Quan điểm của Inrasara 03: Nhà văn, nhà nước, và…

Không hiểu nhiều và hoàn toàn không sinh hoạt chính trị, cho nên nhận định về các vấn đề liên quan đến chính trị là điều vừa tế nhị vừa khó khăn với tôi. Qua trao đổi giữa Đồng Chuông Tử – Sakaya – độc giả Chăm (Tincham.in & Inrasara.com)(1) và dư luận ngoài lề, tôi xin phép [và xin lỗi] hai tác giả và bạn đọc, nhân dịp này – lần nữa được minh giải vấn đề liên quan [nhưng ngoài lề] văn học, để tránh vài hiểu lầm không nên có trong cộng đồng chúng ta.

* Chủ trì Bàn tròn Văn chương của Hội Nhà văn VN, là chuyện ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.

Về nhận định trước đó của Sakaya: “Đảng ta đã đào tạo nhiều (…) nhà văn, nhà thơ Chăm“. Bởi đó là ý kiến về một khía cạnh cụ thể của công việc tôi rành, tôi mới nói lại.

Và vì tác giả dùng chữ “nhiều“, nên tôi tạm nêu ra 5 người được dư luận trong nước biết đến, là: Trà Vigia, Inrasara, Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử và Tuệ Nguyên.

Ngày 2-9-2011, trên Tincham.in, Sakaya trả lời Đồng Chuông Tử:

Việc này bạn hỏi thử  Inrasara, Hội Nhà văn Việt Nam xem, được trở thành nhà văn, nhà thơ, được nhận giải  thưởng, huy chương, được đầu tư  kinh phí sáng tác hàng năm  là  có nhờ sự giúp đỡ của Đảng – Nhà nước không?  Tôi chắc rằng, cho đến thời điểm này nếu không có Đảng – Nhà nước sẽ không có Nhà văn, nhà thơ Inrasara cho người Chăm ta đâu.

*

Từ nhận định trước [của Sakaya] đang được thảo luận đến đoạn văn này, có 2 thay đổi:

  • từ “nhiều” chuyển sang đơn cử một là Inrasara.
  • không phải “đào tạo” nữa, mà là “nhờ sự giúp đỡ“.

Tạm lí giải như sau:

Khẳng định 1. Sakaya viết: “Đảng ta đã đào tạo nhiều (…) nhà văn, nhà thơ Chăm“. Chuyện “đào tạo nhà văn” thuộc chuyên môn cụ thể, tác giả khẳng định thiếu dẫn chứng,  tôi giúp dẫn ra các điểm chính yếu, để đi đến kết luận: “Đảng không đào tạo họ, dù đào tạo được hiểu theo bất kì nghĩa nào”.

Khẳng định 2. Sakaya viết: “Tôi chắc rằng, cho đến thời điểm này nếu không có Đảng – Nhà nước sẽ không có Nhà văn, nhà thơ Inrasara cho người Chăm ta đâu“.

Lần này, tác giả đưa ra 3 điểm cho sự đoan “chắc” của mình, là: “được nhận giải  thưởng, huy chương, được đầu tư  kinh phí sáng tác hàng năm nhờ…“, nhưng cũng không đưa ra dẫn chứng cụ thể nào.

Có lẽ trong một bài “đáp” lại bài “trao đổi”, tác giả không có cơ hội minh họa. Bởi tên tôi được nêu lên, và vì Sakaya đề nghị các “bạn hỏi thử  Inrasara“, – là người trong cuộc, tôi thử bày ra vài nhân chứng vật chứng tiêu biểu để giúp bà con và độc giả cùng nhìn nhận vấn đề. Chú ý, tôi chỉ nêu sự kiện mà không đưa ra bất kì kết luận nào.

*

“NHỜ” thuộc phạm trù rộng và khá mơ hồ, động cập đến nhiều khía cạnh chính trị – xã hội. Là công dân sống trong một đất nước, công dân đó có bổn phận đóng góp đồng thời có quyền [lợi] nhận về sự “giúp đỡ” của cơ chế đại diện đất nước đó. Nếu công dân kia là một nhà văn, bổn phận và quyền lợi của hắn đặc thù khó biện biệt hơn.

Khi nêu lên mệnh đề “nhờ sự giúp đỡ…” – câu hỏi đặt ra là: Nhà văn nhờ ở khoản nào? Nhờ tới mức độ nào? Và nhà văn đó cần đáp ứng ra sao?
Khó có ai trả lời thỏa đáng các câu hỏi như thế.
Sau đây là vài thông tin cần thiết, như một tham khảo. Và chỉ giới hạn ở 3 điểm trong phạm vi danh vị Inrasara – nhà văn, là đề tài ta đang bàn.

1. Về tiền đầu tư. Với ai không biết, 13 năm trong Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, tôi chưa một lần nhận được đồng nào. Lần duy nhất Hội tài trợ in tập thơ Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức là vào năm 2006.

Tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998, lần đầu nhận 2 triệu, lần thứ hai: 5 triệu. Chấm… hết. Hai nhiệm kì có chân Hội đồng Văn học Dân tộc, một nhiệm kì là Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, oai thì có oai (!) chứ chuyện ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng là thật.

Cho rằng nhà văn “được đầu tư kinh phí sáng tác hàng năm, thì tôi không hiểu(2).

* Nhận Huy chươngSara 48 tuổi lọt thỏm giữa văn nghệ sĩ lão thành đáng kính!

2. Về Giải thưởng. Giải thưởng luôn đến sau tác phẩm đã in. Tôi nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2 lần (1997 & 2003), sau đó là Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (2005). Nhà văn mới xuất hiện trong vòng 7 năm mà được vậy, là điều hiếm(3). Tại đó, tôi nói lên từ “chân thành cảm ơn” Hội Nhà văn Việt Nam (một tổ chức nghề nghiệp của Đảng) về các giải thưởng. Ngoài ra, tôi còn nhận thêm 2 giải thưởng ở nước ngoài và dăm giải khác ở trong nước.

Giải thưởng – bên cạnh công nhận thành quả từ nỗ lực của nhà văn, nó còn có tác dụng kích thích sáng tạo và tạo sự chú ý của dư luận. Mặt khác, giải thưởng cũng dễ khiến một nhà văn tự mãn, kiêu ngạo và bế tắc.

Dẫu sao, dù là giải của Hội Nhà văn Việt Nam hay giải ngoài Hội, giải trong nước hay giải ngoài nước, dù nhỏ hay lớn, tôi cũng rất “biết ơn.

3Về Danh hiệu, tôi được bình bầu là:

  • Nhân vật Văn hóa (duy nhất) năm 2005 của VTV3.
  • Một trong năm Nghệ sĩ tiêu biểu năm 2005, VTV1.

Về Huy chương, tôi nhận được:

  • Huy chương vì Sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam 2004.
  • Riêng Kỷ niệm chương Vì Thế hệ trẻ vào năm 2009 của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, là “huy chương” dành cho thành tích báo chí của tôi. Kỷ niệm chương này do báo Thiếu niên Tiền phong đề cử.

Nhà thơ Mai Liễu ở một Hội thảo, nhận định: Trong văn giới hiện nay, Inrasara là một trong những nhà văn hiếm hoi sống được bằng ngòi bút. Không sai. Tôi viết rất kinh, mỗi năm hàng trăm bài báo, tiểu luận dài ngắn khác nhau. Về đủ lĩnh vực: văn học, mĩ thuật, nghệ thuật, xã hội, dân tộc, thiếu nhi,… Báo Thiếu niên Tiền phong tiến cử Inrasara, là bởi lẽ đó. Tôi phục vụ, và tôi nhận được phần thưởng từ sự phục vụ đó.

Tôi “cảm ơn” rất nhiều về các Huy chương và Danh hiệu trên.

+ Biết thêm.

  • Tập thơ đầu tay của tôi Tháp nắng, nhà thơ Nông Quốc Chấn cầm bản thảo xin phép 2 năm liền không được. Ông chịu viết “Tựa” – vẫn không được (Lời tựa này sau đó tôi đăng vào “Bạt” ở tập Sinh nhật cây xương rồng, 1997). Mãi năm 1996, nhà xuất bản Thanh niên mới chịu in.
  • Bộ Thơ Việt đương đại (lí luận – phê bình – tuyển thơ) 4 tập 2.000 trang tôi hoàn thành từ năm 2009, dù được bằng hữu đánh giá cao, đến nay vẫn chưa có nhà xuất bản nào chấp nhận in.
  • Đặc san Tagalau sống thoi thóp được suốt 12 kì, chúng tôi phải mua giấy phép, mạnh thường quân Chăm giúp tiền in, các tác giả cộng tác chịu viết không nhuận bút,… Dĩ nhiên “nhờ” nhà xuất bản của Nhà nước, “nhờ” Cục xuất bản cấp giấy phép… nó mới tồn tại được. Đó là chưa kể “nhờ” chính quyền địa phương ủng hộ, Ban biên tập mới tổ chức buổi Ra mắt Tagalau 1 vào Katê 2000, và buổi Kỉ niệm Hành trình 10 năm Tagalau vào Katê 2009.

Cả 3 điểm trên (cộng điều khoản biết thêm) trên đây, tôi xin cam đoan KHAI đúng sự thật!!! Người đọc, bà con và anh chị em tùy góc nhìn, có thể đối chiếu mà đưa ra kết luận cho riêng mình về khẳng định của Sakaya: “Tôi chắc rằng, cho đến thời điểm này nếu không có Đảng – Nhà nước sẽ không có Nhà văn, nhà thơ Inrasara cho người Chăm ta đâu”.

*

Câu chuyện nhỏ: Hồi ở quê, tôi đã xong một số bản thảo (viết tay, hiện còn lưu):

Tiếng Việt: 3 tập thơ, 1 trường ca, 3 phần của bộ tiểu thuyết sử thi 9 tập: Con đường vô tận. Tiếng Chăm: 3 trường ca và khoảng 200 bài thơ.

(Về thơ tiếng Chăm, là hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Ninh Thuận từ đầu năm 90 mà chưa một lần nhận đặc ân nào, cho nên năm 2006, tôi thử làm bản thảo tập thơ 50 bài xin tài trợ. Sau một tháng xem xét, Hội chấp nhận “như tiêu chuẩn mọi người”: 2 triệu, trong khi nhu cầu in nó phải gấp mười lần. Tôi đã nói lời cảm ơn, trả khoản tiền lại cho Hội. Do đó tập thơ tiếng mẹ đẻ ấy đến tận hôm nay vẫn làm thân phận bản thảo).

Đôi lúc tôi nghĩ dại, giả sử rủi ro năm 1992, tôi vào Kut trước khi vào Sài Gòn; rồi nếu may mắn – các bản thảo kia rơi vào tay mạnh thường quân tốt bụng nào đó, để tất cả chúng được mở mắt chào đời (như trường hợp Kafka chẳng hạn), không biết tôi có LÀ nhà văn hay không nữa.

Sài Gòn, 3-9-2011

_______

Chú thích:

(1) Các bạn trẻ cứ coi Gilaipraung.com hay Tincham.in có chuyện gì hay méc tôi. Lạ vậy!

(2) Chuyện tài trợ, có nhà văn xếp hàng non chục năm mà vẫn chưa đến lượt mình, thì đã cắt khẩu. Hội Nhà văn có gửi tiền mã xuống cõi ấy không, chả biết được. Nếu không thì cả đời Hội viên của ông ta chưa được nhận khoản vinh dự này. Tội!

(3) Một nhà văn bạn Inrasara, có tác phẩm in trước tôi 12 năm, đã xuất bản 9 tập thơ, 2 trường ca, 3 tiểu thuyết, 2 phê bình văn học, 5 cuốn khảo luận lịch sử… mà vẫn chưa có một giải thưởng cỏn con nào? Chuyện đời nhiêu khê lắm!

13 thoughts on “Quan điểm của Inrasara 03: Nhà văn, nhà nước, và…

  1. Anh thấy có mệt không SARA? Hồi nhỏ tôi quyết định trở thành nhà văn nhà thơ đó chớ… Cha tôi thuộc lòng Truyện Kiều, ổng đọc: Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
    Tui chưa ớn! Mẹ tui thì phán ngắn hơn. Tui để ước mơ dang dở!

  2. Đang nghỉ lễ ngon lành mà đọc phải cái bài này thì không muốn nghỉ nữa.
    Muốn dùng chữ nào đó thật nặng, lại sợ BBT “biên tập” hay cắt đứt quan hệ, thì toi.
    Tội ơi là tội ông Sara ơi. Một tinh thần TỰ DO như ông (cả thế giới đều biết) mà người của dân tộc ông (cũng là tôi) xuyên tạc là do Đ đào tạo. Ông vắt mình ra làm đủ thứ việc để có cái ăn, để làm “nhà văn tự do” (chữ của ông ở phần tự giới thiệu trong tập thơ Hành hương em). Cày và cày suốt ngày để nuôi vợ con, sau đó là để được TỰ DO SÁNG TẠO (chữ ông ưa dùng) mà bị “nhà” nghiên cứu đồng tộc ông bảo ông “nhờ” ai đó nuôi nấng mới thành nhà văn.
    Ôi trời!!!
    Tui kêu trời thôi, chớ không nói va chạm ai đâu nhé…

  3. Tôi đồng tình với ý kiến của Trương Thanh Giang nhưng cần bổ sung thêm 2 câu sau: “Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài“. Chẳng chấp anh Sara ạ
    Mong anh khỏe và đón Lễ Ka tê an lành.
    Ngọc Mai

  4. Hổng hiểu bác Sara “ăn” gì mà ăn nói đâu rành rẽ đấy. Rồi bác uống nước gì mà người lành thế. Ôn tồn nhã nhặn không thua kém gì văn nhân xưa vậy (chớ không như mấy thi sĩ ngày nay phát biểu tùm lum tà la hết).
    Bác chỉ cho cháu hay với cháu cảm ơn lắm.
    Kính bác. Klủn ranem Cham.

  5. Giới trẻ Chăm muốn nghe kết luận của chay Sara. Con nhận thấy chay Sara “tránh” quá. Chay viết hay thì hay rồi, nhưng bọn cháu muốn chay phải thật khẳng khái lên.

  6. Jano_Panrang đòi hỏi Inra như vậy là chưa hiểu hết Inra đâu.
    Nói thẳng băng như Trà Vigia khó mà dễ. Viết đúng cũng không khó lắm. Ở vị trí như Inra, viết sao không mất lòng Đảng và Nhà nước, viết thế nào cho bà con Chăm hiểu sự tình, viết làm sao cho Sakaya thay đổi rồi nghĩ tích cực hơn… là rất khó cho Inra.
    Inra đã làm được điều đó.
    Các bạn thấy: giọng văn rất chân tình, đọc kỹ là thấy thật buồn, nhưng cuối cùng không thiếu chất HÓM của Inra. Hóm để cho vấn đề bớt nghiêm trọng. Chị Ngọc Mai nói đúng lắm. Inra không coi chuyện này quá trầm trọng đâu.
    Chúc mọi người vui vẻ

  7. Pingback: Lượm lặt tin | Dahanhkhach's Blog

  8. Nói không nịnh SARA chút nào đâu nhé ! Văn chương bây giờ ghê lắm va đập đủ kiểu … Thú thiệt đạo đức nghề nghiệp của anh thật đáng nể. Tôi nghĩ chắc bạn bè hiểu nhầm anh tí thôi, anh nhỉ – Chúc anh vui – an lành!

  9. Các nhà nghiên cứu, nhà phê bình danh tiếng người Việt gọi Inrasara là “thiên tài”, “tài năng đa dạng”, “hiện tượng lớn”, “xuất hiện như một huyền thoại” vân vân.
    Còn nhà nghiên cứu NHỎ người Chăm thì cho Inrasara CHỈ là nhà thơ do Đảng “đào tạo“, “nhờ” Nhà nước mà thành nhà văn.
    BỤT CHÙA NHÀ KHÔNG THIÊNG LÀ NHƯ VẬY ĐÓ.
    Tôi ko trách họ đâu, anh Giang à.

  10. Ông Văn M. NỊNH BỢ Đảng là điều ai cũng thấy rồi, khỏi nói. Còn ông nịnh để làm gì chỉ có ông mới biết.
    Cá nhân tôi và vài người Chăm cũng biết ơn Đảng.
    Tôi có hỏi một trí thức già người Chăm, ông bảo ông cám ơn Đảng về 3 điều:
    1/- Đất nước thống nhất, vụ tranh Cả sư của người Chăm chấm dứt
    2/- Islam truyền đạo vào làng Phước Nhơn gây đổ máu chấm dứt
    3/- Vụ phe phái tranh dân biểu chấm dứt
    Ông trí thức này KHÔNG nịnh Đảng đâu. Ông nói rất thật thà.
    Còn NỊNH Đảng kiểu ông Văn M. thì gây tác dụng ngược.
    Thế hệ trẻ chúng ta cần cảnh giác với tinh thần nịnh bợ như thế.

  11. Vụ này xưa rồi, cho qua đi anh Inra ạ. Jabeh cũng đừng nhắc nữa cho thêm đau lòng. Kết sổ!!!

  12. Có thể Nịnh Bợ chắc là niềm hạnh phúc của một số người đấy các bạn ạ.
    Các bạn Nịnh Bợ không được đừng ganh tị nhé. Các bạn không bíêt đâu: đi bằng đầu gối nhanh hơn bằng đôi chân các bạn ơi.
    Sakaya đã chọn cách đó để tiến thân…có lẽ….
    Nhưng chắc cũng có nỗi khổ mới làm vậy.
    Riêng mình thì chẳng Nịnh Bợ ai nhưng cũng sống khỏe cở Sakaya.

  13. Bởi không có ý kiến nào mới và hay hơn, nên BBT xin đóng cửa “phản hồi” đề tài này ở đây.
    Kính chúc mọi người an lành
    BBT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *