Inrasara: Chú giải ngắn về văn chương vỉa hè Sài Gòn
1. Vỉa hè gần như là thuộc tính của văn nghệ Sài Gòn. Từ thuở văn nghệ miền Nam. Bùi Giáng hay Nguyễn Đức Sơn thì đã đành rồi, ngay Phạm Công Thiện “sang trọng” là thế, chất vỉa hè vẫn cứ đậm đặc. Phạm Thiên Thư vỉa hè, rồi cả Trịnh Công Sơn cũng không thiếu chất vỉa hè. Vỉa hè và phi chính thống từ giới sáng tác cho đến giới học thuật. Lớn như Nguyễn Hiến Lê cũng chọn phi chính thống. Bên cạnh từ chối đứng các giảng đường, học giả này còn chối từ mọi loại phần thưởng mà chính quyền ý định tặng ông.
* Cùng nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn và sinh viên văn chương tại Qui Nhơn – 2007.
Kê sơ sơ vài khuôn mặt lớn là vậy, còn lại những tên tuổi vừa vừa hay nhỏ lẻ cũng đậm chất vỉa hè – vỉa hè theo kiểu nhỏ lẻ của mình. Nó là thuộc tính, và đã trở thành truyền thống Sài Gòn. Sài Gòn như là Sài Gòn. Cả sau Bảy lăm, khi giới cầm bút miền Bắc và một số ít dân viết lách miền Nam bám vào tòa soạn báo chí hay làm việc trong các cơ quan Nhà nước có dính dáng đến chữ nghĩa, truyền thống vỉa hè của Sài Gòn vẫn lai rai tồn tại. Truyền thống này càng phát triển mạnh mẽ sau mở cửa, khi nhà văn, nhà thơ các nơi đổ dồn vào thành phố.
2. Vỉa hè liên quan chặt chẽ [hay đồng nghĩa với] ngoại vi và phi chính thống. Đó là một thái độ chọn lựa chứ không phải [hay ít khi] bởi hoàn cảnh đưa đẩy. Ở vỉa hè vẫn có mặt đủ đầy mọi hỉ nộ ai lạc của văn giới, nhưng tuyệt đối không có “dạ bẩm quan lớn” hay “vâng báo cáo anh”. Nó không quan tâm đến văn học chính thống, thỉnh thoảng nó liếc về phía chính thống, nhưng thường thì với con mắt khinh thị. Cho rằng văn chương vỉa hè “lợi dụng” vị thế vỉa hè “để nâng phông mình lên” (chữ của Nguyễn Hữu Hồng Minh) là lầm to(1).
Vũ Thành Sơn với 40km/h (NXB Giấy Vụn, Sài Gòn, 2007); Đoàn Minh Châu với m-n & z (Minh Châu xuất bản, 2008); Nguyễn Thị Thúy Quỳnh qua Thựcthểruỗngmòntôi (NXB Tùy Tiện, 2009); rồi Trúc-Ty cùng Trước khi thành giấy vụn (NXB Giấy vụn, Sài Gòn, 2010) hay Lưu Mêlan bằng hàng loạt bài thơ xuất hiện liên tục trên Tienve.org, Damau.org,… đều là tên tuổi đáng đọc. Sáng tác của họ độc đáo, đầy khai phá và nhất là “lành mạnh”, có thể chui lọt qua cửa nhà xuất bản nhà nước mà không phiền đến dao kéo kiểm duyệt chính thống nào bất kì. Thế nhưng, họ đã chọn vỉa hè.
Đơn giản, họ không chấp nhận thái độ “vâng báo cáo anh” các loại.
3. Vỉa hè và phi chính thống khi giữa chừng, họ ngán ngẩm đến tận cùng cơ chế “xin – cho” trong sáng tạo văn học. Họ quyết cắt đứt một lần cho tất cả. Như Nguyễn Quốc Chánh ở lời tựa của tập thơ tự xuất bản in photocopy Của căn cước ẩn dụ (2001):
“Thật ngô nghê khi vừa muốn tự do vừa muốn cơ chế chuyên chính cho phép. Tôi đã hơn hai lần ngu như vậy. Và trớ trêu cả hai lần (tuy nhọc nhằn) nhưng đều được phép (…)
Viết, in và phát hành trong sự cho phép, là một cách tiếp tay với sự phản động theo nghĩa là kéo dài những biến tướng. Bởi nó ít có tác dụng thúc đẩy. Mà chỉ thêm những kẻ đồng lõa với âm mưu bóp chết tự do cá nhân.
Tôi có mấy chục người quen, một ít người bạn, và chỉ với cái văn minh vi tính, thơ tôi có thể được đọc một cách sạch sẽ mà không phải khom xuống để chui qua sự khám xét nào”.
Như Trần Tiến Dũng sau Khối động (NXB Trẻ, 1997) và Hiện (NXB Thanh niên, 2000). Như Nguyễn Viện, và nhiều nhà văn, nhà thơ phi chính thống sáng giá khác.
4. Vỉa hè từ khởi điểm và đi đến tận cùng, như Nhóm Mở Miệng bằng hàng loạt sáng tác phẩm in photocopy qua nhà xuất bản Giấy vụn tự thành lập. Từ Vòng tròn sáu mặt (tập thơ in chung gồm: Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Trần Văn Hiến, Hoàng Long, Nguyễn Quán) in năm 2002, cho tận hai tập thơ song ngữ Anh – Việt mới nhất của hai thành viên chủ chốt của nhóm: Bùi Chát, Bài thơ một vần (2009) và Lý Đợi, Khi kẻ thù ta buồn ngủ (2010).
Xin nhắc lại: họ chọn, và đi đến tận cùng chọn đó. Và khi chọn thái độ văn học kia, họ chấp nhận chịu thường trực sống và viết cùng sự thiếu an ninh cận kề. Có thể đâu đó có một số ít ăn theo thái độ kia [nhưng tôi chưa kịp nhận ra khuôn mặt này] để tự quảng bá tên tuổi, còn khi cho rằng sự chọn vỉa hè không gì hơn mục đích “để nâng phông mình lên”, thì hoàn toàn thiếu hiểu biết về truyền thống sinh hoạt văn học Sài Gòn; một truyền thống yêu chuộng tự do trong tinh thần phi tâm hóa và phi chính thống hóa đẫm chất hậu hiện đại.
Sáng tác và xuất bản phi chính thống “để tự nâng phông mình lên”, là một phát kiến lạ lẫm. Lâu nay chính nỗi chạy đua [chọt, vạy…] vào Hội Nhà văn Việt Nam [thậm chí chạy danh hiệu “nhà văn trẻ”] của các cây bút thuộc dòng chính thống với mục đích đánh bóng tên tuổi [hay kiếm chác gì gì đó] mới bị dư luận báo chí than phiền, chứ chưa ai nói ngược như thế bao giờ.
5. Cuộc thế nhiễu nhương, cuộc văn chương nhiêu khê đầy hang hố, người viết văn làm thơ Sài Gòn tùy cơ ứng biến. Có thể từ “chính thống” quay ngoắt sang vỉa hè không nửa lần ngoảnh lại (như Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng,…) hay từ bán chính thống chuyển hệ sang chính thống (như đa phần nhà thơ nữ thuộc Nhóm Ngựa Trời [ở thời kì Dự báo phi thời tiết]) hoặc in cả chính thống lẫn phi chính thống mà không làm to chuyện (như Vũ Thành Sơn, Phạm Lưu Vũ, Lê Vĩnh Tài, Lê Hải, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Tuệ Nguyên,…) hay chỉ chọn vỉa hè với phi chính thống một cách tuyệt đối (như Nhóm Mở Miệng, Phan Bá Thọ, Liêu Thái, Trúc-Ty, Bỉm,…). Họ có thể tự tin hay còn dè dặt với tư cách kẻ sáng tác trong công cuộc tìm kiếm, chứ không cho “vỉa hè là nơi sàng lọc để giúp họ phát triển tự tin hơn” (chữ của Lê Thiếu Nhơn), để sau đó nâng cấp “thành tác giả”, bước lên văn đàn chính thống(2).
6. Vậy vỉa hè có đồng nghĩa với dơ dáy, thô tục, thấp cấp như thiên hạ đồn thổi không? Còn phi chính thống có phải hoàn toàn “phản động” không?
– Hãy đọc họ đi, rồi nhận ra câu trả lời.
Nữa: bám cơ quan nhà nước với chính thống “vâng báo cáo anh” hòng kiếm chác vài triệu đầu tư từ tiền thuế của dân hay được làm đại biểu dự hội nghị chi chi đó để làm ra sản phẩm “có mặt bằng mà không có đỉnh cao” so với sinh hoạt chữ nghĩa vỉa hè văn chương “chẳng là gì ghê gớm cả”, ai đáng xấu hổ hơn?
Và, có chắc chính thống thì sang trọng hơn, “vĩnh cửu” hơn vỉa hè với phi chính thống không?
Lịch sử văn học Việt Nam đã chứng minh điều ngược lại. Hỏi hành trình phát triển thơ Việt cổ điển, hai mươi tám vì tinh tú trong bầu trời thi ca Đại Việt cuối thời Hồng Đức, hoặc gần hơn – Mặc Vân Thi xã so với các tác gia “vỉa hè” đầy tính phi chính thống như Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Tú Xương,… ai có đóng góp lớn hơn?
Theo tôi, bên cạnh những tên tuổi ngụ cư dòng chính thống [nhưng vẫn nhìn sang các bạn viết chọn vỉa hè làm nơi cư trú đầy niềm tôn trọng] sáng tác không bị “định hướng” bó buộc, chính cư dân mạng, văn chương vỉa hè và sáng tác phi chính thống đang làm cho văn học Việt Nam hôm nay phát triển đa dạng. Và hơn nữa, nó còn biết cách đa dạng hóa chính mình.
7. Và câu hỏi cốt yếu nhất trong mọi loại câu hỏi kiểu này là: có phải văn chương vỉa hè hiện nay “chẳng có gì” không?
Để nâng phông mình, tôi chưa thấy bất kì tác giả vỉa hè Sài Gòn nào tuyên bố ở đâu theo kiểu “Tôi nghĩ“, “Tôi nghĩ“, “Tôi hi vọng“,… để cuối rốt tôi… thất vọng rằng: “Tôi cũng đọc rất nhiều cái đó nhưng tôi chẳng thấy nó có gì mới cả“(3).
Đánh giá sáng tác văn chương là chuyện chủ quan, thì miễn bàn. Cứ tạm coi đó là [bệnh đại] chủ quan của người phát ngôn. Riêng cá nhân tôi, tôi cũng đọc rất nhiều cái đó, đơn giản bởi ở đó có rất nhiều cái đáng đọc. Không kể tên tuổi đã thành danh, ngay các tác giả thuộc thế hệ sau như Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lý Đợi, Lê Vĩnh Tài (của giai đoạn văn chương mạng),… hoặc gần nhất: Tiểu Anh, Lưu Mêlan, Vũ Lập Nhật,… Tôi đọc họ nhiều lần, và rút ra được nhiều bài học cho cuộc viết của mình.
8. “Hoàn cảnh” Việt Nam hiện tại, khi bức vách ngăn ngoại vi/ trung tâm (vỉa hè với văn phòng, chính thống với phi chính thống,…) cao và dày, từ đó tâm phân biệt đối xử sinh sôi nảy nở lan tràn ngày càng đẩy tâm hồn kẻ viết văn, làm thơ về phía vô minh, thì sự chú giải qua hình thức ngôn ngữ “hình nhi hạ” chỉ nên xem như một thứ phương tiện thiện xảo nhất thời. Trong khi một nghệ sĩ chân tính là kẻ tự do trong mọi suy tư và hành động, trong sống và viết. Hắn đạp đổ mọi bức tường, đá văng mọi rào chắn, bạt tai không kiêng dè mọi phân biệt đối xử.
Sự sự vô ngại như một sinh thể tự do tự tại phong phanh giữa trời đất.
Lưu ý thêm:
“Chú giải ngắn” không là một phản hồi hay trao đổi, mà chỉ nên coi đây là một khía cạnh khác của “phê bình nhân” [ý kiến bất cập của bạn viết], qua đó ghi nhận theo kiểu “lập biên bản” tinh thần và sinh hoạt văn học vỉa hè và phi chính thống Sài Gòn trong khi cố tránh đưa ra nhận định dù tụng ca hay khinh thị nào bất kì.
Sài Gòn, 17-8-2011
____________
(1) http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/phongvan_chitiet.asp?PVSKID=174
(2) http://lethieunhon.com/read.php/5161.htm
(3) Nguyên văn Nguyễn Hữu Hồng Minh trả lời phỏng vấn:
Anh muốn nói điều gì trong Ổ thiên đường
– Người ta chấp nhận viết sai rồi sửa sai, cứ viết đi rồi ngày mai mình hoàn thiện dần nhưng tôi thì không làm được như vậy. Mình đi tìm sự hoàn thiện rồi nó bị đưa đi vào hoang mang. Con đường mình đi quá mơ hồ. Tôi nghĩ cuốn sách này những người làm nghề, những người viết truyện ngắn nên đọc. Tôi nghĩ tôi chia sẻ với những người đang làm văn xuôi. Đó là sự tìm kiếm trong hai mươi năm về một hình thức mới. Tôi nghĩ những người viết văn xuôi sẽ có nhiều bổ ích khi đọc nó bởi nó là cuộc tìm kiếm trong hai mươi năm của tôi về hình thức. Tôi nói thế nào về văn xuôi thì trong này có rất rõ. Đó là những hình thức mới, những sáng tạo mới. Tôi hy vọng cuốn này tốt và có cái gì đó để đọc.
… Nói chung, cuốn sách này làm tôi thấy hài lòng. Còn sắp tới nó có gập gềnh gì không thì tôi chưa biết được nhưng trong cuồn này có nhiều thể nghiệm mới lắm!
Anh hình dung đường kinh tế của cuốn sách ra sao?
– Tôi nghĩ cuốn này bán được. Một số bạn bè tôi bảo chỉ cần cuốn sách mang tên Nguyễn Hữu Hồng Minh thì sẽ bán được nhiều.
…
Anh có nhầm lẫn không? Theo chỗ tôi được biết là hiện nay, trong giới văn chương có một phong trào xuất bản tự do mà lý do theo họ là bởi họ mới quá, trong khi đó các nhà xuất bản ở ta thì cũ kỹ, không theo kịp với thời đại?
– Có những quan điểm văn học lợi dụng chuyện kiểm duyệt, một số khó khăn, một số rào cản không đi kịp xã hội như cách đọc, cách xử lý văn bản… để nâng “phông” mình lên. Tôi cũng đọc rất nhiều cái đó nhưng tôi chẳng thấy nó có gì mới cả. Thế nên trong cuốn này tôi có viết truyện vừa là Vẽ bùa mà đeo đấy. Họ cứ tưởng mình là ghê gớm nhưng thực sự chẳng là gì hết.
(Inrasara tô đậm một số câu chữ để làm rõ nghĩa).
Bài này đã đọc trên tiền vệ, nay đọc lại thấy vẫn hay. Về những phát biểu của Nguyễn Hữu Hồng Minh thì miễn bàn. Cám ơn tác giả Inrasara
Khi Inrasara trích nguyên văn trả lời phỏng vấn
Vì Sara in đậm
Nên tôi đọc thật chậm
Và sau đó thì ngấm
Ngầm làm thơ âm thầm
TÊN BÀI THƠ: BẮT CHƯỚC BÙI CHÁT
MỤC ĐÍCH BÀI THƠ: ĐỂ ĐƯỢC ĐĂNG LÊN BÁO HAY WEB
ĐỘNG CƠ LÀM THƠ: ĐỂ MÌNH CŨNG CÓ “TAI NẠN HAY GẬP GHỀNH”
BÀI THƠ NHƯ SAU:
1. Thế nào là bệnh tâm thần phân liệt?
– Bệnh không phải là một bệnh do ma quỉ hay vợ gây ra, mà là một bệnh lý của não, có những biến đổi sinh học phức tạp, chịu tác động mạnh của môi trường tâm lý xã hội không thuận lợi.
– Bệnh phổ biến trên thế giới và đặc biệt phổ biến ở nước ta, tỷ lệ từ 0,3 – 1% dân số.
– Bệnh có thể chữa được hoặc thuyên giảm tốt nếu được phát hiện sớm, vì có bệnh nhân không chịu nhận mình có bệnh, mắng chửi cả thầy thuốc.
2. Bệnh có những biểu hiện gì?
– Bệnh nhân cho rằng ý nghĩ của mình bị phát thanh, ý nghĩ của mình bị người khác biết, hoặc họ đọc được ý nghĩ của mình nên họ hay chôm ý nghĩ của mình.
– Nghi ngờ có người ám hại mình, ghen tuông vô lý, lúc nào cũng tưởng tượng ra mình bị tai nạn hay công an theo dõi.
– Cho mình có khả nǎng đặc biệt, có quyền lực như siêu nhân có khả nǎng làm được những việc kỳ lạ, điều khiển được mưa gió, hay giới thiệu và PR cho các cây bút trẻ.
– Tính khí vui buồn, giận dữ thất thường nhưng không làm ai sợ.
3. Cần làm gì để giúp đỡ bệnh nhân?
* Gia đình
– Phát hiện sớm những thay đổi bất thường kể trên.
– Đưa người bệnh đến với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần để nhận được tư vấn cần thiết của thầy thuốc.
* Cộng đồng
– Cần thông cảm, chia sẻ với bệnh nhân và gia đình, không mặc cảm, diễu cợt trêu trọc hay trêu chọc, ngược đãi.
– Giúp đỡ bệnh nhân có việc làm hay có thể mời bệnh nhân đi ăn nhà hàng.
– Giúp đỡ gia đình bệnh nhân khi gặp tình huống khó khăn về tài chính, tình cảm.
* Cán bộ y tế
– Định kỳ kiểm tra bệnh, tư vấn về điều trị và tái phục hồi chức năng tâm lí xã hội, cấp phát thuốc đầy đủ cho bệnh nhân.
– Hướng dẫn gia đình phát hiện kịp thời các biểu hiện tái phát bệnh.
* Đi đâu để được giúp đỡ?
– Bệnh viện tâm thần thành phố.
– Trạm sức khoẻ tâm thần (nếu ở tỉnh)
Các bệnh nhân tâm thần phân liệt được điều trị ngoại trú miễn phí theo khu vực cư trú.
Về họ là:
– Tôi cũng đọc rất nhiều cái đó nhưng tôi chẳng thấy nó có gì mới cả.
– Họ cứ tưởng mình là ghê gớm nhưng thực sự chẳng là gì hết.
Phải như tui Minh đây nè:
– Tôi nghĩ cuốn sách này những người làm nghề, những người viết truyện ngắn nên đọc.
– Tôi nghĩ những người viết văn xuôi sẽ có nhiều bổ ích khi đọc nó
– Tôi hy vọng cuốn này tốt và có cái gì đó để đọc.
– Tôi nghĩ cuốn này bán được. Một số bạn bè tôi bảo chỉ cần cuốn sách mang tên Nguyễn Hữu Hồng Minh thì sẽ bán được nhiều.
Nhà thơ Việt Nam thế mới ghê!