sự quan tâm, chú ý nhiều từ các nhà  khoa học và các nhà quản lý giáo dục. Việc tổng luận các công trình nghiên cứu về người Chăm ở Việt Nam chưa phải là bảng thống kê đầy đủ các tác giả cũng như tác phẩm, mà chỉ phản ánh một phần giúp độc giả có cái nhìn tổng quát những hiểu biết về văn hóa Chăm.

 

__________

 

Tài liệu tham khảo

  1. Abd. Karim, Báo Thị Hoa (giới thiệu và trình bày). 2007. “Trường Pô Klong & Đặc san Ước vọng”. Do International Office of Champa (IOC-Champa) xuất bản ở Paris – San Jose.
  2. Đỗ Văn Tú. 1973. Vấn đề giáo dục sinh viên học sinh các sắc tộc. Sài Gòn: Bộ Phát triển Sắc tộc ấn hành.
  3. Inrasara. 1994. Văn học Chăm. Hà Nội: NXB Văn hóa Dân tộc.
  4. Inrasara. 2003. Văn hóa – xã hội Chăm nghiên cứu & đối thoại. Hà Nội: NXB Văn học.
  5. Lương Ninh. 2004. Lịch sử vương quốc Champa. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia.
  6. Lương Ninh (chủ biên). 2008. Lịch sử Đông Nam Á. NXB Giáo dục.
  7. Ngô Thị Chính, Tạ Long. 2007. Ảnh hưởng của các yếu tố tộc người tới phát triển kinh tế-xã hội của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Hà Nội: NB Khoa học Xã hội.
  8. Nguyễn Khắc Ngữ. 1966. Mẫu hệ Chàm. Saigon: NXB Trình bày.
  9. Nguyễn Văn Tỷ. 2009. Giáo dục toàn diện và sự phát triển xã hội (sách tham khảo cho giáo viên, sinh viên, học sinh và cha mẹ học sinh). NXB Thanh niên.
  10. Nguyễn Văn Tỷ. 2010. Đời sống văn hóa – xã hội người Chăm ở Việt Nam. NXB Lao động.
  11. Nhiều tác giả. 1993. Giáo dục ngôn ngữ và sự phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số phía Nam. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
  12. Nhiều tác giả. 1993. Giáo dục ngôn ngữ và sự phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số phía Nam. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
  13. Nhiều tác giả. 2003. Phát triển giáo dục vùng dân tộc Khmer Nam Bộ. NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
  14. Paul Nưr. 1966. Sơ lược về một số chính sách Thượng vụ trong lịch sử Việt Nam. Sài Gòn: NXB Ban tu thư Phủ đặc uỷ Thượng vụ.
  15. Phan Quốc Anh. 2006.  Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận. Hà Nội. NXB Văn hóa Dân tộc.
  16. Phan Văn Viện. 2007. Truyện kể dân gian các tộc người Nam Đảo ở Việt Nam. NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
  17. Phan Xuân Biên (chủ biên). 1989. Người Chăm ở Thuận Hải. Sở Văn hóa Thông tin Thuận Hải xuất bản.
  18. Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp. 1992. Văn hóa Chăm. NXB Khoa học Xã hội.
  19. Phú Văn Hẳn (chủ biên). 2005. Đời sống văn hóa & xã hội người Chăm thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội: NXB Văn hóa Dân tộc.
  20. Sakaya. 2010. Văn hóa Chăm nghiên cứu và phê bình. Tập 1. Hà Nội: NXB Phụ nữ.
  21. Thành Phần. 2003. “Vấn đề nghiên cứu người Chăm ở Việt Nam” (trong Dân tộc học Việt Nam thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI). Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
  1. J.Donald Walter (Hà Hải Châu dịch). 2009. Giáo dục vì cuộc sống. NXB Trẻ.
  1. Nhiều tác giả. 2006. Khoa học giáo dục đi tìm diện mạo mới. NXB Trẻ.
  1. Tsunesaburo Makiguchi (Cao Xuân Hạo hiệu đính). 2009. Giáo dục vì cuộc sống sáng tạo. TP Hồ Chí Minh: NXB Trẻ.

 

 

One thought on “Bá Minh Truyền: Tổng luận về nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội và giáo dục người Chăm ở Việt Nam

  1. Nhiều tài liệu được đề cập trong bài tổng luận của Bahasa, kaka cũng đọc gần hết, nói chung bài báo của Bahasa viết rất chân xác, đi vào lòng người, nếu ai quan tâm đến lịch sử khi đọc lên những điều mà Bahasa đề cập thì chúng ta sẽ thấy cái hay ở trong đó, góp phần tìm hiểu văn hóa xã hội Chăm. Nhưng một số sách Bahasa chưa đọc,cuốn này rất hay và chính xác, hiện đang lưu trữ ở Hamu Tanran Kaka đã đọc xong thấy hay lắm nhưng xin photo Bác ấy không cho, thấy buồn…”hình thức học tập và sinh hoạt nội trú của học sinh người Chăm nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung hiện nay cũng chưa có sự quan tâm, chú ý nhiều từ các nhà khoa học và các nhà quản lý giáo dục”. Hiện nay ở Việt Nam đang phát triển ngành xã hội học nên trong tương lai không bao lâu nữa vấn đề về giáo dục của các dân tộc thiểu số sẽ được Đảng và Nhà nước quan tâm hơn, hi vọng thế…
    Các bạn trẻ nghĩ sao?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *