Inrasara: Thơ đương đại Việt Nam, bước chuyển mạnh từ miền Trung và Tây nguyên

Tham luận: Hội thảo Thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung, 8 & 9-10-2011 tại Thanh Hóa.

 

1. Mười năm sau đất nước thống nhất, khi các nhà thơ thế hệ chống Mỹ đã xong nhiệm vụ với hàng loạt tập thơ và trường ca sáng giá, – Mở cửa, một thế hệ thơ mới có mặt, tìm cách đổi mới thơ. Ở đó, Nguyễn Quang Thiều xuất hiện với giọng thơ lạ biệt. Từ Sự mất ngủ của lửa (NXB Lao động, H., 1992) đến Những người đàn bà gánh nước sông (NXB Văn học, H., 1995), Nhịp điệu châu thổ mới (Hội VHNT Hà Tây, 1997) sang Bài ca những con chim đêm (NXB Hội Nhà văn, 1999), Nguyễn Quang Thiều đã làm trương nở tối đa giọng thơ tìm thấy. Đây không là sự thay đổi câu chữ nhỏ lẻ có tính hình thức, mà là một cách tân mang tính mĩ học. Còn lại, các cách tân của đại đa số nhà thơ ở các tỉnh phía Bắc không ít thì nhiều, vẫn kéo theo mình dấu vết truyền thống. Những người làm thơ mãi loay hoay. Mai Văn Phấn là một. Loay hoay suốt hai thập niên, từ Giọt nắng (1992) sang Người cùng thời (NXB Hải Phòng, 1999) đến tận Bầu trời không mái che (2010). Nỗ lực của Mai Văn Phấn để bứt phá khỏi cái cũ trở thành một hiện tượng, một hiện tượng thơ nổi tiếng tối nghĩa, khó hiểu, và gây tò mò. Không ít người yêu thơ đã tìm đến rồi bỏ đi. Người nhiệt tình hơn lo thử “độ” chìa khóa cho mình. Thường thì các chìa này không khớp. Họ dòm vào khe cửa thấy vài đốm sáng, nghĩ rằng mình đã “hiểu” nó. Có nhà phê bình đến thăm ngôi nhà kia – bắt chước lối nói của Phan Nhiên Hạo – đã “phải mang theo cửa trên lưng”. Họ vài lần đập mạnh vào cánh cửa, rồi lại bỏ đi. Thơ Mai Văn Phấn vẫn cứ tối âm âm u u, với nhiều bộ phận độc giả(1).

 

Ở Sài Gòn thì khác. Cách tân thơ đã thành truyền thống. Thơ tự do, có mấy tên tuổi lẫy lừng: Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên,… Hậu hiện đại sơ kì, Phạm Công Thiện với vô lượng từ xô đẩy nhau vỡ bờ vỡ đê, cuồn cuồn khó hiểu nhưng đẹp và lôi cuốn lạ thường; Bùi Giáng điên chữ, xáo trộn ngôn từ cả Việt lẫn Hán Việt vào bát quái trận đồ chữ liên tu bất tận, đọc chẳng hiểu ông nói mô tê gì cả nhưng vẫn gây hứng thú. Làm thơ bất kể ngôn từ thông tục, thông tục đến thô tục, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Tôn Nhan án ngữ một cõi. Thơ huyền ảo lãng đãng sương khói, Phạm Thiên Thư đã lừng lững. Thơ Thiền, thơ siêu thực, thơ hiện sinh, thơ điên, ca từ nhạc sến, nhạc vàng, vọng cổ… Nghĩa là họ tự do và thoái mái thể nghiệm bất kì loại thơ nào mà họ thích. Quan trọng không kém là các bộ phận công chúng văn học khác nhau chấp nhận chúng là các sáng tạo nghệ thuật.

Thế nhưng sau 1975, cả khu vực rộng lớn này hầu như mất trắng thơ. Mãi khi Nguyễn Quốc Chánh cho ra mắt tập Đêm mặt trời mọc (NXB Trẻ, 1990), không khí thơ Sài Gòn mới sống động trở lại. Lối quan sát thông minh, giọng thơ gân guốc đến cực đoạn của nhà thơ này đã đẩy thơ đến đầu mút bên kia tinh thần phản kháng. Rồi qua tuyên bố in ở phần đầu tập thơ Của căn cước ẩn dụ (2001) in photocopy, Nguyễn Quốc Chánh chính thức mở ra một phong trào in ấn và phát hành mới, dọn đường cho bộ phận nhà thơ chọn thái độ đứng ngoài lề sinh hoạt văn học chính thống.

Trần Tiến Dũng điềm tĩnh hơn. Nếu Khối động (NXB Trẻ, 1997) và Hiện (NXB Thanh niên, 2000) còn ít nhiều mang dấu vết của thơ miền Nam cũ, thì đến Bầu trời lông gà lông vịt (2003), Hai đóa hoa trên trán cho công dân hạng hai (2004) và tập mới nhất: Mây bay là bay rồi (2010), anh chuyển hẳn sang chân trời mĩ học hậu hiện đại. Ở đó, hiện thực xã hội được thể hiện nhiều chiều, đa tầng vừa đau đớn, sâu cay nhưng vẫn đẫm tình. Sự phát triển trì trì của phong cách và tinh thần thơ của Trần Tiến Dũng là một hiện tượng hiếm hoi.

 

Có thể khẳng định rằng, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quốc Chánh và Trần Tiến Dũng là bốn khuôn mặt quan trọng nhất của thơ Việt Nam thời Đổi mới(2).

 

Môi trường nào, thơ ca nấy.

Môi trường xã hội và văn học miền Bắc – ngoài các sáng tác phi chính thống – trong thời gian dài, việc làm thơ và thưởng thức thơ không chỉ bị bó hẹp bởi khuôn phép hệ mĩ học hiện thực xã hội chủ nghĩa mà còn bị quy định bởi chính quan niệm mang tính phổ quát của đại bộ phận người làm thơ và người đọc thơ. Thơ là thơ ca, nó đòi hỏi sự trau chuốt kĩ lưỡng ở ngôn từ, chặt chẽ của tứ thơ, ý thơ hướng “thượng”, thi ảnh chọn lọc, giọng điệu phải nên thơ… để mọi người chấp nhận kêu nó là thơ.

Hậu Đổi mới, thơ miền Bắc có nhiều nỗ lực cách tân: – các cách tân đầy do dự, ngập ngừng trong chân trời quan niệm ấy. Ngược lại, thơ Sài Gòn đã có những biến động lớn, qua sự xuất hiện của văn chương mạng và phong trào in photocopy, thơ tân hình thức với thơ hậu hiện đại, Nhóm Mở Miệng và Ngựa Trời(3),… Tất cả mở ra trào lưu sáng tác sôi động vô tiền [khoáng hậu].

 

Xin lưu ý, tôi không cho rằng đó là những giá trị.

Trào lưu, chủ nghĩa hay nhóm thơ các loại không là gì cả, nếu chúng không làm nên giá trị, – nhiều người nghĩ thế. Thế nhưng, cho dù không làm nên thành tựu, chính sự có mặt của chúng khả năng khuấy động đời sống văn học, sẵn sàng cho một nền văn học đầy ý thức phiêu lưu khai phá và sáng tạo.

 

2. Hai đầu đất nước như vậy, miền Trung và Tây Nguyên thì sao?

Mười năm đầu thiên niên kỉ mới, ta có thể điểm danh: Lê Vĩnh Tài, Trần Tuấn, Đinh Thị Như Thúy, Phạm Nguyên Tường, Lê Huỳnh Lâm, Hạ Nguyên, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Ngô Nhân Đức, Liêu Thái, Lê Hưng Tiến, Lam Hạnh, Tuệ Nguyên, Đoàn Minh Châu, Lưu Mêlan. Ở đây tôi chỉ đề cập đến các nhà thơ sống bám trụ tại miền Trung và Tây Nguyên, mà không bao gồm dân “bản địa” đã nhập cư các trung tâm văn hóa lớn. Và nhấn vào sự chuyển động, chứ không là “thành tựu”.

 

Lê Vĩnh Tài (sinh 1966, Ban Mê Thuột) từ Hoài niệm chiều mưa (NXB Thanh niên, 1991) cho tận Và nỗi nhớ đã bắt đầu với gió (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2004) vẫn làm loài thơ sến, một thứ thơ rơi rớt lại từ thuở lãng mạn hậu thời. May, thơ anh đã tự thức, khi nhìn vào tận cùng hiện trạng xã hội và hiện thực đất nước. Hiện thực lồ lộ trước mặt và xung quanh:

rừng thành chật chội bước chân của người…

rừng bỏ chúng ta đi…

nỗi buồn tro than nỗi buồn của lửa

nỗi buồn di dân chật cả giấc mơ

(Vỡ ra mưa ấm, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2005)

Khi thơ “không còn đòi nói dối/ không còn nói câu này quên mất câu kia/ không còn những lời hứa nước bọt”, nhà thơ “bắt đầu tập nói”, tập nói lại.

tại sao không liên tưởng

hạnh phúc dửng dưng nỗi đau phá

giá oằn vai người nuôi cá basa

mắt người nuôi gà

nỗi kinh hoàng hố chôn dịch cúm

dường như chiều nay

chúng ta quên mất cuộc đời nhiều cánh cửa

cùng đóng lại ước mơ

với một ly cà phê Highland bốn mươi ngàn

khuyến mãi máy lạnh

quên mất ở Tây Nguyên bảy năm rồi cà phê bốn ngàn một ký

khuyến mãi mồ hôi

(Đêm và những khúc rời của Vũ, NXB Hội Nhà văn, 2008)

Vậy, đâu là trách nhiệm công dân của nhà thơ? Đâu là sứ mệnh của thi ca? Khi câu thơ không biết sợ, đúng hơn – đã hết biết sợ, thơ buộc phải quay lại tự hỏi mình. Không có nhà thơ nào của ngày hôm nay truy vấn thơ quyết liệt và ráo riết như Lê Vĩnh Tài. Quyết liệt, nhưng không đóng thùng trịnh trọng, mà theo đúng phong thái hậu hiện đại: phong cách phi nghiêm cẩn. Anh đùa nghịch thơ mình, và thơ của người cùng thời. Từ thơ cụ thể, thơ trình diễn, thơ hậu hiện đại, thơ siêu hình, thơ tục cho đến thơ biết sợ, thơ vô sinh, thơ dựa hơi, thơ chạy sô, thơ tắc tị, thơ hú họa, thơ hưu trí, thơ thương nhớ lũy tre làng. Bỡn cợt cả mấy nỗi phê bình: phê bình tung hô, phê bình quan phương, phê bình du kích hay chỉ điểm, phê bình vuốt đuôi hay mạt sát thơ,… Bắt đầu bằng “có một bài thơ…”, sự bỡn cợt đi suốt 50 thơ hỏi thơ, như thể cuộc ma-ra-tông tự thức, ít nhiều chua chát nhưng không thiếu tinh nghịch.

thơ cũng leo lên sân khấu  => xé giấy & trình diễn

ảo giác, nhảy múa, mở nhạc… và lên cơn đấm luôn vào mặt bạn (diễn)

và lần này thơ khóc hu hu

sau đó hắn hiền, nghe nói bài thơ đang đi tu

(“Thơ 3”, Thơ hỏi thơ, NXB Thanh niên, 2008)

Trong khi ấy, ở nơi xa kia:

Bài thơ nghe kể:

“người nông dân 1: cống hiến nhiều nhất

người nông dân 2: hy sinh lớn nhất

người nông dân 3: hưởng thụ ít nhất

người nông dân 4: được giúp đỡ ít nhất

người nông dân 5: đè nén thảm nhất

người nông dân 6: bị tước đoạt nặng nề nhất

người nông dân 7: cam chịu lâu nhất

người nông dân 8, (đến đây bài thơ mệt quá, xin thôi nghe nhưng không được): là người tha thứ cao cả nhất…”

nghe xong bài thơ càng stress thêm. Vì thế sau đó bài thơ cũng ít về làng chơi, mỗi lần muốn xả stress bài thơ đi mát xa đâu đó ở gần nhà, xong xoa tí dầu Con Ó xanh rồi về với vợ

(“Thơ 32”, Thơ hỏi thơ, NXB Thanh niên, 2008))

Cảm thức hậu hiện đại hối thúc Lê Vĩnh Tài từ bỏ lối mòn cũ, lên đường truy tìm cách thể hiện mới, khác. Từ thơ kể cho đến thơ mục lục, thơ nhại hay thơ hỏi, thơ xóa nhòa lằn ranh phân cách văn xuôi và thơ… để tạo nên một hiệu quả thơ đặc biệt(4).

 

*

Cùng thời và đồng hương, Đinh Thị Như Thúy (sinh 1965, Dak Lak) có cách thể hiện khác.

Câu thơ hay đoạn thơ được cấu trúc theo lối mở để hình ảnh sau vịn vai hình ảnh trước đó tạo thành một chuyển động liên hoàn và hỗ tương, tưởng như không ăn nhập gì nhau nhưng vẫn làm nên sự cố kết vừa chặt vừa trương nở.

Hoặc bài thơ mà những hình ảnh, ý tưởng không liên quan được bện bằng thủ pháp điệp. Điệp từ, điệp cụm từ; điệp liền, điệp cách dòng, cả điệp trong một câu… Thơ ca dân gian chủ yếu được tiếp nhận qua truyền khẩu, nên để dễ thuộc lòng, ngôn từ phải giản đơn dễ hiểu, nhịp thơ đều đặn dễ ngấm, và… điệp. Thơ Như Thúy thuộc dạng hiện đại, nhưng vẫn cứ điệp.

đã quá lâu rồi

chúng ta không làm sao chạm được chân vào mặt đất

không làm sao thoát được cảm giác bị treo lơ lửng trong không trung

không làm sao có nổi nụ cười

không làm sao tránh được ý nghĩ ta chẳng thể mang đến dù bất cứ điều gì cho những người thân quanh ta

 

đã quá lâu rồi

chúng ta không làm sao chạm được tay mình vào tay những người mình yêu dấu

 

đã có sai lầm ở đâu đó trong chuỗi thời gian chúng ta sống

đã có điều gì đó không kịp thời

đã có cái gì đó chắn ngang đường

(“Đã có sai lầm ở đâu đó”, Phía bên kia cây cầu, 2007)

Rất nhiều bài có lối cấu trúc như thế. Quá nhiều nữa là đằng khác. Từ Phía bên kia cây cầu (NXB Phụ Nữ, 2007) cho đến Ngày linh hương nở sáng (NXB Hội Nhà văn, 2011). Thơ Như Thúy vừa hiện đại vừa dân tộc là vậy. Chính nó tạo cảm giác giọng thơ thi sĩ này đều đều và từ từ, ít nhiều gây nhàm chán.

Nhàm chán, mà người đọc vẫn cứ muốn ở lại với nó, không dứt ra được. Bởi ta nghe thấy ở đó tiếng nói sâu thẳm, một ước vọng mơ hồ rất gần gũi đang nói trong ta: Chạm mặt cuộc sinh hoạt thường nhật với nỗi mơ mộng lang thang qua miền xứ khác; trách nhiệm, bổn phận với tự do; xử với xuất; trì níu với giải thoát. Ta bị ma sát giữa thực và ảo, cuộc thơ và cõi người. Thơ Như Thúy như cuộc hành trình dài đi vào nội tâm để mở cuộc độc thoại với nỗi cô đơn thân phận. Thân phận của tôi và chúng tôi. Nhiều lần đại từ nhân xưng “tôi” có mặt ở đầu bài thơ:

Tôi mơ cánh tay anh duỗi dài trên cát…

Tôi đã đứng sững cái nhìn trong khoảnh khắc đó…

tôi đã ước mình chuyển động như cát…

Tôi đã cắt mái tóc của mình…

Cả khi “tôi” vắng mặt, nó vẫn cứ như lẩn quất đâu đó. Có khi nó biến thái thành đại từ nhân xưng số nhiều – “chúng ta”:

đã quá lâu rồi/ chúng ta

Không để tâm đến những lộ liễu phô bày/ Chúng ta

chúng ta đã bên nhau quá lâu

Chữ đầu tiên mở một bài thơ khả năng làm lộ bày tinh thần của người viết. Nếu chữ đó thường xuyên lặp lại thì đó là một ám ảnh. Ám ảnh làm nên nhịp điệu nội tại của cả tập thơ. “Tôi”, “chúng ta” – khi giáp mặt với mấy đau khổ của nỗi người, tiếp xúc với bấp bênh của tạo vật, đối thoại với người bạn đã mất. Nhất là “tôi”, “chúng ta” khi độc thoại nội tâm. Lời độc thoại từ tâm hồn người thơ thầm thì dội sang tâm hồn ta, mong tìm hồi đáp cho một nỗ lực hòa giải cuộc tranh chấp nhị nguyên gần như bất khả hóa giải. Là vấn đề muôn thuở của con người.

Nhưng thơ Đinh Thị Như Như Thúy không thuần hướng nội, bởi khi cần thiết, nó vẫn biết gióng lên tiếng chuông báo động về biến cố của cõi người, mãnh liệt không kém:

tin tức trong ngày tiền phong online tuổi trẻ online thanh niên online vtv1 vtv3 bản tin sáng bản tin trưa bản tin tối bản tin cuối ngày bản tin vừa mới cập nhật không có gì không có gì…

sao lại không có gì không có gì không có gì

sao lại không có gì không có gì không có gì

(Đinh Thị Như Thúy, Ngày linh hương nở sáng, 2011)

Trong xô bồ và hối hả của cuộc sống và cuộc thơ hôm nay, Đinh Thị Như Thúy chọn cho mình nhịp chậm. Nhịp chậm ấy khả năng giữ thăng bằng tinh thần con người hôm nay. Đây là điều hiếm trong thơ nữ Việt Nam đương đại(5).

 

Nếu Đinh Thị Như Thúy không ồn ào, ở dưới kia – Đà Nẵng, Đoàn Minh Châu (sinh 1984, Quảng Nam) càng lặng lẽ hơn. Gần như đó là thái độ lạc nhịp với thế hệ @. Không trả lời phỏng vấn, không chường mặt trên báo chí, trình [biểu] diễn thơ càng không. Tập thơ đầu tay M – N & Z do Minh Châu xuất bản, 2008 in photocopy, là một điều lạ. Lạ, bởi nhà thơ này quyết định chọn cư trú ngoài lề, khi lần đầu ra mắt thi đàn. Lạ hơn, tập thơ đã khẳng định được một giọng điệu riêng biệt.

M – N & Z là tập thơ tình, là thứ rất dễ nhảm và sáo, nếu người viết không cao tay, nhưng Đoàn Minh Châu đã không đi lại lối mòn đó. Nhà thơ đắm mình vào cuộc tình, tận hưởng mọị cung bậc của tình yêu, chịu đựng và chiêm nghiệm nó để cuối cùng – thoát ra khỏi nó.

Khác với rất nhiều nhà thơ nữ trước đó, Đoàn Minh Châu không háo ức với vồ vập, hết nỗi thèm khát mê cuồng hay táo bạo đầy cố ý – như Vi Thùy Linh, không giải giới tính sắc sảo, độc đáo như Lê Thị Thấm Vân, không tinh nghịch thông minh như Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Dù vẫn đa trạng huống và trạng thái với mấy đam mê cố hữu: siết chặt ngực, hôn cong vòng ôm khít eo lưng, siết anh nghiến anh bằng mưa lây rây… nhưng thơ vẫn tạo cảm giác luôn hiện thể ở thế tĩnh, thế chông chênh, hụt hẫng. Rất rõ về nỗi “lưu manh tình” đến lắm lúc muốn chối bỏ, thơ vẫn cứ trân trọng tình yêu đó, ngoái lại nhìn nó bằng ý thức điềm tĩnh lạ. Khía cạnh này, Đoàn Minh Châu đã đi một bước dài đưa thơ tình giảm bớt bản năng hướng đến suy nghiệm.

… một cái tôi to đùng

tôi đã đem nhét dưới đáy chiếc ba lô cũ màu xám xanh

tách khỏi những gương mặt quen

tôi – người lạ

buổi chiều, café vỉa hè Nguyễn Du

ngồi nghe đường phố thở

 

nghe mình đang thở.

               (“Tôi”)

mai mốt người xa rồi

tôi sẽ đổ tuột thành phố vào dòng sông Hàn nguội ngắt

               (“Thành phố”)

Tôi đã là một tôi khác, hoàn toàn mới. Thơ tôi lần nữa, lại khởi động cuộc chơi mới6).

 

Mới, như Lam Hạnh (sinh 1983, Khánh Hòa) đã một lần mới.

Thơ trẻ [nhất là nữ] lâu nay hay bị than phiền là quá chủ quan, quá hướng về cái tôi cảm tính mà ít mở ra bên ngoài. Lam Hạnh cũng khó thoát khỏi quỹ đạo đó. Ngực cỏ vẫn làm dáng với những “lưỡi bí mật”, “bâng khuâng tiên cảm phồn sinh”, “mùa yêu nồng nàn”, “hoang tưởng đen”, “khát cơn tội lỗi”, “nhiễm độc tinh khiết thơm”, “đường bay vọng động”, “cơn mưa huyễn hoặc”, “khối u mãn tính”,… Nỗi khát yêu và kêu đòi giải phóng tình dục như kiểu này, đa xảy ra mươi năm qua, ở thơ nữ. Đậm đặc nữa là khác. Khác chăng, Lam Hạnh dám cắt đứt hình tượng “ngựa” để quay về với hình ảnh “bò” lạ mà quen(7). Với lối nhìn cận cảnh, khá độc đáo.

… quẳng tất cả lễ nghĩa đúm đùm một gói

bên đường

không cần quá nhiều trí tuệ phẩm chất để yêu và

làm tình

khi âm dương khuấy chung trong cùng một cơn khát

… bình minh trên Mornington dậm dật những đôi chân

(Lam Hạnh, Ngực cỏ, NXB Hội Nhà văn, H., 2008)

Giải phóng hình tượng thơ cũng là một cách giải phóng tính dục, một yếu tố quan trọng của nữ quyền luận(8).

 

*

Ở miền Trung, người đọc cũng có thể bắt gặp các giọng thơ đi theo dòng truyền thống: Phạm Nguyên Tường, Lê Huỳnh Lâm, Hạ Nguyên,… hoặc các cách tân theo hướng Nhân văn – Giai phẩm hay phần nào đó của Nhóm Sáng Tạo cũ: Trần Tuấn, Lê Hưng Tiến,… hoặc nỗ lực tạo lối đi riêng: Huỳnh Lê Nhật Tấn (Menda, 2009), Ngô Nhân Đức.

Liêu Thái (sinh 1976, Quảng Nam) thì khác. Dù chưa định hình giọng thơ, nhưng đây là cây bút chọn hẳn thế đứng ngoại biên, cả trong sống lẫn sáng tác với cảm thức hậu hiện đại rõ nét nhất ở khu vực này.

 

Khác hẳn thế hệ hậu hiện đại Việt Nam: phản ứng và phản kháng, chọn ngoại vi thay vì trung tâm, vỉa hè thay vì chính thống,… ở miền Trung xuất hiện thế hệ thơ mới: Tuệ Nguyên (sinh 1982, Ninh Thuận) và Lưu Mêlan (sinh 1989, Phan Rang – Tháp Chàm) là một. Họ bất chấp tất! Thơ ồ ạt và cấp tập có mặt hầu như mỗi ngày trên mạng toàn cầu, in photocopy và in giấy mỗi năm, vô phân biệt. Sáng tác thơ gần như bất cần lề luật, thậm chí – bất cần kĩ thuật. Thơ tuôn tràn tự nhiên như nói, như thở, như ăn, uống, làm tình. Vậy thôi. Không có gì trầm trọng cả.

Tuệ Nguyên in photocopy Khúc tấu rối bù năm 2007, tập thơ riêng 7749 và tập thơ in chung Ch[tr]ào & Những vết bẩn ra mắt năm sau đó. Những giấc mơ đa chiều vừa cho ấn hành ở nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2009, thì ngay năm 2011 lại in photocopy tập Mi & Ngôn lời.

Bừa bộn cái tôi, bề bộn chữ nghĩa:

Tôi ít khi quan tâm đến tuổi tác theo thủ tục hành chính

vì lẽ tôi không đếm ngày sống của mình bao giờ

Ngôn lời của tôi là những cảm xúc nung sôi

có khối óc làm chất xúc tác

Và trái tim làm chất dính

(“Về tôi “, Những giấc mơ đa chiều)

Những hỗn mang, hỗn độn, hoang tàn, đen tối, tối ẩm, nhơ nhám, mất trật tự, lang thang vô hồn,… trở đi trở lại suốt hành trình thơ của cây bút trẻ này. Chúng khiến sự mất trật tự càng mất trật tự hỗn độn hơn. Thơ Tuệ Nguyên, qua đó càng phát triển vô trật tự hơn nữa.

Trong một xã hội nông thôn Chăm bề ngoài tưởng yên tĩnh và cố kết đó, ở bề sâu và mặt sau chất chứa bao nhiêu âm thanh và cuồng nộ, đầy biến động, chực đổ vỡ để phải chịu nhận nhiều mất mát sắp tới. Sự bừa bộn trong câu chữ của thơ Tuệ Nguyên rất thích hợp để diễn đạt nó. Không có bảng chỉ dẫn, cũng không cần thứ bảng chỉ dẫn kia, ở đó.

Thơ chàng trai Chăm này phát lộ thoải mái, tự do. Tự do đến tùy tiện.

Ngôn ngữ thô ráp, sần sùi, trần trụi. Thi ảnh thực của một thế giới thực được phô diễn vô trật tự. Nhịp thơ thiếu nhất quán. Thiếu nhất quán không khác gì đời sống tinh thần thế hệ trẻ Chăm hôm nay. Nhưng chính hơi thơ của Tuệ Nguyên đã giữ lại tất cả. Nó tạo một sợi chỉ xuyên suốt, xâu mọi hỗn loạn và bừa bộn kia vào một chuỗi để làm nên giọng điệu thơ Tuệ Nguyên riêng biệt, không thể lẫn(9).

 

Lưu Mêlan người thơ trẻ sinh ở đất nắng Phan Rang này viết như nhập đồng, vừa phơi bày hết cỡ tâm trạng và tâm tưởng cá thể mình vừa phản ứng nhanh nhạy trước mọi hiện tượng nhỏ nhặt của đời sống thường nhật xung quanh. Lưu Mêlan có mặt gần như mỗi ngày, từ Tienve.org sang Damau.org đến tận Vanchuongviet. 50 bài, 100 rồi 200, 300 bài thơ tuôn ra không biết đâu là điểm dừng. Ưu tư siêu hình va chạm với hiện thực trần trụi của xã hội Việt Nam đương thời nung chảy trong tâm hồn thơ thế hệ hậu @ làm bật lên tiếng kêu thét, rú, gào đau khổ, mất niềm tin, tuyệt vọng và đầy sự tự hủy.

Mất rồi sông ơi!

Ta không còn ngây thơ nữa

Ta không chỉ biết cười, đùa nghịch nhớ mi

Ta không còn nhỏ để mi nâng lên cánh sóng

Con đường nhỏ, mi nhỏ, tỉnh nhỏ

Ta ra khơi

Ta nghe mi chết trong lòng

Ta nghe mi trăn trối

Ta nghe mi tắt thở những con thuyền

Đàn cá nhỏ hết rỉa chân mùa tắm

Ta đi

Ta

Đi

(“Sông Ding”)

 

Tôi viết những câu thơ chẳng là gì

Chỉ nhớ ánh sáng lóe lên

Rồi phụt viết

Gì cũng muốn viết

Cũng

Không…

(“Vt3”)(10)

 

3. Thời đại khác, quan điểm thơ cũng khác. Các nhà thơ đương đại không viết khi đã xác định con đường, hay nói theo giọng thời thượng – khi đã “tìm thấy mình”, mà vừa viết vừa tự khám phá chính mình. Khám phá mình ngay trong hành động viết và qua quá trình viết. Chuyển động và thay đổi. Lập thân tối hạ thị văn chương, họ hiểu câu này theo nghĩa hoàn toàn khác. Họ không dùng văn chương để tiến thân, để kiếm ghế hoặc để xác định vị thế trong con mắt thiên hạ hay để lưu danh thiên cổ. Có ai nhận thấy Lê Vĩnh Tài, Tuệ Nguyên hay Lưu Mêlan vụ lợi – dù trong bất cứ nghĩa nào – qua và bằng thơ họ không?

Họ viết – thế thôi. Liên tục chuyển động và thay đổi. Không nhiều nhà phê bình nhận ra điều đó. Rất ít nhà phê bình theo kịp sự chuyển động đó. Không theo kịp, nhà phê bình mãi ở lại căn chòi mĩ học cũ để nhìn về thơ đương đại, nhận định và phán xét nó.

Thương thay!

 

Sài Gòn, 13-9-2011

_______

 

Chú thích

(1) Xem thêm: Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công (Đình Kính tuyển chọn), NXB Hội Nhà văn, H., 2011; Inrasara, “Mai Văn Phấn, Ra đi sau tiếng kẹt cửa”, Tienve.org, 25-4-2004; Inrasara, “Thơ Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn, từ một hướng nhìn động”, Sđd, tr. 234-248.

(2) Ở đây, tôi tạm không lặp lại thành tựu của thế hệ thơ thời Đổi mới. Xin xem: Inrasara, “Thơ đổi mới, hành trình ‘chuyển một hướng say'”, tạp chí Hợp Lưu, số 113, 2011.

(3) Đặt hai “nhóm” thơ này cạnh nhau chỉ là một cách gọi cho tiện. Bởi xét ở nhiều góc độ, Ngựa Trời chưa hình thành nhóm văn chương đúng nghĩa. Khác với Nhóm Mở Miệng, “nhóm” Ngựa Trời không có “hệ mĩ học” sáng tác để theo đuổi, không cố kết lâu dài (chỉ in một tập thơ Dự báo phi thời tiết rồi tắt), lập ra diễn đàn như nhà xuất bản Giấy Vụn của Mở Miệng càng không. Đó là chưa nói đến tác động đến tiến trình thơ ca Việt Nam đương thời.

(4) Xem thêm: Inrasara, “Lê Vĩnh Tài, Đi tìm huyền thoại mới cho Tây Nguyên”, báo Văn nghệ trẻ, 4-2006; “Giáp mặt đêm, Lê Vĩnh Tài lần nữa, tập nói”, Tienve.org, 19-1-2009.

(5) Xem thêm: Inrasara, “Đinh Thị Như Thúy giữa hai lực nhị nguyên”, tạp chí Chư Yang Sin, số 208, 12-2009; Nguyễn Quang Thiều, “Trong khu vườn của người đàn bà tên Thúy”, Nhavantphcm.com.vn, 14-8-2011; Khổng Đức, “Đinh Thị Như Thúy – Ngày linh hương nở sáng”, Vanchuongviet.org, 9-9-2011.

(6) Xem thêm: Nguyễn Tiến Văn, “Về tập thơ M – N & Z của Đoàn Minh Châu”, Damau.org, 2-2-2009; Inrasara, ”Đoàn Minh Châu, sau chiêm nghiệm nỗi buồn”, Inrasara.com, 8-2009.

(7) Inrasara, “Thơ trẻ và hiện tượng lặp lại mình”, báo Quân đội nhân dân, 1-3-2007; Vanchuongviet.org, 28-1-2008.

(8) Xem thêm: Inrasara, “Thử nhận diện Lam Hạnh”, Damau.org, 23-6-2008.

(9) Xem thêm: Inrasara, “Tuệ Nguyên, bừa bộn cái tôi – bề bộn chữ nghĩa”, Inrasara.com, 9-2009.

(10) Xem thêm: Inrasara, “Lưu Mêlan, hơi thơ đến từ miền lạ”, Inrasara.com, 9-2009.

 

______

 

Tường thuật Hội thảo, xem các diễn biến tại đây:

Khai mạc Hội thảo: http://vanvn.net/news/1/1043-khai-mac-hoi-thao–tho-viet-nam-hien-dai-nhin-tu-mien-trung.html

Gặp gỡ giao lưu: http://vanvn.net/news/33/1045-gap-go-giao-luu-tho-tai-truong-dai-hoc-hong-duc.html

Tổng kết: http://vanvn.net/news/1/1046-hoi-thao-tho-viet-nam-hien-dai-nhin-tu-mien-trung—ung-khau-tai-hoi-truong-va-be-mac.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *