Quan điểm của Inrasara 05

Thư của Inrasara gửi các bạn trẻ

(bài viết dành riêng cho tincham.in)

Sài Gòn, 17-9-2011

Các bạn thân mến!

Tôi không đọc web của Sakaya, nên không biết các thông tin trên đó. Nhân đọc bài Sakaya “Trả lời bài Quan điểm của Inrasara 03” trên tincham.in, xin được nói lại với bạn đọc tincham.in đôi điều, rồi thôi không trở lại nữa.

 

Đào tạo

Sakaya viết: “Đảng đã đào tạo nhà văn Inrasara”. Tôi cho là KHÔNG. Còn Sakaya vẫn bảo lưu ý kiến của mình: CÓ. Mỗi người hiểu từ “đào tạo” khác nhau, xin miễn bàn.

Về vụ “đào tạo”, các bạn có thể tham khảo thêm:

– Học khoa văn Đại học Sư phạm TPHCM đúng 1 tuần, tranh cãi với ông thầy, tôi bỏ văn – thi vào khoa Anh (lúc đó không hiểu sao có sự việc này). Ngồi ở khoa Anh, tôi trốn học dài dài, rồi bỏ học luôn khi chưa hết năm.

– Tôi 3 lần tham dự Trại Viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Ở Đà Lạt, tôi có 2 cuộc nói chuyện với học sinh; Đại Lải, tôi nói chuyện 2 lần ở Đại học, 1 lần với Chi hội Nhà văn Việt Trì; còn Trại ở Vũng Tàu thì tôi được mời nói chuyện với chính các trại viên… Cá nhân tôi có cả trăm cuộc nói chuyện về văn học trên khắp tỉnh thành (tháng 9-2011 này, 3 cuộc nữa), mà chưa một lần hân hạnh được dự nghe vị nào cả. Nếu gọi là “đào tạo” thì tôi là kẻ đi đào tạo, chứ đâu phải ngược lại. Nhưng tôi không cho đó là “đào tạo”: tôi không đến nỗi lại dại dột đi dạy ai viết văn cả.

– Hội thảo “Các xu hướng mới của thơ Việt đương đại” tại Đại học KHXH & NV TPHCM, tháng 2-2008, ban chủ trì gồm Giáo sư lão thành Hoàng Như Mai, Giảng viên đại diện Trường và tôi. Dù vài lần từ chối, nhưng cả hai vị nhất định mời tôi ngồi giữa điều hành.

– Sau lần đào tạo để làm nhà giáo hụt, lần duy nhất tôi được “đào tạo” làm kinh tế. Đó là năm 1978, tôi dự khóa 6 tháng kế toán HTX nông nghiệp (gần 200 người từ ba tỉnh gộp lại). Ở đây, tôi cũng trốn học liên tù tì. Thi giữa học kì, bài thầy cho 3 tiếng đồng hồ, chưa đầy 20 phút, tôi đã xong. Và điểm tối đa. Vài người nhao nhao đòi làm theo “phương pháp của Phú Trạm”: đơn giản, ngắn gọn (anh Khéo ở Pabblap biết việc này). Ông thầy không chịu (thầy mà!). Tôi bỏ học, khi vừa qua 1/3 thời gian . Vậy mà giai đoạn “đóng góp” cho phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, tôi được bình bầu là kế toán trưởng hàng đầu của tỉnh.

Nhận đầu tư hàng năm

Ở đây, chỉ nhấn về Inrasara với tư cách nhà văn, nên tôi bảo: tôi không nhận đầu tư hàng năm. Tôi hoạt động nhiều lĩnh vực, nếu tôi có nhận đầu tư ở tổ chức khác hay từ nước nào khác là chuyện khác rồi.

Biết thêm cho vui: 13 năm, tôi nhận của Hội Nhà văn Việt Nam 7 triệu đồng, tôi làm chủ trì Bàn tròn Văn chương cho Hội 7 lần không lương. Nếu sòng phẳng với nhau, coi như mỗi kì tôi được trả công 1 triệu, bằng khoản lương tổ chức tư nhân Cà phê Thứ Bảy thuê tôi một buổi thuyết trình. Có nơi thuê tôi còn cao hơn nhiều, nhưng – cũng như trả lời phỏng vấn – chỉ khi nào hứng, tôi mới nhận.

Về lời cảm ơn

Cơ quan nào tặng Giải thưởng, Huy chương… cho mình thì mình “chân thành cảm ơn” cơ quan hay tổ chức đó. Tôi cảm ơn CHCPI (Pháp) – chứ không biết đâu Chính phủ Pháp để cảm ơn (cảm ơn không trúng, họ nói mình xỏ nữa không chừng). Tôi cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam – chứ không dám nói to là cảm ơn Đảng và Nhà nước, cảm ơn Ban tổ chức Giải thưởng Đông Nam Á – chứ không phải Đảng Vì nước Thái hay Hoàng gia Thái Lan, cảm ơn Ban Biên tập Tienve.org (Úc) – chứ không là Đảng Bảo thủ Úc. Vân vân.  Và… chấm hết.

Trả lời báo chí và “được” lên truyền hình

Tôi nhiều lần lên truyền hình và trả lời phỏng vấn báo chí, từ Việt Nam, Thái Lan, Úc, Pháp, đến Hoa Kì, Anh, Đức…. không nhớ hết được. Họ mời, thích thì tôi trả lời, không thích thì từ chối – rất đơn giản (tỉ lệ nhận và từ chối xấp xỉ nhau). Có khi họ đưa bì thư, có khi không – cũng chả vấn đề. Riêng báo đài Việt Nam, trả lời hơn trăm cuộc, tôi chỉ 2 lần nhận được nhuận bút từ Sài Gòn giải phóngSài Gòn tiếp thị. Còn cấp nào “chỉ đạo” phỏng vấn hay “ưu ái” cho Inrasara “được” lên màn ảnh nhỏ, Sakaya là đảng viên có lẽ anh biết, chớ tôi thì hoàn toàn mù tịt. Cũng như tôi không biết Công đảng Anh có “chỉ đạo” BBC phỏng vấn tôi hay không!

Nếu nói NHỜ, thì Inrasara đã “nhờ” rất nhiều nước khác nhau mà thành… nổi tiếng. Kể sao cho thấu.

Về sáng tác tiếng Chăm của tôi

Về sáng tác tiếng Việt của tôi, ai nhận định thế nào, tôi không ý kiến.

Riêng về tiếng Chăm, tôi làm thơ từ rất sớm. Đến năm 20 tuổi, tôi đã có trong tay 3 trường ca và 200 bài thơ (1 trường ca đã phổ biến trong Lớp tiếng Chăm tại Caklaing 1975 (các bạn có thể ghé Caklaing kiểm tra), 1 trường ca trích đoạn đăng tạp san Jalan tơl Vijaya (1977, ít nhất trăm người đọc), các bài thơ lẻ thì được nhiều người chép. Có lẽ Sakaya không biết chúng từng có mặt, nên đã nhận định thế.

Tôi rất muốn in tập thơ song ngữ ở Phan Rang để phát hành ở tỉnh nhà, nơi có nhiều người Chăm sinh sống. Nên tôi đã xin và Hội VHNT Ninh Thuận cho, nhưng thiếu. Tôi có trách họ [như Sakaya bảo] bao giờ đâu. Tôi nói: Cảm ơn, có 2 triệu thì chưa đủ nên tạm hoãn, anh chị à (thử phone hỏi Đình Hy, ắt biết). Rất ư văn minh lịch sự.

Về Giải thưởng CHCPI – Sorbonne

Tôi chưa hề gửi tác phẩm hay làm đơn xin giải thưởng ở đâu cả. Có được giải nào đó, là do cá nhân, nhà xuất bản hay cơ quan liên quan giới thiệu. CHCPI không là ngoại lệ.

Về Giải thưởng CHCPI, sau đây là vài trích đoạn nguyên văn:

CHCPI lui a décerné son prix de la… Trung tâm Lịch sử và Văn minh Đông dương trao giải thưởng cho ông về… sur un travail d’un grand intérêt scientifique… một công trình nghiên cứu có giá trị lớn về mặt khoa học… Ce prix d’une valeur de… Giải thưởng này có giá trị…”.

Văn bản non trăm chữ không có từ nào mang nghĩa “bằng khen”. Cơ quan này kêu là “Giải thưởng”, chứ có phải tôi đâu.

Giải thưởng, tặng thưởng, bằng khen… hay gì gì khác, tôi không xem nó to tát. Được thì vui, không được cũng chả vấn đề gì. Kafka có đoạt giải nào đâu, mà ông cứ vĩ đại. Trong tiểu sử, tôi nêu chúng ra chỉ như là hồ sơ. Còn nhầm lẫn một lần duy nhất về CHCPI thành EFEO ở bìa 4 Trường ca Chăm (1996), tôi cũng đã một lần đính chính ở Chamyouth.com năm 2004 rồi. Tôi không đọc Harak Champaka, nên không biết có ai yêu cầu tôi phải đính chính như thế hay không. Nếu như vậy, thì tôi thấy hơi lạ, bởi tôi chưa nghe ở đâu rằng trang mạng này đại diện cho Đại học Sorbonne cả.

Cuối cùng, Sakaya khẳng định lại lần nữa rằng: “Đảng đã đẻ ra nhà văn Chăm Inrasara là rất rõ”.

Khía cạnh này, tôi nói rồi: Trước khi in tập thơ đầu tay, tôi đã có 3 tập thơ, 1 trường ca, 3 tập của bộ tiểu thuyết sử thi (tiếng Việt); còn tiếng Chăm: 3 trường ca và 200 bài thơ. Tôi nói đùa, nếu thời điểm ấy tôi bị trúng gió cắt khẩu đi theo ông bà, và nếu sau đó chúng được xuất bản, thì Inrasara cũng LÀ nhà văn vậy thôi.

Biết thêm: Từ năm 2001, tác phẩm tôi đăng tải ở mạng hay báo chí nước ngoài nhiều không kém gì ở trong nước.

Hóa giải…

Sau trao đổi qua lại giữa Đồng Chuông Tử ­- Sakaya trên tincham.in, không ít độc giả “phản hồi” đó là “nịnh bợ kinh”, “siêu nịnh bợ”, “nịnh bợ thô thiển”,… Có một độc giả viết: “Nếu một trí thức Chăm chỉ suy nghĩ tới mức đó thôi thì thật đáng buồn. Còn nếu anh ta không suy nghĩ như thế mà viết [kiểu nịnh bợ] như vậy, thì đáng buồn hơn nữa”.

Riêng tôi chưa có nhận định nào như thế về cá nhân Sakaya.

Tôi nghĩ, có lẽ Sakaya ở trong Đảng, nên anh đã suy nghĩ theo cách đó. Hầu hết các cây bút Việt Nam cho rằng, Hội Nhà văn Việt Nam là một tổ chức để nhà văn sinh hoạt. Nhà văn nào muốn vào thì vào, không thì cứ ở ngoài. Thậm chí họ vào rồi, thấy không thích hợp thì ra. Và họ vẫn LÀ nhà văn.

Trong nước là thế, ở ngoài cũng vậy. Tôi có quen mươi nhà văn Thái Lan. Đa số họ nằm trong Hội Văn bút Thái Lan hay Hội Nhà văn Thái Lan. Tuyệt không ai cho là họ do “Hội Nhà văn” đẻ ra cả. Không ít người trong số họ có giải thưởng Quốc gia, giải thưởng này khác, nhưng cũng không một ai cho là “nhờ ơn đảng – nhà nước” ở đất nước họ mà họ trở thành nhà văn! Vài nhà văn Mỹ (gốc) tôi biết cũng không khác.

Không phải do chế độ hay cơ chế khác nhau đâu. Tại Việt Nam, tôi chưa gặp bất kì nhà văn [Đảng viên] nào cho là “Đảng đã đào tạo nhà văn Inrasara”.

 

Ừ, thì “quan điểm về nhà văn và nghề văn” của Sakaya khác Inrasara [và hầu hết nhà văn người Kinh khác], là điều bình thường. Không có gì to chuyện lắm đâu, các bạn à.

Có lẽ nên dừng ở đây thôi, các bạn nhỉ? Còn nếu vì không “trao đổi” tiếp mà cho là Inrasara nhát, thì đành vậy.

Đwa karun – Thuk siam!

Inrasara

Sài Gòn, 17-9-2011

__________

 

Tham khảo:

– “Đảng ta cũng đã đào tạo ra đội ngũ trí thức Chăm hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, đạo diễn, biên đạo múa và họa sĩ… Chính sách đúng đắn của Đảng còn khuếch trương nhiều nhà nghiên cứu cả người Chăm và người Việt (Kinh) nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa Chăm và kết quả đã xuất bản được hàng trăm cuốn sách báo viết về văn hóa Chăm được giới thiệu rộng rãi trong nước và quốc tế. Kết quả này đã chứng minh được rằng: chỉ có Đảng Cộng Sản Việt Nam, chỉ có Bác Hồ muôn vàn kính yêu mới bảo đảm được cho người Chăm có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bảo tồn, phát huy được di sản văn hóa quý giá của dân tộc”.

(Sakaya, Văn hóa Chăm, nghiên cứu và phê bình tập 1, NXB Phụ Nữ, 2010).

– “… bạn hỏi thử  Inrasara, Hội Nhà văn Việt Nam xem, được trở thành nhà văn, nhà thơ, được nhận giải  thưởng, huy chương, được đầu tư  kinh phí sáng tác hàng năm  là  có nhờ sự giúp đỡ của Đảng – Nhà nước không?  Tôi chắc rằng, cho đến thời điểm này nếu không có Đảng – Nhà nước sẽ không có Nhà văn, nhà thơ Inrasara cho người Chăm ta đâu“.

(Sakaya trả lời Đồng Chuông Tử, Tincham.in, 2-9-2011).

– “Hội Nhà Văn VN là một trong những hội nghề nghiệp (thuộc tư tưởng) của Đảng do Đảng đẻ ra bằng những chính sách, chỉ thị. Hội Nhà Văn tiếp tục  đẻ ra nhiều hội viên, trong đó có Inrasara.  Như vậy Đảng đẻ ra nhà văn Chăm Inrasara là rất rõ“.

(Sakaya “Trả lời bài Quan điểm của Inrasara 03“, Tincham.in, 17-9-2011).

 

10 thoughts on “Quan điểm của Inrasara 05

  1. Inrasara khong can phai tra loi bai cua Thac si Sakaya nay lam gi?
    Hay de cong luan phan xet, tuoi tre Cham bay gio rat co ly luan de nhin nhan su viec dung-sai. Thoi gian se tra loi dieu nay. Cham đang chờ Sakaya cơ hội sửa mình, để đúng là con Chăm, chứ không ghét bỏ. Sự việc sẽ ra sao nếu đây không phải là bài của Inrasara mà là của Yuôn, cộng đồng khoa học quốc tế viết trả lời các thông điệp.

    Thân mến.

  2. Ý kiến của LIVE chính xác!
    Tôi vừa đọc trên Tienve, Inrasara trả lời câu hỏi cuối cùng:
    Dù nhà văn từ chối “làm ngọn đuốc”, nhưng dẫu sao đi nữa Inrasara vẫn được coi là con người hoạt động đa lãnh vực, nhân vật sáng giá trong xã hội Chăm hiện đại ít nhiều ảnh hưởng ra “ngoài thế giới Chăm”, nên không ít người muốn biết quan điểm cụ thể của Inrasara. Nhà văn có thể nói một cách dễ hiểu nhất con đường đi của Chăm hôm nay

    Inrasara: Ẩn mình trong bóng tối vô danh, làm ngọn cỏ cúi rạp mình trước giông bão thời cuộc. Ngay từ tuổi hai mươi, khi có đôi chút hiểu biết, tôi có một niềm tin – và từng bước cụ thể hóa niềm tin ấy. Tạm gọi đó là câu chuyện của tôi, tự sự narrative của tôi, – nói như hậu hiện đại. Ai muốn tin hay không tùy, chứ tôi không làm ngọn đuốc cho bất kì ai cả.

    Với Chăm hôm nay, thứ nhất, hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, hiểu khái quát cũng được, hiểu sai chút đỉnh cũng không sao. Thứ hai, với quá khứ, giải sân hận và giải quá khứ. Giải quá khứ không phải là từ bỏ hay quay lưng lại quá khứ mà là, hiểu và buông xả. Với hiện tại: hành NHẪN. Thứ ba, phiêu lưu và sáng tạo. Dấn mình vào các lĩnh vực ngoài Chăm, sáng tạo cái mới, cạnh tranh với thế giới bên ngoài. Cuối cùng, dù sống bất kì đâu, không chối bỏ Chăm, khẳng định Chăm với Việt Nam và thế giới.

  3. Thử so sánh xem, một bên có bằng cấp, một bên không có bằng cấp. Một bên chuyên về nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Một bên chuyên về văn chương, văn hóa. Nếu một người nghiên cứu đích thực thì không đem tài năng của mình so sánh như Sakaya, Kaka có đọc qua bài trả lời của Sakaya trong ticham.in, hình như hơi nặng về triết lí kiến thức thì phải. Còn vấn đề bằng cấp dư luận Chăm không quan tâm, Đảng đào tạo hay không đào tạo không vấn đề gì cả, nhưng Sakaya nên nhớ ông bà ta trước kia không ai đào tạo sao vẫn giỏi bình thường. Chăm mình học không phải đem kiến thức hay tài năng của mình ra trưng bày cho người này người kia biết, Kaka còn biết Chăm mình còn có những người tài năng hơn nhưng người ta không so sánh kiểu Sakaya. Không phải Kaka thiên về Sara, đứng ở vị thế trung tâm mà nói Sakaya còn phê bình, hay nói nặng lời hơn hay còn khinh người ta, “ta” có bằng cấp như thế này, như thế kia. Việc này sai lầm với Sakaya rồi, Đảng và Nhà nước đào tạo “đúng”, “có” nhưng một số nhà thơ hay nhà văn gì đó tự học cũng được người ta công nhận vậy. Trong cuốn sách nói về Kafka độc giả ráng mà tìm đọc để hiểu thêm. Kaka không biết người Chăm mình chia phe phái để làm gì nhỉ! Nghe những lời này làm dư luận Chăm đau lòng lắm, mong làm xoa dịu vấn đề này, rồi có những công trình nghiên cứu phuc vụ tốt, hay cho cộng đồng Chăm mình.

  4. Cách đây 3 năm, tôi có dịp tiếp xúc với Sakaya nhờ một người bạn. Lần đầu, xin lỗi nhé tôi muốn nói về tư tưởng của anh ta (tự cao, tự đại hết chỗ nói). Có vài đề tài khoa học có chăng chỉ là chịu khó sưu tầm, sao chép những lời kể chân thật bất thành văn của những vị chức sắc, các cụ cao niên… rồi phủi đi… Hãy nhìn lại cơ bản của anh ta xem sao (tôi có dịp tiếp xúc với những người bạn và người thân của Sakaya, họ đánh anh ta bình thường “thơi”, quá bình thường là khác)? Có đủ năng lực tư duy để nhận xét người ta hay không? Trình độ ư? e rằng quá thấp hèn về nhận thức; Bằng cấp? chả tô thêm được điều gì ngoài hữu danh vô thực. Cei Sara không nên thanh minh nhiều về loại này mà nên hư cấu thành anh chàng khờ trong tiểu thuyết của Cei.
    Cá nhân tôi, khẳng định: Hiểu sai hoặc đả kích Sara trong lúc này là hoàn toàn sai lầm, “bù nhìn” về nhận thức và tự đánh giá thấp mình.

  5. Một bên thì quá khích, cứ giữ suy nghĩ nông cạn thời bao cấp, tấn công cá nhân bậy bạ vô căn cứ.
    Một bên thì giải thích ôn tồn, lịch sự, quá ư là lịch sự.

    Sara ơi! Nếu anh không ngừng ở đây, thì tôi cũng cho anh như Văn Món đấy! Mặc dù anh không “trao đổi” trực tiếp với VM, mà qua thư gửi bạn trẻ. Dù sao cũng không cần thiết. Anh mà nói nữa, các bạn trẻ nghĩ là anh xem thường họ: HỌ THÔNG MINH LẮM, Sara ơi!!! Họ hiểu hết rồi.
    Chúc sinh nhật Sara vui vẻ!
    Chúc Tagalau số 12 phát hành lên đời!

  6. Kỳ này Inrasara bị kẹt rồi! Ý Inrasara bảo là, nhà văn không có ai đào tạo hết. Thiên tài là tự trên trời rơi xuống! Lạ nhỉ?
    Biết đâu, các lời khen là do anh tự viết đăng lên.

  7. Phu Van Dung này không phải Phú Văn Dũng em Phú Trạm rồi.
    Người ta khen mình không sướng hơn sao, lại đi tự khen. Đúng là vô duyên!
    Đừng nói đến báo chí ca ngợi Phú Trạm, tại các Trường Đại học, không thấy 2 tháng trước người ta đăng báo là đã có:
    – 20 khóa luận Cử nhân về văn chương Inrasara sao?
    – 6 Luận văn Thạc sĩ, 2 Luận án Tiến sĩ trong đó có 2 là ngoại quốc về thơ văn Inrasara.
    Các Đại học Việt Nam và Mỹ điên hết à? Tự khen mình, có mà điên như…

  8. Một số ít nhà văn có qua trường lớp đào tạo, thường các nhà văn này không lớn. Vì họ viết “theo” (tôi đùa khi bày ra chữ theo-ist chỉ họ).
    Đại đa số nhà văn học ở đồng nghiệp đơn lẻ, hay theo trường phái (như Nhóm Siêu thực ở Pháp hay Trường Thơ Loạn ở Việt Nam) nhưng luôn với tinh thần tự do và tự nguyện. Thường thì chỉ qua thời gian ngắn, các nhóm này tan rã, nhà văn phải đi MỘT MÌNH.
    Còn lại, tuyệt đại đa số nhà văn lớn là TỰ đào tạo.

    Mấy ví dụ vui.
    1. Walt Whitman sinh 1819 gần New York. Gia đình khó khăn, ông bỏ dở Trung học. Làm đủ nghề: thợ mộc, chạy giấy, thợ in, đánh cá… để kiếm sống. Tập thơ Leaves of Grass ra đời bị tẩy chay khắp nơi. Bản thân ông thì bị đuổi việc. Thơ ông bị cho là “phá hoại thuần phong mĩ tục” còn tác giả thì “đáng bị đánh roi”. Phải nửa thế kỉ sau, ông mới được nhìn nhận là thiên tài. Rồi được phong là đại thi hào đại biểu cho tinh thần dân chủ Mỹ hiện đại.

    2. Henry Miller sinh 1891 tại New York trong gia đình cha là thợ may. Ông lớn lên trong lòng phố và ông coi đường phố là trường đại học của mình. Năm 1924, ông bỏ ngang Westers Union Telegraph Company, quyết định không làm gì hết, ngoài viết. Không ít nhà phê bình coi ông là khuôn mặt độc đáo nhất của nền văn học hiện đại thế giới.

    3. William Faulkner sinh 1897 tại Mississipi. Ông qua vài Đại học khác nhau nhưng không tốt nghiệp trường nào cả. Rời quân ngũ, ông về thị trấn nhỏ sống biệt lập, không quan hệ với giới văn nghệ sĩ, mà tập trung vào viết. Ông đoạt giải Nobel văn chương năm 1950.

    4. Arthur Rimbaud sinh 1854 tại Charleville – Pháp. Sắp kì thi tú tài, chàng bỏ ngang xương để lên Paris. Ngay sau đó, ông bị bỏ tù thời gian ngắn, buộc trở về quê nhà rồi lại bỏ trốn tiếp. Sau đó là các cuộc lang thang. 19 tuối, ông bỏ hẳn văn chương. Chưa đầy 3 năm sáng tác, ông được xem là “con phượng hoàng của văn chương thế giới”, một thiên tài làm cuộc cách mạng thay đổi bộ mặt thi ca nhân loại.

    5. Văn chương Việt Nam hiện đại, các thi tài ngoại hạng như Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn,… đều không được “đào tạo”, nếu không muốn nói là họ rất “ít học”.

    *
    Đào tạo nhà thơ, nhà văn ư? – Có! Nhưng thường thì họ chết rất sớm. “Đại học là nơi chôn đứng thiên tài. Và đã chết thì Đại học làm cho chết luôn” – Chính Phạm Công Thiện đã nói thế!
    Một tháng trước, tôi đã viết trên Tienve.org (19-8-2011) bài “Chú giải ngắn về văn chương vỉa hè Sài Gòn”:
    Lịch sử văn học Việt Nam, cuối thời Hồng Đức, Lê Thánh Tôn “đào tạo” được “18 vì tinh tú” rất rình rang. Rồi Mặc Vân Thi xã do vua Tự Đức dựng nên, đã đẻ ra bao nhiêu là thơ. Nhưng lịch sử văn học Việt Nam mang ơn các tên tuổi lớn như Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Tú Xương,… chớ có ai còn nhớ thơ văn của 2 nhóm trên?!!!

  9. Đạt được như Văn Món cũng là hiếm có trong xã hội Chăm mình rồi, các bạn cũng thông cảm và nên yêu thương anh. Chắc chắn Văn Món sẽ sửa thôi.
    Còn nhà thơ Inrasara thì ở một tầm vóc khác (hỏi biết đến khi nào Chăm mình có ai đoạt được Giải ASEAN, hay được bầu là Nhân Vật Văn Hóa trong năm của cả nước? – Cả hai này đều chỉ là duy nhất một người)
    Nên ta thôi phê bình Văn Món nữa. Tôi tin chắc anh sẽ biết mình biết ta hơn.

  10. Chung ta nen dung lai chuoi bai viet trao doi nay o day.
    Cong dong ta can cho nhau co hoi. S va I deu co the manh rieng cua minh. Neu nhu co nhung cuon sach ve Van Hoa Cham ma co su chung tay viet cua S va I thi gia tri biet bao. Ban doc dang lang nghe, doi theo nhung dong gop tiep tuc cho Cong dong chung ta mai sau.
    Chuc moi nguoi khoe va co mot mua Kate an lanh-hanh phuc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *