Đặng Thái Minh: Kỉ niệm nhỏ với Inrasara

INRASARA PHÚ TRẠM

by Dang Thai Minh on Wednesday, August 31, 2011 at 3:03pm

 

Những năm 1992-1996, tôi và Phú Trạm là đồng nghiệp ở trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Đại Học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh). Anh Trạm là cộng tác viên dự án từ điển tiếng Chăm do thầy Bùi Khánh Thế chủ trì. Dự án này có một số trí thức người Chăm khác tham gia như các ông Lưu Quang Sang, Thành Phú Bá, sau đó là Nguyễn Ngọc Đảo, Phú Văn Hẳn, Lương Đắc Thắng… Sau khi xong phần việc của mình, họ lại về quê hoặc cơ quan cũ. Chỉ có anh Trạm ở lại.

Hàng ngày anh cần mẫn đến ngồi vào chỗ cơ quan dành cho anh làm từ điển, miệt mài, lặng lẽ từ sáng đến chiều. Chúng tôi xong tiết, ra ngồi trà nước, chuyện phiếm rôm rả, anh vẫn không có vẻ gì là phiền, nhưng rất kiệm lời, không mấy khi tham gia cuộc vui.

Khi anh đều đều ra sách về văn hóa và văn học Chăm ở nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc, tôi băn khoăn:

-Quái lạ, cây đa cây đề đi đâu hết rồi để ông Phú Trạm này tung hoành một cõi?

Quả thật là nhìn ông Phú Trạm ngày ngày lai vô ảnh, khứ vô hình, lặng lẽ hơn cả chiếc tủ đứng đựng sách của cơ quan, ai có thể ngờ ông giỏi thế. Thỉnh thoảng ông có mở miệng, chẳng phải để khoe giỏi và cũng chẳng bình luận, chê bai ai. Lành như đất, hiền như cục bột, không đanh thép như ông Inrasara sau này đâu.

Năm 1996 tôi sang Pháp học. Trước khi đi tôi lại nhờ anh kiếm giùm một số mặt hàng thổ cẩm làm quà cho thầy bạn, người thân và cả người không thân. Hàng thổ cẩm Chăm là một món quà rất quý, ai cũng thích. Bà xã anh là chị Thuận Thị Trụ, một người chuyên kinh doanh mặt hàng này, được báo chí khen ngợi hết lời. Bởi vậy lần nào đi xa tôi cũng nhờ anh giúp. Giá cực mềm, hàng cực tốt. Có một cái ba lô thổ cẩm tôi tiếc lắm, không đem tặng ai, giữ lại dùng đến lúc cũ vẫn không hỏng.

Một năm sau từ Pháp về, tôi không gặp Phú Trạm. Dự án đã kết thúc, anh hết việc, không ai nghĩ rằng cần phải kiếm việc cho anh làm. Tôi than với Phổ, bạn thân cùng cơ quan:

– Trường cứ đòi dẹp trung tâm vì chỉ dạy tiếng Việt, không nghiên cứu gì. Sao không để ông Phú Trạm làm nữa?

Một năm sau đó trung tâm được tổ chức lại, xóa sổ mô hình kết hợp hai nhiệm vụ dạy tiếng Việt đồng thời nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á. Ai dạy tiếng Việt thì sang khoa Việt Nam Học và Tiếng Việt Cho Người Nước Ngoài; ai không được dạy tiếng Việt thì đi nghiên cứu ở trung tâm Việt Nam và Đông Nam Á. Phải có mười ông Phú Trạm mới may ra mô hình cũ mới đủ sức thuyết phục cấp trên.

Tôi chẳng có dịp nào gặp lại anh. Năm 1999, tôi lại sang Pháp học. Tôi ra thương xá Tax, tự mình kiếm mấy món thổ cẩm làm quà đem đi. Người bán hàng hình như là con hay cháu anh. Nhưng tôi không hỏi thăm anh.

Rồi tôi sang Úc định cư, vật lộn với cơm áo gạo tiền, liên lạc với bên nhà thưa thớt dần. Lang thang trên mạng tôi biết anh đã nổi tiếng với bút danh Inrasara nhưng đến giữa năm 2011, nhờ chơi Facebook, anh em mới nối lại được sợi dây liên lạc.

Trong tủ áo của vợ tôi đến giờ vẫn còn những chiếc áo đầm dệt bằng thổ cẩm tôi mang từ Việt sang Pháp. Đẹp lắm, mặc vào chụp ảnh cực kỳ xinh. Chiếc áo vừa mộc mạc vừa tinh xảo như tâm hồn người dệt ra nó. Nhìn áo, nhớ Phú Trạm vì anh cũng là thổ cẩm chính hiệu người Chăm.

7 thoughts on “Đặng Thái Minh: Kỉ niệm nhỏ với Inrasara

  1. Anh em nghe người Việt nhận định ông Sara nè:
    “ông Phú Trạm ngày ngày lai vô ảnh, khứ vô hình, lặng lẽ hơn cả chiếc tủ đứng đựng sách của cơ quan, ai có thể ngờ ông giỏi thế. Thỉnh thoảng ông có mở miệng, chẳng phải để khoe giỏi và cũng chẳng bình luận, chê bai ai. Lành như đất, hiền như cục bột, không đanh thép như ông Inrasara sau này đâu.”

    Ông ta bây giờ vẫn thế, anh Minh ạ. Ông ta chỉ đanh thép trong văn chương thôi. Còn ngoài đời vẫn lặng lẽ như xưa đó.

  2. Jabeh ơi,
    Jabeh phát biểu không chính xác lắm. Sao lại gọi các đồng nghiệp cũ của Phú Trạm là “người Việt”. Tất cả chúng ta đều là người Việt mà. Minh

  3. Đối với tôi, anh Phú Trạm là hình ảnh đáng trọng của một trí thức dân tộc. Tôi vẫn thích một Phú Trạm nhà nghiên cứu hoặc học giả hơn là một Inrasara nhà văn.

  4. Tôi nghe nói là tất cả chúng ta đều là dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có người Kinh, người Chăm, người Bana,… cũng có người gọi người Kinh là người Việt. Tôi cũng bắt chước gọi theo như vậy, anh Minh ạ. Có gì anh chỉ bảo thêm.
    Cám ơn lắm

  5. Jabeh ơi, tôi thận trọng chút thôi.
    P ơi, Phú Trạm Inrasara là nhà gì tôi cũng thích. Anh ấy có làm gì thì cũng là đóng góp tích cực cho đất nước. Có thể có chỗ mạnh, chỗ yếu nhưng đều là đóng góp.

    • Ui, khỏe Minh ơi. Bạn và gia đình thế nào? Ko về VN thăm nhà à? 3-4 năm nay, các trường ĐH chê ko mời Sara thuyết trình nữa, nên hơi bị… cô đơn. Vui nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *