Xin nói ngay: có rất nhiều cái mới.
1. Thứ nhất, về lực lượng: khá hùng hậu, nhất là sự có mặt hàng loạt anh chị em trẻ.
Lưu Anh Tặng, Shiyatna, Cham Papa, Trà Thy Mưlan, Caramai bên sáng tác. Phía nghiên cứu và xã hội là: Quảng Văn Sơn, Quảng Đại Tuyên, Bá Văn Quyến, Caramai, Jaya Bahasa, Kiều Dung, Bá Minh Truyền,… Tất cả làm cho Tagalau thêm tươi mát, thú vị và đầy sức sống.
Mới nữa là Trà Vigia tưởng bỏ đi xa, ai dè đột ngột trở lại, rất hoành tráng.
Nhụy Nguyên ở Huế và Hoàng Long nghiên cứu sinh ở Nhật từ ngoài nhập cuộc cũng là điều đáng hoan nghênh.
2. Về chất lượng thì sao?
Nhưng nếu lực lượng hùng hậu mà chất lượng yếu xìu, thì coi như bỏ. Tagalau 12 được cả lượng lẫn chất, hấp dẫn là vậy.
Về thơ, cả ba thi sĩ được xem là sáng giá nhất của Chăm hiện nay đều góp mặt: Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên. Không xứng đáng sao? Còn thơ tiếng Chăm, cả ba tác giả đều để lại nhiều bài thơ gây ấn tượng sâu đậm về quê hương, tình cảm dân tộc và tình người: Cahya Mưlơng, Phú Đạm, Jaya Thuksiam..
Văn xuôi cũng khởi sắc trở lại sau Tagalau 11 có vẻ yên ắng.
Trà Vigia qua truyện ngắn “Đêm Trung Đông” thì miễn nói. Hầu như không có truyện ngắn nào của nhà văn này bị coi là nhạt. Nó gây cho chúng ta cảm giác nặng nề, nhưng là thứ nặng nề buộc chúng ta suy nghĩ nát óc, gợi tưởng tượng bay bổng.
Hoàng Long nhẹ nhàng mà thâm trầm qua 4 truyện cực ngắn, là thể loại lần đầu xuất hiện ở Tagalau. Truyện của tác giả trẻ sống ở Huế Nhụy Nguyên cũng rất đáng đọc. Riêng Chay Mala qua các “ngụ ngôn” của anh đã buộc ta suy ngẫm về hiện trạng xã hội Chăm ngày nay. Ngẫm mà cười ra… nước mắt (à, mà nếu ai không ngẫm không cười ra nước mắt, thì thôi).
Ba kì vừa qua, Tagalau đã không giới thiệu thêm nguyên tác văn chương cổ điển Chăm, bù lại là những bài nghiên cứu và bình luận giá trị. Ở Tagalau 12, Guga – bút danh khác của Trà Vigia – mang đến cho ta cách lí giải rất đặc biệt về Ariya Patauw Adat Likei. Còn các khuôn mặt nghiên cứu trẻ Chăm cũng đã trình làng các bài viết công phu. Dù bài viết mang tính nghiên cứu hay phổ biến khoa học, chúng đều rất cần cho độc giả cả phổ thông lẫn giới chuyên môn.
Một tác giả cũ nay vừa tái xuất: Quang Cẩn đặt vấn đề về “Vai trò của trí thức, cao niên Chăm trong việc bảo tồn tiếng Chăm“, vấn đề cấp thiết liên quan trực tiếp đến cộng đồng. Đặc biệt, một tác giả từng làm xôn xao dư luận Chăm thời gian qua: Hồ Trung Tú, có mặt cùng đề tài cũ nhưng về vùng đất mới: “400 năm Phú Yên – nhìn lại trường hợp chủ sự Văn Phong“.
Đi vào thực tiễn tiếng nói Chăm, không thể không kể đến các mảnh rời ghi chép về ngôn ngữ Chăm được Inrasara chắp vá nhưng không phải không cần thiết cho học và hiểu tiếng mẹ đẻ: mục “Tiếng Chăm của bạn” đã được đăng tải nhiều kì trên website Inrasara.com thời gian qua. Và đương nhiên nhà thơ chủ biên này qua tiểu luận “Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu” thay lời mở như thể một thôi thúc trí thức Chăm hiện đại nhập cuộc sâu và toàn diện hơn nữa vào đời sống văn hóa xã hội Việt Nam hôm nay. Nhập cuộc và tự nguyện mang lấy trách nhiệm với cộng đồng.
Vấn đề đặt ra là trách nhiệm theo cách hành xử nào? Không thể độc thoại hay trên nói xuống dưới một chiều nghe, mà phải là đối thoại, tương thoại. Bài “Đối thoại hậu Hàng mã kí ức“, là một cách. Cuốn tiểu thuyết này của Inrasara xuất bản được Công ty Phương Nam tổ chức buổi ra mắt sách đã thu hút đông đảo bạn đọc Chăm đến giao lưu. Họ hỏi và hỏi, cả sau buổi giao lưu kết thúc. Tác giả đã trả lời trong tinh thần đối thoại cởi mở.
Đó là những nét mới của Tagalau!
Và đây là cái mới cuối cùng: ngoài số đặc biệt là Tagalau 10, đặc san đã tăng trang đáng kể. Rồi thêm cái mới và lạ nữa: tác giả Tagalau 12 được trả nhuận bút, như đa số tạp chí khác ở trong nước. Và theo giá hiện hành, mới hay!
Còn ai tìm được cái mới khác nữa không?
Còn một điểm mới nữa bác Chay Mala ơi. Đó là chất lượng in ấn. Sách in rất đẹp, giấy trắng tinh, biên tập kỹ lưỡng, hầu như không có lỗi sai chính tả nào, không thua gì sách Nhật đâu bác ạ.
Thường 1 quyển sách in như vậy giá cả thuế là chừng 1500 yên, tức khoảng bốn trăm ngàn tiền Việt đó. Còn giá Tagalau 12 in đẹp vậy mà có bốn chục ngàn, tác giả còn được nhuận bút nữa thì quá hay rồi.
Chúc bác Chay Mala sức khỏe và bình an. Chúc mừng bác Inrasara và trang http://www.inrasara.com có trên ba triệu lượt truy cập. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng nữa trong tương lai.
Chay Mala đáo để quá. Viết ngắn mà sắc. Tôi chưa mua nên chưa đọc Tagalau 12. Nhưng nghe Chay Mala tán như vậy thì khoái rồi. Rồi bạn Hoàng Long nhất trí cao nữa, thì đích thị là Tagalau kì này xôm.
Bạn nào đọc rồi nên có lời góp vào cho Tagalau hay hơn, phục vụ đồng bào bà con đáo để hơn.
Chúc mừng anh Inrasara, chúc mừng Tagalau, chúc mừng cho bà con Chăm mình!
Thế là ngày sắp lật sang trang thật rồi, khi giọng ca hay nhất không thể tiếp tục đứng trong dàn đồng ca để giữ được giọng chuẩn cho dàn. Hay là thích hát một minh để tự thấy : không còn ai đến thay thế chúng ta”. Rất mong cho mọi giong ca được thử phô trương cho nhân gian thưởng thức trong sự ưu ái, cưu mang của nghệ sĩ bậc thầy.