Trong thời kì trước khi tôi bắt đầu viết, không có trong truyền thống văn chương Nhật Bản việc viết các tiểu thuyết theo cách tương tự như một nhà triết học hay một nhà lịch sử suy nghĩ. Sau sự kết thúc của cuộc chiến tranh 1945, chừng 10 năm, các nhà văn hậu chiến đã viết như những nhà lịch sử hay nhà triết học hay như nhà khoa học xã hội với tư duy phân tích. Đây là một khuynh hướng mới. Tôi cần nghĩ, nghĩ về xã hội Nhật Bản, về thế giới, hay về tồn tại của con người và khi tôi bắt đầu viết, tôi đã viết để đưa ra một cách diễn đạt có tính chất tiểu thuyết với những suy tư của tôi. Tôi cũng có ác cảm với những người như Yasunari Kawabata hay Jun’ichiro Tanizaki. Tôi cảm thấy đối nghịch với những tác giả đã thành danh Nhật Bản nói chung. Đầu tiên, họ không nghĩ một cách logic. Suy tư của họ dường như lúc nào cũng mơ hồ. Mà hơn nữa, các suy tư của họ lại cực kì đơn giản. Đó là cách tôi đã nghĩ về họ khi tôi còn trẻ; tôi không cần thiết phải nghĩ như vậy bây giờ nữa.
Kathleen Raine đã nói về William Blake: “Tư tưởng của Blake đầy những sự đa nghĩa khó hiểu, nhưng chúng không mơ hồ”. Tôi đã nghĩ Tanizaki, Kawabata và những nhà văn thành danh khác không khó hiểu nhưng mơ hồ…. Ồ, tất nhiên phải nói đó là những gì tôi đã nghĩ khi tôi còn trẻ. Như một kẻ nổi loạn, tôi cố gắng viết một cách chính xác nhất có thể.
… chủ đích của tôi là phá hủy ngôn ngữ Nhật Bản bằng việc sử dụng cú pháp không vừa với tiếng Nhật. Tôi đã rất tham vọng. Tôi đang viết những tiểu thuyết với sự chủ ý phá hủy cực độ.
Kenzaburo Oe: Viết như một kẻ nổi loạn, Nhã Thuyên dịch.