Lưu Văn: TAGALAU – HÀNH TRÌNH 11 NĂM

Bài đã đăng ở đây.

 Tagalau 12

Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm

NXB Văn học, H., 2011

In 700 cuốn, khổ 14,5 X 20,5 cm- Giá bìa 40.000đ.

 

Tagalau tên tiếng Chăm, là cây bằng lăng, mọc nhiều ở miền núi Ninh Thuận và Bình Thuận. Nó biểu trưng cho tính dân dã, sức chịu đựng, sự khiêm tốn, và nhất là cho nỗ lực nở hoa dù phải mọc trên mảnh đất nghèo cằn.

Tagalau được nhóm trí thức Chăm chọn làm tên cho đặc san: Tagalau – Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm. Là tuyển tập chứ không phải là tập san hay tạp chí, nên Tagalau không xuât bản định kì. Khi có đủ bài vở, mới ra được. Số đầu tiên ra mắt vào Katê 2000 đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong sinh hoạt chữ nghĩa Chăm, một bước đột phá mới, hội nhập vào sinh hoạt văn học trong cộng đồng đa dân tộc Việt Nam.

Tagalau ra đời  với 3 mục đích khiêm tốn: Giúp người Chăm phần nào hiểu được văn hóa ngôn ngữ dân tộc mình; giới thiệu các nét đặc trưng văn hóa Chăm đến với các dân tộc anh em, từ đó các dân tộc hiểu và thông cảm nhau hơn; tạo diễn đàn cho anh chị em có đất để in sáng tác hãy còn khiêm tốn của mình; và cuối cùng, người Chăm ở vùng sâu vùng xa hay hải ngoại nhận được các thông tin về sinh hoạt văn hóa xã hội của dân tộc mình.

 

Số mới nhất: Tagalau 12 xuất bản để chào mừng Katê Chăm 2011, không nằm ngoài tôn chỉ đó.

Sáng tác vẫn là thế mạnh của Tagalau. Thơ tiêng Việt, ngoài các tên tuổi quen thuộc như: Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Trần Can, Trầm Ngọc Lan, Miên Trà, Diễm Sơn, Chế Vy, Sonputra,Tagalau 12 giới thiệu thêm khuôn mặt mới: Lưu Anh Tặng, Shiyatna, Cham Papa, Trà Thy Mưlan, Caramai, Phú Văn Xã. Cạnh đó là thơ tiếng Chăm của ba tác giả Cahya Mưlơng, Phú Đạm, Jaya Thuksiam.

Về văn xuôi, đã thấy Trà Vigia xuất hiện trở lại với với truyện ngắn “Đêm Trung Đông” bên cạnh hai tác giả người Kinh là Hoàng Long và Nhụy Nguyên như là cách góp phần vào không khí vui chung của lễ hội Katê dân tộc và cả làm đa sắc tuyển tập.

Thế nhưng điều đặc biệt hơn cả ở Tagalau 12 chính là sự khởi sắc thấy rõ ở mục Nghiên cứu. Guga giải mã tác phẩm cổ điển Ariya Patauw Adat Likei (Gia huấn ca dành cho đàn ông), một lối diễn giải chưa từng có trước đó, giúp cho thế hệ trẻ Chăm thấy được phần nào trách nhiệm cộng đồng của một nam nhi Chăm trong thời đại mới.

Hồ Trung Tú với bài  nghiên cứu “400 năm Phú Yên – nhìn lại trường hợp chủ sự Văn Phong“, Quang Cẩn qua “Vai trò của trí thức, cao niên Chăm trong việc bảo tồn tiếng Chăm” cùng vài tên tuổi mới như Bá Văn Quyến, Quảng Văn Sơn, Quảng Đại Tuyên, Bá Minh Truyền cũng đã góp phần mình soi sáng các vấn đề văn hóa xã hội Chăm. Có lẽ vì quá ưu tiên cho ngôn ngữ chăng mà mục Sưu tầm gần như vắng bóng ở số này. Hai kì liên tục, Tagalau đã không giới thiệu được văn bản văn học cổ điển mới nào của nền văn học Chăm. Đó cũng là điều đáng tiếc.

Mục Văn hóa – Xã hội kì này thu hút được nhiều tác giả trẻ quan tâm khai bút. Quan niệm về diễn đàn báo chí người Chăm (Jaya Bahasa), Nhà Văn hóa Chăm – Tình trạng và những suy nghĩ (Caramai), Hôn nhân dị chủng, làm sao để không bị đồng hóa?, Tiếng mẹ đẻ trong mắt người Chăm (Kiều Dung). Riêng Jaya Bahasa điểm lại Sự kiện văn hóa Chăm trong năm 2010, với mục đích cung cấp cho độc giả Tagalau một cái nhìn tổng thể về thành tựu văn hóa xã hội Chăm một năm qua.

Cuối cùng không thể không nhắc đến lời đề từ đầy tinh thần trách nhiệm của nhà văn – nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara: Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu.

 

Đến hôm nay, ở đất nước ta, Tagalau là đặc san duy nhất của dân tộc thiểu số tồn tại qua 12 kì liên tục. Đó có thể nói là một thành tựu sáng giá. Đạt được điều ấy, Tagalau cần đến bốn trụ cột: cộng đồng đó có người viết, có độc giả, có Mạnh thường quân, và cuối cùng, một yếu tố không thể thiếu là các cơ quan ban ngành liên quan sẵn sàng ủng hộ Tagalau, từ cấp giấy phép cho đến khâu phát hành.

Chính bởi các yếu tố trên mà Tagalau đã cuốn hút gần hai trăm cây viết gồm nhiều dân tộc, thành phần, đã thành danh hay mới xuất hiện tham gia mà tồn tại và lớn dậy suốt mười một năm.

* Mua Tagalau tại các địa chỉ Tagalau và Nhà sách Hà Nội, 245 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *