Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An
KỲ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN DỰ THI HSGQG LỚP 12 THPT – năm học 2011-2012
Đề thi chính thức
Môn thi: NGỮ VĂN – Thời gian làm bài: 180 phút – Ngày thi: 12/10/2011
Câu 2. (12,0 điểm)
Phát biểu ý kiến của anh / chị về quan niệm sau:
Thơ có thay hình đổi dạng bao lần hay lang thang lạc bước đến phương trời nào đi nữa nó cũng phải trở về, trở về nơi nó xuất phát: con người, trong ngôi nhà của nó: ngôn ngữ. Lang thang đi tìm hình dạng ngôi nhà thích hợp cho con người cư trú là bổn phận của thơ.
(Inrasara, Song thoại với cái mới, trang 122, NXB Hội Nhà văn, 2008).
Hướng dẫn chấm, đáp án và biểu điểm
A. Yêu cầu chung
1. Có kiến thức văn học và xã hội đúng đắn, sâu rộng; kĩ năng làm văn tốt: bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và sức biểu cảm, không mắc lỗi về chính tả.
2. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới cách thức kiểm tra và đánh giá, bên cạnh dạng đề truyền thống, cơ cấu đề thi có thêm những đề mở. Thí sinh có thể lựa chọn nhiều cách trình bày, nhiều thao tác lập luận, nhiều phương thức biểu đạt… hướng dẫn chấm chỉ nêu một số nội dung cơ bản ở dạng đề truyền thống, những định hướng giải quyết ở đề mở, định tính chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng hướng dẫn chấm. Cẩn trọng và tinh tế đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, phát hiện trân trọng những bài có ý kiến và giọng điệu riêng. Chấp nhận các cách kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lí, có sức thuyết phục.
3. Tổng điểm của toàn bài là 20 điểm, cho lẻ đến 0,5. Hướng dẫn chấm cho điểm từng câu, trên cơ sở đó giám khảo có thể thống nhất định ra các thang điểm cụ thể hơn.
B. Yêu cầu cụ thể
Câu 2 (12,0 điểm):
Vận dụng vốn kiến văn sâu rộng, năng lực thẩm bình tác phẩm thơ cụ thể, hiểu biết lí luận vững chắc (đặc trưng văn học, thể loại thơ, mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong tác phẩm, quá trình lao động của nhà thơ…), thí sinh có thể tổ chức bài viết theo nhiều cách khác nhau. Sau đây là một số gợi ý chính:
1. Giải thích ý kiến:
– Ý kiến được diễn đạt bằng những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng:
+ Thay hình đổi dạng: sự cách tân của thơ về hình thức.
+ Lang thang lạc bước đến phương trời nào: mở rộng đề tài ngoài con người.
+ Ngôi nhà: hình thức ngôn ngữ biểu hiện nội dung thơ.
+ Nơi nó xuất phát: con người : con người ở đây với tư cách là cái tôi cá nhân- cái tôi chủ thể.
Þ Thơ ca dù có đổi mới, cách tân về hình thức; dù có miêu tả thiên nhiên, tìm đến sự, đến vật hay những cái viễn vông xa xôi… thì cuối cùng cũng phải hướng về con người, nói về con người với thế giới tâm trạng, cảm xúc phong phú qua hình thức ngôn ngữ.
– Bổn phận của thơ là tìm kiếm, lựa chọn hình thức ngôn ngữ phù hợp với tiếng nói cảm xúc, tình cảm được bộc lộ.
Þ Ý kiến đề cập đến những vấn đề cơ bản của thơ: đối tượng, hình thức thể hiện và bổn phận của thơ.
2. Bình luận ý kiến: Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến xuất phát từ đặc trưng của văn học và đặc trưng của thơ:
a) Đối tượng của thơ:
– Văn học lấy cuộc sống, con người làm đối tượng nhận thức và phản ánh.
– Cũng lấy con người làm đối tượng, nhưng thơ ít quan tâm kể lại các sự kiện, không chú ý tái hiện một hệ thống nhân vật có các hành động cụ thể mà chủ yếu đào sâu vào thế giới nội cảm của con người.
+ Thơ ca khởi nguồn từ những rung cảm mãnh liệt của thi sĩ trước cuộc sống.
+ Nội dung trong thơ chính là những cảm xúc, tình cảm của con người được thổ lộ.
+ Thơ trở thành cầu nối của sự sẻ chia, kiếm tìm tâm hồn đồng điệu, giúp ta hiểu thêm thế giới tâm hồn phong phú và bí ẩn của con người.
b) Ngôn ngữ thơ:
– Nghề văn là nghề chữ, ngôn ngữ là chất liệu xây dựng hình tượng văn học nhằm thể hiện cuộc sống, con người.
– Vai trò của ngôn ngữ thơ:
+ Thể hiện nỗi niềm cảm xúc của con người. Những rung cảm mạnh mẽ của tâm hồn thôi thúc kiếm tìm câu chữ phù hợp với nó.
+ Không chỉ là phương tiện hình thức mà bản thân ngôn ngữ còn là đối tượng của thơ.
– Đặc tính của ngôn ngữ thơ:
+ Được kết tinh từ ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ thơ ca được lạ hoá, lệch chuẩn.
+ Giàu nhạc tính.
+ Có tính hàm súc, đa nghĩa và biểu cảm cao.
c) Bổn phận của thơ:
– Với thơ, ngôn ngữ trở thành yêu cầu hình thức đầu tiên và ráo riết nhất.
– Sứ mệnh cao cả của thơ là đi tìm và lựa chọn ngôn ngữ phù hợp nhất để biểu đạt nội dung tình cảm, tạo ra sự hoà hợp giữa âm thanh và cảm xúc, giữa cấu tạo lời thơ và tư tưởng.
– Nhà thơ là phu chữ.
3. Đánh giá chung:
– Quá trình lao động nghệ thuật vô cùng cực nhọc góp phần nâng cao phẩm giá của thơ và nhà thơ nói như Et-mông Gia-bex: Chữ bầu lên nhà thơ.
– Đây là vấn đề cốt lõi có ý nghĩa không chỉ với người sáng tác mà còn cả đối với người tiếp nhận thơ…
Biểu điểm:
– Điểm 10-12: Đáp ứng được các yêu cầu trên, lập luận logic, hành văn trong sáng, có cảm xúc, giàu hình ảnh.
– Điểm 7-9: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, mạch lạc.
– Điểm 4-6: Đáp ứng được một nửa yêu cầu, còn một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
– Điểm dưới 4: Không hiểu đề hoặc hiểu còn mơ hồ, nhiều lỗi diễn đạt.
“Thơ có thay hình đổi dạng bao lần hay lang thang lạc bước đến phương trời nào đi nữa nó cũng phải trở về, trở về nơi nó xuất phát: con người, trong ngôi nhà của nó: ngôn ngữ. Lang thang đi tìm hình dạng ngôi nhà thích hợp cho con người cư trú là bổn phận của thơ.”
Đoạn văn sâu sắc được diễn tả một cách bay bướm, người chọn có con mắt tinh đời.
Hay!
Chúc mừng nhà thơ và quan niệm văn chương sắc sảo!
HT thích chữ “lang thang” lãng tử nhưng trách nhiệm.
Ông Inrasara còn có nhiều phát biểu sáng giá. 1 ví dụ khác tôi đọc được:
Văn chương & Tư tưởng II-03
Một bút lực lớn hay một cảm thức chủ đạo như thứ từ trường thu hút các cây bút/ ảnh hưởng đến suy tưởng của kẻ cùng thời; từ đó nó tạo nên trào lưu hay trường phái nghệ thuật. Một nền văn học có phát triển mạnh mẽ và đa dạng hay không tùy thuộc vào sự lan rộng, xa của các trào lưu này; nếu không nó mãi ở lại nơi căn chòi của sinh hoạt nghiệp dư, tự phát và đầy cảm tính.
Thế nhưng, chỉ khi nào người viết nỗ lực vượt lên mọi trường phái, trào lưu hay cảm thức thời đại, hắn mới có thể thực sự lớn.
Inrasara
Theo tôi đây là 3 lời khen tặng hay nhứt về Inrasara:
“Inrasara công phu và kiên trì xoi một lối đi khác: văn học Chăm, từ văn học dân gian đến văn học viết Champa, từ cổ đến cận đại và hiện đại, và đến nay đã phơi lộ được một kho tàng khổng lồ hết sức quý. Kho tàng ấy lại được soi rọi trong phân tích và giải mã dưới ánh sáng của những lý thuyết hiện đại và cả hậu hiện đại mà anh luôn tự trang bị cập nhật cho mình”.
Nguyên Ngọc
Thi sĩ trong câu thơ, học giả trong bài thơ, triết nhân trong tập thơ. Thời chúng ta đang sống có một nhân vật Chăm như vậy. Đó là Inrasara. Thơ ông vằng vặc tâm thế và trĩu nặng nỗi con người của quê hương xứ sở, lúc nào cũng phảng phất hình bóng của những ngọn tháp Chăm, những linh hồn Chăm. Đã thế, công lao của ông đối với văn hoá Chăm, lịch sử Chăm dù đã được cả người Pháp ghi nhận, song… cho tới giờ vẫn chưa ai có thể đo lường hết được.
Báo Người Hà Nội
Sức nghĩ của Inrasara dồi dào và mạnh mẽ, sâu sắc và hiện đại. Ngòi bút của Inrasara chạm được vào những vấn đề cốt tử của nghệ thuật. Inrasara đã sống thực sự với đời sống văn chương đương thời.
Sáng tác của Inrasara có thể che lấp được những định kiến hẹp hòi, hoặc những mĩ cảm cũ kĩ. Anh dám vượt mình với vẻ ngạo nghễ cần có, dám vượt qua những lực cản bên ngoài một cách đàng hoàng. Inrasara góp công không nhỏ vào công cuộc đổi mới văn học, đổi mới cách tư duy và lối viết.
Trần Thiện Khanh