tạp chí Tia Sáng, đăng ngày 20-9-2011. Đây là bản đầy đủ:
Từ cuối khoảng thập niên 90 của thế kỉ XX, hạn từ nhà văn trẻ, văn trẻ hay thơ trẻ được sử dụng với tần số cao. Cao, ngày càng đậm đặc, trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả trong giới khoa bảng. Đậm đặc và lạ. Lạ ở người dùng nó hay lẫn lộn về thời điểm xuất hiện, hệ mĩ học sáng tác cho đến độ tuổi của nhà văn. Nên đã từng xảy ra hiện tượng không ít nhà văn trẻ trẻ từ đầu thập niên 90 của thế kỉ trước đến cuối thập niên thứ nhất của thế kỉ sau mà vẫn còn… trẻ!
Văn thơ trẻ, một hạn từ đầy nhập nhằng là vậy(1).
Ở đây, tạm lấy chuẩn Hội Nhà văn Việt Nam – các cây bút dưới 35 tuổi – để định danh nhà văn trẻ. Giữa mươi nhà văn đã được biết đến, thêm bao nhiêu khuôn mặt khác, xác định được ai để lại dấu ấn, và những tác giả nào đáng đọc, là điều khó khăn. Càng khó hơn khi phong trào sáng tác mạng phát triển, các người viết trẻ không còn thiết tha với việc in giấy tác phẩm của mình. Rồi bao nhiêu cây bút đang cư trú vùng sâu vùng xa không điều kiện có mặt trên các phương tiện thông tin đại chúng hay trên diễn đàn tại các trung tâm văn hóa lớn,…
Khó, nhưng không phải không thể điểm danh, nếu ta đặt các tác giả ấy trong tiến trình phát triển văn học, với những đóng góp khác lạ, độc đáo qua cách nhìn giải trung tâm. Nghĩa là khi ta chỉ nhấn vào chất lượng tác phẩm, mà không quan tâm phạm trù trung tâm – ngoại vi, không phân biệt văn chương giấy hay văn chương mạng, văn bản in ngoài lề hay chính thống, của người dân tộc thiểu số hay đa số, nhà văn sống ở địa phương hay tại trung tâm kinh tế văn hóa lớn, đã hay chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam,… Qua đó, ta sẽ có được cái nhìn toàn cảnh, vô phân biệt.
Trước đó không xa, các tác giả thuộc thế hệ 7X – tuổi trên dưới 35 – xuất hiện ở nhiều thời điểm khác nhau, đã định hình phong cách. Về thơ có: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư (sinh năm 1972), Ly Hoàng Ly (1975), Trần Lê Sơn Ý (1977), Lý Đợi (1978)…; văn xuôi có: Trần Nhã Thụy, Phan Hồn Nhiên (1973), Nguyễn Đình Tú, Đặng Thiều Quang (1974), Khánh Phương (1975), Nguyễn Ngọc Tư, Vũ Đình Giang (1976), … Hầu hết họ vẫn sáng tạo, và sáng tạo mạnh.
Xuất hiện đồng thời hay muộn hơn, là những khuôn mặt trẻ.
Nhà văn Di Li (1978) viết truyện kinh dị là sự lạ. Lạ, bởi ít ai dũng cảm dấn vào lãnh địa này, ở đó sự non tay sẽ bị nhận ra tức thì. Tiểu thuyết Trại hoa đỏ (2009) và tập truyện Chiếc gương đồng (2010) lôi cuốn được độc giả, là thành công đáng ghi nhận.
Nguyễn Vĩnh Nguyên (1979), bốn năm sau tập truyện ngắn Khu vườn lưu lạc (2007) là tập truyện ngắn khác: Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông (2011). Nếu ở tập trước, tác giả thử nhìn sự vật ở bề trái, vùng tối, chiều khác trong tầng bậc chưa được khai phá của tâm hồn và cuộc sống con người hiện đại, thì ở tác phẩm sau, anh chọn góc nhìn khác: ở lưng chừng. Chính từ góc nhìn lưng chừng, anh thấy cuộc đời “khác”, từ đó quan niệm và cách viết truyện ngắn cũng khác đi.
Truyện ngắn “Hậu sản” của Lynh Bacardi (1981) có nhiều khám phá về sinh phận bị đày ải, quái dị, hơn cả kiếp người dưới đáy xã hội. Truyện đựng chứa nhiều ẩn dụ, được viết như trong cơn mê sảng dài. “Hậu sản” phi tâm hóa thể loại thơ với truyện, dù khó đọc nhưng vẫn có sức hấp dẫn riêng. Tiếc rằng, năm năm sau tác giả này không có tác phẩm nào khác vượt qua nó.
Như Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (1979) với 21 khúc biến tấu (2004) hay Nguyễn Thế Hoàng Linh (1982) với Truyện của thiên tài (2005),… và nhiều tác giả văn xuôi khác đã chung số phận. Sự trường sức của cây bút mà tài năng lộ ở giai đoạn khởi động, đang là một vấn đề lớn. Cả Nguyễn Thị Thúy Quỳnh lẫn Nguyễn Thế Hoàng Linh đã chuyển sang làm thơ sau đó. Dù ở thể loại này, họ vẫn thể hiện được cá tính sáng tạo được nuôi dưỡng từ thuở văn xuôi.
Hai năm qua, Vũ Lập Nhật (1990) xuất hiện, như là một hứa hẹn. Tiểu thuyết 9COMPUTER với hàng loạt truyện ngắn trên mạng của Vũ nhiều tưởng tượng và liên tưởng độc đáo, lối viết đa tuyến với những chuyển biến bất ngờ, lôi cuốn.
Còn ai nữa? Hầu như không. Văn xuôi Việt Nam vẫn còn bám “hiện thực”, một hiện thực chưa thoát ra khỏi lối viết cổ điển. Sự thiếu truyền thống [văn xuôi] của Việt Nam là một trong những nguyên do dẫn đến tình trạng này.
Thơ đã khác hẳn. Việt Nam có cả ngàn năm truyền thống thơ để người làm thơ có thể tiếp nhận, hủy hay giải truyền thống.
Vi Thùy Linh (1980), từ thế hệ trẻ “trước” sang thế hệ trẻ “sau” vẫn còn giữ nguyên phong độ. Tập này tiếp tập khác, Vi Thùy Linh vẫn là bộ mặt rình rang, “nổi trội”. Điều đáng nói là Linh quá chú tâm về bề mặt báo chí mà quên đi mình từng là nhà thơ tài năng. Trong khi thơ đã tự lặp lại lúc nào không biết. Cùng thời điểm đó, ở Sài Gòn, Bùi Chát (1979) rất khác. Mỗi tập thơ là một ý niệm mới, và anh triển khai tối đa ý niệm này. Hơn nữa, các ý niệm xuất phát từ cảm thức hậu hiện đại, nên hiện thực trong thơ Bùi Chát là thứ “hiện thực thậm phồn” của xã hội Việt Nam hiện tại được phơi bày lồ lộ qua một lối thơ giễu nhại – độc đáo, sâu cay và… vui vẻ.
Sau đó không lâu, Khoa Viết văn thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội giới thiệu đến công chúng vài khuôn mặt thơ mới: Đoàn Văn Mật (1980) và Lữ Thị Mai (1988) nằm trong số đó. Có thể kể thêm Nguyễn Quang Hưng (1980), Điệp Giang (1981),… nhưng tất cả vẫn nằm trong truyền thống dòng thơ “tiếp hiện”(2). Ngoài Du Nguyên (1988) với tập thơ đầu tay Mục: xó xỉnh, cười (2011) đã khởi đầu chuyển hướng, những người làm thơ ở các tỉnh phía Bắc vẫn ở lại “tiếp hiện” – từ lối làm thơ, quan niệm về thơ và cả cách trình làng tác phẩm.
Các cây bút thơ trẻ Sài Gòn quyết liệt hơn, cực đoan hơn trong sống và viết. Họ có thể in photocopy hay chỉ chọn có mặt trên mạng, có thể in chính thống hay chấp nhận tác phẩm sống lưỡng cư – không vấn đề gì cả.
Từ Nguyệt Phạm (1982) đến Đỗ Trí Vương (1990), từ Tuệ Nguyên (1982), Tú Trinh (1983), Khương Hà (1985) tới Bỉm (1987), họ thử đủ phong cách, thể nghiệm đủ thủ pháp; từ truyền thống, hậu lãng mạn, hiện đại, tân hình thức cho đến hậu hiện đại.
Trong số này, Tiểu Anh (1984) và Đoàn Minh Châu (1984) định hình phong cách ngay khi vừa xuất hiện. Kiệm lời và tuần tự nhi tiến, Đoàn Minh Châu với thi phẩm đầu tay (m-n & z, Minh Châu xuất bản năm 2008) và Tiểu Anh qua vài mươi bài đăng trên Vanchuongviet đã chín đầy. Ở một chân trời khác, Lưu Mêlan (1989) qua hàng trăm bài thơ đăng cấp tập hai năm liên tục trên các trang mạng văn chương toàn cầu đã tạo nên một giọng lạ biệt.
Điểm danh sơ bộ vài tên tuổi văn chương trẻ, không lạ khi nữ giới chiếm đa số. Là điều đáng suy nghĩ. Tương lai thế nào chưa biết, chứ hôm qua – theo quan sát cá nhân tôi – các tài năng văn chương Việt Nam thường chết yểu, ở đó nữ dễ yểu hơn và yểu nhiều hơn nam. Còn nếu có thọ, đa số chỉ như một cách kéo dài hơi thở thoi thóp từ thuở ban đầu.
Tại sao? Vì nhiều nguyên do khác nhau, trong đó nguyên do của mọi nguyên do chính là Việt Nam thiếu nền tảng triết học. Triết học đang được dạy trong các trường Đại học là triết học dạy nghĩ theo chứ không phải nghĩ khác, hay suy tư độc lập. Ở đó, ý hướng tính của nó là khuyến khích sự tiếp thu [và sáng tạo trên nền tảng] cái cũ, chứ không là tạo cảm hứng cho khám phá cái mới, thám hiểm vào vùng xa lạ.
Sự thể biểu hiện rõ nhất trong thể loại văn học cuối cùng: lí luận – phê bình.
Qua môi trường văn học ấy, đòi hỏi có ngay nhà lí luận – phê bình trẻ sáng giá không khác nào chuyện hái sao trên trời. Người trẻ viết phê bình, có thể điểm danh: Trần Thiện Khanh (1980), Đoàn Minh Tâm (1982), Đoàn Ánh Dương (1984), Nhã Thuyên (1986),… Họ sẽ đi đến những đâu?
Các nhà văn trẻ Việt Nam rồi sẽ đi về đâu?
Sài Gòn, 7-9-2011
______
(1) Inrasara, “Đặt nền tảng cho phê bình thơ Việt đương đại”, tạp chí Hợp Lưu, số 110, 6&&-2010.
(2) Về hạn từ “dòng thơ tiếp hiện”, xin xem: Inrasara, “Hòa giải và hóa giải ba loại nhà thơ hôm nay”, tạp chí Sông Hương, số 6, 6-2010.
Anh Inrasara ngoài đời lành bao nhiêu
Nhà thơ kiêm nhà nghiên cứu Inrasara viết hoặc ứng xử về vấn đề văn hóa xã hội đầm tính hay công bằng bao nhiêu…
Thì đối với văn học, nhà văn Inrasara cực đoan bấy nhiêu.
Tôi nói vậy có đúng không?
Công nhận anh đọc nhiều, nhưng bài này anh hơi cực đoan. Tại sao chỉ kể mấy tên thôi nhỉ? Còn bao nhiêu người khác nữa ở đâu…
Sara còn khen bài thơ KHÓC VĂN CAO của Bùi Chát là hay nhất trong năm 2004 nữa. Tôi không hiểu lắm, nhưng trong hoàn cảnh văn học VN hiện đại, tôi có cảm nhận dường như anh có cái lý.
Pingback: Tin thứ Năm, 22-09-2011 « BA SÀM
Pingback: Tin thứ Năm, 22-09-2011 | Dahanhkhach's Blog
Chữ nghĩa loảng xoảng, xài từ như xài bạc giả. Đừng đổ tại văn xuôi không có truyền thống hoặc VN không có triết học. Chẳng qua là một lũ nhát sợ, bất tài và háo danh làm nên cái gọi là “nhà văn trẻ” hiện nay
Hoa Phượng nói đúng lắm. Nhà văn trẻ viết vội vàng, nhà thơ dùng chữ nghĩa ít chắc lọc, họ hay pha nước lã trong rượu của mình, như Nietzsche nói. Nhưng cái gì cũng vậy, cần có truyền thống ạ.
Hoa Kì và Trung quốc thiếu truyền thống bóng đá nên không mạnh 2 môn này. Trung quốc thì kém nữa. Brasil có truyền thống nên vô địch 5 kì.
Tiểu thuyết Vn mới phôi thai từ Pháp tới, nên văn xuôi Vn yếu là vậy.
Triết lý thì miễn nói rồi.
Không có triết học nên nhà văn sợ hãi, sợ hãi suy nghĩ káhc người. Sợ hãi nên không dám đi tới cùng.
Tôi có nhớ anh Inrasara có bài viết “Văn chương Vn né tránh hiện thực” phân tích rất chu đáo. Tôi có đọc ở đâu quên rồi. hay bài gì về “Giải Nobel cho văn chươg Vn tại sao k?” đó. Anh Inrasara gợi ý giúp tôi.
XEM THỬ
Văn thơ là cái cách làm cho người ta ngây ngất, bàng hoàng trước cái đẹp, cái cao thượng, cái bí ẩn, cái bất ngờ, cái vô hạn của con người.Trong văn thơ không có cổ điển, hiện đại, hậu hiện đại mà chỉ có tài và bất tài. Trong bài viết, tôi đề nghị tác giả chỉ ra một vài bài thơ, truyện ngắn thực sự là tài năng là cái mà người đọc bây giờ khao khát biết chừng nào. Còn không thì xin dừng “doping” lớp trẻ nữa… hãy khuyên họ đừng tổn hao công sức vào cái công việc mà họ bất khả.
Gửi bạn đọc Hoa Phượng
Có vài điều trao đổi:
– Định nghĩa của bạn về văn chương hơi bị “cổ điển” rồi đó.
Văn chương biến đổi theo thời (“thời tự”). Các thế hệ văn chương ít chấp nhận nhau, nhất là khi họ sáng tác khác hệ mĩ học sáng tạo. Ví dụ:
Thế hệ nhà Nho không chấp nhận thơ Xuân Diệu (cụ thể là cụ Huỳnh Thúc Kháng đòi nọc Lưu Trọng Lư ra đánh roi); Xuân Diệu chê thơ Nguyễn Đình Thi lủng cà lủng củng; Trần Mạnh Hảo bảo Nguyễn Quang Thiều làm thơ bằng tiếng Tây rồi dịch sang tiếng Việt; có không ít nhà thơ nổi tiếng hôm nay cho thơ Đinh Linh không phải là thơ, chứ đừng nói là thơ hay. Vân vân…
Họ toàn là thi tài cả. Tại sao?
– Văn chương không cần cổ điển, hiện đại, hậu hiện đại,… Đúng một nửa! Nhưng nhà phê bình thì phải tách bạch chúng để phân tích. Inrasara viết bài báo ngắn trên với tư cách nhà phê bình.
Biết thêm: Việt Nam thì quan niệm như vậy chứ [bộ phận lớn] Âu Mỹ thì khác. Thế kỉ XIX, Pháp đẻ ra bao nhiêu trường phái ảnh hưởng khắp thế giới. Thế kỉ XX, đến lượt Mỹ…
Văn học Pháp, Mỹ với bao nhiêu trào lưu ra đời, phát triển và tàn lụi rồi bao nhiêu trào lưu khác nữa khai sinh… nếu mang so với Việt Nam không cần chủ nghĩa, phong trào, hỏi nền văn học nào lớn hơn nào? Và ai đã từng học ai nào?
Bạn chớ nghĩ do tiếng Việt yếu thế nhé! Khai sinh chủ nghĩa hiện sinh là người Đan Mạch “nhỏ bé” đó. Nó ảnh hưởng đến nhân loại ra sao hẳn bạn biết rồi.
Còn trong mỗi trào lưu, tài hay bất tài là chuyện khác nữa.
– Inrasara có doping các bạn trẻ đâu. Đó chỉ là một ghi nhận, theo lối cảm thụ chủ quan. Có thể sai có thể đúng. Nhà phê bình khác sẽ đưa ra danh sách khác. Nhưng Inrasara được cái là, từ “đường biên” – cố gắng nhìn toàn cảnh và công bằng nhất, có thể.
Vậy bạn đọc nhé.
Cảm ơn đã trao đổi. Xin đọc kỹ “văn chương là cái “cách”. Tức là có rất nhiều “cách ” khác nhau, nói nôm na thì như vậy, nói theo “cách” nhà trường thì theo dòng thời gian nảy sinh ra bao nhiêu là “cách”. Nào là “mot generateur” trong “nouveau roman” , nào là anti-roman, nào là thơ non sens, thơ calligramme của Appolinaire, thơ siêu thực, hypertext…..”Cách” gì thì “cách” nhưng văn thơ vẫn có cái yếu tính của nó. Nhà phê bình nên chỉ ra cái “yếu tính” đó hơn là đi sâu vào tán dương sự phá cách chỉ ở cái vỏ mà hồn cốt rất thiếu “chất” thi văn.
HP thân
Tôi đã nêu rất nhiều “yếu tính” đó trong các bài nghiên cứu về văn chương VN đương đại. Ví dụ: Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiên đại, Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố nữ, Thơ đổi mới – hành trình chuyển một hướng say, Thơ Dân tộc thiểu số VN từ một hướng nhìn động…
Còn bài này chỉ là một điểm danh thôi, bạn à. Cảm ơn bạn nhé!