* Jaya Bahasa phát biểu tại Giao lưu về Hàng mã kí ức, 5-2011 – Photo Inrajaya.
Tuyển tập Tagalau ra đời vào đầu thế kỉ XXI (năm 2000), trải qua hơn thập niên định hình và tiến triển đã mang đến một môi trường sinh hoạt văn hoá tinh thần cho người Chăm. Qua đó, giúp bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá Chăm, tô điểm cho văn hoá Việt Nam thêm đa dạng. Với khoảng thời gian qua, Tagalau đã có bước chuyển như thế nào và định hướng phát triển trong tương lai ra sao? Thì Tagalau 12, phần nào giải đáp cho thắc mắc trên. Trong bài điểm luận này, không nhằm đánh giá chất lượng của các bài viết mà chỉ nhận xét về định hướng phát triển của Tagalau thông qua nội dung bài viết. Bài điểm luận được chia thành 4 phần chính như sau:
1. Phần văn chương
Văn chương vốn là lĩnh vực thế mạnh của Tagalau, ngay từ số đầu tiên cho đến Tagalau 12. Trong số này, tuyển tập Tagalau giới thiệu được 19 tác giả với 42 bài viết gồm đủ thể loại thơ tiếng Việt, văn xuôi, truyện ngắn, tự truyện. Đặc biệt, thơ tiếng Chăm có 3 tác giả với 9 bài thơ.
Nếu như các bài thơ sáng tác bằng tiếng Chăm – Akhar Thrah – dễ dàng gây sự rung động cho người bao nhiêu bởi ngôn từ quen thuộc, sâu lắng, khơi gợi nhiều hình ảnh chân quê, hoài niệm xao xuyến cùng nỗi lòng trắc ẩn tâm tư với quê hương, đất nước, phơi bày những xúc cảm của tác giả trước đổi thay của dòng đời. Thì những bài thơ của tác giả Chăm vay mượn tiếng Việt để chuyển tải hồn thơ đã phá vỡ hết tính truyền thống của thi ca Chăm. Các tác giả chưa chú ý đến nhịp điệu, thể loại, thay vào đó, là những ngẫu hứng đơn tuyến, dị biệt đến khó hiểu, khó cảm nhận đối với độc giả phổ thông. Nhưng dù sao, các tác giả vẫn sử dụng chất liệu thơ từ những mảng chân quê của văn hoá Chăm pha trộn nét thị thành, phản ánh được đổi thay của xã hội trong thời đại kĩ thuật số. Nhìn chung, các tác giả chưa lĩnh hội được thể thơ Chăm cổ điển và tính tự sự theo tuyến lịch sử trong sáng tác văn chương.
Riêng văn xuôi, tác giả Shiyatna “Chuyện thầy ở quê tôi” đã đưa độc giả về với không gian tâm linh văn hoá Chăm bằng lối tự truyện tường thuật về những câu chuyện xem quẻ, xem bói ở nông thôn. Tác giả, nhận định khá chân xác, hiện tượng lên đồng, ngoại cảm không phải là hoạt động mê tín, dị đoan đáng lên án. Phải chăng đây cũng là nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh của người Chăm !
Sự quay trở về của Trà Vigia “Đêm Trung Đông” là yếu tố bất ngờ và tin mừng lớn cho độc giả Tagalau. Bởi rằng, văn sĩ Trà Vigia đã đôi lần muốn “xếp bút nghiêng” để dành khoảng đất văn nghệ cho thế hệ nối tiếp ngòi bút. “Đêm Trung Đông” không có ánh trăng mộng mị, không có chiến tranh và mùi thuốc súng. Nhưng là một đêm để ngẫm nghĩ tình người ở nơi đâu? Lòng người ở nơi đâu? “Đêm Trung Đông” thực sự là bóng tối thiên đường chốn trần gian.
2. Phần phê bình và phỏng vấn
Tagalau 12 công bố bài bình luận thi phẩm cổ điển trong kho tàng văn chương Chăm mang tên Ariya Patauw Adat Likei của tác giả Guga, và một bài tổng hợp trả lời ngắn của nhà văn Inrasara liên quan đến văn hoá Chăm và văn phẩm Hàng Mã Kí Ức.
Bài bình luận, nhận định về thi phẩm Ariya Patauw Adat Likei, là những định hướng gợi mở giúp hiểu và cảm nhận được giá trị mỹ học và giá trị tư tưởng giáo dục trong văn chương Chăm. Qua đó, thấy được sự phân chia, sắp xếp ngôi vị xã hội trong văn hoá Chăm khá đậm nét. Người đàn ông Chăm chỉ có một thứ tài sản duy nhất là kiến thức và trí tuệ để đi “chung sống với người xa lạ”. Và để có thể hài hoà với cuộc sống mới đòi hỏi ở người đàn ông phải rèn luyện phẩm chất và kĩ năng sống căn bản để dấn thân vào các hoạt động xã hội, cộng đồng. Ngược lại, vị thế của người phụ nữ là trông nôm và gìn giữ mái ấm hạnh phúc gia đình. Đó không chỉ là nghĩa vụ của giới mà còn là thiên chức. Phải chăng đó là sản phẩm của chế độ mẫu hệ đề cao giá trị nhân văn bảo vệ thiên chức người em gái, chị, cô, dì, bà theo quan niệm văn hoá Chăm truyền thống?! Những di sản văn hoá lịch sử này, nhiều khi bị quen lãng. May mắn thay, tác giả Guga nhắc nhở để nhắn nhủ đến các Nam nhi làm trai cho đáng nên trai.
Cũng nhận diện về văn hoá Chăm, nhưng Inrasara “Đối thoại hậu Hàng Mã Kí Ức” đã chọn một lối nhìn khác hẳn với cách thức truyền thống. Nhà văn Inrasara đã soi rọi văn hoá Chăm bằng những con người cụ thể. Ở đó, họ- chủ nhân của văn hoá Chăm được thể hiện mỗi người mỗi vẻ mỗi tính cách, nhưng tựu trung rất tinh thần Chăm. Hàng Mã Kí Ức gom góp và gói gọn sinh hoạt xã hội Chăm trong thế kỉ XX và những tiền đề bước vào kỉ nguyên mới. Đây là một tác phẩm văn chương khai thác đề tài tộc người thiểu số độc đáo ở Việt Nam. Những vốn từ vựng tiếng Chăm xuất hiện trực tiếp lên từng trang giấy qua từng mẩu chuyện, nếu được chắc lọc lại, có thể trở thành một cuốn từ điển lưu trữ văn hoá Chăm. Thao tác này, đã được nhà dân tộc học người Pháp là Georges Condominas đặt nền móng đầu tiên khi viết về tộc người Mnông Gar ở làng Sar Luk trên Cao nguyên Trung phần.
“Đối thoại hậu Hàng Mã Kí Ức”, không phải là lời độc thoại, đơn thanh của tác giả mà chính là quá trình tương tác của độc giả với nhà văn Inrasara giúp cảm thụ giá trị của tác phẩm và tích luỹ thêm vốn hiểu biết văn hoá Chăm cùng viễn cảnh của nó. Như vậy, với tác phẩm văn học Hàng Mã Kí Ức-Inrasara như thể là một Georges Condominas của Việt Nam.
3. Phần nghiên cứu
Tagalau 12, hội tụ được nhiều tác giả và bài viết thuộc nhiều lãnh vực khác nhau (6 tác giả, 6 bài viết).
Tác giả Hồ Trung Tú, được độc giả cả nước biết đến qua công trình khảo cứu lịch sử “ Có 500 năm như thế…” và gây được dư luận trong độc giả người Chăm. Nay, Hồ Trung Tú khởi hành cùng Tagalau 12: “400 năm Phú Yên-nhìn lại trường hợp chủ sự Văn Phong”. Tác giả đã chứng minh rằng, Văn Phong là con trai Phan Công Hiến thuộc một tộc họ còn gìn giữ bản sắc văn hoá Champa. Nhân vật lịch sử Văn Phong đã giúp chúa Nguyễn Hoàng chinh phạt vùng đất Phú Yên. Nếu giả thuyết của tác giả đặt ra, đúng với sự thật lịch sử, thì Văn Phong đã “cõng rắn về cắn gà nhà” giống như văn bản Chăm Ariya Glơng Anak kể lại “cảnh nồi da xáo thịt”, những cảnh suy đồi trong quá vãng bi thảm. Lịch sử đã đi qua không ai có thể thay đổi được, nhưng có thể cải thiện trong tương lai về những mối quan hệ Chăm-Chăm, Chăm-Việt. Lần dở từng trang lịch sử, lắm lúc đau buồn, nhưng ngăn chặn sự tái lập lịch sử trong hiện tại là bài học quý giá cần ghi nhớ.
Tác giả Quang Cẩn “Vai trò của trí thức cao niên Chăm trong việc bảo tồn tiếng Chăm” đã đưa ra những con số dự báo về sự mất đi vĩnh viễn của các ngôn ngữ tộc người thiểu số trên thế giới, trong đó, có tiếng Chăm. Trên cơ sở nhận định về hiện trạng của ngôn ngữ Chăm, tác giả đề ra một số giải pháp khuyến nghị để bảo tồn tiếng Chăm. Và giải pháp mà tác giả đề xuất là niềm tin vào những người cao tuổi giúp con cháu nói tiếng Chăm cho chuẩn, chính xác và thành thạo. Giải pháp này là một ý kiến. Tuy nhiên, ngôn ngữ Chăm có phát triển được hay không, trước hết, nằm ở chính nội tại của cộng đồng Chăm. Trong gia đình các thành viên có tập nói tiếng Chăm? Tiếng Chăm có được đưa vào giáo dục song ngữ ở bậc trung học phổ thông? Ngoài ra, việc đẩy mạnh sử dụng tiếng Chăm trong đời thường như viết thư, xuất bản các ấn phẩm phim, truyền thanh, truyền hình, truyện tranh, sách, báo, tạp chí bằng chữ Chăm –Akhar Thrah– mới là phương thức hiệu quả để bảo tồn ngôn ngữ tộc người thiểu số ở Việt Nam.
Tác giả Bá Văn Quyến “Bí ẩn của tháp Po Romé”, đã giúp độc giả hiểu biết về nhân vật lịch sử Ppo Rome trong vương triều Panduranga trị vì ở thế kỉ XVII. Và quá trình khai quật, nghiên cứu di tích đền tháp Ppo Rome ở thôn Hậu Sanh, tỉnh Ninh Thuận từ thời Pháp thuộc đến ngày nay. Qua những đợt khám phá khảo cổ học, đã khai mở được nhiều vấn đề về văn hoá, lịch sử liên quan đến triều đại Ppo Rome. Đặc biệt, các nhà khoa học đã phát hiện được Ghur Bini cùng hài cốt người là một bằng chứng thuyết phục về sự tồn tại của vương triều Ppo Rome là có thật chứ không phải là huyền sử cổ tích.
Tác giả Quảng Đại Sơn “Về những hiện vật điêu khắc đá Champa trong bảo tàng lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh”. Đối tượng nghiên cứu chính của tác giả là các hiện vật điêu khắc đá thuộc nền văn minh Champa đang trưng bày trong bảo tàng. Trên cơ sở những hiện vật như thần Shiva, nữ thần Devi, tượng Phật, Apsara, sư tử, bò Nandin, voi và chim thần Garuda.v.v. Tác giả giải mã về ý nghĩa của hiện vật theo quan điểm thần thoại Ấn Độ thể hiện sâu sắc ảnh hưởng của Hindu giáo trong nền văn minh Champa. Tiếc rằng, tác giả chưa làm sáng tỏ nguồn gốc, lí lịch của cổ vật điêu khắc đá Champa đang trưng bày trong bảo tàng, cũng như chưa xác định số lượng của hiện vật. Mặt khác, tác giả kết luận điêu khắc Champa có sự giao lưu với nhiều nền văn hoá khác và có nét phong cách riêng. Tuy nhiên, nét khác biệt của điêu khắc Champa tác giả chưa trình bày được rõ ràng.
Tác giả Quảng Đại Tuyên “Bước đầu tìm hiểu về triết lý âm dương thông qua hình ảnh cánh diều Chăm”. Hoạt động vui chơi thả diều cũng là một nét văn hoá, diều thường được trẻ em nông thôn chơi vào dịp nghỉ hè hay sau vụ mùa thu hoạch lúa .v.v. Từ việc phân loại các loại diều truyền thống. Tác giả nhận định, mỗi con diều đều tưởng trưng cho nhân sinh quan và vũ trụ quan của người Chăm. Thông qua đó, tác giả đi đến nhận thức có một triết lý âm dương. Để đưa ra luận cứ chứng minh, tác giả dựa vào tư liệu Chăm về quan niệm vũ trụ. Tiếc rằng, triết lý âm dương là một học thuyết của người Trung Quốc tổng kết thành. Tác giả đã sử dụng từ vựng tiếng Trung Quốc Yin-Yang (Âm-Dương) mà tưởng rằng từ tiếng Chăm. Vì thế, nội dung bài viết chưa nêu lên được điểm nổi bật của triết lý âm dương qua hình ảnh con diều mà chỉ là những mặt đối ngẫu, đối lập nhau, theo quan niệm, ý nghĩa về phồn thực, nếu kết hợp lại sẽ sản sinh ra giá trị mới. Tuy vậy, tác giả đã phiêu lưu đi đến kết luận “Diều Chăm chính là sự nhận thức về vũ trụ quan, nhân sinh quan dựa vào sự tiếp thu có sáng tạo trên cơ sở của nền văn hoá truyền thống Đông Nam Á”. Như vậy, tác giả đã nhân hoá hình tượng cánh diều thành một triết lý âm dương, mà quên rằng, hoạt động thả diều là sinh hoạt giải trí lúc nông nhàn.
Tác giả Bá Minh Truyền “Tổng luận về nghiên cứu lịch sử, văn hoá, xã hội và giáo dục người Chăm ở Việt Nam”. Giới thiệu một số công trình nghiên cứu về người Chăm ở Việt Nam. Đặc biệt, đã nhấn mạnh vào lãnh vực giáo dục. Sự ra đời và hoạt động của trường trung học Pô Klong vào thập niên 60, 70 của thế kỉ XX, đã cung ứng cho xã hội ngày nay một đội ngũ công chức, cán bộ đông đảo đang hoạt động ở nhiều cơ quan và ngành nghề. Như vậy, có tư duy giáo dục Pô Klong không? Đây là câu hỏi chưa nhận được lời giải đáp thoả đáng. Từ đó, cho thấy tình trạng giáo dục của tộc người thiểu số nói chung và người Chăm nói riêng chưa có sự quan tâm nhiều. Triết lý giáo dục Pô Klong có tiếp tục được phát triển trong tương lai hay không? Đây vẫn còn là điều suy tư của trí thức Chăm đương thời.
4. Phần văn hoá-xã hội
Tagalau 12, hội ngộ 6 bài viết của 4 tác giả. Nội dung của các bài viết đề cập đến các vấn đề có tính thời sự. Từ lịch sử hoạt động báo chí người Chăm đến những thực trạng hoạt động của các Nhà Văn hoá ở các làng Chăm. Việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ như thế nào đến vấn đề hôn nhân đồng văn đồng chủng, đều đã được các tác giả trình bày cùng những ý kiến khuyến nghị giúp cải thiện, phát huy các giá trị bản sắc văn hoá Chăm trong cộng đồng đa tộc người Việt Nam.
Ngoài ra, Tagalau 12, còn lời dẫn nhập của Inrasara như thay lời nói đầu, các tin tức liên quan đến sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của người Chăm, bảng chuyển tự latinh chữ Chăm-Akhar Thrah. Đặc biệt, có 2 tấm hình minh hoạt gương mặt Chăm ở trang ngoài cùng.
Kết luận
Tagalau vẫn nở hoa đều đặn hơn thập niên qua cùng lễ hội Katê, Ramưwan, Rija Nagar. Tagalau 12 là bước tiến triển mới về cả hình thức trình bày lẫn nội dung bài viết, mang đến một môi trường sinh hoạt văn nghệ và không ngừng phát hiện những tài năng mới. Chính những mầm non văn nghệ này, sẽ trở thành hạt giống kế cận hoạt động sáng tác, nghiên cứu văn hoá Chăm trong tương lai.
Những giọng thơ của tác giả Chăm qua lăng kính ngôn ngữ tiếng Việt không những phá cách những thi pháp cổ điển mà còn truyền cảm những mảng hồn Chăm đến với bạn đọc cả nước. Những tác giả trung thành với thơ tiếng Chăm-Akhar Thrah– đã luống tuổi hoàng hôn nhưng vẫn chưa xuất hiện thế hệ nối tiếp. Những cây viết thành danh mà tên tuổi của họ đã có mặt từ số đầu tiên của Tagalau đã ngả bóng về chiều vẫn còn tiếp tục ngoảnh nhìn lại. Thật trân quý biết bao !
Các hoạt động văn hoá-xã hội Chăm nổi bật được Tagalau 12 tổng kết kịp thời. Hơn thế nữa, các vấn đề có tính thời sự được trình bày một cách cô đọng giúp độc giả có được thông tin quan trọng. Đề tài nghiên cứu văn hoá Chăm chưa bao giờ đứt đoạn, Tagalau 12 công bố nhiều bài viết khảo cứu khoa học nghiêm túc về văn hoá, lịch sử Champa đồng thời, giải mã nhiều ý nghĩa các giá trị trong văn hoá Chăm.
Quá trình hoạt động của Tagalau đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ giới trí thức Chăm và bạn đọc gần xa. Tuy nhiên, Tagalau tồn tại và phát triển đến ngày nay là nỗ lực rất lớn của các sáng lập viên, sự ủng hộ của mạnh thường quân và độc giả. Có thể các trí thức Chăm có những nhận định đa tuyến về Tagalau, nhưng, việc ủng hộ Tagalau là một nghĩa cử đẹp thể hiện lòng yêu quý văn hoá Chăm. Tagalau 12 đã tạo được bước chuyển biến tích cực, khuyến khích các cây viết mới hội tụ về sinh hoạt cùng sân chơi Tagalau./.
Tác giả viết:
“những bài thơ của tác giả Chăm vay mượn tiếng Việt để chuyển tải hồn thơ đã phá vỡ hết tính truyền thống của thi ca Chăm… Nhìn chung, các tác giả chưa lĩnh hội được thể thơ Chăm cổ điển và tính tự sự theo tuyến lịch sử trong sáng tác văn chương”.
Tôi không hiểu.
– Thứ nhất, vay mượn là gì? Cây bút thơ Chăm hiện nay sống trong cộng đồng Việt Nam dùng ngôn ngữ phổ thông làm thơ, sao gọi là vay mượn? Tôi biết nhiều nhà thơ gốc Việt đang làm thơ tiếng Anh.
– Thứ hai, các nhà thơ Việt làm thơ nổi tiếng hiện tại cũng đau dùng “thể thơ” Việt cổ nữa. Có thể nói thế giới có thễ cũng vậy cả. Miễn sao thơ hay là được.
XEM
– Cai goi la “tư duy giáo dục Pô Klong”, “Triết lý giáo dục Pô Klong” la gi?
– Nhan dinh nao Bahasa cho rang: “Inrasara như thể là một Georges Condominas của Việt Nam”?
Mong Bahasa giai thich dum.
Yaja dua ra cau hoi hay lam. Triet ly giao duc Poklong hay tu duy giao duc Po Klong la gi? ai dua ra khai niem nay? co phai la tac gia?
Điểm luận thôi mà. Tagalau12 dày cui mà luận nhiều thì đâu có hết. Tôi đọc rồi.
Jaleng hay Sakayi cũng đúng.
Bahasa gợi ý cho độc giả suy nghĩ thêm: triết lý Pô Klong ở đâu? Nghe nói, anh ta có nghiên cứu về trường này. Chờ vậy.
So sánh nhà văn Chăm Inrasara với nhà nghiên cứu dân tộc Condiminas là cách quảng cáo để mọi người tìm đọc cả hai rồi so sánh. Gợi ý hay đấy chứ!!!
Theo tôi, so sánh nào cũng khập khiểng cả:
– Ông Tây đã vào hòm rồi, còn Inrasara chưa vô kut. Một người sự nghiệp đã kết thúc, một người thì còn đi dài ngày.
– Ông C. từ Pháp sang nghiên cứu vài dân tộc Cao nguyên, S. là Chăm nghiên cứu Chăm.
– Ông C. không biết làm thơ, không phê bình văn học, S. thì có.
– Ông C. có triết lí nghiên cứu dân tộc học, S. có trường phái “phê bình lập biên bản”.
Không so sánh được đâu, vui thôi!
Jaya Bahasa bảo Văn Phong cõng rắn về cắn gà nhà cũng tội cho ông ấy! Đất Đà Sơn của Văn Phong ở đã thuộc về Việt từ 1306. Lúc Văn Phong đi đánh Phú Yên là 1611. Có nghĩa là Văn Phong (nếu quả thực đó là Văn Phong của Đà Sơn) đã có đến 300 năm Việt hóa. Nếu lúc đó ông ấy còn giữ được bản sắc Chăm của mình cũng đã là một điều vô cùng hay, đó là chưa nói chuyện trong 300 năm ấy bao nhiêu đời dòng họ ông đã có vợ Việt, nhất là người Chăm trọng bên mẹ. Ý thức về dòng tộc chắc chắn sẽ không như Jaya Bahasa nghĩ để có thể bảo ông cõng rắn về cắn gà nhà.
Hơn nữa, cần thấy rằng lúc này không có Văn Phong thì Phú Yên cũng mất. Bằng chứng là sau đó Nguyễn Phúc Vinh đi lấy Phú Yên rất dễ dàng mà không cần Văn Phong (vì Văn Phong cấu kết với người Chăm làm phản).
Nếu điểm đến nhân vật này thì nên thấy cái ý thức dân tộc sống lại trong lòng người con Chăm sau 300 năm mất nước, đó là điểm son cần khuyên lại chứ cứ lấy quan điểm 300 năm dồn lại một ngày, nhìn lịch sử bằng cặp mắt của người hôm nay, thì vĩnh viễn chúng ta sẽ mất không chỉ lịch sử mà cả những tấm gương sáng của tiền nhân cần phải học hỏi nữa.
Phản hồi của Hồ Trung Tú rất Chăm – Điểm luận của Bahasa rất Việt. Viết cùng Tagalau 12 nhưng chắc 2 người chưa gặp nhau ở đâu cả, nếu có gặp nhau phải có trọng tài. Đó là điều Tagalau không muốn. Chọc quê nhau thì mấy cũng chịu, góp ý không được bươi, mới là xây dựng. Thật sự lịch sử mơ hồ, chúng ta dùng văn chương để làm LS rõ được chừng mô hay chừng nấy. Thưa! có phải vậy không?
Qua tác phẩm của Hồ Trung Tú, ta thấy người Chăm mất gốc không phải qua con đường mất bản sắc văn hóa mà là qua con đường hôn nhân khác dân tộc, đây mới là ngõ hẻm xóa bỏ các thế hệ tiếp nối. Một đứa con sinh ra sẽ sở hữu hai dòng máu của bố và mẹ, giống như một dung dịch được pha trộn từ hai chất. Đổ một ca nước ngọt vào một xô nước mặn tạo thành một “hỗn hợp”, thử hỏi “hỗn hợp” này còn ngọt nữa không? Quan hệ hôn nhân khác dân tộc cũng tương tự, cộng đồng Chăm rất ít người hòa tan vào một cộng đồng đông đúc, dòng máu sẽ bị pha loãng, tỉ lệ dòng máu Kinh ở các hậu duệ tiếp nối ngày càng nhiều hơn so với Chăm do họ đông hơn, nên họ quay lưng với người Chăm cũng là một điều dễ hiểu. Tác phẩm của Hồ Trung Tú dễ gây mất thiện cảm nhưng lại cho ta một bài học vô cùng quí báu. Vì vậy, cần khuyến khích người Chăm nôi hôn đồng tộc, như vậy mới duy trì dòng máu của tổ tông.
Tôi nghĩ có lẽ Kiều Dung còn trẻ, dù vậy tôi không dám xưng chú cháu ở nơi công cộng này. Bạn còn TRẺ, viết bài ngắn còn rất nhiều HỚ HÊNH, bạn cần HỌC nhiều hơn nữa.
Nên chớ vội phê phán. Một tác phẩm công phu như của ông HTT có chỗ sai có chỗ đúng, vậy mà bạn phán một câu “mất thiện cảm” thì rất không hay đó.
Bạn không nên để dư luận tác động, mà nói như nhà thơ Inrasara là: nhìn sự việc với con mắt mở lớn.
Còn bài viết của bạn, bạn cần NGHE ý kiến mọi người rồi từ từ triển khai thêm thành một bài nghiên cứu giá trị. Đề tài rất hay đó.
Chúc bạn thành công.
“Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải là vương quốc Champa đã bị diệt vong? Ðó là di sản văn hóa của người Việt chứ không phải của một nền văn minh bị biến mất như các tờ rơi du lịch giới thiệu!” (Trích Có 500 năm như thế,Hồ Trung Tú,xem tr.218-219).
(?)
Nhưng dẫu sao Hồ Trung Tú vẫn là người đóng góp rất lớn khi nghiên cứu một nhóm người Chăm đã tuyệt tích, giúp chúng ta rút ra được một học đáng nhớ, đó là công lao của Hồ Trung Tú.
May qúa tôi còn ở trên máy! KD lạc hậu tình hình quá.
Chi tiết này anh chị em đã bàn và quyết lâu rồi.
Hồ Trung Tú đã “phản hồi” ngày 04.06.2011 at 15:54:
“Rất mừng thấy các bạn đã hiểu. Cảm ơn anh Inra Sara bội phần. Dù gì thì khi tái bản tôi cũng sẽ sửa câu đó cho nó bớt lủng củng hơn. Chúc mọi người vui”.
Cuón sách có rất nhiều cái đúng, mà có mỗi câu sai, rồi câu sai đó tác giả nhận ra SAI và hứa sửa rồi, vậy mà KD vẫn cứ bám vào thế, thì tôi KHÔNG hiểu nổi.
Điểm luận qua “Bí ẩn của tháp Ppo Rome” của BVQ, tác giả viết: “… Đặc biệt, các nhà khoa học đã phát hiện được Ghur Bini cùng hài cốt người là một bằng chứng thuyết phục về sự tồn tại của vương triều Ppo Rome là có thật chứ không phải là huyền sử cổ tích.”
Theo tôi, tác giả dùng từ “thuyết phục” là đủ. Ở đây, tác giả viết thêm “là có thật chứ không phải là huyền sử cổ tích” thì tôi thấy mệnh đề này không những dư thừa mà nó còn thể hiện quan điểm “khách quan thái quá” của tác giả đối với các trang sử Champa hiện tại. Tác giả có lẽ đang đùa cợt với các trang sử của Champa thời Ppo Rome!? Không lẽ không có những kết quả khai quật đó thì nhân vật lịch sử Ppo Rome là “không có thật” và chỉ là “huyền sử cổ tích” chăng!?
Thông tin cho Jaya Bahasa thêm: Con cháu Ppo Rome (dòng họ Ppo Rome) và của người vợ Ppo (tôn giáo Bàni) vẫn còn tồn tại ở một số làng Chăm. Có lẽ từ khi chưa khai quật “Ghur Bini” kia, lớp hậu duệ của Bà ở các làng tôn giáo Bàni vẫn còn thờ phụng. Và ngay cả sáng hôm nay (mở tháp trong ngày Katê), họ vẫn duy trì việc thờ phụng ấy tại tháp Ppo Rome.
Vậy, nếu không có khai quật kia thì các vị ấy là “không có thật” và chỉ là “huyền sử cổ tích” ư! Xin được hỏi Jaya Bahasa?
Mặc dù tôi chưa xem qua cuốn Tagalau 12, nhưng tôi cũng đồng ý với lời nhận xét của Jalo_panrang với bài viết của anh Bá Văn Quyến.
Nhân bài điểm luận của Bahasa có nhắc đến thuật ngữ: “thể thơ Chăm cổ điển” & “tính truyền thống của thi ca Chăm”. Kính nhờ nhà thơ Inrasara có thể giải thích cho đọc giả trẻ hôm nay biết về điều này được không? hay là Bahasa chỉ nêu ra “trêu ngươi” độc giả chơi thôi.
Nếu có bài viết hoàn chỉnh về vấn đề này thì càng tốt, để những ngừời yêu văn chương Chăm tiếp tục phát huy cái đẹp của dân tộc mình.
Kính chúc mọi người mùa Kate an lành.
Thuk siam
Bạn Nguoi yeu Van hoc Cham thân
Trả lời câu hỏi bạn thì cần đến một bài tiểu luận công phu.
Tác phẩm Văn học Chăm khái luận vừa được Nhà xuất bản Tri thức tái bản, đang phát hành.
Bạn có thể đọc và rút ra cho mình những đặc trưng của văn học dân tộc. Tôi cũng có trả lời phỏng vấn: Inrasara: “Làm lại từ dấu chân của người đi trước” do Nguyễn Hoàng Diệu Thủy thực hiện đăng trên Bee.net.vn, 24-9-2011
Inrasara.com vừa đăng lại.
PV. Trước đây năm 1994, anh đã ra cuốn Văn học Chăm I – khái luận. Vậy cuốn sách Văn học Chăm khái luận lần này có gì khác so với cuốn trước?
Inrasara: Không khác. Văn học Chăm khái luận là “tái bản” công trình đã in trước đó 17 năm. Tôi chủ trương giữ nguyên, chỉ sửa chữa, thêm bớt các chi tiết thật quan yếu. Thêm vào đó, các bài viết phản ánh tương đối đầy đủ thành tựu về nghiên cứu và sáng tác văn chương Chăm thời gian qua của tôi được đưa vào phần “Phụ lục”, gồm: “Để hiểu văn chương Chăm”, “Văn học Chăm hiện đại”, “Nhập cuộc về hướng mở – sáng tác văn chương Chăm hiện đại” và nhất là ghi nhận về bước tiến của đặc san Tagalau: “Tagalau qua 10 kì phiêu lãng”.
Chính phần phụ lục này vẽ nên bộ mặt sống động của sinh hoạt văn học Chăm đương đại trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Nguoi yeu Van hoc Cham đặt ra câu hỏi thực tế, cần thiết cho các người trẻ chúng ta. Nhưng bạn dùng chữ “trêu ngươi” tôi thấy chưa ổn.
Bài viết của Jaya Bahasa có nhiều sơ hở, viết dễ dãi, Klủn tôi cũng thấy huống hồ bậc thức giả. Bác Sara đăng lên để mọi người thảo luận, và để anh Bahasa thấy mình… sơ hở!
Viết văn khó vậy đó. Vừa rồi Klủn tôi có đọc một quyển sách dày của 1 ông Chăm, trình độ như Klủn tôi cũng lượm ra khối lủng củng, sơ hở về cách hành văn và lập luận.
Dù sao Klủn tôi cũng hoan hô anh Bahasa đã làm cho bạn trẻ chú ý đến Tagalau. Chớ có ai chịu khó “điểm luận” đâu.
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn Klủn. Comment trên của tôi có hỏi Bahasa nhưng, cốt yếu là để anh Bahasa thấy sơ hở đó và rút kinh nghiệm mà thôi, chứ tôi thừa biết tinh thần và sự đóng góp của anh Jaya Bahasa. Bản thân jalo tôi có đóng góp được chi mô. Nhưng cốt cách Chăm là phải có trước khi muốn giữ gìn và phát triển nó, đúng không bạn?
Tadhuw yuh bilan Katê thuk siam tal abih mik wa saung adei xa-ai grơp nưgar Chăm
Tôi đồng ý với cách viết của Bahasa, anh dám đưa ra chính kiến của mình. Đưa ra chính kiến rõ ràng mới có thảo luận. Các bạn quá quan trong sai đúng. Dám đưa ra ý kiến, để mọi người thẳng thắn trao đổi học tập.
Có tư tưởng triết Pô Klong chứ sao không?
Cho dù anh ví nhà văn Inrasara với Condominas tôi thấy đâu có sai nhiều. Nhà nghiên cứu Pháp nghiên cứu và kể chuyện dân tộc Tây nguyên, nhà văn Chăm nghiên cứu và kể chuyện dân tộc mình. Còn các nhà khác thì chỉ nghiên cứu thôi. Đúng quá chớ.
Còn ai nói tầm cỡ ai cao hơn ai thì chưa chắc!
Dù khi đôi chỗ anh nói hớ, tôi vẫn đồng ý.
Đwa karun
Tư tưởng triết Po Klaong là thế nào?
Tôi không đồng ý với bạn Che Man PS
Các bạn tôi có vẻ cũng rất có chính kiến. Tôi nhất trí cao.
– Về triết lí Pô Klong tôi tin là có – mơ hồ vậy thôi, có lẽ Bahasa sẽ nêu ra được, vì anh có ng cứu vấn đề này.
Tôi cũng thấy là nhiều chi tiết anh Bahasa viết hớ, sơ hở như các bạn nói. Tôi chỉ bảo là tôi nhất trí với anh đã nêu rõ quan điểm của mình thôi. Rõ ràng như vậy là tốt, nên chúng ta có chuyện để nói.
1 sơ hở khác, ví dụ: anh viết các tác giả tiếng Chăm “đã luống tuổi hoàng hôn” thì sai rồi. Jaya Thuksiam còn khá trẻ đó.
Lau rồi, Tôi mới đọc được một bài viết rất hay, nhưng, sao tôi vẫn không công nhận 100% của Nó là hay. Tôi vẫn đọc đi đọc lại, đọc không phải để cảm nhận nét hay về văn phong, cấu trúc và ý nghĩa nội dung của Nó mà đọc để tìm kiếm tất cả nhược điểm của Nó.
Tôi quá khắt khe, hay là người luôn đòi hỏi sự hoàn hảo, vì vậy Tôi luôn tìm nhược điểm của Nó để chê bai, để lên án, để chứng minh chủ của Nó không thực sự tài giỏi, để bắt bẻ Nó không hoàn hảo.
Nhưng đôi lúc Tôi nhìn lại Tôi, Tôi cũng là người viết văn nhưng sao đôi lúc những đứa con tinh thần của Tôi chỉ có mình Tôi biết, Tôi không đủ can đảm để ra mắt đứa con ấy với mọi người.
Sau một cơn mơ kéo dài, chợt tỉnh dậy Tôi thấy mình thật vô vị, thật tồi tệ và tôi thấy mình thật đáng khinh. Cũng là người viết lách như ai nhưng tại sao tôi không đủ can đảm để đưa đứa con tinh thần của mình ra cho bàn dân thiên hạ xem, hay Tôi sợ mình đau, sợ mình bị tổn thương khi nhìn đứa con của mình bị người ta mổ xẻ, phê bình, chỉ trích, như Tôi đã từng đối xử với những đứa con của người khác.
Giờ Tôi phải suy nghĩ và phải có cách nhìn khác, Tôi không thể là con người có cách nhìn lệch lạc như trước được.
100 người là 100 suy nghĩ, 100 cái nhìn và 100 ý kiến. Một vấn đề không phải ai cũng đưa ra ý kiến giống ai, mà là 100 ý kiến khác nhau, không thể nói ý kiến người này đúng người kia sai. Chúng ta không cần phải dùng mọi cách để bắt bẻ, chứng minh ý kiến của người này, người kia sai, mà chúng ta phải học cách chấp nhận, tôn trọng ý kiến của người khác. Vì mỗi người có một cách suy nghĩ, cảm nhận, quan điểm sống và trình độ khác nhau nên không ai có thể nhìn nhận một vấn đề giống ai. Chính vì vậy chúng ta đừng bao giờ có cái nhìn không thiện cảm, hay phủ nhận phê phán ý kiến trái ngược với ta. Phải biết tôn trọng ý kiến của người khác có như vậy ý kiến của mình mới được tôn trọng.
Giờ tôi thật sự ngưỡng mộ những ai đã can đảm đưa đứa con của mình công khai trước bàn dân thiên hạ, họ cũng thừa biết mình sẽ được khen , được chê và những lời chỉ trích, bắt bẻ, đôi lúc cũng khó chấp nhận nhưng họ vẫn chấp nhận đưa ra, có lẽ họ tự tin vào bản thân mình và tin vào khả năng của chính đứa con mình tạo ra. Một đứa con mới ra đời có thể có nhiều ý kiến khác nhau về Nó, có người nói nên để “kiểu tóc” của Nó như thế này, có người nói nên để như thế kia, có người nói “tay” Nó dài quá còn người khác nói là “tay” Nó ngắn quá… Người đọc đương nhiên có quyền được cảm nhận, được bình luận, được quyền đưa ra ý kiến nhưng phải biết giới hạn của mình nên dừng ở mức độ nào. Đừng bao giờ vì những lý do như người ta có “đứa con” đẹp quá hơn “đứa con” của mình , hay mình không thể có “đứa con” như người ta nên ganh ghét, dùng những lời bình cay nghiệt để chỉ trích nhầm chứng mình người cha của “đứa con” đó không thật sự tài giỏi, cũng là người tầm thường, cũng còn nhiều thiết xót nên tạo ra “đứa con” cũng đầy nhược điểm.
Văn mình, vợ người, viết văn chẳng khác nào làm dâu trăm họ, có thể làm vừa lòng người này nhưng không thể làm vừa lòng người kia. Chính vì vậy tâm hồn của người viết văn phải chứa đầy sự chịu đựng, bao dung. Họ luôn chịu đựng khi nhìn “đứa con” do mình sinh ra bị mổ xẻ, phê phán, lên án… Nhưng họ vẫn chấp nhận vì họ hi vong “đứa con” của mình có thể làm rõ một vấn đề nào đó.
Bài điểm luận của Bahasa tuy không thể cho là hoàn mỹ, nhưng nói đi thì phải nhìn lại, Tagalau 1 đến 12 thì chưa có một bài điểm luận nào ngoài trừ của Bahasa. Trong điểm luận có thể Bahasa sử dụng ngôn từ làm một số người không hiểu, cú pháp câu của anh cũng hơi lạ nhưng không phải vì thế mà chúng ta phủ nhận “đứa con” của anh không đẹp. Có thể Tagalau 12 có nội dung không hay bằng bài điểm luận của Bahasa nhưng ngay từ đầu Bahasa đã nói “Trong bài điểm luận này, không nhằm đánh giá chất lượng của các bài viết mà chỉ nhận xét về định hướng phát triển của Tagalau thông qua nội dung bài viết.” .
Một lời khen không khó nên mọi người đừng quá khắt khe, Tôi cũng công nhận có từ anh dùng Tôi không hiểu nhưng không vì thế mà Tôi lôi ra để phê phán, chỉ trích là Nó dở vì dùng từ Tôi không hiểu. Tôi không hiểu bởi vì Tôi không phải Bahasa, Tôi không thể có cảm nhận và suy nghĩ giống anh và trính độ kinh nghiệm của tôi cũng không giống anh. Bới vì Tôi là Tôi và Bahasa là Bahasa, Tôi không thể vì mình không là anh mà phủ nhận anh. Mọi người có thể cho là Tôi hơn thiên vị Bahasa, Tôi không phủ nhận điều đó. Bahasa là người đi đầu tiên viết điểm luận (tính từ cuốn Tagalau 1 – 12) theo Tôi như thế đã đạt lắm rồi. Một tờ giấy trắng chỉ có một chấm đen rất nhỏ nhưng mọi người chỉ nhìn thấy chấm đen còn khoảng trắng kia rất nhiều sao không nhìn thấy.
Bạn Mục Măng đi phân giải nhùng nhằng những điều mà độc giả xem đó là lẽ tất nhiên. Cách bạn nói y như một ai đó không nên nêu lên góp ý khi thấy thiếu sót đáng góp ý; Hoặc không được hỏi khi họ không hiểu một vấn đề chưa được rõ trong đó vậy. Thành ra bạn lệch lạc và phức tạp hoá một vấn đề đơn giản. Các tác giả văn học không quan niệm như bạn đâu.
Bạn nên nghĩ đơn giản lại, ở đây: các độc giả chỉ góp ý cho những điều chưa đúng đáng được góp ý, và hỏi một phạm trù Triết lý mới chưa hiểu là “triết lý giáo dục Pô Klong”. Đơn giản vậy thôi, chứ không phải “mổ xẻ, lên án, chỉ trích”… nặng nề như bạn nghĩ đâu!
Khác nữa, bạn quá khập khiểng khi đặt và so sánh vấn đề này với việc nhận xét “tay” kia dài, “tóc” kia ngắn… Vấn đề của bạn nó có cả vạn vạn ý kiến khác nhau chứ không phải 100. Còn vấn đề ở đây, điều đúng nó chỉ là một mà thôi – tôi ví dụ: Sự tồn tại của Vương triều Pô Rome là có thật, nó chỉ có một điều đúng duy nhất chứ không cần đắn đo bàn tán.
Bạn nên nhớ, Văn học dành cho mọi giới, nhưng mọi giới không phải là giới văn học. Bạn đọc quan tâm đến văn học có nghĩa là họ quan tâm đến nhân loại chung quanh. Vì vậy họ có quyền động não, chứ không phải họ phải xem lại mình có phải là giới văn học hay không trước khi nói như bạn yêu cầu.
Về “đứa con tinh thần” của mình, các tác giả thừa biết điều đó, bạn không cần phải giải thích! Họ không quan niệm như bạn nghĩ.
Thân chào.
Jalo_panrang thân mến
Cảm ơn bạn đã góp ý kiến cho mình. Bài của mình không phải nói riêng cho bài điểm luận của Bahasa, mà còn nhiều bài khác. Măng công nhận bài mình phần dẫn nhập dài dòng nhưng ý chính bài Măng viết không phải không cho độc giả góp ý, hay hỏi những vấn đề mà mình chưa hiểu. Bạn có biết cùng là để góp ý cho một vấn đề nhưng có nhiều cách góp ý khác nhau có người góp ý làm cho tác giả vui vẻ để trả lời còn có người góp ý làm cho tác giả khó chịu. Chắc bạn hiểu ý của Măng muốn nói.