Sinh viên Đại học An Giang giao lưu với nhà thơ Inrasara và nhà văn Dạ Ngân

e-News – Trang báo Sinh viên Đại học An Giang, 8-10-2011

Ngày 06/10 vừa qua, các giảng viên bộ môn Ngữ văn – khoa Sư phạm trường Đại học An Giang cùng các “cây bút” sáng tác trẻ trong Tỉnh, sinh viên yêu văn thơ đã có buổi giao lưu tọa đàm với nhà thơ Inrasara và nhà văn Dạ Ngân.

Đến tham dự với buổi tọa đàm vào chiều ngày 6/10 còn có nhà thơ Lê Thanh My – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, Tổng  Biên tập Tạp chí Thất Sơn, nhà thơ Hữu Nhân – Phân Hội trưởng Phân Hội Văn học Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Đồng Tháp.

Tại buổi tọa đàm, các giảng viên và sinh viên được nhà thơ Inrasara dành nhiều thời gian chia sẻ về văn hóa Chăm (những nét đặc trưng về lễ hội, ngôn ngữ, âm nhạc, văn học, sử sách…) và được giải đáp thỏa đáng các vấn đề của văn xuôi hiện đại, Chủ nghĩa hậu hiện đại và phê bình lý luận văn học.

* Nhà thơ Inrasara thường mang sự dí dỏm, cởi mở của mình vào trong những câu trả lời.

Chia sẻ quan niệm “chỉ viết những điều tự nhiên, phổ quát và nhân văn sau bao nhiêu năm sáng tác”, nhà văn Dạ Ngân đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm thấu đáo trong sáng tác của giới trẻ ngày nay. Năm 14 tuổi, nhà văn Dạ Ngân đã tham gia hoạt động cách mạng, nhờ đọc sách và nuôi dưỡng nguồn cảm xúc trong mọi hoàn cảnh mà cô có được tên tuổi như ngày nay. Kể lại kỷ niệm của ngày đầu tiên cô đặt bút sáng tác tác phẩm đầu tay (trong khi đang đưa võng cho con ngủ) và niềm vui “thanh tân” trong ngày đi chợ Tết bắt gặp tác phẩm ấy được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ, niềm hạnh phúc lúc bấy giờ lớn lao, đẹp như tình yêu…

* Nhà văn Dạ Ngân đầm thắm và chân tình đầy chất Nam Bộ.

Nhiều năm liền là Trưởng ban Văn xuôi tờ báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhân dịp này, nhà văn Dạ Ngân điểm lại và đánh giá các cây bút đã làm nên diện mạo văn xuôi nước nhà. Song song đó, nhà văn giới thiệu về hoàn cảnh sáng tác, các yếu tố trong “những đứa con tinh thần” của mình. Tâm sự “nỗi trần ai” của một nhà văn nữ và những thăng trầm trong sáng tác, nhà văn đúc kết “Hãy viết, sáng tác đừng quan trọng việc được đăng khi nào và được đăng ở đâu”.

* Hội trường luôn sôi động tiếng vỗ tay và nụ cười tươi trẻ.

Là một trong những người tiên phong cất công nghiên cứu về Chủ nghĩa hậu hiện đại, mãi đến năm 40 tuổi nhà thơ – nhà phê bình lý luận Inrasara cho ra mắt 10 quyển sách là những công trình nghiên cứu giá trị và hàng loạt tác phẩm. Những vấn đề về quan điểm, cảm thức, các thủ pháp mới và những cây bút “sáng giá” với những tác phẩm tạo được dấu ấn cho Chủ nghĩa Hậu hiện đại được ông đề cập đến rất chi tiết, dẫn chứng cụ thể. Đặc biệt, ông còn trao đổi thêm các vấn đề về phê bình lý luận và lối phê bình của ông.

* MC Anh Thư duyên dáng.

Nhiều bạn trẻ thích thú với những gì mình đã được nghe, trao đổi và học hỏi qua buổi tọa đàm. Nhiều vấn đề về Chủ nghĩa Hậu hiện đại trước nay có thể các bạn trẻ hiểu một cách “mù mờ”, sơ sài thì qua buổi giao lưu phần nào đã được gợi mở, nắm bắt chính xác hơn. Từ đó khơi gợi sự tìm tòi, khám phá về văn thơ hậu hiện đại, bổ sung cho vốn tri thức văn chương những hiểu biết sâu rộng.

 

* Giảng viên Mỹ Hạnh với trang phục và giọng hát rất… Chăm.

Buổi tối cùng ngày là đêm giao lưu mở rộng giữa hai diễn giả và các bạn sinh viên của trường.

Đến tham gia còn có nhà văn Mai Bửu Minh – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, nhà thơ Nguyễn Lập Em – Phân Hội trưởng Phân hội Văn học Hội Liên hiệp VHNT tỉnh AG, cô Võ Thị Nhiệm – Phó Trưởng khoa Sư phạm trường ĐHAG.

Tại đây, các khán giả đã được hai diễn giả tâm sự về những khó khăn, thuận lợi, những kỷ niệm trong sự nghiệp cầm bút của mình, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm nho nhỏ trong sáng tác văn thơ.

* Chuyên viên Công Luận trình diễn ca khúc Apsara – Vũ nữ Chàm.

Các bạn sinh viên sẽ không thể nào quên những lời nhắn nhủ đầy tâm huyết của nhà văn Dạ Ngân khi cô cho rằng “tiếng Việt ngày nay đang bị thử thách rất lớn trong quá trình toàn cầu hóa…các bạn trẻ nên dành nhiều thời gian để đọc sách, đọc một cách có chọn lọc, có phương pháp để tình yêu tiếng Việt của các bạn ngày càng sâu đậm, để thấy rằng tiếng Việt của mình rất giàu và đẹp”, hay những lời chia sẻ của nhà thơ Inrasara để có một tác phẩm hay thì “hãy làm một độc giả, một nhà phê bình cực kỳ khó tính cho chính tác phẩm của mình”.

* Cựu sinh viên Nguyễn Văn Viễn với giọng ngâm bài thơ Tháp nắng.

Những ai đã tham gia buổi giao lưu không khỏi ấn tượng với cách trò chuyện hết sức thân tình, gần gũi của nhà văn Dạ Ngân và những câu nói dí dỏm của một tâm hồn rộng mở nơi nhà thơ Inrasara. Những lời đúc kết ngắn gọn “hãy luôn tìm tòi những điều mới mẻ, những ý tưởng sáng tạo, nghĩ khác với mọi người” và “hãy đặt những câu hỏi truy vấn để đi đến tận cùng gốc rễ của vấn đề khi sáng tác” của các diễn giả chắc chắn sẽ là kim chỉ nam trong phương thức sáng tác của nhiều bạn sinh viên.

Buổi giao lưu thêm phần thân mật khi mọi người cùng được thưởng thức những tiếc mục văn nghệ mang đậm văn hóa Chăm (văn hóa dân tộc của nhà thơ Inrasara) và những bài thơ qua sự thể hiện của chính tác giả.

* Sinh viên chất vấn diễn giả: “Nhà thơ vượt qua bế tắc sáng tạo như thế nào?”.

Khép lại buổi giao lưu ý nghĩa, chắc chắn đây sẽ là kỷ niệm khó phai trong lòng các bạn sinh viên Đại học An Giang.

 

Bài và ảnh Thu Nguyên – Thiện Huỳnh.


One thought on “Sinh viên Đại học An Giang giao lưu với nhà thơ Inrasara và nhà văn Dạ Ngân

  1. Trang web của Đại học viết:
    “Là một trong những người tiên phong cất công nghiên cứu về Chủ nghĩa hậu hiện đại, mãi đến năm 40 tuổi nhà thơ – nhà phê bình lý luận Inrasara cho ra mắt 10 quyển sách là những công trình nghiên cứu giá trị và hàng loạt tác phẩm. Những vấn đề về quan điểm, cảm thức, các thủ pháp mới và những cây bút “sáng giá” với những tác phẩm tạo được dấu ấn cho Chủ nghĩa Hậu hiện đại được ông đề cập đến rất chi tiết, dẫn chứng cụ thể. Đặc biệt, ông còn trao đổi thêm các vấn đề về phê bình lý luận và lối phê bình của ông.
    Nhiều bạn trẻ thích thú với những gì mình đã được nghe, trao đổi và học hỏi qua buổi tọa đàm. Nhiều vấn đề về Chủ nghĩa Hậu hiện đại trước nay có thể các bạn trẻ hiểu một cách “mù mờ”, sơ sài thì qua buổi giao lưu phần nào đã được gợi mở, nắm bắt chính xác hơn. Từ đó khơi gợi sự tìm tòi, khám phá về văn thơ hậu hiện đại, bổ sung cho vốn tri thức văn chương những hiểu biết sâu rộng.”

    Bạn trẻ Việt đã học từ ông nhà thơ Chăm Inrasara như trên, không biết bạn trẻ người Chăm có học được gì không nhỉ?
    Vì Hâu hiện đại liên quan rộng lớn đến toàn nhân loại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *