Nghĩ gì? 09 – Suy nghĩ trong “Sinh nhật cây xương rồng”

1. Mùa thu 1999, tôi nhận “Giấy mời” ra Hà Nội để hiệp thương làm quan.

Tôi thử mang nó hỏi mươi vị trí thức Chăm. Tất cả trăm phần nhất trí: Sara ở vị trí đó giúp được nhiều cho bà con. Với cá nhân, ghế ngồi ổn định, lương to với bao nhiêu thứ khác nữa. Ngay tối hôm đó, tôi quyết định: NO.

Đại hội Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam 2006, ngồi Bàn Chủ tịch đoàn, anh chị em đề nghị tôi ứng viên Ban chấp hành. Tôi viết giấy “xin rút”. Trước tôi, 5-6 vị tự rút thì mọi người vỗ tay, riêng tôi, khi tên được xướng lên thì cả hội trường im phắc: Inrasara không được rút tên. Tôi lưỡng lự. Thế là tôi dính… Ban Chấp hành, kì ấy. Ngốc vậy chớ.

Năm 2010, sau Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, tôi được đề cử vào ngồi ghế Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ. Chỗ này oai thì có oai nhưng, hư danh, không quyền không lợi và dễ thành bia cho dư luận bắn phá. Tôi hỏi ý kiến một bạn trẻ mà tôi tin tưởng. – Cei làm đi, vì cei là Chăm. – Hắn dạy tôi thế. Và tôi quyết: HAIY!

Tại sao?

 

2. Nguyễn Công Trứ:

Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông

Nghĩa là trách nhiệm và nhất là – sự nghiệp. Ông nhấn vào sự nghiệp.

Hoelderlin thì khác:

Nhiều công danh sự nghiệp

Nhưng,

con người sống thơ mộng trên mặt đất này

Nhà thơ Đức nhấn vào thái độ và cách sống sao cho thơ mộng.

Hoelderlin gần tôi hơn. Đoạn văn tôi viết trong Sổ ghi năm 1982 (lúc 25 tuổi):

Nhiều khi tôi muốn từ bỏ Tư tưởng để trở lại cuộc sống bình thường. Làm văn chương hay phấn đấu cho một cái gì đó, như mọi người. Nhưng làm sao chối bỏ Tư tưởng khi Tư tưởng đã ôm ghì tôi trong vòng tay oan nghiệt của nó?

Không phải con người chiếm hữu Tư tưởng, để từ đó có thể lưu trì hay vứt bỏ nó, mà chính Tư tưởng chiếm lấy ta, sẵn sàng ném ta trần truồng vào nỗi cô đơn của Huyền tính. Tư tưởng yêu thương ta trong vòng tay. Đó là đặc ân dành cho con người suy tư – một đặc ân đau đớn.

 

3. Có thể chia nhân loại làm mấy hạng sau (ở đây không phân biệt sang hèn):

– Hạng người no đủ, sống qua ngày, vui vẻ hưởng thụ đời sống vật chất.

– Hạng người nuôi chí xây dựng sự nghiệp, quyết liệt bảo vệ nó khi bị xâm phạm.

– Hạng sống đời sống tâm linh, coi “pha” công danh sự nghiệp. Sống thơ mộng, nói như Hoelderlin.

Tôi thuộc hạng cuối cùng. Không phải do cố ý chọn, mà tôi đã như thế. Ngay trong thời buổi khó khăn nhất, tôi đã vậy. Tôi cũng thèm “làm văn chương hay phấn đấu cho một cái gì đó, như mọi người“, nhưng không thể.

Tôi gần, nhưng hơi khác Hoelderlin. Có lẽ bởi ở thời đại mà ngay cả sự im lặng cũng bị coi là một thái độ, – nói như Camus, nên xảy ra khác biệt đó. “Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu”. Tôi nghiên cứu hay làm văn chương chi chi là bị “đẩy xuống tàu“, chứ không ý hướng xây dựng sự nghiệp. Làm Tagalau hay Inrasara.com,… cũng vậy. Thật khó giải thích với một ai đó, khi họ chưa bị “Tư tưởng chiếm lấy ta, sẵn sàng ném ta trần truồng vào nỗi cô đơn của Huyền tính“.

Xin nhắc lại: ở đây không có sự phân biệt sang hèn hay cao thấp.

Cho nên, tất cả giải thích của tôi là giải thích GIÚP, giải thích VÌ, chứ không phải tự biện minh.

 

4. Phu Van Dung viết ở mục “phản hồi”: “Kì này Inrasara kẹt rồi. Ý Inrasara là nhà văn không có ai đào tạo hết. Thiên tài là từ trên trời rơi xuống. Lạ nhỉ!

Khi thấy tôi chịu khó “phản hồi” lại, một bạn văn (người Việt) phone kêu: Sao ông phải bõ công làm thế chứ. Nói chuyện với một kẻ “nặc danh” về một vấn đề anh ta không hiểu gì cả, thì có cần không? Ý ông bạn: làm gì có vụ một nhà văn đích thực cho phép ai đó đào tạo mình.

Câu của PVD có 2 vế:

Inrasara bị kẹt, vì

Inrasara cho là mình thành nhà văn không do ai đào tạo cả.

Khi đọc câu trên của PVD, dù biết đây là nickname, nhưng tôi đã dành 30 phút để tìm dẫn chứng minh họa giúp bạn đọc ấy hiểu.

– Không phải dành cho vế thứ nhất: bởi tôi không cần biện minh với một người lạ.

– Mà chính là cho vế thứ hai: GIÚP bạn đọc hiểu được vấn đề. Còn chuyện họ hiểu hay không thì là chuyện khác rồi.

Cũng vậy, khi một người Chăm nào đó “trao đổi” với tôi, tôi không viết lại để tự biện minh, mà là viết để GIÚP đối tượng nắm được vấn đề, nếu đối tượng đó có thiện chí.

 

5. Kết

Tại sao không làm như A-la-hán quả vị đầu – khi đạt đạo thì đi một mạch vào rừng -, mà Bồ-tát chấp nhận ở lại với thế gian?

Tại sao khi hết lo đói no, “sự nghiệp” đã kha khá – tôi không làm như Faulkner: về quê nhà viết tiểu thuyết, mà chịu ở lại với Tagalau, Inrasara.com?

Ai có thể trả lời? Tôi thì không thể.

Câu hỏi có lẽ chỉ dành cho “nỗi cô đơn của Huyền tính” trả lời…

Hiểu, thì yêu hơn.

4 thoughts on “Nghĩ gì? 09 – Suy nghĩ trong “Sinh nhật cây xương rồng”

  1. Chúc mừng sinh nhật bác Inrasara. Nhớ hồi còn sinh viên, đọc bài thơ “Tháp nắng” có câu:
    Chuyến xe Sài Gòn – Phan Rang tôi đi lại quá trăm lần
    tháp có đó, tôi vờ như không có
    thoáng sát-na không gian bùng vỡ
    tháp hiện nguyên hình
    tháp nắng
    thênh thang

    Mười mấy năm rồi vẫn còn nhớ. Mong rằng bác Inrasara vẫn tháp nắng thênh thang như ngày nào, và vẫn cứ sống thơ mộng như Hoelderlin.

  2. À, Hoàng Long ơi.
    Đã gửi cho bạn 2 cuốn Tagalau 12 theo đường hàng không hơn tuần nay rồi đó.
    Nhận được, cho hay nhé.
    Thân mến
    Sara

  3. Trích lời nhà thơ Inrasara:
    Có lẽ bởi ở thời đại mà ngay cả sự im lặng cũng bị coi là một thái độ, – nói như Camus, nên xảy ra khác biệt đó. “Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu”. Tôi nghiên cứu hay làm văn chương chi chi là bị “đẩy xuống tàu“, chứ không ý hướng xây dựng sự nghiệp. Làm Tagalau hay Inrasara.com,… cũng vậy. Thật khó giải thích với một ai đó, khi họ chưa bị “Tư tưởng chiếm lấy ta, sẵn sàng ném ta trần truồng vào nỗi cô đơn của Huyền tính“.

    Dù còn hiểu rất mơ hồ, nhưng tôi có thể “hiểu” anh. Rồi khi đọc đoạn tiếp theo:
    tất cả giải thích của tôi là giải thích GIÚP, giải thích VÌ, chứ không phải tự biện minh“.

    Tôi hiểu nhưng không biết giải thích sao cho mọi người cùng hiểu. Tôi thấy mấy tháng trước có Tâm Thức là tỏ ra hiểu Inrasara nhất, nhưng sao không thấy độc giả này “phản hồi” nữa.
    Nhiều nhà văn người Việt còn chưa hiểu hết Inrasara, nói chi người anh em Chăm. Tôi biết nhiều tạp chí cũng không hiểu nên không đăng bài anh. Ai theo dõi kĩ Inrasara ắt biết. Nói như vậy không phải là xem nhẹ anh em. Đây không phải là trở ngại về đường kiến thức rộng hay hẹp, mà là trở ngại về tư tưởng.

    Cho nên theo thiển ý, là tốt hơn cả thì không nên “trao đổi” nữa. KHÓ gặp gỡ nhau lắm.

    Dĩ nhiên Tết Katê đến rồi, xin nói ngôn từ đẹp đẽ nhất cho nhau. Cũng xin chúc nhà thơ sinh nhật đậm tình thương mến.

  4. Chào bác Inrasara

    Em rất chờ mong mà vẫn chưa nhận được Tagalau 12. Hình như là hơi lâu vì thường nhà em gửi sách trong vòng 1 tuần là nhận được. Vậy mà giờ qua mười ngày rồi mà sao chưa thấy. Không biết có gì trục trặc không? Nhưng khi nào nhận được sách em sẽ báo bác biết ngay.

    Chúc bác Inrasara luôn vui và dồi dào sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *