Sống xen cư và cộng cư với người Kinh cả thế kỉ qua, rồi khi môi trường nông thôn bị phá vỡ, đô thị hóa ồ ạt – tộc Chăm sẽ ra sao, ngày mai?
1. Trong cuốn Sử Việt đọc vài quyển, NXB Văn mới, Hoa Kì, 2004, Tạ Chí Đại Trường viết:
Tù binh Cham đến Bắc được sinh hoạt ở các vùng riêng biệt. Tính từ trước thế kỉ X, hơn 200 năm sau, Trần Nhật Duật đến chơi – không phải với tù binh mà theo lối “với người nước ngoài”. Ông nhận ra: hẳn họ có sinh hoạt khá riêng biệt, do đó họ mới giữ được tiếng nói, phong tục tập quán một thời gian lâu dài – dài quá sức tưởng tượng là khác!
… sau chiến thắng 1044 trở về, Lí Nhân Tông “cho các tù binh được nhận người cùng bộ tộc, cho ở (các nơi), đặt hương ấp phỏng theo tên gọi cũ của Chiêm Thành”!
Nghĩa là người Cham ra Bắc vẫn lập làng riêng, dùng ngôn ngữ và phong tục của mình ít nhất 3-400 năm mới mất dần dấu vết.
2. Tác phẩm Có 500 năm như thế, Hồ Trung Tú viết:
“Chúng ta là người Chàm đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm”.
Mùa hè 2007, lên vùng trung du Quế Sơn – Quảng Nam, tôi ghé thăm 2 làng họ Trà (chắc chắn họ là Chăm rồi) nói toàn tiếng Việt. Nghĩa là sau 500 năm, người Cham đã biến thành Kinh.
Câu hỏi quan trọng là: Từ bao giờ? 200 năm hay 300 nằm, họ mới chuyển đổi như vậy?
3. Sau khi Ppo Chơng chạy qua Campuchia năm 1822, nhất là sau khởi nghĩa Thak Wa thất bại 1833-1834, người Chăm hòa nhập vào đất nước Việt Nam thống nhất. Ít nhất từ đầu thế kỉ XX, người Chăm sống xen cư và cộng cư với người Kinh.
Không đề cập chuyện phong tục tập quán, thế hệ cha tôi (sinh 1916) vẫn dùng thuần tiếng Chăm; sang thế hệ tôi (sinh 1957) lứa bạn tôi nói độn tiếng Việt 20%. Nhưng đến nay, chỉ qua 70 năm, tỉ lệ nói độn tiếng Việt ở thế hệ hiện tại là 60-70%. Ta đủ thấy tốc độ pha tạp kinh hoàng của nó.
Vậy bao giờ (mấy chục năm nữa) chúng ta nói tiếng thuần Việt bằng giọng Cham?
Bạn nghĩ gì? Và làm gì?
Jalo Jalai thấy nhà văn Inrasara hỏi nhiều câu hóc búa trong mục NGHĨ GÌ?
Ai có thể trả lời nhỉ?
Đau lắm thay!
Jalo Jalai mến
Wa Sara nói chí lí, theo Kaka giao tiếp với nhiều bạn trẻ Chăm hầu như các bạn đều nói tiếng Kinh 70%, Kaka hỏi thế sao bạn nói như thế ? Câu trả lời Kaka nhận lại đó là thời buổi bây giờ rồi mà nói chi tiếng ấy, tôi có học nhưng có ứng dụng thực tế đâu, học chi ba thứ tiếng đó. Nói tiếng Việt để người ta kính nể hơn, biết là mình có học vấn hơn, thế hệ trẻ hôm nay không còn như trước kia nữa, tiếng mẹ đẻ là ngôn từ mà chúng ta xài để giao tiếp hàng ngày sao bạn nghĩ thế? Kaka có đọc qua các sách sử Việt Nam: Đại Việt Sử Kí toàn thư, Việt Nam sử lược,… Nhưng nỗi thay các bạn học qua sử Việt mà không biết một chút tối thiểu về sử Chàm?
Nhận định của Hồ Trung Tú rằng giọng Quảng Nam bắt nguồn từ giọng Chăm có thể đúng. Xin mọi người hãy xem video này trên mạng: một cô gái Việt nói giọng miền Nam không chuẩn lắm (giọng của Việt Kiều) dạy một chàng trai Philippines nói tiếng Việt. Kết quả là ra một cái giọng với ngữ âm ngữ điệu giống như giọng miền Trung: http://www.youtube.com/watch?v=NztHzPmRwD4&feature=related , nghiêng về giọng Nghệ An. Tiếng Filipino thuộc ngữ hệ Mã Lai- Đa Đảo như tiếng Chăm, nên video này có thể nói lên chút ít về sự biến âm của một người nói tiếng Mã Lai- Đa Đảo khi cố tập nói tiếng Việt. Hy vọng trong tương lai sẽ có người thử kiểm chứng bằng cách dạy người Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines nói tiếng Việt xem sao. Hoặc có những nghiên cứu rộng hơn, ví dụ, xét cả nguồn gốc giọng Huế, Bình Định nữa (những giọng này khác giọng Quảng Nam), hoặc xét thử xem nguồn gốc là từ Chăm mà ra, hay là từ Cơ Tu, Tà Ôi, Ê đê…