Nghĩ gì? 08 – Mỗi dân tộc thiểu số có cần đặc san?

Trích đoạn đăng ở phụ san Thơ của Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam.

Các cơ quan báo chí giữ vai trò và hỗ trợ gì trong phát triển văn học dân tộc thiểu số? Tạp chí Văn hóa các dân tộc ra định kì hàng tháng đăng đủ loại từ sáng tác thơ văn, nhạc họa cho đến sưu tầm-nghiên cứu thuộc mọi dân tộc, vùng miền. Cần thiết, nhưng đã đủ chưa? Phụ san của tờ Văn nghệ Văn nghệ dân tộc, mỗi kì đăng vài bài thơ song ngữ, dù rất cố gắng nhưng cũng chưa thấm vào đâu. Chúng ta chưa thử xem các bài thơ ấy có tác động gì đến suy nghĩ của đồng bào về tiếng và văn chương dân tộc? Hay chúng chỉ mãi dậm chân ở phong trào?

Một tạp chí hay đặc san dành riêng cho các dân tộc có phong trào sáng tác mạnh, chúng ta vẫn chưa đặt vấn đề đó. Hay đồng bào chưa thực sự có nhu cầu? Không nói đến dân tộc Hoa hay Khmer, họ có cả bề dày truyền thống văn chương ở phía sau với một lượng rất đông người đọc phía trước; và thực tế họ cũng đã có các tập san,.. bằng ngữ dân tộc của/cho họ. Ngay tộc Tày, với số dân khá đông bên cạnh hơn chục nhà văn (tôi chỉ kể những người viết là hội viên Hội Nhà văn ViệtNam), cũng không có đặc san cho riêng mình. Tại sao? Hay Tày không thích đọc thơ, văn bằng tiếng mẹ đẻ?

Đây là xu hướng chung của phát triển: con người luôn ngã về phía mạnh, phía đông. Chúng ta biết, không ít nhà văn Đông Âu, khi lưu vong sang phương Tây, đã viết thẳng bằng tiếng Anh hay Pháp. Nửa thế kỉ nay, tác giả gốc Việt sáng tác bằng tiếng Pháp không phải là chuyện hiếm. Rồi hơn hai thập niên qua, ít nhất cũng có năm nhà thơ Việt kiều thành danh trên đất Mỹ bằng chính ngôn ngữ bản địa: Đinh Linh, Mộng Lan, Nguyễn Hoa,…. Ở Việt Nam, không chỉ các nhà thơ dân tộc thiểu số xu hướng sáng tác thuần bằng tiếng Việt, mà ngay cả người đọc dân tộc thiểu số cũng không hào hứng lắm trong đọc văn bản bằng tiếng mẹ đẻ nữa. Không có tác phẩm hay để đọc hay chưa đủ lưng vốn tiếng dân tộc để đọc? Theo tôi, cả hai, có lẽ.

Tày thì như vậy, thế Chăm có nhu cầu thì thế nào?

Tagalau mỗi năm ra được một số, nhưng đó chỉ là Tuyển tập sáng tác-sưu tầm-nghiên cứu, chứ chưa là tạp chí hay đặc san. Mà nó là thành quả từ nỗ lực của một vài anh em trí thức Chăm bên cạnh hỗ trợ của bà con dân tộc. Mỗi kì Tagalau đi được 5-7 bài thơ bằng tiếng Chăm của các tác giả khác nhau, bên cạnh đăng nguyên tác thi phẩm cổ điển kèm theo bản dịch tiếng Việt; số mới nhất còn trích in cả một chương cuốn tiểu thuyết hiện đại bằng tiếng mẹ đẻ nữa! Nhưng, như thế đã đủ chưa?

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *