Hơn nửa thế kỉ trước, André Gide nhận định sinh hoạt của văn chương Pháp, rằng vài nhóm chưa thành trường phái đã ra phe phái(1). Lời nhận định không sai, nếu áp dụng cho văn học Việt Nam hôm nay. Có khi ở ta, nó càng chính xác và có sức nặng hơn nữa. Bởi giai đoạn qua, văn học Việt Nam hình thành và phát triển trong môi trường xã hội rất đặc thù.
1. Câu chuyện
Hội thảo thơ tại TP Hồ Chí Minh, ngày 25-8-2006, trên một tờ báo ngày, một phóng viên đã diễn sai tham luận của tôi: “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần”. Tôi phone tới Ban biên tâp “mắng vốn”. Người phụ trách tờ báo trả lời đầy thiện chí: “Inrasara viết bài phản hồi đi, chúng tôi sẽ cho lên ngay ngày mai”. Thế là tôi viết. Nhưng tội là, trong bài phản hồi công phu kia, tôi “sơ ý” trích một đoạn ngắn của nhà phê bình “Việt kiều” (dù thuần văn học). Người phụ trách trả lời [qua một người bạn] khá… vô tư: “Ông Inrasara nhận bao nhiêu ơn mưa móc của Nhà nước ta mà lại đi trích dẫn nhà văn phản động ở nước ngoài”. Dĩ nhiên bài kia bị ách lại.
Cách nay không lâu, tiểu luận về sáng tác về Trường Sa – Hoàng Sa của tôi vừa đăng lên BBC(2), sáng mở mắt, tôi nhận ngay cú phone của ông bạn vong niên từ Hà Nội:
– Có vai vế ở Hội Nhà văn mà chú em đi viết về loại thơ đó thì chẳng hay tí nào.
– Một sự kiện lớn của đất nước đẻ ra một hiện tượng văn học, vậy mà có nhà phê bình nào động bút đâu… – Không đợi tôi phân trần hết, ông bạn phán ngay:
– Chẳng có lợi tí ti nào cho chú em cả!
Xa hơn, năm 2007, bài viết “Văn chương mạng” của tôi được tờ tuần báo đăng với mấy sửa đổi tệ hại. Tôi nhờ bộ phận biên tập đính chính, – im lặng. Tôi buộc tự biện minh trên một tờ báo mạng(3). Sau đó, qua trao đổi thư điện tử, tôi nói:
– Nếu bài kia không hợp thì không đăng, còn khi “biên tập”, báo cần có sự đồng ý của tôi chứ.
Bị đẩy vào thế kẹt, nhà văn LTT “thở dài”:
– Chúng tôi cứ tưởng anh Inrasara là “người nhà” của báo.
Mới nhất, bài “Chú giải ngắn về văn chương vỉa hè Sài Gòn”(4), vài bạn thơ vỉa hè Sài Gòn bình luận: Rằng hay thì thật là hay, nhưng Inrasara có phải dân vỉa hè đâu mà lên tiếng bênh vực văn chương vỉa hè!
Có hai điều lạ. Thứ nhất, đâu phải người trong cuộc mới có thể nhận định về văn chương “phe” mình. Tôi viết, như là nhà phê bình “lập biên bản” một bộ phận văn chương Việt Nam hôm nay. Thứ hai, tôi không “bênh vực” vỉa hè, mà chỉ giải minh về tâm thế sáng tác của một bộ phận văn học ở đó tồn tại không ít khuôn mặt và tác phẩm sáng giá.
Viết như là một cách phi tâm hóa trong văn học.
2. Bốn câu chuyện ngoài lề kia nói lên điều gì?
Không gì khác ngoài tinh thần đảng [phe, bè] phái có mặt đậm đặc trong sinh hoạt văn học Việt Nam. Từ ngoại biên đến chính lưu, từ trong đến ngoài, từ Bắc vô Nam. Nó lan truyền rộng và phát triển mạnh, vì quyền lợi của cá nhân hay tập thể, có khi không vì gì cả. Thứ tinh thần quy định cách nghĩ, cách lo và cách hành xử của đại đa số người viết hôm nay.
Nhẹ thì lo cho nhau, như thái độ can gián của ông bạn vong niên ở thủ đô. Nặng xíu thì ông không thuộc phe cánh chúng tôi nên chớ phát ngôn thay chúng tôi, theo cách nghĩ của vài nhà thơ vỉa hè thượng dẫn, hoặc như vài trí thức Chăm thói quen cho rằng vấn đề văn hóa Chăm chớ để mấy nhà nghiên cứu Kinh xen vào. Trầm trọng hơn nữa thì loại nhau ra ngoài cuộc, hệt lối hành xử của vị biên tập nhật báo kia; ở Chăm là phê phán như thể muốn triệt tiêu nhau.
Hậu quả của tinh thần đảng [phe, bè] phái kia nguy hại thế nào không biết, nhưng điều thấy rõ hơn cả là: chính bản thân văn học chịu thiệt.
3. Người Mỹ họ có cách nhìn và lối làm bài bản hơn. Stephen Morison Jr. trong bài “Khu phi quân sự: Tường trình về văn học Việt Nam”(5) phân nhà văn Việt Nam (trường hợp Hà Nội) thành 3 khu:
– Nhà văn thuộc khu vực sáng tác tự do, dù họ ở trong Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Quang Thiều là một.
– Nhà văn phản kháng, ông đưa trường hợp Dương Thu Hương phân tích.
– Và nhà văn thuộc khu vực ngoại biện qua trường hợp Đăng Thân.
Trên nền phân tích đó, Phong Vệ chi li hơn – đã kể thêm vào(6):
– Nhóm 1: Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Dư Thị Hoàn, Mai Văn Phấn, Inrasara, Đỗ Minh Tuấn, Hồ Anh Thái, Hoàng Hưng, Lê Anh Hoài, Hoàng Minh Tường…
– Nhóm 2: Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Viện, Đào Hiếu, nhóm Mở Miệng…
– Nhóm 3: Phạm Lưu Vũ, Ngô Phan Lưu, Đỗ Hoàng Diệu, Đỗ Phước Tiến, nhóm Ngựa trời, nhóm Tân hình thức, Nguyễn Thúy Hằng, Phan Bá Thọ, Vương Huy, Nhã Thuyên…(7)
Qua cách phân lô khá bài bản đó, nhà phê bình không phải bị nhập nhằng, nhất là với các nhà văn thuộc nhóm 1: Họ vẫn là một nhà văn độc lập, dù họ có sinh hoạt đảng đoàn, hội hè gì gì nữa. Không ai mang ơn ai, không ai phải mắc nợ nần ai, càng không ai phải bênh vực hay phản bác ai theo lối phê bình cánh hẩu, phê bình bè phái cả.
4. Trong ba khu vực đó, Inrasara đứng [ngồi] ở đâu? Có thể ở giữa lô 1: sáng tác tự do, dù là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (như Phong Vệ đã xếp ghế). Đúng hơn: không ở đâu cả! Tôi vẫn “thiểu số giữa lòng thiểu số” (Sinh nhật cây xương rồng, NXB Văn hóa Dân tộc, 1997).
Đoạn thơ đề từ Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức (NXB Hội Nhà văn, 2006):
Không bên lề
không trung tâm
tôi trú trên đường biên
Không ngoài luồng
không chánh lưu
sống như thể không đường biên
Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!
mỗi các ông cứ dựng chòi
mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới.
Chính chọn “trú trên đường biên” để giữ thái độ khách quan cho “lập biên bản” văn học Việt Nam đương đại – qua đó hiểu tâm hồn con người Việt Nam – tôi đã phải “cô đơn”. Cô đơn giữa lòng văn giới Việt Nam, chứ không riêng gì với sinh hoạt trí thức Chăm, như một bạn đọc từng nhận định.
Cho nên khi Sakaya cả quyết: “Tôi chắc rằng, cho đến thời điểm này nếu không có Đảng – Nhà nước sẽ không có nhà văn, nhà thơ Inrasara“(8), tôi hoàn toàn không ngạc nhiên, càng không cho rằng anh “nịnh bợ”.
Bởi tôi hiểu.
Đó chính là lối nghĩ bị quy định bởi tinh thần đảng [phe, bè] phái trong sinh hoạt trí thức, không riêng gì Chăm, mà cả Việt Nam. Trong đó thái độ ban ơn [từ bề trên], tâm lí “đội ơn mưa móc” [nơi thuộc cấp] hình thành từ thuở phong kiến qua quan hệ “thiên tử – thần dân” kéo dài tận thời bao cấp. Nó không nói lên gì khác ngoài tương quan chủ – tớ, một tương quan bóp nát tinh thần tự do từ trứng nước.
Chính tâm lí bầy đàn đã khiến người phụ trách mục báo tùy tiện “biên tập” mà không cần hỏi ý kiến tác giả, bởi nghĩ tác giả kia thuộc phe cánh mình.
– Nhà văn không được quyền “cô đơn”.
Tôi không lạ với các thái độ đó! Lạ chăng là lối nghĩ kia kéo dài mãi tận thập niên thứ hai của thiên niên kỉ thứ ba sau Công nguyên, sau 25 năm đất nước mở cửa, khi văn nghệ sĩ đã được “cởi trói”.
– Nhà văn sợ “cô đơn”, cũng có nghĩa là sợ tự do, chạy trốn tự do!
Tâm thế ấy khó gột rửa, và đang trở thành “truyền thống mới”. Không chừa trừ ai. Gặp cơ duyên là nó bộc lộ, qua muôn ngàn biến tướng khó lường. Có khi chủ là nó mà tớ cũng là nó. Thật và giả, ngây thơ, linh lợi đầy tính toán hay vờ vịt. Có khi sợ mất giá bởi bất tài, nó núp bóng đoàn nhóm để công phá kẻ cô đơn, hoặc chỉ vì quyền lợi bé con, nó quay lại đấu đá nhau sống mái. Mà cứ tự huyễn đang nghiên cứu, đang sáng tạo… đích thực.
Bởi đâu riêng nhà nghiên cứu Chăm hay nhà văn Kinh ở trên mà sự thể hiện ra lồ lộ, ngay thế hệ mới được cho là cấp tiến cũng đã xảy ra không ít hiện tượng tự huyễn như thế – về “cô đơn”, tự do và sáng tạo(9).
Có ai đủ khả năng tự thức self-consciousness và đủ bản lĩnh để vượt thoát?
Sài Gòn, 22-9-2011.
_____________
Chú thích:
(1) André Gide, “Lời khuyên nhà văn trẻ”, Con đường sáng tạo, Nguyễn Hữu Hiệu sưu tầm và dịch, NXB Hồng Hà Sài Gòn, 1973, tr. 301.
(2) “Cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa”, BBC.co.uk/vietnamese, 9-7-2011.
(3) Báo Văn nghệ, 19-5-2007; “Chuyện buồn [hết] cười [nổi]”, Vanchuongviet.org, 21-5-2011.
(4) Tienve.org, 19-8-2011.
(5) “Demilitarized Zone: Report From Literary Vietnam”, Poets & Writers, tháng 9&10-2009.
(6) “Một bài viết mới về văn chương VN trên tạp chí Mỹ Poets & Writers”, ngày 30-12-2009
http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=4088
(7) Tôi bỏ bớt các tác giả sống ở nước ngoài và các tác giả đã mất. Xem thêm: Lâm Quang Thăn, “Hội Nhà văn – SOS”, Tienve.org, 12-8-2010.
(8) Sakaya “Trả lời Đồng Chuông Tử”, Tincham.in, 2-9-2011.
(9) Xem thêm: Inrasara, “Khủng hoảng, phản kháng và dối lừa”, Tienve.org, 27-2-2011.
Bài viết hay lắm, độc đáo lắm!
Đồng ý ở nhà thơ mấy điểm:
– Trí thức quen núp bóng nên nghĩ ai cũng núp bóng như mình, để hưởng ơn mưa móc: Ngu xuẩn. Phát ngôn của ông S nào đó tiêu biểu cho tư tưởng này lắm.
– Vài nhà văn dựa hơi quyền lực để thị uy cá nhân, thật ra cũng chỉ vì quyền lợi cá nhân. Giáo sư L rất tiêu biểu.
– Nhiều nhà văn bất tài, nên cần bè nhóm. Nói họ sợ tự do là đúng.
– Nhận xét nhà thơ VTL hay nhà phê bình NTS tự huyễn về tự do là chính xác.
Nhưng xin hỏi nhà thơ trong xã hội này mà nhà thơ “đứng ở đường biên”, được không? Hay là một cách tự huyễn khác?
Trước đó là:
tôi trú trên đường biên
Sau là:
sống như thể không đường biên
Tuyệt cú mèo! VÔ SỞ TRÚ đó, ông Trần Xuân ạ.
Ở miền nam ngày xưa thi sĩ Bùi Giáng đã vô sở trú đúng nghĩa.
Nhưng ông không có Tagalau để lo, không có văn hóa Chăm để mà nghiên cứu bảo tồn, quan trọng nhất đó là ông ta không có gia đình.
Inrasara thì có.
Không biết nhà thơ Chăm sẽ vô sở trú thế nào đây?!
Dù không làm được nhưng có tư tưởng và ý định đó là hay quá rồi.
Đoạn này hay và trúng quá bác Inra ơi:
“Đó chính là lối nghĩ bị quy định bởi tinh thần đảng [phe, bè] phái trong sinh hoạt trí thức, không riêng gì Chăm, mà cả Việt Nam. Trong đó thái độ ban ơn [từ bề trên], tâm lí “đội ơn mưa móc” [nơi thuộc cấp] hình thành từ thuở phong kiến qua quan hệ “thiên tử – thần dân” kéo dài tận thời bao cấp. Nó không nói lên gì khác ngoài tương quan chủ – tớ, một tương quan bóp nát tinh thần tự do từ trứng nước”.
Bác Inra về ăn Katê đi!
Viết hay quá chú Sara ơi.
Thôi chú nghỉ ngơi về ăn Katê đi. Nhà cháu mở thật là rộng cửa đón chú đó. Cháu mua Tagalau12 rùi, chú qua ký tặng cháu. Nhé!
Bài anh Inrasara viết ngắn mà trúng phóc vấn đề.
Nhưng có một điểm tôi xin lưu ý anh là dù anh có nhắc qua – có lẽ do sợ đụng chạm – nên anh không phân tích cụ thể. Đó là tinh thần cá nhân lợi dụng đảng [phe, bè] phái.
Tôi ví dụ, có nhiều người mang danh trí thức hay mượn vị thế của Đảng, uy tín của Bác Hồ chỉ để vị lợi cá nhân. Nói lời mào đầu trong hội nghị hay viết lời nói đầu cho cuốn sách, họ dẫn Đảng và Bác Hồ ra để che chắn cho mưu ý mình. Rất tầm bậy!
Tôi cho đó là “chủ nghĩa cá nhân nhân danh”.
Nhà thơ nghĩ sao?
Ôi Chămpa, thương biết mấy mảnh đất và con người Chămpa.
Cảm ơn anh Inrasara về những đoạn phim trên. Em sinh năm 1969, nhỏ hơn anh đúng một con giáp nên xưng bằng em cho tiện. Em đang du học tại Ấn Độ và đang dịch cuốn “Traces of Indian Culture in Vietnam” của Geetesh Sharma, đến đoạn tác giả có đề cập đến anh (trang 49), lên mạng tìm thông tin về anh thì biết được trang web này.
Phim thật hay và cảm động, xem xong em đã khóc thật nhiều, đã hiểu nhiều hơn về anh và về dân tộc Chămpa: Bình dị và vĩ đại.
Cầu chúc anh Inrasara luôn mạnh khỏe và an lạc để cống hiến nhiều hơn nữa cho dân tộc, cho tổ quốc và cho nhân loại.
Kính gửi Thích Minh Trí
Tôi có một thời cạo đầu làm môn đệ Cửa Phật, nên đúng phép nhà, tôi gọi Thích Minh Trí là thầy, thì phải lẽ hơn.
Cảm ơn thầy đã xem, đọc và chia sẻ.
Tôi có cho địa chỉ email đến GS. Nhờ thầy nhắn tin cho Geetesh Sharma gửi thư điện tử cho tôi.
Kính – Sara
Bài này đọc cho cảm giác mạnh, nhưng đọc vào cái comment đầu tiên, thấy mệt gớm.
Loại bài nhận định, phê bình mà viết sinh động và cho cảm giác thoải mái thì có Inrasara.
Nịnh chút nha!
Đọc kĩ bài này mới biết hết sự quái của Inra.
Suy nghĩ như thế mới gọi là suy nghĩ chớ. Thế mới đáng mặt anh hào chớ, vượt hẳn lối suy nghĩ tầm phào. Ngày vui đọc được bài như thế ni mới sướng!!!
Cám ơn Inra.
“Cho nên khi Sakaya cả quyết: “Tôi chắc rằng, cho đến thời điểm này nếu không có Đảng – Nhà nước sẽ không có nhà văn, nhà thơ Inrasara“(8),
tôi hoàn toàn không ngạc nhiên, càng không cho rằng anh “nịnh bợ”.
Bởi tôi hiểu. Đó chính là lối nghĩ bị quy định bởi tinh thần đảng [phe, bè] phái trong sinh hoạt trí thức, không riêng gì Chăm, mà cả Việt Nam. Trong đó thái độ ban ơn [từ bề trên], tâm lí “đội ơn mưa móc” [nơi thuộc cấp] hình thành từ thuở phong kiến qua quan hệ “thiên tử – thần dân” kéo dài tận thời bao cấp. Nó không nói lên gì khác ngoài tương quan chủ – tớ, một tương quan bóp nát tinh thần tự do từ trứng nước.
Tôi không lạ với các thái độ đó! Lạ chăng là lối nghĩ kia kéo dài mãi tận thập niên thứ hai của thiên niên kỉ thứ ba sau Công nguyên, sau 25 năm đất nước mở cửa, khi văn nghệ sĩ đã được “cởi trói”.”
Đoạn này viết tuyệt cú mè, rất đáng được Giải thưởng châu Á!
Đoạn văn trên tôi đọc thấy Jano đã trích ra và khen rồi, ko phiền anh Jamăng Păng Haway Poh nhắc lại nữa.
Anh Inra thì viết hấp dẫn và thuyết phục rồi, khen anh nhiều anh nở mũi mất thẩm mỹ lắm đấy. Bài này nhiều mạng đăng lại.
4 câu chuyện anh nêu ra (có thể còn nhiều nữa) chứng tỏ nước ta còn nặng tinh thần gia trưởng phong kiến lắm, ai tránh được thì tránh thôi. Còn ai còn mang nặng nó người đời có cười chê thì ráng chịu.