Chay Mala: Phản hồi ngụ ngôn mùa Katê

hay Hệ quả của tâm thần bấn loạn toàn Chăm

 

Đang mùa Katê – ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, xã hội Chăm đảo lộn toàn diện -, thì Chay Mala tôi không việc làm tạo cớ cho con mụ vợ suốt ngày cằn nhằn, nên đã phải chạy thoát thân qua Đồng Xoài nằm “ăn mì tôm”, mới bức xúc làm một hơi mấy cái ngụ ngôn, mục đích không gì hơn là vỗ về tâm thần được nguôi ngoai chút đỉnh.

Dù sao ngụ ngôn cũng để lại vài hệ quả tích cực. Hóng hớt mấy nguồn tin đáng tin cậy, qua Inrasara.com và dư luận ngoài lề – Chay Mala tôi tạm sơ kết như sau:

 

1. Sau biến cố tày rế, một luồng dư luận đồn đoán là khóa “Tiếng Chăm cao cấp” của Ngài Giáo Sư Khả Kính đóng cửa cái rụp. Nhưng đời đâu dễ xơi thế! Dẫu sao từ đó trở đi, không ai còn nghe thấy câu kinh được tụng lên mỗi bữa rằng: học sinh Chăm học chữ Chăm của Ban Biên soạn sách chữ Chăm mất 5 năm mà không đọc được chữ Chăm truyền thống, nữa.

Ơn phái đoàn Nhật là thế!

 

2. Còn đạo sĩ trẻ Tà-ka-yi sau khi bị thằng nhãi mất dạy chơi khăm, ức lắm, suốt 19 ngày đêm liền không ăn không uống đi đi lại lại quanh cái am tối âm âm u u. Thằng lày con ai mà náo thế…. Thằng lày con ai mà náo thế… Thét rồi, chính lẩm nhẩm mãi câu thần chú đó mà đạo sĩ nhà ta đã tiệm ngộ, từ đó màu khiêm tốn dần dần hiện lên trên nét mặt khổ hạnh từ ngày mẹ cho ra đời ở xóm Gọ.

 

3.: Về trọng tội khoe khoang, việc Tòa phán nhà văn Ít-na-xa vô tội, thì làng trên xóm dưới đều biết. Còn nó có giúp cho người ngoài biết đến dân tộc Chăm nhiều hơn hay không thì còn chờ điều tra. Mà tòa chung thẩm thì tồn đọng khối vụ, nên chắc đến tết Ma-rốc mới mong có kết quả.

Vậy là nhà văn này cứ viết sách, vẫn tiếp tục trả lời phỏng vấn hay lên truyền hình diễn… và bà con Chăm cứ vỗ tay mà không còn lo bị ai lôi ra chốn công đường nữa.

 

4. Ca sĩ Chà-ma-lén sau khi bị Chay Mala xoay tít mù u mới vỡ lẽ ra rằng thật ra thì chẳng có chi nghiêm trọng cả. Anh vẫn là nghệ sĩ xịn của dân tộc Chăm, vẫn cứ là Chăm xịn, bà con vẫn yêu quý anh, vẫn gọi anh một cách thân mật là Chà-ma-lén.

Thế chứ!

 

5. Riêng chuyện Taramys bị Ông Lớn nuôi ăn riết rồi thành nói tiếng chó, thì với tài năng và đức độ của Thầy tu trải qua mấy kiếp ăn chay niệm Phật, thêm “thiên tài” của Taramys hỗ trợ giúp sức, thế nào anh cũng trở lại nói tiếng của con người.

Người Chăm đã tin gì thì đố mà trật.

 

6. Kẹt nhứt là đối thoại nghe lén được dưới gầm Chợ Cầu Muối.

Phân biệt đối xử nhau như thế phải nói là… ghi-nét! Qua đấu tranh tư tưởng giáp la cà, rốt cùng từ ca sĩ Tà-ma-lén có vợ Kinh cho đến ông đốc Đát-mơ vợ Tây đẻ con Tây hay ngài dân biểu Ma-nờ-chù làm việc cho chính quyền Việt Nam, đều được bà con chuẩn y đóng dâu xác nhận dân tộc Chăm. Không ai có thể nhân danh cái gì đó để đuổi họ ra khỏi cộng đồng được. Kể luôn bác sĩ Cha-mư-lên không dạy con tiếng mẹ đẻ, nhà thơ Ít-na-xa làm thơ tiếng Chăm tiếng Việt hỗn độn, hay nhà nghiên cứu trẻ Tà-ka-yi dùng tiếng Việt viết nghiên cứu văn hóa Chăm, hoặc cái anh Ắp-kà-rem tập tành viết tiếng Kinh sai chánh tả. Tất cả họ là Chăm.

 

Riêng mỗi kẻ có cái giọng vang lên từ dưới gầm Chợ Cầu Muối quyết ăn thua đủ sống với khỉ, thì hơi bị khó. Nhưng bà con chớ cả lo, bởi vì nó chỉ là tiếng vang từ dưới cầu khó phân định trúng trật (có khi chỉ là bóng ma), chớ không phải chốn công đường, chỗ tu hành hay các khóa ở Đại học… đường đường chính chính.

 

*

Tóm lại, tất cả đều nhận được ánh sáng cuối đường hầm cả, đúng ý nguyện Jalo_panrang và đại đa số bà con Chăm mong mỏi.

Cũng xin nói thêm, khi bản sơ kết này xong, Chay Mala vừa đọc được “Ghi chép tháng 9” của nhà văn Inrasara, về sự kết nối giữa cộng đồng Chăm ở Campuchia và ở Việt Nam:

“Hai vùng Chăm cách nhau trên dưới 400 cây số mà như thể nghìn trùng xa cách, là sao? Khi Đông Nam Á đã là một mái nhà chung, ai làm nhịp cầu bắc nối họ với nhau? ai thử đi bước đầu tiên?”.

Inrasara đã đi bước đầu tiên từ năm ngoái, trong năm nay ngó bộ xôm hơn.

Vòng tay người hãy cho để mở chứ không nên nắm chặt hay khép lại. Tinh thần con người thời đại hãy gom vào, chứ không chia cách hay xua đuổi đi.

Heleh!…

Đồng Xoài, 19-10-2011.

 

2 thoughts on “Chay Mala: Phản hồi ngụ ngôn mùa Katê

  1. Chay Mala nhờ BBT đăng:
    Truyện ngụ ngôn là dùng chuyện con vật để nói về con người, dùng chuyện thời xưa để răn người đời nay, hay kể chuyện thật đời nay để khám phá ra cái mà tác giả nghĩ là “chân lí” đời sống.
    Tôi ví dụ:
    – Chữ của BBS là có thật
    – Chuyện có kẻ chống chữ BBS là có thật (tôi biết khoảng 10 người, trong đó có người chống thật, có kẻ chống theo hay có kẻ chống ăn theo). Tôi còn không biết mình ám chỉ ai cơ mà! Nó chỉ ám chỉ chung chung, như bản chất của truyện ngụ ngôn.
    Các chi tiết lớp học, phái đoàn Nhật, điện thoại reo… là tôi tưởng tượng thêm.

    Chân lí khám phá là: có nhiều người “dốt” nhưng vẫn to tiếng chê người khác. Truyện ngụ ngôn này ra đời là dạy họ, còn ai không dốt thì thôi.
    Bản thân tôi biết đọc chữ BBS, đọc được chữ PD, đọc được chữ trong sách Sara, nhưng lại “dốt” chữ “truyền thống” trong chiet sách của chính ông già mình.

    Nói thật lòng, đọc lại truyện này chính tôi còn không nhịn được cười.

    Truyện về con chó và thầy tu, cũng hoàn toàn là tưởng tượng. Nếu người đọc liên hệ với người thật việc thật được thì đó là nó thành công rồi. Chớ tôi không hề ám chỉ ai.

    Chúc các bạn vui vẻ. See U again!

  2. Kết như sau là hay, Chay Mala ơi.

    “Cũng xin nói thêm, khi bản sơ kết này xong, Chay Mala vừa đọc được “Ghi chép tháng 9″ của nhà văn Inrasara, về sự kết nối giữa cộng đồng Chăm ở Campuchia và ở Việt Nam:

    “Hai vùng Chăm cách nhau trên dưới 400 cây số mà như thể nghìn trùng xa cách, là sao? Khi Đông Nam Á đã là một mái nhà chung, ai làm nhịp cầu bắc nối họ với nhau? ai thử đi bước đầu tiên?”.

    Inrasara đã đi bước đầu tiên từ năm ngoái, trong năm nay ngó bộ xôm hơn.

    Vòng tay người hãy cho để mở chứ không nên nắm chặt hay khép lại. Tinh thần con người thời đại hãy gom vào, chứ không chia cách hay xua đuổi đi”.

    Dù sao cũng cảm ơn Chay đã cho bà con tiếng cười đau mà khoái trong tháng Katé này!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *