Inrasara: KÍN, CHẤM DỨT MỘT HÀNH TRÌNH ĐỂ MỞ RA MỘT HÀNH TRÌNH KHÁC
Đọc Nguyễn Đình Tú, Kín, tiểu thuyết, NXB Văn học, H., 2010
đã đăng tạp chí Văn nghệ Quân đội, tháng 8, 2011.
Dường như sứ mạng chính của con người trên mặt đất này là nhớ…, ai đã nói thế?
Nhớ quá khứ, một quá khứ cần nhớ lại, để một lần quyết toán cho tất cả. Như quá khứ của nhân vật Quỳnh trong Kín.
Kín ghi lại hành trình tìm lại kí ức đã mất của Quỳnh. Ngay từ dòng khởi đầu…
“Quỳnh ra khỏi căn phòng tận thế với một lồng ngực sủi đầy bọt máu. Và ngay lúc ấy, Quỳnh quyết định ra đi“.
Cho đến dòng cuối cùng:
“Trong lúc anh chàng KFC còn đang ngạc nhiên trước hành động khó hiểu ấy của Quỳnh thì cô đã ôm lấy eo anh ta và bảo:
– Quay lại thôi, đã đến lúc tôi phải đi tiếp rồi!”.
Là một hành trình dài dặc, đau đớn và quyết liệt, thất thố, thất vọng và hi vọng có mặt đồng thời. Đi, không để làm gì cả, xuất phát từ một nhu cầu rất mơ hồ… “cũng có thể là một cơn đói, một bữa no, một khoảnh khắc hoảng sợ, một giấc mơ nghiến vào bánh tàu, một đêm đông lạnh lẽo, một vũ khúc quỷ thần, một bờ đê lộng gió, một mơ hồ thức dậy trong cơ thể, một khát khao tìm mẹ“…
Nhưng điều Quỳnh biết chắc là mình phải đi. Không thể không đi. Từ bỏ tất cả mọi tiện nghi vật chất, mọi yên ấm ngôi nhà, mọi ưu ái của tình cảm… Để đi. Đi, sẵn sàng đối mặt với mọi bất trắc ngoài kia.
Hành trình đi tìm “quãng kí ức” đã mất ấy được Nguyễn Đình Tú thiết kế sắp đặt qua và bằng ba tuyến kể khác nhau. Một của nhân vật Quỳnh bằng lối viết cổ điển – tác giả thượng đế: thấy tất cả, biết tất cả và nói tất cả(*); một qua nhân vật “tôi” như là một độc thoại nội tâm đẫm chất hiện đại; và một bằng nhật kí của Thanh Bình hay Bình cáy.
Ba lối kế khác nhau bằng ba giọng văn khác nhau từ ba chiều khác nhau được tác giả giấu rất “kín” các tình tiết, sự cố, tên tuổi, các biến chuyển tâm sinh lí cũng như hành tung các nhân vật để mở ra nút thắt cuối cùng ở chương cuối cùng, đủ làm thành một cuốn tiểu thuyết trinh thám hấp dẫn, cuốn hút độc giả ngồi lại từ đầu đến cuối truyện.
Ở đó, người đọc tìm thấy tình yêu lẫn tình dục, hiếp dâm và bán trinh, đĩ điếm, ma cô và má mì, du học sinh, ca sĩ hải ngoại và thị trường chứng khoán, mê tín, cúng tế với mấy trò đồng bóng, trẻ bụi đời, tội ác và hình phạt, nhà báo và vệ sĩ, bắt cóc đòi tiền chuộc và phá án,… Nói chung ở Kín có tất tần tật các thành tố tình – tiền – tù – tội làm nên thứ văn chương rẻ tiền ăn khách đang là món hàng hóa tràn lan thị trường chữ nghĩa hôm nay.
Ở đó, giữa đêm đông của tội lỗi, trong bóng tối đời sống của phận người dưới đáy xã hội, qua mấy tranh giành và đấu đá của kẻ muốn được nhiều tiền hơn,… vẫn hiển lộ tính người và tình người. Nhóm Đầu Tàu đối xử với nhau có trước có sau, có nghĩa có tình. Tình cảm của ông Mẫn với Kiên, hay Kiên với nhóm bạn qua tuyên bố đầy khẩu khí: “tớ còn phải trả hết những nợ nần của kiếp thú hoang“. Là ý hướng đẹp của một sinh phận vẫn còn chưa thoát khỏi phấn số dưới đáy xã hội. Ở Kín, ta bắt gặp những trang văn thật đẹp về con đê quê hương tuổi thơ mơ mộng. Chúng sưởi ấm lòng người, làm cháy lại hi vọng.
Còn lại, đi vào Kín, người đọc như bị đẩy vào không khí truyện “sa man” huyền hoặc đầy ám ảnh nặng nề. Nơi đó có mặt nhiều ám ảnh. Ám ảnh về và bởi mưa là một. Mênh mông mưa. Mưa như một loài ma ám nhân vật mẹ, nhân vật ông, và Quỳnh và các nhân vật khác và tác giả và người đọc khắp các trang tiểu thuyết.
Mưa từ huyền sử xa xăm mơ hồ:
“Ba ngày trôi qua với gió thổi mạnh, mưa như trút, sấm nổ vang, sét lóa mắt. Trong rừng, cây trốc gốc. Ngoài biển, sóng dâng lên tận trời. Các làng lân cận nhà bị lật đổ, đàn ông, đàn bà, trẻ em, súc vật, tất cả vừa kêu khóc vừa chạy trốn. Người và vật chết vô số. Sông ngòi đỏ ngầu vì máu“.
Mưa sang hiện thực trần trụi và lồ lộ:
“Một hôm, vào tiết đầu thu, cảnh sắc tiêu điều, giọt mưa rả rích… Đêm ấy mưa xuân rơi liên miên… Ba ngày trôi qua với gió thổi mạnh, mưa như trút… Trời đổ mưa. Trận mưa cuối đông, hơi nặng hạt và kéo dài… Mưa vẫn lóc chóc giỏ giọt ngoài phên cửa. Cơn mưa cũng vừa dứt. Trời chuyển sang màu chì. Đêm đó trời đổ mưa to “.
Mưa ở ngoại cảnh, mưa trong lòng người. Mưa suốt chương 18. Mưa lấn tận chương 21 của Kín. Mưa ướt nhòe trang giấy, đè trĩu bao phận người.
Ngoại trừ nhân vật “ông”, ông già gàn – “bắt đầu là làm thuê… tự học mà biết nói tiếng Pháp, tiếng Nhật, chữ Nho…. về quê tham gia cán bộ xã, lên làm việc ở phòng nông nghiệp huyện… bỗng dưng ông bỏ tất cả về nhà làm một lão nông” – mưa là niềm vui, một niềm vui bệnh hoạn, theo cách nhìn đời thường. “Rồi ông chờ cơn mưa đổ xuống. Mưa càng lâu ông càng thích. Ông cứ đội mưa mà đi, ngửa mặt mà đón những giọt nước trời… Ông đã trèo lên mái nhà, dỡ cả một đám tranh bằng đầu người để chui ra ngoài đày mưa“. Niềm vui ấy lại là nguyên do của nỗi đau khổ và lo lắng của mẹ Quỳnh, “mưa trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng“.
Phận người vốn nhỏ nhoi càng nhỏ nhoi hơn trong mưa. Bình cáy ghi nhật kí:
“Làm gì cũng được, chứ đừng bắt mình phải vẩn vơ suy nghĩ vào lúc trời mưa. Thảm lắm.
Bây giờ mình đang đối mặt với cơn mưa. Kiên thì tan loãng trong im lặng. Cậu ta đưa mình xuống đây, chỉ cho mình tòa biệt thự với những cụm hoa lam tường, bảo cô bé Lửa cháy từng ở đó, rồi đưa mình ra quán cà phê này, nhìn mưa.
Mưa gió tuyết sương không bao giờ là đẹp và trở nên lãng mạn đối với những kẻ không nhà“.
Với nhóm trẻ bụi đời như Quỳnh, Kiên, Hoàn,… “mưa là điều khủng khiếp nhất“. Các mảnh đời tối đen bất định nhòe dưới màn mưa mù trời đất, tan loãng trong trận mưa dầm dề, trôi dạt theo nước mưa. Càng thê lương và bất định hơn.
Trong Kín, mưa không chỉ là một dàn cảnh khéo léo cho câu chuyện tiếp diễn, mà đã trở thành một ám ảnh không dứt ra được. Mưa ám ảnh tác giả, nhân vật cho đến người đọc là chúng ta. Mưa nặng hạt làm hồn ta nặng trĩu. Mưa ảm đạm cho hồn ta thê lương thêm. Đôi lúc ta thấy hồn ta chìm tan trong mưa. Để cùng nhân vật nổi trôi khóc cười cuộc nhân thế.
Nhưng Kín chỉ có chừng ấy thôi sao?
Nguyễn Đình Tú viết Kín để tả tình, tả cảnh, hay tình lẫn và ẩn trong cảnh cùng các thủ pháp tiểu thuyết hình đan xen sự với ý định câu khách ư? – Chắc chắn là không rồi.
Bởi đằng sau yếu tố hấp dẫn của cốt truyện như chất phụ gia của tiểu thuyết, Kín bật lên những nỗi người, với bao bấp bênh bất trắc khôn lường của cõi người, những sinh phận bất định, những ước mơ không thỏa mãn, những khát vọng còn chưa có tên gọi đòi vượt thoát khỏi vòng kiềm tỏa và thao túng của ý thức duy lợi, phá bỏ mọi hợp lí, không thể lên dự án, bất khả lập trình. Nghĩa là người rất người, phàm phu quá phàm phu, nói như Nietzsche. Buộc chúng ta suy tư lại về sự tồn tại của hữu thể mang tên con người giữa dằng dặc thời gian và vô tận không gian này.
Ai đoán định được làm sao một cô gái giữa đủ đầy tiện nghi vật chất, bên người bố đáng kính, trong ngôi nhà có hoa lam tường, ở thành phố ven sông, đang là du học sinh nước ngoài, với tài khoản ATM tiêu pha thoải mái, và nếu muốn – sẽ sở hữu được người yêu tùy chọn,… đùng cái, bỏ nhà ra đi. Đi, như ma đưa lối quỷ đưa đường.
“Đi đâu? Cô cũng không biết là mình sẽ đi đâu. Chỉ biết là dứt khoát phải đi. Đi khỏi ngôi nhà của mình, đi khỏi đám bạn và những công việc quen thuộc“.
Đi, như bị đẩy tới bởi một thứ bóng ma vô thức. Không thể lí giải được. Đi đâu? Để làm gì? Tại sao? “Ý nghĩ phải ra đi xuất hiện thật đột ngột” không lường trước. Nhân vật không hiểu, tác giả không hiểu, và chúng ta độc giả cũng không hiểu. Bắt đầu với bóng ma đẩy đưa, rồi song hành cùng bóng ma: “Một bóng ma hiện ra từ nghĩa địa đang đồng hành cùng Quỳnh“. Cuối cùng chính mình trở thành bóng ma:
“Tôi đi như một bóng ma trên đường làng vào đêm sáng trăng. Bóng ma ấy không biết đi đâu về đâu, không biết đói khát và mệt nhọc, không biết trước mặt là gì và sau lưng ra sao. Bóng ma ấy cứ bước đi mà không nhận ra được mình như thế nào“.
Bóng ma là mẹ Quỳnh ở bề thẳm sâu của vô thức chiêu dụ và cuốn Quỳnh ra đi. Bóng ma là anh chàng “khuôn mặt có vết sẹo dài cùng nụ cười đểu cáng không hề là ảo ảnh” cùng Quỳnh đi ngược về quãng kí ức đã mất. Rồi bóng ma chính là Quỳnh. Bóng ma chờn vờn, thoắt hiện thoắt mất, có mà không, lại thực hơn cả người thực. Bởi chính chúng tác động không ngừng lên ý thức ta, sai khiến không thể cưỡng lại các hành động ta, ám ảnh không dứt ra được những giấc mộng ta.
Khắc khoải vừa siêu hình vừa hiện thực trong thời hậu hiện đại, là khám phá [lại] quan trọng của Nguyễn Đình Tú trong Kín, thể hiện độc đáo qua ngòi bút không thiếu chất tài hoa của tác giả đang độ sung sức này.
Nhưng con người không chỉ sống và hành động bằng vô thức, mà cả ý thức; không chỉ cảm nhận cuộc sống mơ hồ, mà từ mơ hồ làm một nỗ lực trồi lên dần hé mở về sự sáng tỏ. Đi đâu? Để làm gì? Tại sao? Từ mơ hồ, Quỳnh cũng cảm nhận và xác định được mục đích, dù “vô ích”: “Quỳnh phải tìm lại một quãng ký ức của mình“. Quỳnh đã tìm được không? – Được, có lẽ thế. Hình ảnh của và kỉ niệm với mẹ qua đó nhận ra phần số của mẹ, bộ mặt thực của bố, sự ám ảnh của ông, “có thể là nhà ga, là những thanh ray tàu, là một gương mặt của ai đó như Kiên, Hoàng, Phương, Bình…” nữa.
Nhưng tìm được để làm gì? – Không làm gì cả.
Hay nói một cách triết lí: để hiểu và từ bỏ. Như Quỳnh đã hiểu và từ bỏ, rất dứt khoát.
“Quỳnh đứng khựng lại ở đuôi thuyền. Tự nhiên Quỳnh muốn ngắm nhìn mặt biển đang lăn tăn những lớp sóng bạc. Buổi sáng ở vịnh thật đẹp. Quỳnh ngẩng đầu, xõa tóc đón nhận những ngọn gió ban mai cuối cùng thổi tới. Hoàng Gia vẫn rung lắc nhè nhẹ trong cơn ngái ngủ. Biển cả đánh thức rồng gỗ dậy quá sớm. Chào mi nhé, con rồng gỗ già nua và rệu rã! Đã đến lúc Quỳnh phải rời khỏi nơi này rồi. Bằng một hành động dứt khoát, Quỳnh quẳng chiếc túi du lịch xuống bãi đá, sau đó đưa hai tay vịn vào thành tàu mà tụt xuống. Chân vừa chạm đất, Quỳnh liền vồ lấy chiếc túi và đi như chạy về phía đồi thông.”
Sống là đẹp. Hiểu là đẹp. “Buổi sáng ở vịnh thật đẹp“. Nếu là buổi chiều cũng đẹp. Quá khứ dù bao đau khổ mất mát, vẫn đẹp. Hiện tại càng đẹp.
Dù sao nhổ bỏ một quá khứ, vứt bỏ một kí ức này đời sống lại sinh ra một quá khứ, kí ức khác. Kí ức có thể mới hôm qua hay đã chục năm trước, ngắn ngủn sát-na hay dằng dặc đời người. Vậy thì phải làm sao? Lại sống, lại làm nên kí ức, và lại từ bỏ. Cứ thế lặp lại. Nietzsche gọi đó là sự hồi quy vĩnh cửu le Retour éternel.
Hiểu là vậy, qua hành trình khổ ải, đầu óc duy lí của con người phần nào cảm nhận được sự trở lại vĩnh cữu đó, nhưng lạ, con người không nguôi nhớ nhung về một miền đất hứa. Quỳnh cũng phải “tìm lại tất cả những gì liên quan đến Hải Thành“. Hải Thành không phải là Hải Thành mới là Hải Thành, – nói như Kinh Kim Cang. Sắp đến Hải Thành, như thể sẵn sàng đặt chân lên Hải Thành rồi Quỳnh không muốn tới Hải Thành ấy nữa mà bị cuốn đi tìm một Hải Thành khác.
“Quỳnh chưa ra khỏi bãi đá thì anh chàng KFC đã đợi sẵn bên chiếc xe có gắn chiếc thùng màu đỏ quen thuộc. Quỳnh nhoẻn cười với anh ta:
– Hôm nay tôi có gọi KFC đâu?
Anh chàng nhân viên đưa hàng tỏ ra lúng túng:
– Thì… đến như một thói quen thôi. Mà đằng ấy đi đâu vậy?
– Nếu không muốn về Hải Thành thì từ đây có thể đi được đâu?
– Đi sang Quảng Thành, đi tiếp nữa thì sẽ đến Giang Thành, Ninh Thành, Tuyên Thành, Sơn Thành, Bằng Thành…
– Muốn đi Quảng Thành thì bắt xe ở đâu?
Anh chàng KFC chỉ vào chiếc xe máy:
– Lên đây đi! Mình sẽ chở ra bến xe! Đằng ấy muốn đến chỗ nào ở Quảng Thành?
– Hỏi làm gì?
– Thì… mình là người Quảng Thành mà.
Quỳnh chuyển thái độ vui vẻ. Anh ta có ý tốt với Quỳnh, chả dại gì mà từ chối.”
Chi tiết buộc người đọc trở lại sự cố xảy ra ở chương 4 , nơi lần đâu tiên Quỳnh gặp Bụi đời chúa. “Quỳnh bảo: Tôi không thích đi xe nữa. Tôi muốn ở lại đây một đêm, mai về Hải Thành cũng không sao”. Thời điểm khởi đầu cho cuộc hành trình đi tìm của Quỳnh. Cũng là hành trình của Kín. Hải Thành không phải là một địa danh thực mà là chốn lưu trú tâm linh, – một miền đất hứa không bao giờ tìm thấy. Luôn vẫy gọi ta ở phía trước. Hải Thành cũ đã chết, Hải Thành mới bắt đầu. Khởi đầu cho một hành trình mới của Quỳnh. Và là khởi đầu cho một tiểu thuyết khác của Nguyễn Đình Tú, có lẽ.
Sài Gòn, 8-6-2011