Mai là sinh nhật rồi. 54 năm có mặt trên trần gian sắm vai đứa con của Đất.
Một năm đi qua. Hãy cởi bỏ sau lưng mấy vụn vặt: “Quan điểm của Inrasara 05: Thư cho các bạn trẻ“, quan điểm cuối cùng để bỏ rơi vĩnh viễn ở sau lưng mấy ngộ nhận nhỏ lẻ của nỗi đời.
Thử điểm lại bao cái tươi mới, đẹp và thơ mộng hơn:
1. Bắt đầu bằng tiểu luận “Khởi động một chiều hướng mới cho phê bình văn học” đăng trên tuần báo Hà Nội mới, đúng vào 2-9-2011
. Ông bạn văn ở Hà Nội phone vào, tán: Cừ lắm. Nó sẽ là bài đinh trong tháng. Cừ thế nào không biết, nhưng đó là tiểu luận mở đầu cho tập tiểu luận của tôi sắp in: Thơ như là con đường.
2. Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh – giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên từ Pháp trở về, phone rủ đi Ninh Thuận, nghiên cứu tre xứ Chăm. Tôi rủ Hani cùng đi.
7-9-2011. 2 xe 7 chỗ ngồi, đến Phan Rang rồi lên thẳng thôn Ma Nai, xã Phước Thành, huyện Bác Ái – quê hương anh hùng Pi-Năng-Tắc. Đập Hồ Sông Sắt mênh mông nước, nhưng KRAM tre thì đứt bóng từ lâu. Vô tăm tích. Mấy cô sơn nữ người Raglai thư thả đi lên hồ câu cá, giỡn chơi với nước. Tôi nói tiếng Raglai với họ. Nghèo, họ vẫn hồn nhiên và vui vẻ. Đoàn qua xem đất thành lập làng tre giữa cộng đồng. Đời sống họ được cải thiện mà vẫn giữ được đất lề quê thói không, ngày mai? Dân làng rất ngại đại gia nào đó mua mất đất đai của họ, thay đổi đời sống họ, rồi cuối cùng – buộc họ phải dời đi.
Nhưng không. Mỹ Hạnh thì khác. Nếu mua, chị sẽ dựng lên không gian làng tre giữa cộng đồng và cho cộng đồng. Hi vọng lắm. Cứ nhìn làng tre của chị ở Bình Dương cũng đủ biết.
Tối, cả đoàn về Caklaing ngủ, sáng ngày tỏa đi các nơi lập hồ sơ điều nghiên tình hình tre ở, trong, của, và cho người Chăm. Caklaing vốn là làng có nhiều tre nhất, nhưng loài này cũng đã hoàn toàn cắt khẩu tại đây. Cơm xong, xe qua Mông Nhuận hỏi thăm cụ già bán tre. Trưa Phan Rang bất chợt đổ trận mưa như trút. Vẫn không tới đâu. Đoàn vào Phan Thiết, ngủ lại khách sạn, sáng hôm sau qua Ma Lâm nghiên cứu tiếp. Bạn thơ trẻ Diễm Sơn đã rất nhiệt tình, cũng chẳng khả quan hơn.
Từ Chợ Lầu đi vào khoảng 200 mét thì gặp Cầu Sông Cạn. Quẹo phải là làng Xuân Quang, bên trái cầu là Xuân Hội.
– Đó là làng bà con Chăm phải không, chị? – Mỹ Hạnh hỏi một bà cụ.
– Không, làng Việt chớ. – Cụ nói.
– Chăm lai Việt, bác à! – Tôi ướm.
– À, thì đúng rồi, Kanh Cụ đấy.
Vẫn không một bóng tre. Tre gần như đã từ bỏ người nông dân Chăm đi đâu không biết. Thế hệ sau chắc sẽ chỉ còn nghe tên KRƯM tre như nghe loài cây trong chuyện cổ tích vậy thôi, chắc chắn thế.
3. Lẽ ra tôi phải ở lại quê thêm vài hôm, để Katê miễn về, chuẩn bị cho chuyến dài ngày ra Bắc. Nhưng bên Fahasa đã xong Tagalau 12, đang hối. In nhanh vượt kế hoạch rồi. Thế là cùng đoàn về thẳng Sài Gòn để mai sớm kịp nhận sách.
Sách in dày, đẹp. Mỗi bận nhìn Tagalau ra lò in thơm phức mùi giấy mực, luôn tạo cho tôi cảm giác lâng lâng, bay bổng. Hơn cả khi đón lấy mấy tác phẩm in riêng, tôi run run cầm lấy nó – nâng niu. Tagalau như quà tặng của Chăm, từ Chăm và cho Chăm.
Vui mà lo. Đâu tiền nhuận bút như là món quà Katê cho các bạn, anh chị em cộng tác viên? Đang tính lui tới thì đùng cái, một bạn thơ không quen VCT sau khi đọc Hàng mã kí ức thích quá, từ Huế điện tới hẹn tôi cà phê ở Sài Gòn. Kèm ông bạn họa sĩ “vẽ truyền thần” chân dung Inrasara.
Rồi ngay sáng mai trong tài khoản của tôi hiện lên con số 5 triệu đồng được VCT chuyển cho Tagalau. Đwa karun bạn nhiều lăm lắm.
4. Theo đúng kế hoạch, 2 giờ chiều 17-9-2011, tôi chạy xe xuyên trưa qua nói chuyện văn chương với lớp chuyên văn Trường Lê Hồng Phong.
– Anh Inrasara cứ thoải mái nhé. – Bạn thơ Huệ Triệu nhắn.
– Ừa, miễn lo em à, Sara mà. Xem xoong cơm thế nào thì gắp mắm thế nấy.
Hơn trăm học sinh chuyên văn ngồi trang trọng chờ ngài nhà thơ danh tiếng.
Inrasara vừa từ nước ngoài về đó… nghe nói nhà thơ kiêu ngạo lắm… ổng nhiều giải thưởng lớn chắc phải chảnh hết biết, các bạn à… Huệ Triệu nhắc lại mấy câu bạn trẻ kháo nhau thế để đùa tôi, sau đó. Bọn trẻ đâu ngờ ngài là thi sĩ người dân tộc thiểu số, là Chăm. Càng không ngờ hơn nữa, khi chỉ hơn hai tiếng đồng hồ thuyết, thi sĩ lại dễ gần khỏi bít lun!
Bài nói chuyện xoay quanh: Thơ là gì? Thế nào là thơ hay? Biến chuyển của thủ pháp thơ Việt qua các thời đại…
– Các em vẫn còn rất ngơ ngác về những điều nhà thơ nói, nhưng đó là ngơ ngác cần thiết. Để các em biết là mình vẫn còn nhiều lổ hổng kiến thức cần bổ khuyết. – Cô giáo thi sĩ phụ trách chính đã kết luận như thế. – Hôm nay, nhà thơ đã đánh thức suy nghĩ ở các em, những suy nghĩ rất cần thiết cho đọc thơ và làm thơ.
Ngơ ngác, nhưng hấp dẫn và nhất là – vui.
5. Về đến nhà, nhận thư ngài G.S. từ Ấn Độ đề ngày 17-9-2011 do Jaka chuyển lại, gợi ý mời tôi đi dự festival thơ quốc tế – World Poetry Festival:
Dear Jaka,
Such a happy day to receive your mail. We always cherish the sweet sweet memories of your stay in Kolkata and to our office. I am really sorry for my late reply.
The 6th World Poetry Festival is going to be organised between 6th and 8th January 2012. We will provide local hospitality for four nights and five days. You have to arrange your air-fare. Please send the address of Mr. Inrasara so that we will send him an official letter in his name. It will be great to welcome Mr. Inrasara on this occasion.
Please convey our deep regards to him and lots of love to you.
Sincerely Yours, G.S.
6. Bạn thơ Nguyễn Văn Dùng từ Quảng Trị vào mời tiệc khiêm tốn làm quen đính kèm chai rượu mừng sinh nhật Sara. Trần Can ghé nhà tặng cân cà phê và gói trà Ô-Long. Vẫn còn nhiều tấm lòng sáng lên giữa chốn bụi trần này.
Bà con, anh chị em nhắn tin hay phone hỏi thăm Tagalau tới tấp. Chưa bao giờ Tagalau được chờ đợi như thế. Hôm qua, Jaya về Katê. Vài cuốn Tagalau 12 đã về tới quê rồi. Tagalau 12 sẽ đến tay tất cả mọi người đúng ngày sinh của tôi. Triệu trẫm nào hứa hẹn không!
Sinh nhật, thế là vui.
Thuk siam cho tất cả mọi người.
Tadhuw bơl Kate siam mưkrư!
Chúc một mùa Katê tốt lành!
Inrasara
Happy Birthday Cei ;))
Chúc mừng sinh nhật anh nhé.
Chúc anh ăn Katê vui vẻ.
Em Loan
… Và,
dẫu không là cái đinh gì cả, nhưng tôi vẫn cần thiết có mặt
vậy nhé
tôi xin tạ ơn TÔI.
Câu này hay lắm nhà thơ ơi:
“Tre gần như đã từ bỏ người nông dân Chăm đi đâu không biết. Thế hệ sau chắc sẽ chỉ còn nghe tên KRƯM tre như nghe loài cây trong chuyện cổ tích vậy thôi, chắc chắn thế“.
Thôi ta nên lo sinh nhật cây xương rồng thôi…
Nhân sinh nhật lần thứ 54 của nhà văn Inrasara, thay mặt độc giả Tagalau ở Pajai-Ma Lâm (Bình Thuận) và cũng như những người từng mến mộ mà, chưa một lần gặp được ông để hàn huyên tâm chuyện. Trong số họ, có người lẳng lẽ cũng đã trở về yên nghỉ với tổ tiên! Nhưng ân tình và tâm hồn họ thì vẫn đọng lại. Xin trân trọng gửi đến nhà văn Inrasara lời cung chúc sức khỏe và gặt hái thêm nữa những thành công!
Khơng kajap thuk siam.
Diễm Sơn
Vô tình thật. Nhưng cũng chưa muộn, chúc cei khoẻ nhé. Hẹn Kate vui hơn.