* Ở thánh đường Islam làng Đa Phước – thị trấn Châu Đốc.
1. Katê tôi không về. Bận bài vở cho các nơi thì có bận, bận giữ nhà cho mẹ con Hani về quê cũng là lí do khá chính đáng, nhưng chủ yếu là không về. Không háo hức về. Như ngày xưa.
Bao giờ cho tới ngày xưa?
Trưa ngày 25-9-2011, Abu dẫn ba chị người Chăm Bàni ở Campuchia ghé nhà tôi ở Tân Phú, Sài Gòn: chị Khotiyah 65 tuổi, chị Phwatimah 53 tuổi và chị May Yum 58 tuổi. Tất cả đều ở Phum Klak. Tay bắt mặt mừng:
– Kaya lo, kaya lo…
Các chị mang theo ahar ginraung ya của Chăm Campuchia, một bình mưthin ritaung (mắm cá lòng tong) và hai thùng rau dại các thứ. Trong đó, quý nhất là nhjơm par.
Thei thuw ka tian kuw ka
Nhjơm par di ia mưng thuw ka tian
Ai thấu cho bụng ta chăng
Rau PAR dưới nước mới hiểu lòng ta.
(Câu ca dao này có vài dị bản)
Ở Pandurangga tồn tại nhiều cách hiểu rau này. Nó quá hiếm, ít ai được dùng. Rồi khi hợp tác hóa nông nghiệp, nhjơm par gần như tuyệt chủng. Ở Campuchia, bà con dùng nó ăn ghém… mỗi bữa. Thời Pôn Pôt khủng bố, người Chăm phải trốn vào rừng bẻ rau PAR ăn qua ngày. Và đó là loại rau chủ lực – không sai tí nào cả. Nó còn hiện hữu trong Kadha pađit cơ mà!
Mọi người về quê trong đêm, cùng với đoàn khách Katê. Ờ, thì cho bà con cùng biết Chăm Việt Nam sống thế nào, ăn nói, học tập và nhất là hành lễ ra làm sao. Hai vùng Chăm cách nhau trên dưới 400 cây số mà như thể nghìn trùng xa cách, là sao? Khi Đông Nam Á đã là một mái nhà chung, ai làm nhịp cầu bắc nối họ với nhau? ai thử đi bước đầu tiên?
Non 40 phum Chăm Campuchia là người Chăm Bàni, bà con vẫn còn giữ rất nhiều ciet sách quý! Ai khả năng sưu tầm và đọc?…. Nhiều câu hỏi còn bỏ lứng đang tìm câu trả lời.
– Bạn trẻ ở dưới có ai giơ tay không?
Xe đưa 4 anh chị em cùng Hani về Sài Gòn trong đêm. Nụ cười và nước mắt giã từ, hẹn ngày tái ngộ…
* Cùng nhà văn Dạ Ngận vào Rừng tràm trầm thủy Trà Sư.
2. Đại học An Giang mời nói chuyện về văn chương. Ở Đại học Đồng Tháp mùa Hè vừa qua, anh Hoài Ngọc – Trưởng bộ môn Ngữ văn của trường gặp tôi qua Hội thảo Thơ trong nhà trường, và thích. Anh nói: Phải mời nhà thơ Inrasara qua trường giao lưu mới được.
Thế là mời.
Xe đón nhà văn Dạ Ngân rồi qua rước tôi bon bon trên đường cao tốc thỉnh thoảng xốc hai quý khách lên bằng mấy ổ gà, ổ voi. Cao tốc Việt Nam mà, thế mới đặc trưng.
Buổi chiều trong hội trường nhỏ, Tọa đàm với 50 vị khách là sinh viên tuyển, các cây bút trong tỉnh và giảng viên trong trường. Giảng viên trẻ Trương Chí Hùng điều khiển chương trình Tọa đàm. Tôi nói về “Chăm ở đâu? Chăm mấy loại?” một phần ba thời gian, còn lại là về hậu hiện đại và giải đáp thắc mắc xung quanh đề tài nóng bỏng này. Còn về Chăm, không hứng thú lắm. Rất ít người biết về Chăm, biết thì lại rất sơ lược. Nếu nói, thì phải đi từ đầu. Tối, anh Hoài Ngọc cho biết ở Hà Nội, dân xã Yên Sở – huyện Hoàn Đức có giọng nói khác, là khu vực trồng dừa; ngày xưa có Ngã Tư Sở chuyên bán dừa (Hà Nội còn có Ô Chợ Dừa). Về đề tài Chăm, tôi hẹn mọi người kì sau, nếu có dịp.
Riêng về thơ Việt Nam đương đại và sáng tác hậu hiện đại, hấp dẫn diễn giả và khách thính hơn. Tôi tập trung vào hai chủ đề này. Còn chị Dạ Ngân tâm tình về nghề và mình là chính. Thế mà kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ.
Đau họng kinh khủng.
Tưởng chầu này sẽ toi, tối hết cơ hội giao lưu. Ai dè giọng nhà thơ Inrasara vẫn sang sảng và hoạt đáo để! Mọi người cho là thế, chứ khi nói mình thì đâu còn biết trời trăng gì nữa mà uốn éo với mài cọ. Chị Dạ Ngân vẫn giọng tâm sự chân tình và đầm ấm. Nhận ra hội trường hơi yên ắng, tôi đã vận dụng vài chiêu trong nghề làm nó sôi động lên. Rồi khi thời cơ đến thì… hết giờ.
Dân văn nghệ miền Tây thoáng là cái chắc rồi. Thêm, các tỉnh khác còn có trục trặc trắc trở giữa Đại học và Hội Văn học – Nghệ thuật, chứ An Giang thì không. Anh chị em khá ăn giơ. Nữa, đây là điều tôi mới biết: An Giang là nôi sản sinh rất nhiều nhà văn nổi tiếng toàn miền Nam.
Các sinh viên ở đây dù có người không chuyên, đã đặt câu hỏi rất có nghề. Thế mới vui. Diễn giả cũng không câu nệ hay e dè khi tương tác. MC Anh Thư duyên dáng, Mỹ Hạnh giảng viên mà hát như là ca sĩ chính hiệu, chuyên viên Công Luận với ca khúc “Apsara – Vũ nữ Chàm” rồi cựu sinh viên ngâm bài “Tháp nắng” nữa… Thế thôi, cũng đủ làm cho buổi Giao lưu thành công tốt đẹp… thật.
Khoái! Lây từ không khí hội trường, nên khi MC yêu cầu, tôi đã nổi hứng đọc bài “Tạ ơn”, – là điều hiếm, bởi tôi ít khi tôi đọc thơ mình trước công chúng. Thế mà cũng được vỗ tay rào rào.
3. Sáng 6-10-2011, qua thăm Hội Văn học – Nghệ thuật An Giang, nơi đã hội đầy đủ anh tài: Lê Thanh My – Đông Triều – Nguyễn Đức Phú Thọ – Mai Bửu Minh – Long Hồ – Trần Mỹ Hiền – Võ Diệu Thanh – Hồ Thanh Điền – Nguyễn Lập Em… và cả nhà thơ Hữu Nhân từ Đồng Tháp qua nữa.
Sáng ngày 7-10, xe đưa đoàn đi qua làng Đa Phước thị trấn Châu Đốc thăm bà con và tham quan palei Chăm. Xe lên Núi Sam, sau đó qua Rừng tràm Trà Sư. Cây tràm là loại trầm thủy, 845 ha rừng với mênh mông nước sâu lút đầu người lớn. Đi với Tân Trưởng Bộ môn Trần Tùng Chinh thì càng thêm thú. Xe đưa khách lạ men bờ lũ mênh mông suốt 40 cây số dọc Kênh Lộ Tẻ. Con người và nhà cửa bé nhỏ chao đảo trước thiên nhiên dữ dội. Có đi qua nơi này mới hiểu bà con sống chung với lũ thế nào theo nghĩa đen của từ. Không thì chúng ta cứ nằm mơ và… nói bậy. Như cái tít “Lũ đẹp” của bài báo kia đã làm cho không ít người dân ở đây nổi khùng.
Trưa về ghé qua nhà Phong ở thị trấn Chi Lăng cơm trưa và nghỉ.
Tối, các bạn văn trẻ tranh thủ hẹn gặp riêng ông Sara bàn chuyện văn học tiếp.
Lúc này cổ họng tôi nát như giã. Nó vẫn hành hạ tôi suốt, dù tôi cố làm mấy hớp mật ong tậu được ở Rừng tràm mà các bạn đùa tôi suốt dọc đường về buổi chiều hôm ấy. Nhưng kệ, khi vào cuộc văn học thì tôi chả ngán.
[Các trao đổi này sẽ làm thành “Đối thoại văn học”, đăng ở web này một ngày gần đây]
* Jaka và Yatrang tại Hội thảo công nghệ thông tin về chữ Thái, chữ Chăm tại Huế, 12-15.10.2011.
Sáng 8-10, xe đưa tôi và chị Dạ Ngân về Sài Gòn theo ngả Cần Thơ.
Về đến nhà, tôi tịnh khẩu.
Bỏ cuộc Hội thảo thơ miền Trung ở Thanh Hóa.
Bỏ luôn Hội thảo chữ Chăm trên mạng Internet mà tôi là kẻ trong cuộc ở Huế.
Phân công Jaka và Yatrang cùng đi.
Sài Gòn, 16-10-2011