Tiếng Chăm của bạn: Gạo Chiêm là gì?

Tiếng Chăm của bạn: Gạo chiêm là gì?

 

Từ điển Nguyễn Như Ý (1999:355) định nghĩa chiêm là (lúa hay hoa màu) cấy trồng vào tháng 10 tháng 11, gặt hái vào tháng 5 tháng 6. Các từ điển Nguyễn Kim Thản (2005:292), Hoàng Phê (2006:156) về cơ bản cũng định nghĩa như vậy. Tiếng Anh dịch là fifth-month rice hoặc summer rice. Chỉ có Lê Văn Đức (1970a:300) nhắc việc gạo chiêm, lúa chiêm là do giống của Chiêm Thành. Từ chiêm viết thường khiến người ta khó liên hệ gạo chiêm với nước Chiêm:

Mẹ đần lại đẻ con đần

Gạo chiêm đem giã mấy lần vẫn chiêm

Nhiều người học xong phổ thông vẫn không biết nước Chiêm là nước nào, thành thử vẫn ăn gạo chiêm mà không biết nó từ đâu đến.

(chép lại từ Blog Đặng Thái Minh)

 

Chú thích của Inrasara:

Lúa Chiêm tiếng Chăm là padai bareng (người Việt địa phương gọi là lúa Bà rên) là loại lúa ngắn ngày nhất: 90 ngày thì thu hoạch. Khác với lúa Ba trăng, dù mang tiếng là “3 tháng”, nhưng phải đến 100 ngày mới có thể gặt được. Lúa Bà rên hạt nhỏ, vỏ màu đen; giã ra hạt gạo cũng màu đen; không đong thóc (năng suất kém), được điều là cơm ăn rất ngon, nhất là khi dùng nồi gốm Bàu Trúc nấu. Gia đình tôi nhiều mùa gieo loại giống lúa này. Khoảng đầu thập niên 70, gần như nó mất hẳn ở quê tôi – Ninh Thuận.

18 thoughts on “Tiếng Chăm của bạn: Gạo Chiêm là gì?

  1. “Nhiều người học xong phổ thông vẫn không biết nước Chiêm là nước nào, thành thử vẫn ăn gạo chiêm mà không biết nó từ đâu đến.”
    Cảm ơn anh Đặng Thái Minh đã viết được câu này. Hay lắm!

  2. Nếu phân tích kỹ ở bản chất sự vật và hình thức thơ thì, tôi không đơn thuần khen như bạn NTH đâu, mà còn có một chút buồn vì Đặng Thái Minh.
    Đến giờ làm rùi, hẹn chiều nhé!

  3. Bạn Jalo_panrang buồn chuyện gì nhỉ?
    Vì chương trình cấp trung học không dạy đầy đủ lịch sử Việt Nam trong đó có Champa? Nếu vậy thì lời của Đặng Thái Minh là một sự báo động nhẹ nhàng chớ phải k?
    Mong bạn giải thích rõ hơn.
    Thân

  4. Lúa Chiêm cũng là một đề tài rất lý thú, mình search trên mạng thì lúa Chiêm đã du nhập vào miền Bắc từ rất lâu.

    Theo sách Di vật chí, “Lúa ở Giao chỉ mỗi năm trồng hai lần về mùa hạ và mùa đông”. Nhiều sử sách Tàu trong thế kỷ II va III cũng ghi chép như thế.

    Du nhập sang Trung Quốc có chậm hơn:
    Vào thế kỷ thứ X và XI, có giống lúa Đạo còn gọi là lúa Tiên hay lúa Chiêm. Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) viết: “…còn lúa cái hạ bạch thì mãi đến đời Chân Tông (998-1022) nhà Tống mới sai sứ sang Chiêm thành lấy 3 vạn hộc lúa đạo đem về phân phối cho các đạo (các tỉnh) nên mới có giống lúa ấy.” Lúa Chiêm có nhiều loại giống: Lúa Tiên tử hay còn gọi là Hồng liên có hạt thóc to, lòng đỏ, trấu cũng đỏ. Gạo hạt nhỏ, trắng, cấy tháng 4 gặt tháng 6 gọi giống lúa cấy “ 60 ngày”. Gạo đỏ chín muộn
    hơn gọi là lúa cấy “80 ngày”. Lại có giống muộn hơn nữa gọi là lúa cấy “100 ngày” (Ho, 1969 và theo Bùi Huy Đáp, 1980).

    Như vậy ta thấy lúa Chiêm có rất nhiều giống khác nhau, chứ không chỉ là giống padai bareng hạt nhỏ, vỏ màu đen mà anh Sara được ăn lúc nhỏ 😀

    Còn câu ca dao này mới thông dụng:

    Lúa Chiêm lấp ló đầu bờ
    hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên

  5. Tôi không nghĩ nước Chăm, tiếng Chăm, lúa Chăm (Chiêm) là “của bạn”, mà là của chúng ta. Quê tôi ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc khá xa Chămpa của Inrasara, quê tôi có hai ba cánh đồng mang tên Đồng Chăm, đồng Cây Dừa, nhưng ở quê không thấy có làng người Chămpa (vùng xung quanh có thể có), hỏi người già thì các cụ bảo cũng không bao giờ có ai thấy hoặc nghe nói là có cây dừa. Suốt quãng đời làm Khảo cổ, suy nghĩ, hỏi thầy, hỏi bạn mà chẳng biết. Chỉ biết có rất nhiều từ gốc Malayo-Polynesian trong tiếng Việt, còn nhớ được từ bé nghe người già nói, mình nói, bây giờ các cháu ở nhà vẫn nói, rất cổ. Cứ suy nghĩ mãi. Đến lúc sắp về hưu, viết lại về văn hóa Hạ Long và đôi chút về nguồn gốc ngôn ngữ Malayo-Polynesian mới ngộ ra mình cũng là một Chăm một trăm phần trăm. Đã loáng tháng đề cập đôi chút trong vài bài liên quan đến văn hóa Soi Nhụ và văn hóa Hạ Long. Bây giờ mới tin hoàn toàn chủ nhân của nước Việt, của Hạ Long, ngay cái tên Lạc (Việt Cổ), Hạ Long cũng Chăm một trăm phần trăm. Đang viết, sẽ viết tiếp để hầu chuyện Inrasara và những ai quan tâm. Chỉ xin hỏi Inrasara nghĩa cổ của chữ Champa các cụ truyền lại là gì mà thôi?

    Hà Hữu Nga

  6. Hồi lúc ở Mã Lai cũng nghe tụi Mã nói “Padi Cempa” = lúa Champa??…cũng không biết, chưa từng thấy lúa đó

  7. Tại sao lại lấy tên hoa champa làm tên đất nước? Tại sao các tiểu quốc lại có tên gọi của các vị thần: Panduranga, Indrapura mang ý nghĩa tôn giáo triết học cao siêu, còn địa danh của cả một vương quốc thì chỉ lấy tên hoa? Có phải hoa champa có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống người Chăm? Vị trí đó là gì? Hay phải chăng từ “Champa” còn có ý nghĩa gì khác? Hoặc giả từ Champa có trước, rồi người ta mới lấy tên này đặt cho hoa (giả dụ: xứ này nhiều hoa champa nhất, hoặc có nghi lễ gì cực kỳ quan trọng gắn liền với hoa champa)? Hay có phải là “Champa” chỉ là từ người nơi khác gọi vương quốc này (nên mới gọi dân dã như vậy), còn chính thức thì, vương quốc này có một cái tên khác?

  8. A Hà Hữu Nga thân
    Không ngờ anh quê Lập Thạch! Mới tuần trước tôi còn qua đêm ở Vĩnh Yên mà. Năm 2007 tôi có lên đó, với dân tộc Cao Lan, và có bài thơ ngắn này tặng anh đọc vui:
    Tìm lên đêm Cao Lan
    Ngỡ một lần cho biết
    Cần chi ché rượu cần
    Say em cũng đủ chết!

    Về chuyện “lúa Chiêm”, cần thời gian cho đề tài này. Riêng tôi có 2 hướng giúp nhau tìm manh mối:
    – Ngôn ngữ Việt Mường phục nguyên (3-4.000 năm trước) có bộ phận lớn giống tiếng Chăm cổ. Nhà ng ngữ Nga đi đầu trong lĩnh vực này.
    – Mấy đợt tù bình Chăm ra Bắc được rải khắp, trong đó nhiều nhất là ở khu vực ngoại vi Thăng Long, Bắc Ninh, Thái Nguyên…
    Nên ở đâu có “dừa” là ở đó có dấu vết Chăm: Ô Chợ Dừa ở Yên Sở, đồng Cây Dừa ở quê anh cũng có thể có Chăm ở đó, biết đâu đấy.
    – Theo Tạ Chí Đại Trường, sau 3-4 thế kỉ làm tù binh, ở miền Bắc tồn tại nhiều làng Chăm sinh hoạt theo tục ng Chăm và nói rặt tiếng Chăm, đến Trần Nhật Duật cỡi voi qua chơi “làng ngoại quốc” cả tuần mới về.
    Người thì vậy, còn giống lúa – dễ mà – truyền còn xa hơn nữa. Chắc thế.

  9. @Anh
    Các tiểu vương quốc Amaravati, Panduranga… có nguồn gốc từ “bang” hay khu vực văn hóa – địa lí Ấn Độ được Champa vay mượn đặt tên cho tiểu vương quốc của mình. Đại khái vậy. Việt Nam cũng đã mượn không ít địa danh từ Tàu.
    Còn Champa theo tôi hiểu chỉ là tên hoa. Lấy tên loài hoa đặt tên cho vương quốc, lãng mạn và đầy chất thơ đấy chớ!

  10. Rất tiếc là không biết Sara thăm Vĩnh Phúc, nếu biết mà cùng về thì rất vui. Cám ơn Sara về các gợi ý rất bổ ích. Mình sẽ viết tiếp về các vấn đề này.
    Xin gửi lời chúc tốt đẹp đến Sara và gia đình.

    Hà Hữu Nga

  11. Ngẫu nhiên đọc các trao đổi của các bạn trên diễn đàn,

    Xin có vài ý mọn – hi vọng khi nhìn rộng ra thì thấy vấn đề rõ hơn. Tên nước Kampuchia cũng lấy từ tiếng Phạn (Sanskrit) Kambojas काम्बोज (Kamboga, một dân tộc cổ đại ở bắc Ấn) – có lẽ khi giao lưu với các lái buôn Ấn Độ, các vị này thấy khu vực này (Đông Nam Á) cũng giống như các dân Kambojas sống ở bắc Ấn xa xôi (và không có giai cấp castes)(A). Nước Thái Lan trước đây có tên là Xiêm (vịt Xiêm, dừa Xiêm …) có gốc từ tiếng Phạn syama श्याम (đen, thâm) có lẽ hàm ý nước da của dân địa phương. Tên Tân Gia Ba Singapore cũng có gốc Phạn simha सिंह (—> Singa, con sư tử) ghép với pura पुर (thành phố, lâu đài), biểu tượng (quốc gia) của Tân Gia Ba là con sư tử … Tên Mã Lai (Malaysia) cũng có gốc Phạn malaya मलय (tên dãy núi, hàm ý nước Mã Lai có nhiều núi). Chăm (pa) có thể liên hệ đến tiếng Phạn campa चम्पक (loại hoa sứ màu vàng) hay địa danh, cũng như các tên Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga … Chữ Hán Chiêm Thành là 占城, Chiêm 占 còn có các biến âm là Chăm, Chàm (như Cam Man – Cao Miên …).

    Vài hàng gợi ý và cùng đóng góp

    Nguyễn Cung Thông

    (A) cũng có truyền thuyết ghi lại tên nhà thông thái Ấn Kampu đến đất này và thành hôn với hoàng hậu naga, sau đó thống nhất dân Ấn và dân địa phương: Kampuchea là Kampu+ja (con cháu của ngài Kampu)

  12. Đánh nhầm Cao Man 高棉 thành Cam Man – xin sửa lại (Cao Miên, Cao Mên, Cao Man … là kí âm Hán Việt của Khmer, cũng như Cao Ly 高離 là một dạng kí âm của Goryeo, Hàn quốc).

    Nguyễn Cung Thông

  13. Thua cac ban
    Toi nghi:Dan toc Chiem Thanh chon tu CHAMPA la ten mot loai hoa de dat ten cho Vuong quoc co la chinh xac.Con lua Chiem chac han la co nguon goc Champa roi!
    Kinh

  14. Các bạn quan tâm đến văn hoá VN kính,

    Đầu năm nay tôi có dịp lên thăm một số dân tộc ít người ở Đài Loan. Các dân tộc này đã sống trên đảo này cả ngàn năm trước, khi người TQ di cư sang thì đa số tập trung ở các thành phố lớn như Đài Bắc … Còn dân bản địa thì sinh sống ở miền núi cao (so sánh với người Thượng và Kinh ở VN) và vẫn nói ngôn ngữ riêng của họ. Một số dân tộc này vẫn còn cho nhau trầu cau trong dịp cưới hỏi …v.v… Có khoảng 13 dân tộc ít người này được công nhận và được chính phủ trợ giúp (đa số không giàu có như dân thành phố). Điểm đáng chú ý là khi tôi nói chuyện với dân AMI 阿美族 (A Mĩ tộc) và hỏi họ đếm từ 1 đến 10 thì thấy như sau

    Một (tsuzai) Hai (dusa) Ba (tulu) Bốn (supa) Năm (Lima) Sáu (ơnưng) Bảy (pitu) Tám (falu) Chín (siwa) Mười (puru)

    So với tiếng Tagalog, Mã Lai/Inđô theo thứ tự

    Một (isa, satu asa) Hai (dalawa/duwa/dalwa, dua) Ba (tatlo, tiga) Bốn (apat, empat/ampat) Năm (lima, lima) Sáu (anim, enam/anam/nam) Bảy (pito, tuju/pitu), Tám (walo, (de)lapan/walu) Chín (siyam, sembilan/semilan/sanga), Mười (sampu/sampa, sepuluh/sapuluh/sapuloh)

    So với tiếng Acheh (ở bắc đảo Sumatra) và Chăm theo thứ tự

    Một (sa, tha), Hai (duwa, dwa) Ba (lheo, klow) Bốn (piơt, pa) Năm (limong, limu) Sáu (nam, năm) Bảy (tujoh, tadjuh) Tám (lapan, talipan) Chín (si-kunang, thalipan) Mười (siploh, tha-pluh)

    Vài hàng cùng đóng góp

    Nguyễn Cung Thông

  15. Hay lắm, cảm ơn bác Thông đã có dẫn chứng rất kĩ.
    Chúng em học được nhiều.

  16. Thân gửi Inrasara,

    Sara thân, mình tập hợp dần các bài viết, bài dịch cũ, và viết các bài mới lưu tại trang Blog lưu trữ và nghiên cứu của Hà Hữu Nga:

    Tiếng vọng Kattigara http://kattigara-echo.blogspot.com/

    Mình rất mê văn hóa – ngôn ngữ Malayo-Polynesian. Mục tiêu của mình là làm rõ đôi điều về nguồn gốc của ngữ hệ Malayo-Polynesian, vì vậy rất cần sự giúp đỡ của Sara. Nếu có thời gian rỗi xin mời ghé qua trang của mình và cho comments nhé.

    Thân

    Hà Hữu Nga
    ngahahuu@gmail.com

  17. Chữ, âm…biến đổi theo thời gian, địa vực và trạng thái, thành phần cư dân. Mỗi hiện tượng ngôn ngữ xin được xem xét gắn với các yếu tố đó. Đáng lưu ý nhất trong vấn đề Champa, Chiêm thành, lúa … là chữ và nghĩa “Cham”. Tôi đã từng ít nhiều bàn đến chuyện này khi viết về lúa chiêm tức lúa tẻ (bắc VN), lúa “tiên” nam TQ…(Tc Khảo cổ học, 1980 nhân bàn về lúa nếp). Tôi cũng cho rằng ngôn ngữ Nam đảo đã tồn tại muộn nhất là 4000 năm trước ơt bắc VN – địa điểm Đồng Vông, Mán Bạc, Cồn Chân Tiên và đương nhiên Hạ Long, Hoa Lộc có vẻ thuộc những người nói tiếng Nam Đảo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *