Quan điểm của Inrasara 02

Quan điểm của Inrasara 02

hay Về chính sách văn hóa dân tộc…

* Phát biểu tại Kỉ niệm Hành trình 10 năm Tagalau – Katê 2009.

Tôi hoạt động nhiều lĩnh vực khác nhau, ở “ngoài tỉnh”. Ngoài tư cách là nhà văn, tôi còn chủ biên đặc san Tagalau và chủ bút website Inrasara.com. Nhìn cách nào đó, các việc làm kia là hoạt động văn hóa – xã hội. Cho nên nhiều sự kiện liên quan đến văn hóa – xã hội Chăm, tôi luôn góp ý kiến giúp các cơ quan hữu trách nhìn nhận rõ vấn đề hơn. Về Nhà máy điện hạt nhân, tranh chấp đất đai Văn Lâm, sự cố Kiều Minh Vũ, sự cố văn hóa Chế Kim Trung hay Nguyễn Thành Thống, về ngôn ngữ – chữ viết Chăm,… Tôi nêu rõ ràng và cụ thể ý kiến cá nhân về mỗi vấn đề. Còn chính quyền có giải quyết không, hay giải quyết tới đâu, không còn là trách nhiệm của tôi.

 

Tôi là nhà văn tự do ngoài biên chế, không là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, không làm chính trị nên rất ít biết về lĩnh vực này. Riêng về văn hóa và ngôn ngữ, tôi thấy Nhà nước có chính sách đúng đắn.

Phòng Giáo dục Ninh Phước, đã có thời người Chăm làm Trưởng phòng. Trường Trung học Dân tộc Nội trú Tỉnh, Hiệu trưởng hai nhiệm kì là người Chăm. Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm, cán bộ Chăm đương chức Giám đốc. Ban Biên soạn sách chữ Chăm cũng vậy,… Còn họ có làm được không, và làm được tới đâu, chính là do tâm và tài, và nhất là ở bản lĩnh của chính bản thân chúng ta.

Nhìn bên cạnh ta, năm 1996, trong một cuộc trao đổi tại Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, một học giả Thái thuộc Trung tâm ĐNA tại Thái Lan cho rằng: “Về chính sách văn hóa dành cho sắc dân thiểu số, chúng tôi phải học ở Việt Nam rất nhiều”.

Là người hoạt động xã hội, tôi buộc phải tìm hiểu chính sách văn hóa, văn học và ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước. Do đó trong các phát biểu hay tham luận có liên quan, tôi không thể không nêu ra chính sách này khi đối chứng. Ngược lại – ví như viết bộ Văn học Chăm, Khái luận – văn tuyển cả ngàn trang, tôi không một lần nhắc đến nó.

15 năm nhập cuộc chữ nghĩa, đúng 4 lần tôi đề cập tới chính sách trong hoàn cảnh rất cụ thể.

Sau đây là 4 “văn bản” đó, tất cả đều xảy ra trên diễn đàn và đối thoại:

 

1. Phát biểu ở diễn đàn

Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Kinh đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững chính sách dân tộc của Đảng. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn là mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Inrasara, tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1, 2006.

 

– Đây là đoạn văn được in chữ to trên tạp chí của Hội. Đoạn văn được nhiều người trích dẫn, và được trích đi trích lại nhiều lần. Tôi nhấn mạnh: dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn là mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

 

2. Phát biểu trên diễn đàn

Ở đây, chúng tôi xin cảm ơn Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc đã vượt khó khăn để cho ra đời các tác phẩm in song ngữ. Chúng ta cũng rất hoan nghênh chính sách ngôn ngữ dân tộc thiểu số của Nhà nước ta. Mặc dù khi đi vào thực tế cụ thể thì việc thực hiện nó vẫn còn nhiều hạn chế chưa có biện pháp khắc phục toàn diện.

Inrasara, “Để văn học dân tộc thiểu số phát triển” trong Văn hóa – Xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại.

 

– Đoạn văn trong tham luận về Văn học dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, 1998. Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc dù rất khó khăn nhưng đã in được một số tác phẩm song ngữ có tiếng dân tộc. Tôi cảm ơn việc làm đó – rất cụ thể.

– “chính sách ngôn ngữ dân tộc thiểu số” là đúng, tôi hoan nghênh, dù việc thực hiện (trách nhiệm của người dân tộc thiểu số) còn hạn chế.

 

3. Phát biểu trên diễn đàn

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó gìn giữ và phát huy ngôn ngữ – chữ viết của dân tộc thiểu số là chủ trương xuyên suốt của Nhà nước ta. Ngay khi đất nước thống nhất và bước đầu đi vào ổn định xây dựng, thực hiện chính sách ưu việt này, việc dạy chữ Chăm ở Thuận Hải (cũ) đã được triển khai kịp thời và đúng hướng với sự ra đời của Ban Biên soạn sách chữ Chăm gồm 18 biên chế thuộc Sở Giáo dục tỉnh. Trong việc phổ biến, truyền bá chữ Chăm cho đồng bào thời gian qua, đây là việc làm chưa từng có.

Inrasara, “Ngôn ngữ – chữ viết Chăm, 20 năm nhìn lại ” trong Văn hóa – Xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại.

 

– Đoạn văn nằm trong bài phát biểu Kỉ niệm 20 năm Ban Biên soạn sách chữ Chăm. Tôi nhấn mạnh: trước 1975, các trường tiểu học Chăm có dạy chữ Chăm, nhưng không đều khắp và năm có năm không. Từ 1978, BBSSCC ra đời, việc dạy và học được phổ cập và có chính sách rõ ràng, xuyên suốt. Đây là điều trước đó chưa hề có, “ưu việt” là ở đó. Còn chuyện soạn và dạy thế nào là trách nhiệm của người Chăm chúng ta.

 

4. Trong đối thoại:

Không có con đường nào bằng phẳng dẫn tới khoa học cả. Trong khi tôi biết không ít “trí thức” được Đảng và Nhà nước quan tâm đúng mức chẳng làm gì ra trò, nói chi đến nói lên tiếng nói của đồng bào. Trách ai?! Như cá sống nhờ nước, thần hồn văn hóa chỉ có thể sống trong môi trường văn hóa. Nếu chúng ta vô tình hay cố ý đầu độc môi trường này thì nếp văn hóa truyền thống sẽ suy thoái và bị diệt vong trong một ngày không xa.

Inrasara, “Trước thềm thế kỉ XXI, đọc lại Pauh Catwai”, trong Văn hóa – Xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại.

 

– Tôi xác định: Đảng và Nhà nước quan tâm đúng mức đến không ít “trí thức”. Chữ “trí thức” tôi để trong ngoặc kép. Còn nếu “trí thức” Chăm đó không làm được gì cho cộng đồng thì chỉ nên trách mình. (Khía cạnh này, bất kì một ai quan tâm đến cộng đồng đều có thể tự tìm ra cho mình không ít ví dụ điển hình: Nhà nước nuôi ăn học, về làm công chức ăn lương, và… chỉ có thế – hết!).

 

Nghĩa là tất tần tật tôi đều đưa ra nhận định cụ thể về một vấn đề rất cụ thể.

Về chi tiết “Đảng đào tạo ra nhiều nhà văn, nhà thơ” do Đồng Chuông Tử nêu, vì liên quan đến vấn đề tôi biết rất rõ, tôi mới chỉ ra rằng đó là một khẳng định không đúng – để độc giả Chăm ở ngoài sinh hoạt văn học Việt Nam hiểu rõ vấn đề hơn.

Riêng về đoạn chỉ có Đảng Cộng Sản Việt Nam, chỉ có Bác Hồ muôn vàn kính yêu mới bảo đảm được cho người Chăm có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bảo tồn, phát huy được di sản văn hóa quý giá của dân tộc”,

mang tầm bao quát rất lớn. Không nắm được vấn đề, cho nên tôi không bao giờ nhận định về chuyện vĩ mô đó, càng không biết nó đúng sai thế nào nên tôi hoàn toàn không có ý kiến về phát biểu nào tương tự như thế. 

 

Kajap karo thuk siam

Inrasara

4 thoughts on “Quan điểm của Inrasara 02

  1. Xalam yut
    Cần thông tin về sự việc cụ thể và chính xác, từ đó ta mới có nhận định tương đối được bạn à. Nhận định thế nào, tùy thế đứng, khả năng và… của mình.
    Đwa karun
    Sara

  2. Pingback: Tin Chủ Nhật, 04-09-2011 « BA SÀM

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *